Bình luận: Dạy Một Bài Học

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Trong tháng 11 có nhiều sự kiện đáng ghi nhớ đó là ngày tổng tuyển cử TT Hoa Kỳ, ngày 8 tháng 11. Và ngày 11 tháng 11 là ngày lễ Cựu Chiến Binh, ngày tri ân các cựu chiến binh đã tham gia các trận đánh trên toàn thế giới. Và người ta cũng không quên ngày 9 tháng 11 là ngày kỷ niệm bức tường Bá Linh bị sụp đổ.
Và nếu ngày 13 tháng 8 năm 1961 dân chúng Bá Linh đã kinh hoàng khi thấy một hang rào kẽm gai do nhà cầm quyền Cộng Hòa Nhân Dân Đức dựng lên nhằm chính thức hóa việc ngăn cản làn sóng di cư tràn sang Cộng Hòa Liên Bang Đức thì ngày 9 tháng 11 năm 1989 họ cũng đã bang hoàng trong sung sướng khi bức tường Bá Linh được mệnh danh bức tường Ô Nhục sụp đổ. Và trong ngày 26 tháng 6 năm 1963, khi phát biểu ở Đức tại bức tường lịch sử này, tổng thống Hoa Kỳ John F Kennedy đã nói “Tự do có nhiều khó khăn và dân chủ không phải là tuyệt hảo. Nhưng chúng tôi không bao giờ phải dựng lên một bức tường để giữ lại những người dân của chúng tôi - để ngăn cản họ rời bỏ chúng tôi.”
Đúng vậy, một chế độ tàn ác dầu các bức tường có kiên cố cách mấy thì sức mạnh người dân vẫn làm cho nó ngã đổ. Như bức tường Ô Nhục vô hình mà Việt Cộng đã xây bằng sự độc ác, lòng thù hận từ khi chúng cưỡng chiếm miền nam ngày 30 tháng 4, 75, người dân Việt yêu chuộng tự do, dân chủ đã ào ạt xô ngã để ồ ạt tiến ra biển khơi tìm cách chạy thoát chế độ phi nhân.
Sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954, người dân miền Bắc bỏ nhà cửa ruộng vườn, đất đai di cư vào nam xa lánh chế độ Cộng Sản, họ đã được miền Nam đón chào với tình thương ruột thịt. Họ làm lại cuộc đời từ con số zero. Người miền Nam và người miền Bắc đã cùng nhau xây dựng nên một nước Việt Nam Cộng Hòa thật thanh bình no ấm. Dân chúng ấm no sung túc. Người dân thành thị có niềm vui của người thành thị, tiêu biểu là thành phố Sài Gòn đã một thời được mệnh danh “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Người dân thôn quê có niềm vui của người dân quê “Trên đồng ruộng, dưới đồng sâu, chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa”
Trong khi bên kia vĩ tuyến 17, mà cầu Hiền Lương là ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai miền, dân chúng phía Bắc do Cộng Sản cai trị cuộc sống thê thảm. Dân miền bắc không hề biết bên kia vĩ tuyến là một thế giới văn minh, mặc dù cùng tên gọi Việt Nam. Cho tới ngày 30 tháng 4 ngày được Cộng Sản xâm lăng gọi là ngày “giải phóng miền nam” thoát khỏi gong cùm kềm kẹp của Mỹ Ngụy dân miền Bắc tràn vào mới bật ngửa biết mình bị lừa thì đã muộn.
Nếu người dân Đức tôn vinh, ngày bức tường Ô Nhục bị sụp đổ ngày 9 tháng 11, thống nhất hai miền đất nước, thì người dân Việt lại nguyền rủa ngày 30 tháng 4, mặc dù chiếc cầu Ô Nhục Hiền Lương được nối lại, nhưng Việt Cộng lại dựng một bức tường Ô Nhục khác,  tuy vô hình nhưng rất kiên cố, trên bức tường là những cây giáo ngọn đinh thù hận ngăn chia ranh giới để trả thù quân dân, cán chính miền nam, và nay bức tường Ô Nhục đó vẫn còn để ngăn chia- một bên là người dân vô tội, người yêu nước,  bên kia là đám thái thú Tàu một mặt dâng đất, dâng biển cho ngoại bang, một mặt giết dân bằng những chính sách ngu muội của chúng.  Nhìn vào cách lãnh đạo, cách đối xử với người dân đang khốn khổ trong nước lũ do chúng gây ra mà  không cứu trợ và ngăn cản cứu trợ, phải chăng chúng muốn dạy cho người dân một bài học vì đã chống đàn anh Tàu Cộng của chúng?!.
Trong khi người Việt tị nạn ở khắp nơi, đồng loạt đưa bàn tay về cứu trợ cho dân chúng ở các vùng lũ lụt miền Trung  chính là bài học nhân bản đạo đức mà người hải ngoại đang dạy cho đảng Cộng Sản Việt Nam. Bài học thứ hai mà đảng Cộng Sản cần phải học là nền Dân Chủ của Hoa Kỳ. Mặc dù có bức tường quyền lực, có bức tường báo chí đứng sừng sững trước mặt cản đường, nhưng ý dân đã chiến thắng tất cả, ông Donald Trump, một thương gia, một ngôi sao truyền hình, chưa bao giờ làm chính trị đã được dân chọn làm tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Những bài học nhân bản, dân chủ này là ngọn thủy triều đang cuồn cuộn dâng cao và sẽ kéo đi bức tường Ô Nhục vô hình của Cộng Sản đã dựng lên để bảo vệ quyền lực, tiền tài mà chúng đã đánh đổi cả giang sơn để có.
Và dầu có mười bức tường Ô Nhục hữu hình hay vô hình, cũng không bao giờ có thể ngăn cản bước chân của người đi tìm chân lý tự do và quyền làm người!
Thu Nga