Thưa quý thính giả,
Dù không cường điệu hoá, nhiều chuyên gia về thời cuộc đã diễn tả tình hình tại Ai Cập như một cơn sóng thần đang cuồng nộ dâng cao quanh các chế độ cực quyền, đặc biệt là tại các quốc gia vùng Trung Đông. Đây là điều được nhắc đến ngay khi nổ ra cuộc xuống đường của dân chúng Tunisia lật đổ tổng thống Ben Ali cầm quyền từ năm 1987 với chủ trương thẳng tay đàn áp những người chống đối. Chủ trương này giúp Ben Ali ngồi vững suốt 23 năm nhưng cuối cùng vẫn xô ông ta vào thế phải đào tẩu ra nước ngoài và đang ở tình cảnh có thể bị giải giao trở lại Tunisia để ra toà do các tội ác đã phạm.
Biến cố Tunisia được đặt tên là cuộc Cách mạng Hoa Lài và nhiều chuyên gia dự đoán hương thơm Hoa Lài sẽ lan qua nhiều quốc gia khác trong vùng. Dự đoán đã được chứng minh bằng các cuộc biểu tình rầm rộ hiện nay của dân chúng Ai Cập đòi tổng thống Mubarak từ chức. Điều được giới quan sát đặc biệt ghi nhận là thái độ nhát sợ vốn có của người dân Ai Cập trước lực lượng cảnh sát. Chính vì thế, tổng thống Mubarak đã 83 tuổi và cầm quyền tới 30 năm vẫn dự tính sửa đổi Hiến Pháp để tiếp tục giữ ghế và còn chuẩn bị đưa con trai lên kế vị. Thế nhưng, bỗng dưng người dân Ai Cập ào ạt xuống đường hô vang các khẩu hiệu đả đảo, đòi tổng thống Mubarak phải từ bỏ chức vụ. Cảnh sát Ai Cập vẫn được lệnh bắn giết và bắt giữ người biểu tình, nhưng thái độ nhát sợ đột nhiên biến mất trong dân chúng đã đặt lực lượng cảnh sát vào thế hoàn toàn bất lực.
Dù tình thế chưa hoàn toàn ngã ngũ nhưng đã có nhiều báo hiệu phần thắng đang nghiêng về phía dân chúng. Trước hết là tập thể quân đội đã lên tiếng tôn trọng quyền phát biểu của người dân và cụ thể hơn là chính tổng thống Mubarak đã tuyên hứa rời khỏi chức vụ vào tháng 9 sắp tới. Bên cạnh đó là thái độ của các quốc gia như Hoa Kỳ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ… khuyến cáo tổng thống Mubarak nên thực hiện chuyển giao quyền hành nhanh chóng và êm ả. Nhìn chung, tình hình đã báo hiệu ý thức về dân chủ tự do và thái độ bất khả nhượng bộ bạo lực của người dân tại vùng đất vẫn được kể là đất hứa của các chế độ cực quyền. Sẽ không có gì lầm lẫn khi nói đây là dấu hiệu tích cực và có ý nghĩa đặc biệt trong nỗ lực vươn lên của ước nguyện giành đoạt cuộc sống đúng nghĩa của con người. Dấu hiệu này càng đáng kể hơn khi tin tức cho biết hiện đang nổ ra các cuộc biểu tình tương tự tại Jordan, Syria, Yemen…và ngày 2 vừa qua, tổng thống Yemen đã phải chính thức thông báo từ bỏ ý định ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Tuy nhiên, trước triển vọng hứa hẹn tin lành cho ý hướng dân chủ tự do đó, nhiều người đã nghĩ tới một hệ quả có thể không may cho vùng Đông Nam Á, đặc biệt là đối với Việt Nam, vì cho tới nay, ghi nhận của giới quan sát quốc tế vẫn luôn đặt Việt Nam trước hai hiểm hoạ nặng nề.
Hiểm hoạ thứ nhất là hệ thống chính trị áp chế mà đảng Cộng Sản Việt Nam quyết liệt theo đuổi qua chủ trương tước đoạt tận cùng mọi quyền tự do căn bản của người dân. Hậu quả của sự trạng này là người dân Việt Nam bị vùi dập trong cuộc sống ngục tù ngột ngạt cùng cực về tinh thần, trong khi xã hội lâm cảnh thoái hoá, phá sản nặng nề về mọi lãnh vực sinh hoạt từ kinh tế đến giáo dục.
Hiểm hoạ thứ hai là viễn ảnh nguy vong của đất nước trước chủ trương bành trướng bá quyền của chế độ Bắc Kinh. Trên thực tế, Việt Nam đã bị chiếm đoạt một phần lãnh thổ phía Bắc giáp ranh Trung Quốc trong khi toàn bộ Biển Đông gần như cũng do Trung Quốc kiểm soát trong đó toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm giữ.
Theo nhiều chuyên gia phân tích tình hình, Việt Nam chỉ có thể ra khỏi vòng vây nguy khốn nghèo đói, lạc hậu và thoát khỏi viễn ảnh mất nước vào tay Trung Quốc khi có sự tiếp tay trợ giúp của Hoa Kỳ. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã cho thấy nhu cầu tạo ảnh hưởng tại Đông Nam Á để duy trì vị thế cường quốc trước đà vươn lên của Trung Quốc trong những ngày tháng tới. Nói cách khác, nếu Việt Nam đang cần đến sự trợ giúp của Hoa Kỳ, thì ngược lại chính Hoa Kỳ cũng cần đến sự kết thân thực sự của Việt Nam. Trong cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài cuối tuần qua, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ đã nói rõ “Hoa Kỳ đang xem xét việc tăng cường thêm nữa sự hiện diện quân sự trong vùng Á châu Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á.” Lý do khiến Hoa Kỳ có dự tính trên cũng được nêu ra là “sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc đang làm cho nhiều nước lo ngại về triển vọng an ninh trong khu vực.”
Qua tuyên bố đó, rõ ràng Hoa Kỳ đã chứng tỏ thái độ không bỏ mặc cho Trung Quốc tự tung tự tác tại Biển Đông. Thế nhưng, với những biến cố đang diễn ra tại các quốc gia Trung Đông, nhất là tại một quốc gia tương quan mật thiết với Hoa Kỳ nhiều thập kỷ qua như Ai Cập, liệu Hoa Kỳ có thể tập trung mọi nỗ lực cho dự tính tăng cường ảnh hưởng quân sự tại vùng Đông Nam Á không? Dù dự tính này gắn bó chặt chẽ tới vị thế tương lai của Hoa Kỳ, nhưng nếu toàn vùng Trung Đông chuyển sang hướng diễn biến mới là sự thắng thế của các thế lực tôn giáo cực đoan vẫn coi Hoa Kỳ như kẻ thù không đội trời chung thì Nhà Trắng sẽ chọn lựa phương thế nào, tập trung nỗ lực vào Trung Đông hay Đông Nam Á?
Câu trả lời chắc chắn phải chờ thực tế đem lại chứ không thể dựa theo dự đoán.
Vào lúc này, điều khiến mọi người giảm nhẹ phần nào lo lắng là chính chế độ Bắc Kinh cũng đang toát mồ hôi về các điều xẩy ra tại Ai Cập và một số quốc gia Trung Đông. Tin tức trong tuần cho biết, Trung Quốc hiện đang nỗ lực chận đứng các nguồn tin về các diễn biến trên, vì sợ sẽ có tác động trực tiếp tới thái độ của người dân mà theo đánh giá của tập thể cầm quyền Bắc Kinh là hoàn toàn ở thế sẵn sàng chống đối chính quyền. Thực tế này ít nhất cũng giúp cản trở phần nào thái độ hung hăng bành trướng của Bắc Kinh do những ưu tư về nội bộ. Tuy nhiên, nạn nhân trực tiếp đầu tiên của Bắc Kinh là Việt Nam có thể khai thác nổi cơ may đang có hay không và khai thác ra sao?
Xin kính chào tạm biệt quý thính giả.
Uyên Thao
*******************
n/a