Bình Luận: Sau Vụ Án Cù Huy Hà Vũ

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Thưa quý thính giả,
Phiên toà xử luật sư Cù Huy Hà Vũ đã qua hơn 10 ngày, nhưng cơn tác động hậu chấn có vẻ còn tiếp tục kéo dài.
Ngay trước khi phiên toà khai diễn, dư luận mọi giới đều khẳng định mục tiêu chủ yếu mà chính quyền Hà Nội nhắm tới là vận dụng phiên toà như một lời cảnh báo đối với mọi ý đồ chống đối xuất phát từ dân chúng. Nói một cách cụ thể thì chính quyền Hà Nội muốn trực tiếp đe doạ những người bất đồng chính kiến là hết thẩy sẽ bị trừng trị thẳng tay để phải sợ hãi mà ngậm miệng cúi đầu trước mọi hành vi cùng các mệnh lệnh xuất phát từ tập thể đương quyền. Vì thế, trong ngày khai diễn phiên toà đã có sự biểu dương ý chí bằng một lực lượng hàng trăm công an bên cạnh một đám đông xã hội đen sẵn sàng cho mọi hành động. Cũng cùng ý hướng đó, quan toà đã chứng tỏ thái độ bất chấp các thủ tục luật pháp, ngang nhiên tiến hành xét xử bằng cách không cho cả can phạm lẫn luật sư được lên tiếng. Mọi diễn biến kể như hoàn toàn đáp ứng đúng dự tính của chính quyền là bản án đã được công bố đồng thời với sự bắt giữ hàng loạt người tập trung trước toà án, đặc biệt là những nhân vật bất đồng chính kiến quen tên với đám đông.
Thế nhưng mọi sự việc lại có vẻ đang gióng lên một tiếng nói mà tập thể đương quyền không hề mong đợi.
Trước hết là mức độ tràn lan của dư luận quốc tế đối với phiên toà vượt xa mọi dự kiến. Có thể nói không sợ lầm rằng đây là một phiên toà đặc biệt cuốn hút sự lưu tâm của mọi giới từ khắp mặt địa cầu và đã được ghi nhận như một tấn tuồng quái đản.
Ngay khi phiên toàn vừa chấm dứt, đại diện truyền thông Âu Châu và phóng viên hãng AP là những nhà báo được phép theo dõi phiên toàn từ một phòng kế cận đã chuyển đi bản tin với lời phát biểu là vừa được thấy “một phiên toà hoang dã đạt mức kỷ lục về phi pháp” với các sự kiện như “xét xử chớp nhoáng, bị cáo không được bào chữa một câu nào, luật sư có 4 người đều bị câm như hến, tuyên án rất nặng mà không hề dẫn giải tại sao lại xử như thế …” Bản tin với những ghi nhận này đã được nhiều tờ báo nổi tiếng tại Đức, Anh, Pháp, Hoa Kỳ … loan truyền khắp thế giới.
Trong khi đó, trưởng phái đoàn EU đưa ra bản tuyên bố chính thức có sự tán thành của tất cả đại sứ các quốc gia thành viên EU tại Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về phiên toà, bởi “việc buộc tội không phù hợp với quyền cơ bản của con người về quyền biểu đạt ý kiến một cách tự do và ôn hòa theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Điều 19 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị ICCPR mà Việt Nam đã tham gia.” Bản tuyên bố còn nhấn mạnh “một quan ngại lớn nữa của EU là việc bắt giữ nhiều cá nhân trong số người tìm cách quan sát phiên tòa một cách ôn hòa” và theo quan điểm của EU thì “Việt Nam sẽ khó phát triển bền vững nếu việc biểu đạt một cách ôn hòa về các vấn đề quan trọng đối với tương lai của người dân và đất nước bị đàn áp.”
Nhận định về việc Việt Nam vi phạm điều 19 Công Ước Quốc Tế và Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng được nêu ra bởi ba tổ chức trực thuộc Liên Hiệp Quốc có trụ sở ở Paris và Geneve là Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền FIDH, Tổ Chức Quốc Tế Chống Tra Tấn OMCT và Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam trong một văn thư chính thức gửi Cao Uỷ Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Văn thư báo động về “tình trạng phi pháp tại Việt Nam”, diễn tả phiên toà là “một trò hề chính trị mang tính nhạo báng công lý” và yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp đòi trả tự do tức khắc cho luật sư Cù Huy Hà Vũ. Đây cũng là đòi hỏi đã được nêu lên bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Quốc Hội Đức cùng nhiều tổ chức quốc tế khác như Amnesty International tại London, Human Rights Watch tại New York …
Chính quyền Hà Nội tổ chức phiên toà để tô vẽ màu sắc thượng tôn pháp luật cho chế độ nhưng kết quả thu về là một kết quả thảm hại.
Nếu gạt qua hết thẩy mọi phản ứng quốc tế đã nêu mà chỉ ngưng lại với riêng lời diễn tả từ một blogger tại Australia đặt tên phiên toà là “phiên toà kangourou” đã thấy hết thực chất tác động hậu chấn của phiên toà ra sao.
Tuy nhiên, ý nghĩa đáng kể hơn hết trong cơn hậu chấn của phiên toà phải kể là những việc đã và đang diễn ra tại Việt Nam.
Tính tới hôm nay, phiên toà đã qua đi hơn mười ngày, nhưng tại nhiều nhà thờ, nhiều chùa chiền từ Nam ra Bắc vẫn liên tục kéo dài những buổi lễ cầu nguyện cho các nạn nhân bị hành hung, ngược đãi khi tìm tới theo dõi phiên toà và đòi hỏi tự do cho những người bị bắt giữ…Tập thể đương quyền muốn mọi người dân coi phiên toà là một ngọn đòn cảnh cáo để cúi đầu khuất phục, nhưng đã khiến nhiều người dân thấy cần phải ngẩng cao đầu và đứng thẳng dậy trong tư thế sẵn sàng chấp nhận mọi hiểm nguy.
Chứng cớ không chỉ là những đám đông hàng ngàn tín đồ các tôn giáo khác biệt nối nhau kéo đến các nhà thờ, các chùa chiền để biểu lộ sự bất bình trước chính quyền mà còn là sự công khai lên tiếng qua một bản kiến nghị mang ngót 500 chữ ký của đủ mọi thành phần nói thẳng với giới lãnh đạo chính quyền Hà Nội là “cần huỷ vụ án và trả tự do ngay cho luật sư Cù Huy Hà Vũ.” 
Càng có ý nghĩa hơn là trong số ngót 500 người ký tên vào bản kiến nghị đã có rất nhiều người liên hệ mật thiết với chính quyền như từng là viên chức trong các cơ quan hoặc là người trong quân đội kể cả những người đang mang cấp tướng. Bản kiến nghị nêu nhận định phiên toà đã “bôi xấu hình ảnh của nền tư pháp”, vì “vi phạm luật tố tụng hình sự, không đảm bảo quyền được bào chữa của bị cáo", và đặc biệt là “Cù Huy Hà Vũ chỉ thể hiện thiện chí của một công dân muốn góp phần xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, phát triển, bảo vệ độc lập và chủ quyền, là những ý kiến nên được xem xét, thảo luận hơn là dập tắt hay trừng trị.”
 Một viên chức có 40 năm tuổi đảng, hiện là Phó Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Sài Gòn phải thú thực là “rất xấu hổ” về “phiên toà trơ trẽn.” Theo viên chức này, rất nhiều bạn bè cũng như đồng chí cũ của ông đều phẫn nộ trước chủ trương trấn áp người dân bằng bạo lực và những lời lẽ dối trá trái ngược với thực tế. Vì vậy, viên chức này đã ký tên vào bản kiến nghị vì cho rằng không thể do sợ hãi mà ngậm miệng mãi để sẽ bị xô xuống vực thẳm.
Sự việc không chỉ biểu hiện lời đe doạ bất thành của chính quyền Hà Nội mà chính là hiệu báo tương lai của chế độ theo đúng cảnh giác do một blogger đã đưa ra là không thể tự bảo vệ bằng các hành vi như hiện nay. 
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
 Uyên Thao