Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

(Tiếp theo)

Thu Nga

Chương 36
Tình cảm giữa bé Thủy và Tân càng ngày càng nẩy nở thân thiết hơn, tình bạn giữa hai người già trẻ ông Tâm và Tân cũng càng ngày càng gia tăng. Trong lúc đó, Thảo vẫn giữ một khoảng cách xa lạ. Nàng không muốn Tân hy vọng gì ở nàng cả. Tân quá thiệt thà lại không giàu có để Thảo có thể ưa thích được. Nhưng việc nhờ anh ta giữ con thì nàng vẫn tiếp tục. Có Tân cũng đỡ lắm! Bữa nào ông Tâm bận, không giữ cháu được, thì Tân lại đòi giữ. Ðôi khi Thảo làm bộ miễn cưỡng gởi con. Khi nào thấy cha mình nói chuyện nhiều với Tân, nàng lại tỏ ra lạnh lùng. Tính tình kỳ cục của Thảo đã khiến ông Tâm cảm thấy điên cái đầu. Nhiều khi ông lẩm bẩm "Chả hiểu tại sao càng ngày nó càng khó chịu hơn!"
Thảo cũng hay mắng con khi nó cứ bi bô kể chuyện bác Tân thế này, bác Tân thế kia. Nhiều khi nghe Thảo la rầy bé Thủy một cách bất công, ông Tâm không vui. Hai cha con lại im lặng không nói chuyện với nhau cả nửa ngày. Một lần không chịu nổi, ông Tâm đòi dọn ra ở riêng, làm bé Thủy khóc nức nở.
Ông Tâm không biết rằng, ngoài những giây phút bất mãn, cũng có những lúc Thảo thương cha, nhất là có lúc bắt gặp cha ngủ thiếp đi trên ghế, nàng hối hận và hứa với lòng không ngang bướng với ba nữa. Nàng cũng trải qua những giờ phút cô đơn, ray rứt như người cha vậy.
Có bữa về tới nhà, thấy nhà hoang vắng, trống trơn, Thảo nhớ và ao ước được sống trở lại không khí gia đình khi xưa, có Tình, có Thuần, có Thương. Tiếng rầy la nhỏ nhẹ của mẹ. Khi ấm đầu, sổ mũi là lúc Thảo thấy tủi thân nhứt. Thảo tự rót cho mình một ly nước lạnh. Uống xong, Thảo đến ngồi vào chiếc ghế quen thuộc của ông Tâm, nhìn ra đường. Những tàn cây rung rung trong gió chiều buồn bã. Vài con chim bay lượn chuyền từ cây này sang cây kia, tiếng kêu ríu rít càm Thảo chợt nhớ đến thân phận mình. Nàng nhớ lại mối tình thuở con gái nàng đã dành cho Minh, Minh tuy không yêu Thảo như một người tình như nàng mong muốn, nhưng Minh đã săn sóc nàng với tất cả tấm lòng như một người anh săn sóc đưá em gái bé bỏng, thân yêu. Cũng vì tình thương cao thượng đó, Thảo lại càng yêu Minh hơn. Mối tình này có lúc tưởng phôi pha theo ngày tháng, nhưng thực tế, nó vẫn sống mãi trong tim óc của Thảo.
Nhiều lúc nhìn bé Thủy chơi đùa, nhìn nó ăn ngủ nàng ao ước phải chi nó là con của Minh thì cuộc đời nàng chắc đã đổi khác và không lận đận, lao đao như vầy. Nhiều khi nàng đã khóc thầm và lẩm bẩm một mình: "Anh Minh! Thảo nhớ anh. Thảo nhớ anh lắm. Phải chi đời Thảo không dở dang, đời anh không có chị Tình thì anh với em đã được ở gần nhau rồi. Em bây giờ cô đơn quá! Không có ai bên cạnh cả. Má đã mất, chị Tình và anh đã đi xa. Anh đã vĩnh viễn là của người khác, không còn ở gần em để an ủi, giúp đỡ em". Nhớ lại lúc Minh giúp nàng sinh bé Thủy, nàng không khỏi bật lên tiếng khóc "Nếu không có anh giúp thì em với bé Thủy không biết đã ra sao?! Chắc chắn em đã chết rồi! Nhưng anh ơi! giá anh cứ để em chết có lẽ em còn sung sướng hơn!"
Thảo thiếp đi trên ghế...
***
Chung quanh nàng vắng lặng như tờ. Thảo thấy lòng hồi hộp, nàng nhìn quanh, không có ai cả, quãng đường này bình thường náo nhiệt đầy tiếng nói học trò mà nay sao hoang vắng như vậy? Một bàn tay nàng bị lay lay, nàng nhìn xuống, bé Thủy đang ngước mắt lên nhìn nàng, đôi mắt bé ngây thơ nhưng đượm nét lo sợ, nó ra dấu cho mẹ chạy nhanh... chạy nhanh. Thảo nhớ ra nàng và con đang bị một tên đàn ông rượt bắt, hình như hắn muốn bắt bé Thủy. Nàng kéo tay con chạy, vừa chạy, nàng vừa quay lại. Khi nhìn rõ mặt kẻ rượt theo, Thảo la lên một tiếng hãi hùng "Mike!". Ðúng! Mike đang chạy theo hai mẹ con Thảo với những bước thật nhanh, thật dài, hắn gần túm được áo bé Thủy rồi. Nàng kéo bé Thủy chạy té nhào, tiếng bé Thủy khóc to nói đau chân, nhưng mặc kệ, phải chạy thoát cái bóng Mike ngày càng lúc càng gần. Chợt Mike vươn tay ra như bàn tay bạch tuộc, hắn túm được cái áo đầm của bé Thủy. Bé Thủy hét to "Mẹ ơi!". Tiếng nàng cũng rú lên "Trời ơi! Trả con lại cho tôi! Thả con tôi ra! Thả ra!"
Mike không thèm để ý đến lời kêu van của nàng, hắn cúi xuống nhấc bổng bé Thủy lên. Hắn ôm con bé gọn trong tay rồi chạy nhanh về trước. Bây giờ bé Thủy không khóc nữa mà tay bé quàng cổ hắn thân thiện, hình như bé Thủy nhận ra Mike là cha ruột của nó. Thảo đưa tay về phía trước, lòng nàng kinh hãi pha lẫn đau khổ tột độ. Nàng đã mất hết tất cả, chỉ còn bé Thủy, bây giờ bé Thủy đã bị Mike bắt mất. Nàng uất ức kêu to: "Mike! Trả lại con tôi! Trả lại con tôi!".
***
Tiếng khóc tự đánh thức Thảo dậy. Thảo hoảng hốt dụi mắt, ngồi bật dậy, kêu to: "Thủy! Thủy!". Không một tiếng trả lời. Thảo nhớ bé Thủy đang ở bên nhà Vân, chắc Vân cũng sắp qua rồi. Buổi chiều lặng lẽ trôi qua. Bóng tối đã ụp xuống cảnh vật bên ngoài. Trong nhà đã tối. Thảo chăm chăm lần bước đi tìm cái chốt đèn điện. Nhưng Thảo cảm thấy chóng mặt, buồn nôn. Nàng ôm mặt thổn thức, nhớ lại giấc mơ. Giấc mơ quái đản đã hiện đến nhiều lần trong những giấc ngủ của mình. Tên Mike như một đám mây đen báo hiệu nhiều giông tố thường lảng vảng trên bầu trời vốn đã rất đục của Thảo.
***
Vân nhìn vẻ mặt không vui của Thảo hỏi:
-- Sao buồn hiu vậy? Có chuyện gì không vừa ý hả?
Thảo kể lại giấc mơ thường ám ảnh nàng cho Vân nghe. Vân thương hại nhìn Thảo:
-- Tội nghiệp Thảo ghê! Chắc tại Thảo thương con, sợ mất con, nên mới mơ như vậy thôi. Tội nghiệp cả bé Thủy nữa! Con bé thật dễ thương. Nó mới ngủ trên xe mấy phút thôi. Ðừng nói to, nó thức giấc bây giờ.
Thảo cười buồn nhìn Vân, chợt nghĩ bâng quơ, không biết Vân có khi nào buồn, đau khổ như Thảo không vì Vân con nhà giàu có, muốn gì được nấy. Vân sống trong nhung lụa từ nhỏ tới lớn trong sự thương yêu, bao bọc của cha mẹ. Nàng vẫn còn độc thân nên rất tự do. Vân có một người chị, đã ly dị chồng, chị Vân có một đứa con gái, trạc tuổi của bé Thủy, mỗi lần Vân đem bé Thủy về nhà chơi là cốt để Thủy với Quỳnh làm bạn vui đùa với nhau. Nói về những con người may mắn, trong đó có anh chàng Xuân mà Thảo mới quen trong trường. Khi kể cho Vân nghe, Vân hay chọc Thảo, nói anh chàng con nhà giàu, học giỏi này đang mết Thảo lắm thì phải. Vân cũng đã có dịp gặp Xuân một lần khi Thảo và Vân đi shopping, gặp Xuân cũng đi mua giày và quần áo. Thấy Thảo buồn, Vân chọc để Thảo cười:
-- Muốn hai mẹ con không khổ và buồn nữa, tìm ba cho nó đi. Coi bộ anh Xuân cũng có thể làm thí sinh đó! Vân làm giám khảo cho!
Ðang buồn, nghe Vân nói, Thảo cũng phải phì cười:
-- Vân làm như Thảo đang tuyển lựa tài tử không bằng. Hắn ta coi bộ giàu thật! Ði học mà lái xe Lexus, mặc toàn áo quần Polo, đầu tóc, móng tay móng chân coi bộ được săn sóc kỹ lưỡng lắm.
Vân nheo mắt:
-- Nếu không nhận đơn của anh ta, sao để ý kỹ thế!
-- Gặp nhau hoài, không để ý cũng thấy thôi, có gì lạ!
Tuy Thảo vẫn nói chuyện bình thường, nhưng Vân thấy những nét bâng khuâng, lo lắng trong ánh mắt, nụ cười của Thảo. Vân lo lắng hỏi:
-- Hình như Thảo còn điều gì lo nữa phải không? Nói thiệt đi? Việc làm phải không?
Thảo thở dài, công nhận Vân tinh tế. Mấy hôm nay nàng đang giận bà Sanh, chủ tiệm nail. Nàng nghĩ trước sau gì cũng phải nghỉ ở đây thôi. Bà ta làm chủ mà xử sự không phải với nhân viên, giựt khách của nhân viên, lại còn nói xấu nàng với những người khác nữa. Khi biết chuyện này, nàng đã hỏi thẳng bà ta, thì bà ta chối nói không có. Nghe Thảo nói chắc phải nghỉ làm ở tiệm nail, Vân nói:
-- Không làm tiệm này thì làm tiệm khác, có gì mà lo. Vân thấy có nhiều tiệm nail đang cần người lắm mà.
-- Ðúng vậy! Nhưng bây giờ cũng vì tiệm nail mở ra nhiều quá, nên không làm ăn khá như xưa nữa. Thật tình Thảo cũng không muốn tiếp tục làm nghề này nữa, đang tính chuyển nghề Vân ơi. Nhưng học cũng chưa xong, thật chán quá!
Vân nhìn Thảo ái ngại. Tội nghiệp Thảo, Thảo bằng tuổi của Vân mà đời Thảo đã long đong, gian khổ quá nhiều trong khi đời của Vân lại thanh nhàn sung sướng. Chú của Vân là chủ những tiệm rượu lớn, Vân nghe ba nói mấy cô rót rượu làm tiền nhiều lắm, nhờ các khách sang cho. Nhưng sợ Thảo tự ái, Vân không dám nói về tiệm rượu của chú, chỉ nhắc về nghề này kiếm tiền khá thôi. Thảo nghe Vân nói, có vẻ ngẫm nghĩ:
-- Thảo cũng có nghe chuyện đó. Thật tình Thảo cũng muốn thử xem sao. Chỉ lấn cấn việc bé Thủy. Nếu đi làm ban đêm, phải bỏ bớt các lớp học, học một ít vào ban ngày, ban đêm đi làm, nhưng như vậy ba Thảo phải trông coi bé Thủy cả ngày cả đêm thì hơi khó. Tuy nhiên bây giờ... có thể có cách rồi...
Thảo kể cho Vân nghe về Tân. Tân đã có ngỏ ý nhiều lần, sẽ giữ bé Thủy cho nàng. Chàng đi làm buổi tối. Chàng có thể giữ bé Thủy ban ngày, ban đêm ông Tâm có thể coi được. Tân cũng nói chàng giữ con giùm Thảo tới khi nào nàng có người trông coi, không muốn chàng giữ nữa thì thôi và chàng cũng chân thành nói chàng làm giúp, không tính tiền. Thảo có vẻ ngần ngừ, nhưng nay tình thế đã như thế này, nàng đành phải nghỉ làm nail ở tiệm bà Sanh, nhất là sau khi nàng đã nói sẵng giọng với bà ta, thì trước sau gì bà cũng tìm cách đuổi nàng.
Vân chợt nhớ ra điều gì, nàng hỏi Thảo:
-- Còn có bà gì... mà đòi nhận Thảo làm con nuôi đó... có giúp gì cho Thảo được không?
Thảo lắc đầu:
-- Dì Vui ở xa quá, làm sao giúp được. Hơn nữa dì Vui đã giúp Thảo nhiều lắm rồi. Hôm nọ mấy tháng không trả tiền điện thoại, bị cúp, dì đã giúp cho rồi. Trước đó dì Vui còn cho tiền trả chi phí nhà thương cho bé Thủy nữa... Nhờ hoài Thảo cũng ngại lắm!
-- Thảo quen với dì Vui ở đâu vậy?
-- Dì Vui đến tiệm làm tóc, nghe Thảo kể chuyện, dì cảm động đòi nhận Thảo làm con nuôi. Dì có đứa con bằng tuổi Thảo nhưng... mất rồi. Bà nói cô ấy giống Thảo lắm. Rồi khi nghe những chuyện khó khăn của Thảo, dì đòi giúp hết. Nhưng... mình đâu thể nhờ hoài được! Tuy đôi khi Thảo nghĩ ông trời đã gởi dì Vui đến giúp đỡ mình đó Vân.
Thảo chắc lưỡi tiếp:
-- Ba Thảo già rồi, lãnh tiền già chỉ đủ ăn, làm sao lo cho Thảo được.
Vân nhìn Thảo ái ngại, quả thật Thảo có nhiều việc lo nghĩ quá. Muốn Thảo khỏi buồn, tính rủ đi nhảy đầm, nhưng nhớ ra Thảo đang giữ con, Vân đứng lên chào Thảo ra về. Tới cửa Vân nháy mắt nhắc:
-- Cách tốt nhất, theo Vân vẫn là tìm cho bé Thủy một người cha và người mà Vân chấm điểm bây giờ là hai chàng. Chàng hàng xóm chăm chỉ hạt bột và chàng công tử bạc liêu trong trường. Ðánh tù tì coi anh nào hơn anh nào nghe Thảo!
Thảo đưa một cái nắm dứ dứ gởi cho Vân, Vân cười khúc khích chạy ra cửa.
***
Cuối thu nhưng trời vẫn ấm. Bầu trời quang đãng. Buổi sáng một làn sương bao phủ trên những ngọn cây, khi mặt trời lên, sương chảy thành giọt rơi tí tách reo vui trong nắng. Buổi chiều chủ nhật thật đẹp. Thảo bắc chiếc ghế xếp ra ngồi ngắm mấy đoá hoa cúc đang hé nụ và cũng để trông nom bé Thủy đang chạy nhảy tung tăng trên thảm cỏ. Nàng đã quyết định thôi nghề nail. Nàng cãi lộn với bà Sanh và xách bóp ra về. Tới nay đã ở nhà cả tuần rồi. Ông Tâm cũng nói, nếu việc làm không hợp, không thích thì cũng nên đổi nghề, chuyện giữ bé Thủy để ông tính toán cho. Khi ông hỏi Tân, chàng bằng lòng giữ bé Thủy, không một chút do dự.
Trong dịp nói chuyện này, Tân cũng đã thố lộ thêm một chút về đời tư của chàng. Tân đã một lần dang dở. Chàng đã có một đứa con đang ở Việt Nam. Theo lời của Tân, thì trong khi chàng vì công việc buôn bán, phải đi làm ăn xa, vợ chàng ở nhà đã dan díu với người khác, sau đó, vợ chàng bằng lòng ly dị. Ðứa con bây giờ 13 tuổi, đang sống với vợ cũ của chàng. Hàng tháng chàng gởi tiền về nuôi con. Ông Tâm tỏ ra ái ngại cho Tân. Ông nói với chàng, ở đời té ra ai cũng có chuyện lo nghĩ, buồn phiền riêng, bởi vậy khi người ta nói "đời là bể khổ" cũng không có gì quá đáng.
Ðể câu chuyện có vẻ thông cảm giữa hai bên, ông Tâm nói hoàn cảnh đơn chiếc của gia đình ông. Ông than:
-- Phải chi thằng rể tôi là thằng Minh không mất việc ở đây, thì nhà tôi cũng không đến độ đơn chiếc như vầy đâu cậu Tân.
Tân ngạc nhiên:
-- Ủa! Vậy cô Hai đi theo chồng ở đâu bác?
-- Tụi nó lên tuốt miền Bắc, Boston cậu ơi! Ở đây việc khó kiếm quá! Nó có nói đem tôi theo, nhưng trên đó lạnh lắm, chịu gì thấu! Chỉ cầu trời sao cho ở đây mấy công ty làm ăn khấm khá, mở việc làm để tụi nó về.
Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn lại đơn chiếc của ông Tâm, Tân vui vẻ làm người giữ trẻ không công như thể chàng đã đoán được việc này sẽ xảy ra vậy. Ông Tâm mừng quá, như vậy, ông sẽ có thì giờ đi đây đi đó hơn. Ông nhìn Tân với cái nhìn biết ơn:
-- Gia đình tụi tôi mang ơn cậu Tân lắm. Tụi tôi thật có phước mới gặp được người như cậu.
-- Bác cứ cảm ơn hoài làm cháu áy náy quá! Giúp nhau là chuyện thường mà bác!
-- Cậu nói vậy chớ, đâu phải trên đời này, ai cũng tử tế như cậu! Họ giàu có tiền muôn bạc triệu nhưng lòng nhân ái không đáng ba xu. Trong khi cậu không dư giả mà lại giúp gia đình tôi hết mình như vậy, thật là quý hóa!
Tân thấy ông cứ nói ơn nghĩa hoài, chàng vội thay đổi đề tài cho đỡ ngượng:
-- Cháu thương bé Thủy như con. Nó ngoan và dễ thương lắm. Bác biết không, nó cứ đòi gọi cháu bằng... ba. Cháu nói "Ý! không được đâu! Con gọi vậy mẹ con không bằng lòng đâu". nó nói thầm vô tai cháu là, con chỉ gọi "ba" khi không có mẹ ở đây, khi nào có mẹ, con gọi bằng "bác". Nó khôn quá bác ơi!... Bác Tâm à...
Ngập ngừng một giây, Tân đánh bạo hỏi:
-- Vậy ba của bé Thủy đâu?
-- Không giấu gì cậu, tôi đã coi cậu như trong gia đình mà, ba của nó không được tốt! Thằng đó thuộc loại du đãng cậu à! Nó làm khổ gia đình tôi không biết sao mà kể. Nhưng con Thủy thì cứ hỏi hoài. Nó thiếu tình cha, được cậu thương, nó cũng thương cậu lắm. Tội nghiệp con nhỏ!
Tâm ái ngại nhìn ông Tâm:
-- Bây giờ anh ta ở đâu? Anh ta không cấp dưỡng nuôi bé Thủy sao?
-- Trời đất! Thằng du đãng mà cấp dưỡng ai! Nó là thằng du thủ, du thực, vào tù ra khám như đi chợ. Cũng không biết nó đi đâu mất biệt. Mà nói thiệt, trời có bắt tội tôi, tôi chịu, chớ nó mà biến khỏi mặt đất, thiên hạ nhờ! Nó ở gần đây, chỉ phiền cho con Thủy thôi!
Ông Tâm bùi ngùi thương cháu, quả thật bé Thủy thèm khát tình cha một cách quá tha thiết. Ông nhận xét thấy Tân thương bé Thủy thật tình. Ông vu vơ ước ao, biết đâu một ngày nào đó, Thảo thay đổi tính tình, không còn ham nhìn cao, chịu ưng Tân. Ông biết Tân có nhiều cảm tình với Thảo qua cái nhìn, lối nói chuyện của chàng. Ông nghĩ "Cứ ham kén giàu, chọn sang, biết đâu cái thằng sang, giàu đó lại hất hủi bé Thủy thì sao"!
Ông cảm thấy áy náy về những lời Thảo đã chê Tân một cách quá đáng, trong khi Tân lại tử tế với gia đình ông, ông đã bảo Thảo nên gặp Tân để nói một lời cảm ơn. Thảo ngần ngừ nói để tìm dịp đã.
Thảo cũng thấy cha có lý, phải nói một lời cảm ơn để còn nhờ lâu dài, nhưng chưa biết có cơ hội thì may quá, đang ngồi nhìn con chơi đùa, thì Tân đến. Thấy Thảo ngồi một mình, chàng đến chào:
-- Chào cô Thảo! Ngồi hóng gió mùa xuân phải không? Có gì lạ không cô?
Thảo đã có chủ ý, nên nở một nụ cười thật tươi:
-- Dạ một ngày bình thường vậy thôi anh. Anh khỏe không? Anh ngồi chơi, để Thảo lấy ghế cho anh.
Tân nhanh nhẹn chạy vào nhà Thảo, mang một chiếc ghế xếp ra, ngồi cạnh Thảo. Bé Thủy thấy Tân, nó vẫy tay từ xa, miệng cười thật tươi "Hi, bác Tân!". Tân đưa tay lên chào bé Thủy, nhưng bé Thủy đã chạy tung tăng theo trái banh nhỏ bằng nhựa, không ngó thấy. Tân quay lại hỏi Thảo:
-- Hôm nay chắc cô Thảo rảnh, không đi làm, cũng không đi học sao?
-- Dạ. Anh thấy Thảo không đi làm cũng không học, lạ quá phải không? Nhưng ở đời chuyện gì có nhiều chuyện muốn nó xảy ra thì nó không xảy ra, lại có những chuyện không muốn thì tự nhiên nó xuất hiện! Thành ra nói lạ thì cũng được mà nói không lạ thì cũng được phải không anh?
Thảo nói xong một tràng dài, cúi đầu, làn mi chớp nhè nhẹ. Tân thấy lòng xao xuyến. Thảo đẹp quá! Sắc đẹp của nàng lồ lộ. Gương mặt Thảo là những tổng hợp tinh vi của tạo hóa. Ðôi mắt to, làn mi sắc, sóng mũi cao, đôi môi dày một cách vừa phải, nụ cười của Thảo làm Tân ngẩn ngơ. Nhìn sắc mặt có vẻ buồn buồn mặc dù nàng cười cười nói nói, Tân nói:
-- Cô Thảo hôm nay coi bộ triết lý ghê! Ðúng vậy đó Thảo, kinh Phật có nói "sắc tức thị không, không tức thị sắc", cũng với y nghĩa tương tự. Cô Thảo à, nếu cô không cho tôi tò mò thì hình như cô có vẻ lo lắng điều gì phải không?
Thảo liếc nhìn gương mặt thiệt thà của Tân rồi nói:
-- Chẳng giấu gì anh, Thảo đã thôi việc ở tiệm Nail rồi, đã đi tìm việc làm nhưng lấn cấn vì việc gởi con. Gần đây, không có ai giữ trẻ sau giờ học cả! Anh coi, Thảo không lo sao được. Không lẽ ngồi ở nhà chơi giữ con để đói à?!
Tân sốt sắng:
-- Có vậy mà cô Thảo cũng lo! Tôi có nói, tôi đi làm buổi tối, sáng ngày ngủ đến 12 giờ là quá đủ rồi. Tôi giữ bé Thủy cho!
-- Làm phiền anh, Thảo ngại quá! Nhưng ba Thảo thì già rồi, bắt ba giữ cháu nhỏ sau khi đi học về, làm sao ông chịu nổi!
-- Trời ơi! Cô Thảo đừng khách sáo. Hàng xóm tối lửa, tắt đèn, giúp nhau lúc nào hay lúc đó. Bé Thủy về lúc 3 giờ chiều, khi nào bác Tâm không đón được, thì tôi đón, chuyện nhỏ mà!
Nhìn và nghe cách nói thật tình của Tân, Thảo yên lòng. Nàng cũng hơi ân hận đã có những ý nghĩ thiếu mỹ cảm về Tân. Nàng muốn tỏ một dấu hiệu gì thân thiện hơn, nhưng nhìn nét mặt thiếu khôi ngô của Tân, nàng lại thôi. Nàng nghĩ bụng, anh chàng tử tế thật, nhưng bộ vó hơi quê. Mang ơn anh, sẽ có một ngày mình trả lại, nhưng không nên cho anh ta những mơ ước hão huyền, rồi anh ta sẽ khổ. Nghĩ như vậy, nên Thảo chỉ nói chuyện bâng quơ, khách sáo cảm ơn thường lệ. Tân thì trái lại, thấy đã giúp đỡ Thảo được, làm Thảo vui, chàng rất mừng. Chàng thật sự yêu mến bé Thủy và rất ái ngại cho hoàn cảnh đơn chiếc của cha con Thảo. Tân còn muốn nói thêm nhiều chuyện nữa, tạo sự thân mật để Thảo tin tưởng chàng hơn, nhưng có tiếng điện thoại reo trong nhà, Thảo nhờ Tân coi chừng bé Thủy, nàng đi trả lời điện thoại. Bé Thủy ngoảnh lại thấy mẹ không còn ở đó, chỉ còn bác Tân, nó chạy lại, sà vào lòng chàng. Tân bế bé Thủy lên đặt bên chiếc ghế bên cạnh nói:
-- Bé Thủy có thích bác Tân đi đón hàng ngày ở trường học không?
Bé Thủy nét mặt tươi lên:
-- Dạ có. Con nói với tụi nó, bác là ba của con nghe!
***