Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 35
Một tay dắt con, một tay xách nhiều gói thức ăn, Thảo không đi lẹ được, mà bé Thủy chân lại đi cà nhắc. Từ chỗ đậu xe vào đến khu chung cư một khoảng không dài lắm, mà hai mẹ con đi thật lâu. Thảo nhìn bé Thủy hỏi:
-- Chân con đau lắm hả? Ði nhanh lên một tí được không? Con phải thay đồ khác rồi mẹ đem con qua nhà dì Vân chơi với bé Quỳnh.
Bé Thủy lắc đầu và đi chậm hơn:
-- Con không muốn qua nhà dì Vân, con ở nhà với ngoại được không?
-- Hôm nay ngoại bận. Con chóng ngoan, mai ông ngoại mới rảnh.
-- Ông ngoại bận gì hả mẹ?
Thảo kéo tay con:
-- Ông ngoại phải đi công chuyện, ông ngoại có nhiều việc phải làm lắm. Ðừng có hỏi lôi thôi nữa, con đi lẹ lên!
Tự nhiên như nhớ ra điều gì, Thủy nói:
-- Ông ngoại ho nhiều lắm. Hình như ông ngoại bệnh đó mẹ.
-- Ông ngoại già rồi thì hay ho chớ không sao đâu. Nhưng sao con đi chậm vậy? Con đau chân phải không?
Bé Thủy đột ngột ngồi xuống đất. Chân nó đau, nó ráng không nói cho mẹ biết, nhưng khi nghe mẹ hỏi, nó mới thấy chân thật đau. Nó ôm chân:
-- Chân con đau!
Thảo lật đật ngồi xuống theo con:
-- Chân con đau ra sao? Tại sao đau? Sao con không nói?
-- Dạ con chơi với mấy đứa bạn, con nhẩy bị té!
Mệt nhọc, Thảo ngồi bệt xuống bên lề đường, kéo ống quần của bé Thủy lên. Ðầu gối bé Thủy bị sưng và xây xát nữa, nàng xót xa hỏi:
-- Tại sao con không chịu nói sớm hơn chứ? Mẹ đã nói khi nào đau ở đâu phải nói cho mẹ biết.
Nàng nhớ hôm trước bé Thủy cũng té một lần, trầy cả lưng mà nó không nói, đi tắm cũng đòi tắm một mình, tới khi nàng tắm cho nó mới thấy vết trầy tím bầm ở lưng. Nàng xót xa ôm con khóc. Tay nàng vừa chạm vào chỗ sưng, bé Thủy đã kêu lên vì đau. Ðang lúng túng chưa biết phải làm sao đem con vô nhà, vừa bị vướng mấy cái bị thức ăn, thì một bóng người đàn ông xuất hiện hồi nào, Thảo đang lúi cúi bên con, không thấy. Người đàn ông trạc tuổi trên 40, gương mặt khá sáng sủa, áo bỏ ngoài quần, chân mang giày thể thao. Người đàn ông quỳ xuống bên cạnh mẹ con Thảo, hỏi:
-- Cô và cháu có sao không?
Thảo giật mình ngẩng lên, nhìn người đàn ông. Hắn có vẻ tử tế, hiền lành, tóc cắt hơi dài mà nàng thường thấy nhiều ở những người Việt Nam ở đây. Gương mặt anh chàng vuông vức, đôi lông mày hơi rậm trên đôi mắt thân thiện. Nàng lại nhìn chân bé Thủy, nói:
-- Cháu nó té bị trầy chân, không biết có trặc hay không? Con chào bác đi con!
Bé Thủy ráng nở một nụ cười, dầu cảm thấy chân bị đau lắm:
-- Dạ con chào bác Tân! Con biết bác mà mẹ!
Người đàn ông gật đầu, xác nhận lời bé Thủy là đúng:
-- Chào bé Thủy, bé bị đau chân ra sao?
Thảo nhìn bé Thủy, rồi nhìn người đàn ông xa lạ mà bé Thủy mới gọi tên là Tân:
-- Ủa! Sao con biết bác? Anh... anh biết bé Thủy à?
Tân, người đàn ông chỉ vào căn nhà cách đó không xa, nói một hơi:
-- Tôi ở dãy bên tay phải của phòng gia đình cô đó. Cái phòng mà hôm trước anh Ðịnh ở, khoảng 2 tháng nay thôi. Tôi biết cô bận rộn nên không để ý. Tôi đã gặp và nói chuyện với bác Tâm và bé Thủy rồi. Ðúng không bé Thủy? Bác trai vui tính còn bé Thủy thì dễ thương lắm.
Bé Thủy xuýt xoa nhìn vào chân, ra dấu đau. Thảo vội nói:
-- Chết rồi! Không biết có bong gân hay không. Anh coi tôi có phải đem nó đi bác sĩ không? Ba tôi hôm nay lại không có ở nhà.
-- Ðể tôi coi, nếu có gì tôi đem cháu và cô đi cho. Ðưa bác coi, Thủy!
Tân cầm chân của Thủy nâng lên một cách nhẹ nhàng và chăm chú xem xét. Bé Thủy rên nho nhỏ. Tân nhíu mày nhìn chỗ sưng rồi nói:
-- Không xong đâu. Chỗ trầy thì không sao, nhưng chỗ sưng, sợ bị bong gân, chắc phải đưa cháu đi bác sĩ cô ạ. Cháu đứng lên đi thử vài bước bác coi.
Bé Thủy đi khập khiễng rồi lắc đầu:
-- Ðau lắm! Ðau lắm bác Tân ơi!
Tân nhấc bé Thủy lên tay:
-- Phải đi emgergency thôi! Giờ này bác sĩ hết làm việc rồi, để tới mai, sợ bé Thủy đau không chịu nổi. Cô xách mấy túi đó được không, hay đưa tôi xách bớt cho.
-- Anh bồng cháu giùm là được rồi. Thiệt khổ! Làm phiền anh quá!
Tân bồng bé Thủy bước nhanh, Thảo bước theo sau:
-- Không có gì cô phải khách sáo như vậy. Hàng xóm Việt Nam với nhau, giúp nhau là chuyện thường. Cô và cháu lên xe tôi chở tới nhà thương.
Nhìn tấm lưng to rộng của người đàn ông, Thảo cảm thấy yên tâm đôi chút. Bé Thảo ôm chặt cổ Tân. Tự nhiên lòng Thảo chợt nghĩ ngợi vu vơ.
***
Từ bữa có người hàng xóm Việt Nam, ông Tâm thấy vui hơn, nhất là người này có vẻ cũng tâm đầu ý hiệp với ông lắm. Tân thiệt thà, tốt bụng, chàng cũng hay mời ông cháu qua nhà chàng ăn phở, ăn thịt nướng cho vui. Ông Tâm tỏ ý cởi mở, nhưng Thảo coi bộ còn e dè. Nàng nghĩ tuy anh chàng tốt bụng, nhưng không biết rõ về anh ta lắm, nên từ từ tìm hiểu đã rồi làm thân, chớ anh ta thì ở một mình mà Thảo lại không chồng, lỡ anh ta hiểu lầm cha con nàng có ý gì thì kỳ lắm. Nhìn anh ta thì không có vẻ giàu có, lại thiệt thà quá, thật ra cũng không hợp với nàng mấy, tuy nhiên nàng phải công nhận là anh ta tốt bụng. Nhờ anh săn sóc, đưa đi bác sĩ mấy lần, chân bé Thủy đã lần lần trở lại bình thường. Nhưng việc ông Tâm cứ đem bé Thủy qua bên nhà Tân hoài, làm nàng khó chịu một chút.
Ði làm về, không thấy hai ông cháu đâu, Thảo đã đoán là ông cháu ở bên nhà Tân. Khi ông Tâm đem bé Thủy về, Thảo cằn nhằn:
-- Ba lại đi hàng xóm nữa rồi! Sao ba cứ qua nhà người ta hoài vậy?
Ông Tâm cười làm hòa:
-- Ba qua nhà hàng xóm chơi một chút đó mà.
-- Nhà mình sao không chơi, ba cứ đem cháu qua nhà người ta chơi làm chi? Ðem bé Thủy qua bên đó hoài, nó phá phách đồ đạc của người ta thì có phải là làm phiền không ba?
Bé Thủy cãi:
-- Con đâu có phá phách gì của bác Tân đâu má? Con ngồi coi TV để ngoại vơi bác Tân nói chuyện mà! Bác Tân thương con lắm mẹ à!
Thảo quay lại con:
-- Lại bác Tân nữa! Bộ con thích bác Tân lắm hả?
Ông Tâm nghe giọng nói của Thảo có vẻ không có thiện cảm với Tân mà đáng lẽ ra Thảo phải mang ơn người ta đã giúp đỡ khi bé Thủy bị đau chân. Ông nhìn Thảo gằn giọng:
-- Thằng Tân nó đàng hoàng, tốt bụng, nó đã giúp đỡ con, chở bé Thủy đi nhà thương, đi bác sĩ, nó thương con Thủy lắm.
-- Tốt bụng thì tốt bụng, nhưng ba cứ đem bé Thủy qua đó hoài, người ta lại tưởng... tưởng... lầm!
-- Thì ra con sợ người ta hiểu lầm! Ồ! Ba hiểu ý con rồi!
Ông Tâm hứ một tiếng:
-- Con khéo lo! Thằng Tân, theo ba nhận xét là một người tốt, nó giúp con vì nó tốt bụng, đâu phải vì có dụng ý gì. Ðó chỉ là mình mặc cảm với người ta mà thôi.
-- Ba! Con biết anh Tân tử tế rồi nhưng con xin ba đừng đem bé Thủy qua đó, ba có đi thì đi một mình thôi. Con không muốn bé Thủy làm rầy người ta!
Ông Tâm nhìn Thảo với ánh mắt dọ hỏi, không hiểu tại sao. Ông thấy Tân không có một ý gì lợi dụng sự cô đơn của ông cháu ông cả. Tân cũng thương bé Thủy. Thảo không thích chắc là do một nguyên do nào đây. Nhìn vẻ mặt xinh đẹp, pha chút mệt mỏi của đứa con gái, ông nhớ ra con ông chắc bận rộn nhiều thứ rồi tính tình hay cáu kỉnh. Ông ra dấu cho bé Thủy theo ông, đến ngồi trên ghế, không nói thêm với Thảo nữa.
Thảo thở một hơi dài, cố ngăn sự bực dọc vô cớ. Nàng hình dung lại gương mặt thật thà của Tân. Anh chàng này thì có tử tế thật, nhưng coi bộ hơi lù khù, cù lần, bộ vó có vẻ quê quê làm sao ấy. Nếu gần gũi quá nhiều quá, anh chàng tưởng lại mình khoái anh ta, lại phiền. Hiện thời Thảo chỉ muốn sống một cuộc đời yên lặng, nếu mai sau trời thương cho nàng gặp một người đàn ông hào hoa, giàu có, tính sau. Giàu có, tuy người ta nói không mang lại hạnh phúc, nhưng có tiền vẫn sướng hơn khổ cực. Thảo quan niệm đơn giản vậy. Thảo thích câu nói khôi hài: "tiền tài không mang lại hạnh phúc, nhưng thà ngồi khóc trong xe mercedes còn hơn cười toe toét trên xe bus". Thảo soạn đồ ăn mới mua trên đường về nhà lên bàn xong, kêu hai ông cháu tới ăn. Ông Tâm đang nói chuyện cho cháu nghe, không để ý đến nét mặt trầm tư của Thảo.
Bé Thủy lắc đầu nói:
-- Con không đói bụng.
Thảo cau mặt:
-- Tại sao không đói?
Ông Tâm ra dấu cho Thủy đừng nói, nhưng nó đã nhanh nhẩu:
-- Dạ bác Tân cho ngoại với con ăn bún rồi mẹ à!
Ông Tâm vội vớt vát:
-- Ðói chớ! Ba ăn có một tô nhỏ xíu thôi mà. Ði ăn với mẹ con cho vui, Thủy!
Thủy vẫn lắc đầu. Thảo thở hắt ra, cố nén cơn giận:
-- Thủy không ăn thì thôi! Muốn ăn thêm tùy ba! Ðã qua nhà người ta chơi, lại còn ăn uống bên đó nữa! Kỳ quá!
-- Thằng Tân mới học nấu món bún nước lèo, sẵn mời ba ăn thử!
Thảo đứng lên:
-- Con cũng không thấy đói nữa. Con sửa soạn đi học đây. Ba làm ơn ở nhà với bé Thủy, đừng đi hàng xóm nữa. Nếu ba muốn đi, nói với con, con gởi nó qua con Vân.
Bé Thủy kêu to:
-- Con muốn ở nhà với ngoại!
Ông Tâm cằn nhằn nho nhỏ "không biết sao hôm nay con nhỏ này khó chịu quá!" Ông tự dưng chợt nhớ tới Tình, phải chi có Tình ở nhà, ông cũng được an ủi mà Thảo chắc cũng đỡ bực bội hơn. Ông nhớ lại cái không khí khi bà Tâm còn sống và Tình đã đem lại cho gia đình. Ông bùi ngùi bế bé Thủy lên lòng, ôm chặt nó như cố tìm từ hơi hướng từ đứa cháu yêu những hình ảnh trong quá khứ.
***
Mỗi lần nói chuyện với nhau, ông Tâm và Tân đều ưa bàn về những tin tức thời sự, nóng bỏng trên thế giới, cuối cùng thế nào cũng xoay qua những biến chuyển, những việc liên quan đến cộng đồng. Tân cũng đồng ý với ông Tâm là có nhiều người thờ ơ, lơ là với công việc và công cuộc đấu tranh chung. Tân nói:
-- Bác coi! Họ không biết nói tiếng Mỹ, họ không dám tiếp xúc với Mỹ, nhưng họ cũng không muốn tham gia những công việc do cộng đồng người Việt tổ chức, họ chê người này, họ dè bĩu người nọ, vậy họ là người gì bác?!
Ông không muốn Tân nản chí, nên an ủi:
-- Không sao đâu cháu, xã hội nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, có người này, người kia. Có những người thờ ơ, nhưng cũng có nhiều người có lòng lắm. Nếu không thì chiến dịch cờ Vàng của mình đâu có thành công ở khắp mọi nơi!
Tân thấy ông Tâm nói có lý. Người lớn tuổi thường từng trải, giàu kinh nghiệm, nên có những nhận xét, lý luận sâu sắc. Thấy tinh thần hăng say của ông, Tân cũng vui và ảnh hưởng lây. Còn ông Tâm biết Tân là người hiền lành, thiệt thà, chắc Thảo không thích, giá Tân hào hoa thêm một chút, có lẽ Thảo không khó khăn như vậy. Ông cũng cảm thấy hơi tiếc trong lòng vì Thủy rất mến Tân và Tân cũng thương nó lắm nhưng sự ước mong âm thầm của ông chắc không thành. Tuy nhiên ông vẫn hy vọng. Ông tìm cách dọ hỏi thân thế của Tân phòng khi... Biết đâu đấy!
Ông đã tìm ra cơ hội khi ông và Tân bàn về số phận khi ông Tâm nói số phận Thảo long đong. Ông nói thêm:
-- Mỗi người có một số phần cậu Tân ơi! Số tôi cũng ba chìm bảy nổi không thua gì con gái tôi. Còn cậu thì sao? Quen cậu đã lâu mà chưa có dịp hỏi nhiều về chuyện của cậu. Cậu qua đây theo diện gì?
Tâm có vẻ ngập ngừng một giây thôi, rồi nói:
-- Dạ cháu không giấu gì bác, cháu qua được là nhờ người ta về bên đó cưới chồng!
Ông Tâm trợn mắt, ngạc nhiên:
-- Hả?? Cưới chồng? Tôi cứ tưởng người ta về bên Việt Nam cưới vợ thôi? Cưới chồng được sao?
Tâm cười:
-- Dạ cưới chồng hay cưới vợ gì cũng vậy bác, miễn là đem người muốn qua là được.
Ông Tâm gật gù, ông đã nghe qua chuyện này, nhưng ông chỉ biết nhiều người đàn ông từ bên này qua bên đó cưới vợ. Có người cưới vợ thiệt, có người cưới vợ giả, người vợ giả lại trả cho chồng giả một số tiền khá lớn. Té ra đàn bà cũng về cưới chồng giả như vậy. Ông thắc mắc:
-- Vậy khi cậu qua tới đây hai người còn ưng nhau không?
-- Dạ không! Bởi vậy cho nên bác mới thấy cháu đang ở một mình!
Tân kể cho ông Tâm nghe là lúc đầu những người đám cưới giả phải ở với nhau một thời gian 3 năm, mọi chuyện phải giả vờ như vợ chồng thiệt để cơ quan hữu trách không nghi ngờ giả mạo. Tới đủ thời hạn ấn định, có thể ly dị một cách danh chính, ngôn thuận. Tân cũng nói, cũng có trường hợp giả rồi thành thật vì sau khi sống chung một thời gian, họ có thể thương nhau thật, thì ngược lại, cũng có nhiều cặp lấy nhau thật, nhưng sau đó không hợp, lại chia tay.
Ông muốn hỏi thêm gia cảnh của Tân vì ông thấy Tân cũng đã đứng tuổi, không lẽ trước đó không có vợ con gì hết, nhưng cũng đã đến lúc đi đón bé Thủy và chưa tiện dịp nên ông không hỏi nữa. Tân nói đang rảnh nên cùng ông đi đón bé Thủy.
Nhìn bé Thủy ríu rít khi thấy Tân đến đón với ông ngoại, ông Tâm chợt thấy lòng vui vui, nhất là khi thấy bé Thủy nhìn chung quanh tìm mấy đứa bạn như chứng tỏ rằng nó cũng có "ba" đi đón, đừng chê cười nó nữa. Một đứa bé trai, mặt mày lanh lợi đi qua, nó chỉ vào bé Thủy và Tân la to:
-- Tụi bây ơi! Con Thủy cũng có ba nè!
Mắt ông cay cay, khi thấy bé Thủy cười rạng rỡ, hãnh diện. Ông cũng liếc nhanh vẻ mặt của Tân, nhưng Tâm đang cúi xuống nói nho nhỏ gì trong tai bé Thủy, nên ông không thấy được nét mặt của người hàng xóm tốt bụng.