Bình luận: Thất Thủ Mùa Nước Lũ
Trên thế giới chắc chưa có dân tộc nào lại có óc hài hước dầu đứng trước nghịch cảnh như dân tộc Việt Nam. Ngay như khi sống dưới chế độ gọi la “bao cấp” của Cộng Sản, người dân cũng chế ra những câu khôi hài, châm biếm để bớt đi sự bực tức, dồn nén trong lòng “Đả đảo Thiệu Kỳ, mua cái gì cũng có, ủng hộ Hồ Chí Minh,mua cây đinh cũng phải xếp hàng”
Đến hơn 44 năm sau, óc hài hước vẫn còn và càng ngày, sự châm biếm chế độ càng tăng hơn, vì trong khi các nước tự do trên thế giới nền văn minh càng ngày càng phát triển, thì nước Việt Nam lại trở lại thời cổ lỗ sĩ, vừa nghèo nàn, vừa lạc hậu. Điển hình là hình ảnh người dân chống chọi với nước lụt xảy ra như cơm bữa ở khắp miền Nam, Bắc, mà họ vẫn sinh sống, vẫn sáng tác những câu vè, bài hát, chế diễu chế độ và vẫn… sống sót.
Ngay tại Sai gon, một thời được mệnh danh “Hòn Ngọc Viễn Đông” thành phố huy hoàng, tráng lệ, những cơn mưa đến tưới mát thành phố, mưa tạnh, trời lại trong, đờng lại ráo như mưa chưa từng đến. Từ khi Sài Gòn mất tên, mỗi năm lại lãnh vài trận lụt. Nước cũ đổ vào nhà chưa ráo, thì nước mới ập vào, dân dùng mạng xã hội truyền nhau những bức hình ngập lụt với những câu chú thích khôi hài như “Cảng hàng không kết hợp hàng hải hiện đại nhất thế giới”, “Chợ nổi Bến Thành”, ”Sân bơi Tân Sơn Nhất” hay “ Ngồi trên giường ngắm cá lội tung tăng, phong cảnh hữu tình”. Đường phố Nguyễn Huệ khi xưa với chợ hoa ngày Tết thanh bình và đẹp biết bao, khi lụt biến thành “phố chèo thuyền”. Xe hơi, xe gắn máy không chở người mà được người đẩy, vác trên vai lội nước lên tới ngực.
Đi tới Hà Nội, cũng không thua, “Hà Nội mùa này phố cũng như sông”. Sống ở Phú Quốc cũng không khá hơn. Trong đầu tháng 8 Người dân huyện Phú Quốc phải đương đầu với tình trạng ngập nặng tại nhiều nơi trên đảo. Trận ngập lụt kinh hoàng xảy ra ở huyện Phú Quốc, làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống thoát nước bị đè, bị lấp bởi các những kế hoạch xây cất đô thị.
Lên Đà Lạt cũng không khá gì hơn, tưởng với độ cao 1.500 m so với mực nước biển và được các dãy núi cây rừng bao quanh, sẽ tiếp tục thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Thế nhưng không, từ nhiều năm nay, thành thơ mộng này bị nóng dần lên, lũ lụt thường xuyên đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân khi mùa mưa đến, những cao ốc, những sân banh mọc lên che kín các hệ thống thoát nước!
Đỉnh cao trí tuệ đã từng ra chỉ thị “phải làm quen với lũ” áp dụng cho cả nước và khẳng định “ngập lụt là do thiên tai nên không có chuyện bồi thường”. Và năm nào nhà cầm quyền cũng đưa ra dự án vĩ đại chống lụt mà chẳng thấy đi tới đâu hết. Những bộ óc tự cho là ưu việt của xã hội chủ nghĩa không bao giờ chịu nhận trách nhiệm thất bại và tiếp tục thi hành kế hoạch đô thị hóa cướp nhà, cướp đất dân để xây sân golf, khách sạn, công viên… lấn kênh rạch làm nghẹt dòng thoát nước.
Điều lạ là khi Việt Cộng cưỡng chiếm miền nam, đổi Sài Gòn thành t ên Hồ Chí Minh thì họ không muốn dân chúng nhắc tên Sài Gòn, mà cái gì, cũng là Hồ Chí Minh, thế nhưng với nước lụt khủng khiếp liên tiếp thì rất nhiều bản tin dùng tên gọi Sài Gòn - ngay cả những báo của Việt Cộng như Vietnam Express, báo Lao Động v…v…thay vì nói “lũ lụt Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh ngập nước tới cổ”, “cống Hồ Chí Minh bị nghẹt”, hay “nước lụt Hồ Chí Minh đen ngòm hôi thối”, “chuột Hồ Chí Minh mắc kẹt”, và “Hồ Chí Minh thất thủ trước nước lũ”! mà lại dùng tên Sài Gòn trước những nỗi đau khổ ê chề này.
Vì đâu Sài Gòn và các thành phố miền Nam trù phú lại “Thất thủ vì nước lũ”? Nguyên nhân là từ đạo quân ăn cướp từ miền Bắc: “tiến về Sài Gòn, quan chiếm nhà mặt tiền, tiến về Sài Gòn, quan chiếm nhà thật to,tiến về Sài Gòn, giải phóng đời quan!” Chúng gọi là “giải phóng miền Nam”, rồi bao vây dân vào những trận lụt triền miên. Một hình ảnh có lẽ khôi hài thấm thía nhất khi Sài Gòn bị ngập lụt là hình một con chuột bị mắt kẹt trong lưới sắt với câu thơ hài hước ghi chú “Sài Gòn thất thủ trước nước lũ rồi, thành trì của em cũng không còn nữa”!
Thu Nga