Truyện Ngắn: Xuân Trên Cây Ngọc Lan

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Hoa Hoàng Lan
 
 
Phố Cổ Hội An đất đai chật hẹp, nhưng nhà của dân cư thì rộng mênh mông! Mỗi ngôi nhà thường chiếm khá nhiều diện tích của phố Cổ. Có những ngôi nhà nối dài ra đến con đường đằng sau, nghĩa là cửa trước của ngôi nhà mang số và tên một con đường, nhưng cửa sau lại mang số và tên một con đường khác.
 
Ngôi nhà mà Vân muốn nói đến đây là một biệt thự khá đặc biệt, vì tuy cũng nằm trên một khu đất rộng, nhưng nó không quay mặt ra đường, mà hai căn nhà quay mặt lại với nhau, giữa hai căn nhà là một khoảng sân rộng có thể đậu được hai chiếc xe du lịch, hông nhà ngăn cách với lề đường là một bức tường gạch. Căn nhà chính xây trên một nền cao, với năm bực cấp bước lên một hành lang ngắn trước khi vào nhà. Đối diện nó là căn phụ nền thấp hơn, với nhà bếp rộng rãi, ngoài nhà bếp và đồ gia dụng, còn kê thêm tấm phản để các bà làm bếp ngả lưng khi mỏi mệt, hoặc đánh vài ván bài tứ sắc, xì lát cho vui công việc. Cạnh đấy còn một căn phòng trống để xe đạp, xe honda, giầy dép, nón mũ đủ thứ hầm bà lằng như một nhà kho, nhưng được sắp xếp có thứ tự.
 
Bức tường ngăn cách lề đường với nhà được xây thấp ngang đầu người, giữa hai bức tường là hai cánh cổng sắt nặng nề, lúc nào cũng mở rộng. Sau cánh cổng, dưới chân hai bức tường là một bồn cao trồng những cây hoa như ngâu, sói, dạ lý hương, lài và một cây ngọc lan đầy những nụ hoa trắng muốt, thơm ngát.
 
Chủ nhà gồm hai vợ chồng công chức với hai cậu con trai đang tuổi mới lớn và một bà quản gia. Ngoài hai buổi đi làm, họ sống khép kín, ít tiếp xúc với ai. Ngoại trừ những ngày lễ hay thứ bẩy, chủ nhật, thỉnh thoảng bạn hữu đến thăm, căn nhà rộn lên những tiếng nói cười, nhà trên nhà dưới tấp nập những bước đi vội vã xuống, lên. Còn lại là những ngày êm ả, hai cậu con trai đi học về, cũng chỉ ở trong nhà, hoặc phóng xe đạp, lao vút từ sân ra đường. Rồi tất cả lại im lặng, trả cho ngôi nhà sự yên tĩnh thường nhật.
 
Vì cây ngọc lan nhiều hoa và thơm quá, hấp dẫn những cô bé học trò tiểu học thích hái hoa dọc đường. Các cô bé công kênh nhau lên, cô nọ ngồi trên cổ cô kia, và níu cành, kéo lá, hái cho được vài búp hoa trắng như sữa để cài lên tóc, hay bỏ vào túi áo ngực xinh xinh, để mỗi bước đi, mùi hoa ngọc lan thoang thoảng tỏa ra. Có cô còn bạo gan, nhờ bạn công lên, níu những lỗ hổng gạch xây trên tường, đu mình trèo lên, ngồi vắt vẻo trên bờ tường, kéo cành lá đầy những hoa, hái say mê và thả xuống những chiếc mũ của các bạn đang mở ngửa ra bên dưới. Lúc này, người lớn đi vắng, hai cậu con trai học đàn trong nhà, bà quản gia đang bận việc bếp, không ai biết rằng có kẻ đang hái trộm hoa. Cũng có những người lớn thích hoa, kiễng chân, vít cành, hái vài búp hoa bỏ trong túi áo. Vả lại, bà chủ nhà thường nói:
“Để cho người ta hái bớt đi, cho hoa khác có chỗ nở. Nhưng cẩn thận kẻo trẻ con chúng nó ngã thì khốn. Nếu được, chị Thắm cho đám trẻ đó vào tận trong nhà mà hái cho chúng nó một ít. Tội nghiệp! Con gái học trò, đứa nào mà chả thích hoa.”
Rồi bà cười thật tươi, vui vẻ pha trò:
 
 
“Biết đâu trong đám con gái hái hoa đó, lại có đứa có duyên làm dâu nhà này. Khi đó tha hồ bắt chồng nó hái hoa cho nó chơi.”
Bà Thắm bật cười:
“Mợ cứ nói thế. Đã có chồng rồi, đứa nào còn thích chơi hoa nữa.”
“Chị sai rồi, chị Thắm ơi. Đứa nào thích hoa, nó sẽ thích cho đến chết, chứ không phải có chồng rồi, quên hết những thú vui hồi nhỏ đâu.”
Một năm, vào một buổi chiều gần Tết, một cô bé thật xinh trong bộ đồng phục nữ sinh váy xanh, sơ-mi trắng, lấp ló ngoài cửa. Tuấn vừa đi học về, đứng trên bậc thềm cao trông thấy cô bé, vội chạy như bay xuống nhà bếp, khẽ thì thào với chị Thắm:
“Bác Thắm này, có đứa con gái muốn hái hoa ngọc lan đấy. Bác hái nhiều cho nó đi nhé! Con bé này đẹp như búp bê ấy!”
Chị Thắm bước ra, đưa tay dắt cô bé đang ngập ngừng muốn trốn. Nhỏ nhẹ, chị cúi sát xuống cô bé và hỏi:
“Ai đây? Muốn gì thế này?”
Đưa cánh tay xinh, cô bé chỉ những bông hoa ngọc lan đang nở trên cành, bên những lá mầu xanh lục mướt mượt:
“Bà cho cháu xin mấy cái hoa ngọc lan, để cô giáo làm hoa cài tóc múa Tất Niên ở trường.”
Có tiếng cười khúc khích của Tú. Tuấn níu áo em, đưa tay lên môi ra dấu bảo em im lặng và cả hai thụt lại sau cửa bếp để theo dõi chị Thắm hái hoa cho cô bé. Mãi khi chiếc mũ của cô bé được khá nhiều hoa, cô bé cảm ơn chị Thắm, thì Tuấn mới bước ra, bảo nó:
“Ngày mai muốn có hoa nữa, rủ các bạn đến đây... anh hái cho nhé! Bên trường Nữ làm Tất Niên muộn hơn trường Nam của anh đấy.”
Con bé mắc cỡ, đáp lí nhí:
“Dạ, em đủ rồi.”
Tuấn ân cần:
“Mai em rủ bạn lại đây. Anh hái cho mỗi em một... rổ hoa ngọc lan.”
Cô bé vẫn lí nhí:
“Mấy đứa bạn hái hoa bông giấy rồi. Cô giáo bảo mỗi em hái một thứ hoa khác nhau cho đẹp.”
Nhưng Tuấn vẫn giao hẹn:
“Nếu có bạn nào thích, em đưa bạn đến, anh hái nữa cho nghe.”
Con bé “dạ” thật ngoan và chào ra về.
Hôm sau, Tuấn chạy vội vào nhà, chất vấn chị Thắm:
“Sao? Đến hôm nay mà bác vẫn chưa biết tên cô bé cơ à? Bác là đàn bà, hỏi tên nó dễ ợt mà không dám hỏi. Chán bác quá!”
Chị Thắm cười tủm tỉm:
“Mà Tuấn cho bác cái gì chớ? Khi không bắt “người ta” hỏi tên “người ta” không được, rồi kiếm “người ta” gây lộn kìa? Sao Tuấn không hỏi, mà lại bắt bác Thắm hỏi?”
Tú ghẹo thêm:
“À, anh Tuấn mà hỏi, bảo đảm là cô bé đó “nghỉ chơi” với cây ngọc lan nhà mình cho coi. Khi đó, chắc bác Thắm và anh Tuấn hái hoa ra chợ ngồi bán đó.”
Tuấn cáu kỉnh nạt em:
“Dẹp mày đi, Tú ơi! Tao mà bán hoa, chắc má cho mày đi đạp xe xích lô quá!”
“Chi vậy?” – Tú nhướng mắt, ngạc nhiên hỏi, vì hồi nào tới giờ cậu bé có nghe ai hăm dọa cho "đi đạp xe xích lô” đâu hà?
“Thì có chi nữa mà hỏi? Tú đạp xe xích lô để chở bác Thắm và Tuấn đem hoa ngọc lan ra chợ bán mà!” Chị Thắm cười tươi như hoa, vội giải thích cho Tú... tức chơi.
Tú chợt hiểu. Cậu bé giẫy nẩy và vùng chạy, thu hai tay đấm liên hồi vào bức tường trước mặt. Rồi như khóc, Tú giậm chân, la lên đong đỏng:
“Không chơi với bác Thắm nữa. Bác về phe anh Tuấn, bắt Tú đi đạp xe xích lô nghe. Mách má cho coi!”
Tú chạy lên nhà trên. Chỉ một lát sau, tiếng đàn vụng về của người đang học đàn vang khắp nhà. Còn lại hai người, Tuấn ghé sát tai chị Thắm, năn nỉ:
“Cháu biết bác Thắm biết mà. Tú chạy lên nhà đàn rồi. Bác Thắm nói đi, nói cho một mình cháu nghe thôi. Cô bé tên là gì hở bác Thắm?”
“Tên là... là gì đó, quên rồi.”
“Bác giả bộ cho cháu năn nỉ chứ gì? Bác xấu lắm.”
“Không phải. Tên cô bé là... là... “
“Là chi?” Tuấn nói như hét vào tai chị Thắm.
“Ừ, là... là Kim Chi!”
“Thật không? Bác Thắm thề đi! Thề ra giếng Bá Lễ bị té lọi giò này!”
“Tuấn! Không được nói bậy nghe không? Ít hôm nữa qua năm mới, nói bậy bạ bị phạt đó. Ai nói láo làm chi. Cô bé tên là Kim Chi thật mà...”
 
oOo
Nhiều mùa Xuân đã phôi pha trên vạn vật và trên cây ngọc lan. Những búp hoa trắng muốt vẫn nở, sau khi phả hương thơm cho đời rồi tàn, cánh hoa vương vãi đó đây. Tuấn và Kim-Chi thân thiết nhau như hai anh em. Tuấn rất thích cô bé, ngược lại, Kim-Chi rất “ngưỡng mộ” Tuấn, vì Tuấn học rất giỏi, chàng dạy Kim Chi nhiều điều và chàng rất chiều chuộng cô bé.
 
Cô bé Kim-Chi vén vạt áo dài, nghiêng mình ngồi sau chiếc xe Vespa của Tuấn. Máy xe nổ thật êm. Khẽ vịn tay vào nệm ghế của Tuấn, mắt Kim Chi dè dặt liếc lên ngôi nhà chính, mà cô bé biết chắc rằng sau tấm màn voan, thế nào cũng có đôi mắt đẹp của bà mẹ Tuấn nhìn theo.
 
Tuấn quay lui, nhìn kính chiếu hậu để thấy dáng ngồi thât đẹp của Kim Chi. Dưới nhà ngang, chị Thắm lén nhìn theo và trầm trồ khen con bé càng lớn càng đẹp. Chị dặn vói theo:
“Chở Kim Chi đi chùa Tỉnh Hội, rồi xuống chùa Sư Nữ nghe Tuấn. Nhớ hái lộc đầu năm.”
Tuấn nhìn chị, nheo mắt và trước khi cho xe rời khoảng sân rộng ra đường, chàng quay đầu nói vừa đủ cho Kim Chi nghe:
“Ai dại gì đi chùa giờ này, Kim Chi nhỉ? Đông như kiến. Chen chân cho mệt. Mình đi xa xa một chút, về hướng Hỷ Thần nghe em.”
Cô bé Kim Chi nhỏ nhẹ:
“Tùy anh, nhưng đừng đi xa quá. Mẹ la.”
“Ngồi chắc nghe em. Anh chạy chậm thôi.”
Chiếc xe lướt nhẹ trên mặt đường. Tuấn lách tránh những ổ gà để xe khỏi xóc, làm cho Kim Chi ngồi phía sau cũng uốn người theo động tác lạng lách của Tuấn. Ra khỏi thành phố, Tuấn cho xe chạy chậm lại. Chàng tìm bàn tay Kim Chi và nói qua tiếng gió bạt:
“Vòng một tay quanh anh cho chắc chắn. Đường ngoại ô xấu.”
“Thôi. Em sợ lắm.”
“Có ai thấy đâu nào?”
 
Nhiều chiếc xe chạy nhanh và qua mặt xe Tuấn, luôn có những cái đầu quay lại nhìn theo hai người. Tuấn biết dáng ngồi thanh gọn với tà áo dài mầu sắc của Kim Chi, đã gây chú ý cho những người đi đường.
 
oOo
 
Chiến tranh đã chia cắt Tuấn và Kim Chi, đã ném chàng từ đời sống dân sự vào đời sống quân sự. Cô giáo Kim Chi ra trường sư phạm cũng đổi đi thành phố khác. Họ xa nhau trong đời sống, nhưng lại rất gần nhau trong tâm linh, qua thư tín, qua hệ thống quân bưu chậm như rùa. Chưa ai ngỏ lời, nhưng hình như Tuấn không thể thiếu Kim Chi, hay nói cho đúng hơn, chàng không thể thiếu những lá thư của cô bé. Kim Chi thu xếp giờ dạy để hưởng những ngày về phép vội vàng của Tuấn. Hai người không thể không có nhau trên Phố Cổ. Hối hả và vội vã, đó là hai nét đặc biệt của Tuấn và Kim Chi khi gặp nhau. Cây ngọc lan bây giờ to lớn như một cây cổ thụ. Thân cây nuôi những lá cây mầu xanh lục và láng bóng như được thoa dầu. Hình như cây vẫn ra đầy hoa. Những cánh hoa trắng muốt mầu sữa rụng rơi trắng dưới gốc cây. Trẻ con vẫn hái hoa. Hương thơm của hoa tiếp tục mời gọi những cô bé học trò khác.
 
Tiếng súng ngừng, hết chiến tranh khi miền Bắc vào xâm chiếm miền Nam. Hòa bình đã chia lìa Tuấn và Kim Chi tàn bạo, khốc liệt hơn. Họ chưa kịp nói câu yêu nhau thì Kim Chi đã xuống tàu di tản cùng cha mẹ. Tuấn chờ đợi Kim Chi mỏi mòn hết một Tháng Tư Đen, để rồi kẹt lại và hòa bình đã vất chàng từ đời sống chiến binh vào đời sống tù binh, giam chàng vào một trong những nhà tù mọc lên khắp hai miền Nam, Bắc của đất nước.
 
Tuấn mất liên lạc với người bạn lòng thân thiết, người tri kỷ dấu yêu Kim Chi từ đấy.
 
Chàng sống những tháng năm dài đen tối trong ngục tù thân xác, cùng với nỗi mất mát lớn lao tình cảm vì thiếu vắng Kim Chi!
 
oOo
 
Giữa những ngày cuối năm, hương Xuân đã thoang thoảng trong đất trời. Chỉ là hương của trời đất mà thôi, còn vạn vật thì chẳng tìm đâu ra nét Xuân. Phố Cổ không hoa, không đèn. Người người vẫn nón lá, đạp xe đạp với quần áo bạc mầu, bên nếp sống tất bật để mưu sinh, quên cả mùa Xuân sắp về.
 
Một thiếu phụ tay dắt con, ngơ ngác trước ngôi biệt thự đặc biệt trong khu vực, vì tuy cùng nằm trên một khoảng đất rộng, nhưng nó không quay mặt ra đường, mà hai căn nhà quay mặt lại với nhau, giữa hai căn nhà là một khoảng sân rộng có thể đậu được hai chiếc xe du lịch, hông nhà ngăn cách với lề đường là một bức tường gạch. Căn nhà chính xây trên một nền cao, với năm bực cấp bước lên một hành lang ngắn trước khi vào nhà. Đối diện nó là căn phụ nền thấp hơn.
 
Thiếu phụ rúng động nhìn ngôi biệt thự xưa với tường vôi loang lổ. “Có lẽ đến cả hàng chục năm, hai bức tường và toàn thể ngôi nhà không được sửa sang hoặc quét vôi. Chả bù ngày xưa, hằng năm cứ đến tháng Chạp, người ta cạo tường, quét vôi, thay cho ngôi nhà một lớp áo mới, sáng sủa, đẹp đẽ để xóa hết những tàn phá của thời gian, dẫu chỉ sau gần bốn trăm ngày. Còn bây giờ...” Nàng sững sờ nhìn cây ngọc lan vẫn ngạo nghễ khoe những búp hoa như ngày xưa nàng đến với nó. Cũng như con người, thảo mộc cũng chịu sự ghét ghen của thời gian, nhưng sao cây ngọc lan vẫn tươi tốt và cho đời những nụ hoa thơm ngát? Bây giờ cây đã già, với gốc to và sần sùi, nhưng có lẽ nhiều phen bị đốn chặt, để không thể cao ngất trời xanh, nên cây không cao lắm, mà lại mọc thêm những nhánh mới, xanh tươi và hớn hở vươn búp non, lộc mới để đón chào mùa Xuân sắp về với vạn vật. “Ước gì con người cũng có thể thích ứng được với hoàn cảnh sống như thế nhỉ? Dẫu cho vật đổi sao dời, dẫu cho ai còn ai mất, cây ngọc lan vẫn Xuân rất Xuân!”
 
Hai cánh cửa sắt nặng nề hoen rỉ, hình như lâu ngày không đóng mở, đã trì trệ xuống sân và nghiêng một bên. Nàng ngập ngừng bước vào bên trong. Sau cánh cổng, một người đàn ông đầu đội chiếc mũ “phớt” cũ mèm, một tay đang đưa một ống tròn bằng kim loại, mài giũa chiếc ruột xe đạp trên tay kia. Bên cạnh ông là một thau nhôm méo mó, đựng một thứ nước đục lờ nhờ và quanh đấy, vài vật dụng để sửa chữa xe đạp. Thấy thiếu phụ bước vào, người đàn ông thả ống giũa kim loại vào thau nước và hỏi:
“Bà cần gì ạ?”
Ông ta ngạc nhiên nhìn quanh, vì không thấy chiếc xe đạp nào cần sửa. Chỉ là một phụ nữ lạ và một đứa bé. Kim Chi nhìn trân trối người đàn ông để tìm một nét quen. Khuôn mặt già nua và méo mó của người đàn ông hoàn toàn xa lạ với nàng. Nàng gợi chuyện:
”Ông... Tôi không sửa xe đạp... Tôi muốn hỏi thăm... “
“Bà hỏi ai ạ?”
“Tôi muốn hỏi phải nhà này có chị Thắm và...”
Người đàn ông thoáng giật mình. Đôi môi rung động và đôi mắt chớp chớp.
“... và... chủ nhà là ông Tuấn và ông Tú không?”
“Tôi mới đến đây vài năm. Khu này, kẻ đến người đi, bây giờ Phố Cổ toàn người từ xa mới đến. Bà có hỏi cũng chẳng ai biết đâu.”
 
Kim Chi đưa đôi mắt tuyệt vọng nhìn quanh ngôi nhà một thời kỷ niệm của người yêu dấu. Người đàn ông xót xa khi nghe nàng thở dài não nuột. Nàng chào ông, rồi thẫn thờ dắt con đi.
 
Dừng chân vào một tiệm mì Quảng bên đường, thiếu phụ gọi cho mình và con hai tô mì. Nàng vẫn chưa quên những gì vừa thấy trong sân ngôi nhà của Tuấn. Nàng gợi chuyện hỏi thăm và được chủ tiệm mì, một cư dân kỳ cựu của Phố Cổ ngậm ngùi cho biết:
“Tan nát tất cả. Ông bà chủ nhà và ông Tú vượt biên không có tin. Ông Tuấn đi tù cải tạo và bị trâu húc vào mặt, làm cho dung mạo biến dạng, khó nhận ra lắm. Căn nhà bị nhà nước lấy cho cán bộ ở rồi. Người ta cho ông ấy ở cái chái phía sau chợ.”
 
Thiếu phụ vừa nâng tô mì ngang miệng, đã vội hạ xuống. Nàng cắn chặt môi, ngăn một tiếng nấc. Nàng biết người đàn ông ngồi vá ruột xe đạp đó là ai rồi. Không những nàng biết họ, biết tên của ông ta, mà còn biết cả ngày tháng năm sinh của ông nữa. Chờ cho con ăn xong, nàng vội vã dắt con quay lại chỗ người đàn ông vá ruột xe, vừa đi vừa khẽ gọi, thảng thốt như người nằm mơ:
“Tuấn ơi! Anh Tuấn ơi! Anh Tuấn không nhận ra em hay sao? Kim Chi đây này! Anh Tuấn ơi!”
 
Nàng kinh ngạc, đứng chết trân nhìn khoảng sân xi măng ướt loang lổ. Một dòng nước đen ngòm chẩy ngoằn ngoèo và người đàn ông đã dẹp đồ nghề, biến đâu mất rồi.
 
Đúng hẹn, buổi chiều xe đưa nàng và con rời Phố Cổ. Nàng sẽ trở lại Saigon để về Mỹ trong vài ngày tới, trước khi mùa Xuân về.
Nàng biết rằng sẽ không bao giờ có dịp gặp lại Tuấn nữa.
 
Hoa-Hoàng-Lan
n/a