Trích đọan Lời Cảm Tưởng

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

trên bìa sách Mây Theo Gió Về
của nhà văn Thu Nga
 
 
‘’...Nhà phê bình văn học, và cũng là cựu viên chức cao cấp trong ngành ngoại giao là ông Phạm Trọng Nhân, khi còn sinh thời đã viết cho tôi là đọc tập truyện tôi gửi cho ông, ông phải đọc từ từ, như khi ta uống rượu không thể uống cạn một hơi được vì như thế là ngưu ẩm. Tôi đã không thể làm như thế được khi đọc cuốn truyện dài "Mây Theo Gió Về" của Thu Nga vì tôi đã đọc thẳng một mạch, nghĩa là tuy bận rộn nhiều công việc nhưng ngày nào tôi cũng phải dành một hay hai giờ để đọc được vài chương sách vì chuyện Thu Nga viết rất hấp dẫn, có nhiều tình tiết chen kẽ nhau giữa các nhân vật trong truyện và tôi đã muốn được biết ngay phần kết luận nhưng lại không muốn thấy diễn tiến trong truyện bị đứt đoạn trong ý nghĩ....’’
 
GS Nguyễn Xuân Vinh, Cựu Tư Lệnh Khônq Quân
Chủ Tịch Tập Thể Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Hải Ngoại
 
‘’...Văn phong Thu Nga đôn hậu, trong sáng, giản dị mà thấm thía. Lối viết của Thu Nga như muốn dành riêng cho độc giả trung lưu, không làm dáng văn chương, không cầu kỳ, bí hiểm. Một trong mấy kỹ thuật viết truyện kịch hơi khác với nguyên tắc dựng kịch là bất ngờ, thút nắt, tạo mâu thuẫn, để cuối cùng gỡ nút, tác giả nhiều chỗ đã hé lộ trước để người đọc có thể đoán biết biến chuyển sẽ xảy ra. Lạ thay, với cách viết tài tình này, tác giả không khiến độc giả nhàm chán, vẫn theo dõi từng chữ, từng giòng.
 
Nhà văn Diệu Tần Nguyễn Tinh Vệ,Giải Nhất Thoại Kịch Văn Chương Toàn Quốc 1963—69
 
 Tôi đọc trang cuối và gấp sách lại trong ngày cuối cùng (9/5/2004) của chuyến đi thăm viếng đồng bào tại Atlanta, quê hương của nhà văn Hoa Kỳ nổi tiếng Margaret Mitchell, tác giả của tác phẩm bất hủ ‘’Gone With The Wind’’ (“Cuốn Theo Chiều Gió”) của thế kỷ 20. Hai quyển sách của Margaret Mitchell và Thu Nga đều mô tả rất trung thực và sống động hai cuộc “đổi đời”, hậu quả của hai cuộc chiến xảy ra cách nhau hai thế kỷ về thời gian và mấy chục ngàn cây số về không gian. Nhưng khi so sánh nội dung câu chuyện trong hai tác phẩm thì nhận thấy nếu câu chuyện “đổi đời” của xã hội Hoa Kỳ bị cuốn theo cơn gió lốc thì xã hội hậu chiến của người Việt tỵ nạn Cộng sản được tác giả mô tả như một cuộn mây được gió thoảng đưa về một nơi an toàn và êm đẹp.
 
Nguyễn Bá Cẩn, Cựu Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, Cựu Thủ Tướng Chính Phủ VNCH
 
Ðọc truyện nầy, ta bỗng trầm ngâm suy nghĩ. Tâm thức hồi tưởng làm một cuộc so sánh có thể cùng cường điệu chăng, với kịch bản nổi tiếng Lôi Vũ của kịch tác gia thiên tài Tào Ngu của nền văn học Trung Quốc? Cũng là một vở kịch dài với rất nhiều kịch biến, gồm nhiều động tác lớn nhỏ, buộc, thắt và mở gút rất khéo, đan vào nhau chằng chịt do cái biệt tài gây say mê liên tiếp bất ngờ cho độc giả, có nhiều nét tương đồng với tác giả là nữ sĩ Thu Nga trong truyện nầy. Có khác chăng, Lôi Vũ đúng là một vở kịch, dựng theo lối cổ điển Tây Phương với luật tam nhất, nhất trí về động tác, về thời gian và không gian. Còn trong truyện kịch trường thiên MTGV của Thu Nga lại viết theo dạng tiểu thuyết: Ở đây, yếu tố thời gian trải ra rất dài môi trường không gian rất rộng, chính là cuộc sống sôi nổi với muôn nghìn sắc thái diễn ra trên đất Mỹ, tạo thành một cuốn phim Việt Nam hỗn tạp rất lôi cuốn, gây xúc động ngập tràn bởi nhiều hoạt cảnh nhảy múa trong nhiều tình huống lưu vong bối rối của bao nhiêu nhân vật không cùng một giai cấp và thế hệ. Tôi nghĩ đến một nữ sĩ Thu Nga vừa viết truyện phim vừa viết truyện dài và đạt nhiều thành công đó vậy.
 
GS Vũ Ký Nhà Văn được Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Hoa Kỳ đề cử tranh giải Nobel
 
 
   Trong tác phẩm Mây Theo Gió Về, chúng ta đã tuần tự gặp nhiều nhân vật và mỗi nhân vật đều có được cá tính riêng của mình. Ðó là sự thành công của tác giả Thu Nga.
   Ðiều đáng nói là mỗi cá tính nhân vật còn được gói ghém những khía cạnh đặc thù. Tỉ như ông Tâm dù thương vợ, thương con nhưng lại sợ vợ con lờn mặt mình nên hay la rầy để vợ con phải luôn luôn phục tùng.
   Ðặc biệt về những nhân vật nữ giới! Cùng trong giới cầm bút, tôi vẫn thường tự nghĩ: nhân vật nữ dưới ngòi bút nam giới, dù sao cũng chỉ là những cảm nhận từ ngoài nhìn vào để suy đoán, khó lòng đạt được những khía cạnh tâm tư thật tinh tế như cái nhìn của một nữ tác giả- cái nhìn của nữ giới với nhau.
   Ðể tôn trọng đức khiêm nhường của tác giả, tôi chỉ xin có đôi lời cảm nghĩ như trên. Xin quý vị tìm đọc ''Mây Theo Gió Về'' để trực tiếp đi vào thế giới của Thu Nga - đặc biệt nơi những nhân vật nữ như cô Tình, cô Thảo, cô Lan, bà Mai v. v... Còn về quan điểm đạo đức của Thu Nga trực tiếp hoặc gián tiếp trong Mây Theo Gió Về, tôi nghĩ chúng ta có thể liên tưởng tới lời thơ của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều xưa:
 
''Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài''
 
GS Nhà văn Doãn Quốc Sĩ