Bữa Cơm Chiều
Submitted by Thu Nga Do on Mon, 08/09/2010 - 22:46.
Printer-friendly version

Phạm Văn Hòa
***
Bên ngoài trời tắt nắng. Những tia nắng cuối ngày còn sót lại lơ lững trên chót vót các cây cao. Từng đàn chim bay về tổ, vài con chim con lạc đàn lượn trong sân vườn sau nhà, nô đùa trước khi trả lại khung trời cho bóng đêm. Anh lên đèn trong nhà, thắp mấy nén nhang trên bàn thờ, xong trở lại ngồi trên chiếc ghế xích đu chong chong nhìn ra ngoài cửa sân sau. Anh có cái thú ngồi trên cái ghế này mỗi buổi sáng như để chào đón bình minh, và những lúc trời chiều như để tiển biệt lúc hoàng hôn. Bàn ghế im lìm, các tỉnh vật trong nhà im ỉm. Dàn đậu đũa sau nhà nhè nhẹ lung lay. Mấy cây Tường Vi bông màu đỏ in đậm trên nền trời bắt đầu sẩm tối. Yên tỉnh quá! Không một tiếng động, anh nghe được hơi thở của chính mình, cố nén lồng ngực cho đầy hơi, thở điều hòa theo thế Yoga mà anh đọc trên net. Trời bên ngoài tối hẳn. Ánh sáng đến thật bất chợt và đi thật mau. Mưa gió cũng vậy, trời vào Hạ chỉ trong khoảnh khắc là trời đất tối sầm, mưa từ đâu ùn ùn kéo đến rồi cũng chóng tạnh. Anh quen với lối sống một mình mà anh đã sống qua hơn năm nay. Căn nhà trống lại càng trống hơn. Hôm trước có đứa bạn cùng khóa của anh đến thăm, nhìn cảnh nhà đơn chiếc nó chế nhạo: "Một mái nhà tranh với hai quả tim vàng, còn mày thì một căn nhà thênh thang với một trái tim đơn côi!". Thật ra nó đâu có hơn gì anh, vợ nó cũng mất trước vợ anh sáu tháng. Nó với anh cùng tuổi, còn vợ nó với vợ anh cũng cùng tuổi. Nó nói hễ nó làm cái gì thì anh cứ bắt chước nó mà làm theo. Anh thách là mày lấy vợ đi, coi tao có bắt chước không? Hai đứa nhìn nhau cười ha hả! Hôm đến thăm nó thắp nhang trên bàn thờ vợ anh, nó nói đủ điều, nào là hoàn cảnh hai đứa giống nhau, hồi nào còn hai "mái đầu xanh" mà nay thành hai "mái đầu bạc". Nó kể lể đủ thứ có cả năm mười phút gì đó, khi to khi nhỏ. Xong xuôi nó quay lại, nhìn anh mắt buồn thiu. Anh rót mỗi đứa một lon bia uống tươi chớ đồ đưa cay làm gì có. Nó nhắc lại lúc gần ra trường hai đứa ở cùng phòng. Để chuẩn bị cho dạ tiệc mản khóa, anh thì đi tập ca, còn nó thì được anh tập nhảy đầm cho đêm dạ hội, vì nó dễ bị nhột nên mỗi lần anh đụng vào người là nó co rúm, cười nắc nẽ. Anh nói, gần ngày ra trường tao trốn trại, trốn trường đi chơi quá xá, nói không ra tiếng, khao khao như giọng vịt đực mà ca hát cái nổi gì! Hồi tưởng lại, vậy mà đã gần năm mươi năm. Chóng vánh quá! Cuộc đời như là bóng câu qua cửa. Bây giờ thì nó đã về lại Virginia . Anh một mình ôn lại những kỷ niệm của hai đứa thời trai trẻ. Nó đánh Hạ Lào, là anh hùng Hắc Báo đánh bật Việt Cộng ra khỏi thành nội Huế Tết Mậu Thân . . . Còn anh, đời sống vẫn khiêm nhường, trầm lặng như cái tên cha mẹ đặt cho. Anh bấm mấy đốt ngón tay nhẩm tính từng giai đoạn của đời mình đã qua, và anh mơ màng nghĩ coi bao nhiêu ngày tháng còn lại anh được ngồi trên chiếc ghế xích đu này để ngắm từng ngày trôi qua khung cửa sổ. . .
Anh đứng lên. Đi lại bếp lục coi có gì để ăn, vì đồng hồ chỉ 9 giờ đêm rồi và anh thấy cồn cào trong bụng.
Trời mùa Hạ ở đây đến giờ này mới tắt nắng. Không khí bớt oi ả, nhưng tiếng máy lạnh chạy lè xè cả ngày nghe đến sốt ruột. Đứa cháu chiều nay tạt qua thăm có biếu anh mấy món đồ ăn. Anh lấy mỗi thứ một ít hâm trong microwave. Tất cả cho vào một tô nhỏ, rót cho mình ly nước lạnh, mang đến bàn ăn. Anh ăn một cách nhàm chán như làm một công việc không có gì là thích thú. Cái tô này, anh thích dùng cũng có mà tiện tay cũng có, đã chứa cơm và thức ăn hàng ngày. Trước kia, mỗi lần anh đến thăm mấy đứa con, anh bảo chúng nó là đừng ăn trong tô như vậy. Dọn thức ăn lên bàn ăn uống cho đàng hoàng, vì buổi cơm chiều sau một ngày làm việc cực khổ là để mình lấy sức, để gia đình chuyện vãn bên mâm cơm nóng, canh sốt cho nó ấm cúng. Vậy mà cả năm nay anh ăn uống kiểu này. Hoàn cảnh thay đổi quá nhiều từ khi vợ anh qua đời. Anh như chiếc bóng trong căn nhà. Ít khi nấu nướng, còn micorwave thì làm việc liên tục. Lâu lâu anh cũng nhớ không khí buổi cơm chiều khi xưa. Anh cũng dọn thức ăn, cũng chén đũa, cũng nước mắm sống có chút ớt, cũng cơm nóng xới ra từ trong nồi . . . nhưng rồi anh ăn không thấy ngon, không thấy hương vị khi ăn, không hứng thú mỗi khi cầm đũa. Anh cố khua đũa gây tiếng động lách cách như khi xưa, nhưng tiếng động như bị tan loãng trong không gian của căn phòng. Thế là anh nuốt vội cho xong bữa và . . . rồi những ngày sau đó anh lại vác cái tô ấy ra ăn mỗi buổi chiều. Có hôm đứa cháu, đứa con dâu, mang cho đồ ăn ê hề, mà anh cũng chỉ ăn qua loa. Thức ăn có ngon, nhưng dường như thiếu hương thơm của gạo, thiếu vị cay của nước mắm ớt và nhất là không có người cùng ngồi ăn chuyện vãn để bầu không khí buổi cơm chiều được đầm ấm. Anh nhớ lại những buổi ăn chiều khi vợ anh còn sống mà thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. Dạo đó anh thường tiếp vợ dọn chén, mang thức ăn ra bàn, sắp giấy ăn . . . trong khi vợ anh lo múc các món vừa nấu xong, khói lên nghi ngút. Buổi cơm chiều của người Việt chúng ta không chỉ đơn thuần là ăn để sống, để bồi dưởng sau một ngày làm việc cực nhọc, để nhâm nhi những món thích khẩu . . . nhưng là hình ảnh đầm ấm của gia đình, để bàn bạc to nhỏ đủ thứ chuyện, để cải cọ những chuyện không đâu, và để tình yêu thương gia đình được vun xới.
Anh mất vĩnh viễn những niềm vui như vầy rồi phải không? Không khí đầm ấm này chừng nào mới tìm gặp lại? Nhớ lại hình ảnh xưa khi anh còn bé, cả nhà quây quần trên phản ăn buổi cơm chiều nghi ngút khói, thật ấm cúng làm sao! Anh nhớ buổi cơm chiều ba mươi Tết cúng rước Ông Bà, khi anh chị đi làm xa cũng về tề tựu, không hình ảnh nào đẹp bằng! Anh nhớ có những khi ba anh đi làm về trể, ông xì xụp buổi cơm chiều một mình, lúc đó anh thương ba anh vô cùng! Anh nhớ những buổi cơm chiều trên đường công tác hành quân, thức ăn chỉ vỏn vẹn một trái cà chua với cá hộp, mà ăn thật ngon miệng! Anh nhớ những buổi cơm chiều ở hải đảo Mã Lai trên đường tỵ nạn, vợ con quây quần trong căn lều nhỏ, thức ăn chỉ có vài miếng khô nhỏ nhưng tình yêu thương tràn trề . . .
Anh nhớ!
Anh nhớ đủ thứ!
Anh nhớ các buổi cơm chiều mà anh đã được hưởng trong đời. Dù cơm rau đạm bạc nhưng hương vị thật đậm đà. Mỗi miếng cơm như chuyên chở theo chút tình để anh nuốt vào lòng thứ tình cảm mặn nồng của gia đình, của những người thân, của người mẹ, người cha, người chị, người anh, người em, người vợ, người con thân yêu.
Còn bây giờ, anh không còn cách nào khác hơn là cố nuốt trôi các buổi cơm chiều tẻ nhạt.
Còn bao lâu nữa anh phải sống trong cảnh này?
Còn bao lâu nữa anh còn sức để tự lo cho mình buổi ăn chiều, dù chỉ vỏn vẹn trong tô như hôm nay?
Cuối cùng rồi anh cũng xong buổi cơm chiều hôm nay. Trời bên ngoài tối hẳn. Tỉnh vật vô tình quá đi thôi, nên anh không thể san sẽ những gì chất chứa trong lòng. Căn phòng trống vắng, im lặng. Tiếng dép anh đi lẹp xẹp nghe rõ mồn một trong sự yên tỉnh của căn nhà. Anh cố gây tiếng động, rán ho để nghe chính tiếng của mình, để biết mình còn hiện hữu. Anh lần mò ra bàn viết. Ngọn đèn trên bàn học đủ sáng để anh đủ nhìn thấy hai bàn tay mình trên keyboard của máy computer ghi lại những cảm nghĩ vừa thoáng qua trong đầu. Bên ngoài ngọn đèn đường trước nhà soi rọi ánh sáng vàng vọt như cố xuyên qua màn đêm dày đặc. Trong này, ưu tư vây chặt anh đến nghẹt thở, như bóng tối bao quanh anh mỗi khi đêm về . . . Anh uống ngụm nước, cho trôi miếng cơm chiều như còn nghèn nghẹn trong cổ họng và cố nén những ưu tư khắc khoải vào lòng./.
Phạm Văn Hòa
n/a
»
- Login to post comments
Printer-friendly version