Giới Thiệu Sách "Cơn Uất Hạ Lào"

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Của Cựu Trung tá Mũ Ðỏ Bùi Ðức Lạc

Thu Nga

Thưa quý vị, thuở  TN còn ở trung học, ai ‘’không là người yêu của lính’’!? chiếc mũ xanh của Thủy Quân Lục Chiến, mũ đen của Thiết Giáo, mũ Ðỏ của Nhảy Dù và những bộ áo hoa rừng của lính là những hình ảnh rất thân thương. Và những đoàn ‘’Convoi’’ chạy rầm rầm trong thành phố là những điều không bao giờ quên được. Vì vậy, Thu Nga không ngần ngại nhận lời và hôm nay rất hân hạnh được giới thiệu tác phẩm Cơn Uất Hạ Lào của Mũ Ðỏ Bùi Ðức Lạc


Trước tiên chúng ta sẽ thử tìm hiểu xem tựa đề để có thể đoán một phần đại ý và ý nghĩa của tác pham Cơn Uất Hạ Lào
‘’Hai chữ Cơn Uất’’, uất này chắc chắn là phải uất hận hay là nỗi oan ức. Và Hạ Lào là một địa danh rất nổi tiếng, nổi tiếng không phải vì Hạ Lào đẹp như một thắng cảnh nhưng Hạ Lào nổi tiếng với một trận đánh mà mũ đỏ Bùi Ðức Lạc đã viết ‘’không có một trận địa nào từ cổ chí kim, với khoảng hai ngàn mét vuông, vậy mà trong gần hai tháng trời, mỗi ngày phải đón nhận hàng ngàn trái đạn pháo đủ loại, có những ngày được ăn phụ trội lên tới ba hoặc bốn ngàn trái...với cường độ pháo mãnh liệt như vậy, chắc hẳn những người trong hai ngàn mét vuông này nếu không bầm dập thì cũng phải tê dại điên loạn’’. Chỉ cần một đoạn thật ngắn, cũng đủ cho chúng ta hình dung cuộc chiến bi hùng của người lính Mũ Ðỏ trong trận Hạ Lào còn gọi là Lam Sơn 719!

Tác giả đã nói mục đích của chúng ta ‘’chúng ta’’ đây chỉ QLVNCH vào Hạ Lào mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu: ‘’Chúng ta vào Hạ Lào không phải để chiếm đất, chiếm mục tiêu, không phải là để đuổi địch ra khỏi vùng này, cũng như  không phải là để tiêu diệt địch quân trong vùng mục tiêu, càng không phải thâu lượm chiến lợi phẩm mang về làm bằng chứng, cuộc chiến này nó không phải là cuộc chiến bình thường, nên người bình thường không thể suy luận được, việc thu thành tích chỉ cần cho trình diễn mà thôi, máy bay không đủ để tiếp tế hay tản thương, thì việc thu thành tích không quan tâm bằng việc bảo toàn lực lượng. Và thưa quý vị, tác giả khẳng định:
Mục đích của chúng ta minh định rõ ràng trong lệnh hành quân là: Phá vỡ các kho tàng của địch, triệt hạ các cơ sở tiếp vận của địch!
Một đoạn trước đó, tác giả đã phân tích từ những báo cáo cũng như những kinh nghiệm thu thập được trong trận đánh cho thấy Hạ Lào đúng là một kho tang của cộng sản Bắc Việt. Chúng ta đã khám phá ra nào là vài ngàn xe đạp, vài chục ngàn cặp ruột vỏ xe đạp, kho nhiên liệu khoảng 50 thùng phuy nhớt và 100 thùng phuy dầu cặn và đã đụng độ với một trung đoàn thuộc sư đoàn 320 Bắc Việt, trong những ngày kế tiếp quân ta còn khám phá ra rất nhiều kho tàng đủ các loại quân trang, quân dụng mói toanh, các kho y dược nhãn hiệu xuất phát từ các nước trong khối Cộng Sản, khi đụng trận quân ta đánh trúng các kho đạn hay kho nhiên liệu, làm những cột khói cháy liên tục 2 ngày, 2 đêm, nào là dàn phóng hỏa tiễn năm nòng 122 ly và còn nhiều súng ống, đạn dược tối tân khác.

Với một kho tang kinh khủng như vừa kể sơ ở trên thì trận Hạ Lào chúng ta thử tưởng tượng các chiến sĩ QLVNCH đã chiến đấu anh dũng như thế nào! Nhưng đau lòng thay sau khi phá vỡ kho tàng của địch, hoàn thành sứ mệnh, chiếm được mục tiêu với không biết bao nhiêu máu xương đã đổ, tác giả đau đớn viết rằng:
‘’Máu của chúng tôi đã đổ ra tại đất đai miền nam của vương quốc Lào, thịt xương của bạn bè chúng tôi không vun trồng cho màu mỡ quê mẹ, mà lại làm tươi tốt cho đồng cỏ xứ ngườI, đó chính là niềm đau xót xa, niềm đau day dứt, cho những người lính chiến như chúng tôi, nhưng cái đau đớn thấm thía, đau lâu dài hơn là khi Hạ Lào bị cơ quan truyền thông ngoại quốc che mờ bằng màn khói bại trận gớm ghiếc, khinh bỉ, cái giá xương máu này lại được tô hồng chuốc lục bởi các phóng viên Việt Nam, đang sống ở miền Nam VN...’’.

Trận Lam Sơn 719 hay trận Hạ Lào đã được trở thành mốt thời thượng, nếu muốn là phóng viên có tầm vóc phải biết viết về Hạ Lào, tôm đậm nét đau thương càng nhiều, càng làm cho các ngài phóng viên trở thành nổi tiếng và theo nổi lòng u ẩn của người chiến sĩ Mũ Ðỏ Bùi Ðức Lạc thì ‘’dễ dàng nhất là tô đậm nét đau thương cho QLVNCH là chắc ăn nhất, vì vậy chúng tôi những người lính chiến thay vì được vỗ về thì lại bị trả đòn thù sau lưng, cùng trong lúc đó địch quân đang ra sức ca tụng các đơn vị của họ, trong khi những đơn vị này đang bị tan nát, đang vị vùi dập tại Hạ Lào.’’ Và cũng vì vậy mà người lính Mủ Ðỏ đương nhiên tứ bề thọ địch, và cái đau đớn là họ bị thua ngay trên ‘’Thủ Ðô ‘’ Sài Gòn của họ

Một điều làm cho tác giả phải thốt lên với một giọng uất hận nghẹn ngào là hệ thống bảo mật cho Hạ Lào hoàn toàn không có. Các đài phát thanh bạn tìm mọi cách giết (chúng ta), tức là QLVNCH, bằng cách loan tin nóng hổi là chúng ta sẽ tấn công qua Hạ Lào, trong khi đó thì nguyên sư đoàn nhảy dù VNCH còn nằm tại Ðông Hà, tức là chưa có đơn vị nào tiến vào miền đất của Vương Quốc Lào thì mọi người đều đã nghe đài BBC, VOA sẽ tiến vào Nam Lào’’, như vậy rõ ràng cuộc hành quân đáng lẽ được bảo mật tối đa lại được tiết lộ ra ngoài một cách tai hại. Kẻ đó chắc chắn phải là một điệp viên của CS được gài vào ngay chính trong cơ quan chính phủ của ta.

Tác giả cũng phân tích rất rõ ràng về khả năng tình báo của ta cũng không được chính xác trong khi tinh thần chiến đấu của địch rất cao bởi những cán binh bắc việt rất trẻ trước khi xuất trận đều bị chích thuốc để trở nên hung hãn , tuy nhiên chúng không sáng suốt khi phải đối đầu với đoàn quân thiện chiến của ta. Và nếu kỹ thuật tác chiến của địch ở mức độ trung bình thì chúng ta khó có thể giữ nổi miền Nam VN cho tới năm 1975 và theo tác giả CS chỉ quen với những trận đánh có thể gọi thư hùng với quân đội Pháp nhưng chưa được chuẩn bị kỹ càng để đương đầu với đơn vị có trình độ kỹ thật tác chiến cao như QLVNCH. Ngay kỹ thật pháo binh của địch cũng ở dưới mức trung bình vì nếu chỉ cần dùng tài năng của một hạ sĩ quan pháo binh của ta để chỉ huy pháo binh của địch tại Hạ Lào thì tất cả các bộ chỉ huy, các pháo đội và căn cứ hoả lực của chúng ta đều bị tiêu diệt 100%

Bảo mật cũng không, chiến tranh tâm lý yễm trợ cho Hạ Lào cũng không có, trong khi các chiến sĩ của ta đi dưới mưa pháo thì radio của Sài Gòn cho phát bản nhạc ‘’Kỷ vật cho em’’, một sáng tác mới nhất của Phạm Duy lúc đó, bài hát có khác gì  bài bi ca ‘’Tán Sở’’ rất tâm lý chiến của Hán Vương Lưu Bang, để quân lính Sở Vương buông súng về nhà...Nhưng tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Mũ Ðỏ vẫn hiên ngang oai dũng mà tác giả đã gọi là ‘’phép lạ’’ ‘’Quốc Tổ Hùng Vương, hồn thiêng song núi của dân tộc Việt ban cho chúng tôi, một tinh thần dũng cảm để chịu đựng, chấp nhận đọa đầy để hoàn thành sứ mạng mà quân dân miền nam VN đã trao phó’’

Trong lịch sử quân đội, chưa có một đoàn quân nào chiến đấu một cách oai hùng, dũng cảm trong một hoàn cảnh thiếu thốn, cam go như quân lực VNCH. Họ chưa được nghĩ ngơi từ trận hành quân này, chưa được gặp mặt mẹ già, vợ dại, con thơ sau những giờ phút kinh hoàng của trận địa,  họ lại phải bương bả chuẩn bị cho cuộc hành quân mới. Vừa đánh xong trận Hạ Lào, tác giả cùng đồng đội, Lữ đoàn 2 nhảy dù đã tham dự trận chiến 13 ngày giải toả Tân Cảnh. Cuộc chiến tuy kéo dài 13 ngày, nhưng các đơn vị Mũ Ðỏ thật sự chỉ chạm địch mạnh có 2 ngày, tiểu đoàn phòng không của địch bị tiêu diệt hoàn toàn, trung đoàn bị thiệt hại một nửa quân số, số còn lại như rắn không đầu, tinh thần chiến đấu không còn, chúng đã tháo chạy vì không thể đương đầu với đơn vị Mũ Ðỏ. Sư đoàn CS rút lui.

Tác giả kể tiếp:’’Bất cứ lần xuất quân nào của đơn vị Mũ Ðỏ cũng chạm trán nẩy lửa, nếu trận mạc bình thường thì các quân đòan không cần xin đơn vị tổng trừ bị, mà các đơn vị cơ hữu của quân đoàn đều có thể giải quyết chiến trường được. Ðơn vị  Nhảy Dù đến đâu là, chắc chắn máu của chúng tôi phải đổ thay cho các đơn vị đang tham chiến tại chỗ, đem bình yên đến cho đồng bào, đem niềm vui đến cho các đơn vị bạn, đem sử hãi hùng đến cho quân thù, nhưng chưa một lần chúng tôi được quyền kiêu hãnh, chúng tôi coi đây là nhiệm vụ của mình phải hoàn thành, nhiệm vụ của đơn vị tổng trừ bị, là nhiệm vụ chiến đấu, trải dài trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Ðoạn viết ‘’Ðường về Pleiku’’, sau khi bộ tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh tại Tân Cảnh bị thất thủ, toàn bộ Lữ Ðoàn 2 nhảy dù nhận được lệnh quân đoàn I I từ Võ Ðịnh-Tân Cảnh, rút quân về Kontum, và nơi đây quân đội chúng ta đã bị địch pháo hoả tiễn 122 ly liên tục rớt xuống tỉnh Kontum ngày đêm. Kontum một thành phô hiền hòa nay trở thành hoang vu, tác giả đã viết: ‘’..Trong thành phố chỉ còn rất ít những con chó đói đi kiếm đồ ăn chạy sủa vu vơ trên đường phố, người di chuyển trong thành phố hớt ha, hớt hãi như đang chạy trốn ma quỷ, cây cối hai bên đường xơ xác điêu tàn, cảnh vật buồn tênh, những người khốn khổ còn lại, họ ùn ùn kéo lại sân vận động...họ chạy tìm cái sống trong cái chết, họ chạy đi đâu? Máy bay trực thăng không dám đáp xuống cứu họ? Thành phố Kontum đã trở thành thành phố chết ‘’..không một sức sống nhỏ nhoi tồn tại, một vài căn nhà xơ xác do đạn pháo của địch, đây đó vết máu đã khô đen, chúng tỏ địch quân pháo kích đã có kết quả, kết quả dân lành vô tội phải bỏ xác vì các loại pháo của Quân ÐộI Nhân Dân. Thay mặt cho phóng viên chiến trường, vì không một phóng viên nào có mặt, tác giả đã ghi lại một hình ảnh đau thương của ngườI dân Việt trong bối cảnh chiến tranh do CS gây ra khi tác giả gặp một cụ bà đang đi thong thả, nhưng lạc lòng trong thành phố đang mịt mù  thuốc súng:

-‘’Thưa cụ, cụ đi đây vậy?
-Tôi về nhà con tôi
-Nhà con cụ ở đâu?
-Nhà con tôi ở Pleiku
-Thế cụ ở với ai đây?
-Con gái tôi
-Con gái cụ đâu rồi?
-Nó chết tối qua, tôi chôn nó ở sau vườn rồi!

Tác giả ghi nhận ‘’trên khóe mắt của cụ bây giờ tôi mới thấy nước mắt cụ đã khô cằn, cụ đã khóc quá nhiều nên không còn nước mắt để khóc..’’

Máu của Nhảy Dù lại tiếp tục đổ chảy dài theo quốc lộ số 1, thấm vào những bộ xương khô của đồng bào Quảng Trị, trên đại lộ kinh hoàng, một đơn vị tổng trừ bị của QLVNCH bị đầy ải liên tục nhưng lúc nào cũng vui với lòng thương của người dân từ Quảng Trị cho đến Quảng Nam, hay bất cứ vùng nào Nhảy Dù đi qua. Những thiên thần Mũ Ðỏ chính là những người đầu tiên bước trên Ðại Lộ Kinh Hoàng, nơi đầy dẫy những xác chết của hàng ngàn đồng bào vô tội

Những chương cuối trong cuốn Cơn Uất Hạ Lào, tác giả đã ghi lại những trận đánh khi có mặt tại Huế. Chương này tác giả cho thấy những người trai oai hùng của một binh chủng thiện chiến, kỹ luật cao, dũng mãnh như Triệu Tử Long, nhưng cũng có những giờ phút rất thi sĩ, rất sâu sắc khi ghi lại cảm nghĩ trong những câu thơ, những bài hát khi tâm hồn trùng xuống như những câu thơ của Chuẩn Nghi:

‘’Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về không bằng Mũ Ðỏ Áo Hoa
Anh trở về không bằng huy chương chiến thắng
Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng
Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng ca...’’

Hoặc mơ màng, lãng mạn khi nhớ đến bài hát:

‘’Chờ anh  em nhé
Giết xong giặc anh về
Ngày mai chiến thắng
Kéo quân về huy hoàng
Chờ anh em nhé...nhé
Chí trai anh đã thề...

Những giây phút dịu dàng mơ ước đó rất ngắn ngủi. Tác giả ‘’nhìn lên dãy núi chạy dài từ căn cứ Alpha, rồi căn cứ Delta, qua Charlie, lên Yankee, căn cứ 5, như vẫn còn sôi sục, cho tới căn cứ 6 với đầy trắc trở, dẫy núi dài khoảng 10 cây số, tất cả là khu rừng núi rậm rạp, nhưng nay đa số đã trở thành trơ trụi vì bom đạn, cả sư đoàn 320 của Cộng quân nay đã rách nát, nhưng máu của Mũ Ðỏ đã đổ không ít trên dẫy núi này, dẫy núi oan nghiệt năm nào chúng tôi cũng phải tới thăm nó một vài lần, máu của Mũ Ðỏ đã thấm sâu xuống sườn núi hoang vu, bồi bổ cho cây rừng tốt tươi cho thêm phần u uất...’’ Những sự hy sinh cao quý đó được đền bù sau bằng những buôi lễ gắn huy chương, và điều này đôi khi đã làm bi lụy cho gia đình với cách làm việc không được công bằng của những cấp chỉ huy mà tác giả đã ghi lại trong chương ‘’Ai ra xứ Huế’’.

Thưa quý vị, còn nhiều hình ảnh, nhiều tâm tình trong cuốn Cơn Uất Hạ Lào mà chúng tôi không có đủ thì giờ để ghi hết những tâm tình của tác giả Mũ Ðỏ Bùi Ðức Lạc, phải chính quý vị đọc tùng chữ, từng trang, từng chương, mới cảm thong được nỗi lòng u uất, nỗi thống hận sâu xa những trang sử bi hùng tráng của các chiến sĩ được mệnh danh là Thiên Thần Mũ Ðỏ. Một binh chủng thiện chiến mà cấp chỉ huy đã đặt tất cả trọng trách khó khăn lên vai của họ như cuộc đối thoại sau đây:

‘’...Việc dùng Nhảy Dù để clear Chu Pao, là vắt chanh...là xử ép anh  em Nhảy Dù. Chu Pao ngoài vùng trách nhiệm của Nhảy Dù’’
-Chúng tôi không ép anh  em đâu, nhưng các anh thử nghĩ coi, bây giờ chúng tôi không còn một đơn vị nào có thể làm việc này được. Ðây  là việc chẳng đặng đừng
...Tôi nghĩ rằng Nhảy Dù có thể làm được việc khó khăn này
-...Nhảy Dù việc gì mà chẳng làm được
-Ông nhớ rằng Nhảy Dù cũng chỉ là con người...
Nhưng thưa quý vị con người Nhảy Dù qua những trận chiến oai hùng rất xứng đáng với danh hiệu thân thương Thiên Thần Mũ Ðỏ. Khi xưa chiến sĩ da ngựa bọc thây, ngày nay ‘’Kẽm gai bọc thây anh hùng’’

Tác giả đã trang trọng viết ngay trang đầu khi vào truyện:

‘’Kính dâng linh hồn các bạn quý mến Hiền, Phan. Các em thương mến Thọ, Hạnh, Chương, Ðương, Quân, Côn, Thu, Thúc, Quang, Ðại Bình, Bân, Lữ, Khê và các chiến hữu đã quên mình vì nuớc, trong trận Hạ Lào tức Lam Sơn 719
Nếu Sư Ðoàn Nhảy Dù quân số tổn thất 99%
Nếu Sư Ðòan Thủy Quân Lục Chiến bổ xung 90%
Nếu Sư Ðoàn 1 Bộ Binh phải tái lập

Nếu Liên Ðoàn 1 Biệt Ðộng Quân bị xóa tên  thì trận Lam Sơn 719 tức trận Hạ Lào chúng ta vẫn thắng, chúng tôi khẳng định như vậy và thêm một lần nữa đoan quyết rằng QLVNCH đã thắng trận Hạ Lào!  Cũng như nhận xét thiển cận, một chiều của người ngoại quốc đối với trận Mậu Thân! Nếu ta thua trận Mậu Thân thì làm gì chúng ta có trận Hạ Lào? Nếu chúng ta thua trận Hạ Lào thì làm sao một đoàn quân vừa thua trận, đáng lẽ được nghĩ ngơi dưỡng thương tại Ðông Hà  lại tiếp tục được đưa đi hành quân ngay tại Tân Cảnh?’’

Chiến sĩ Mũ Ðỏ Bùi Ðức Lạc đã không hổ thẹn với non song khi ông đã phục vụ trong một binh chủng oai hùng, không một đơn vị nào phải tái huấn luyện, tất cả đều hiên ngang làm tròn phận sự của người chiến sĩ, đối với quốc gia dân tộc qua những trận hành quân không ngơi nghĩ vì câu khẩu hiệu của Binh Chủng Nhảy Dù là ‘’Cố Gắng’’, cố gắng làm tròn bổn phận của người trai trong thời loạn, cố gắng vượt qua những trở ngại chông gai, cố gắng khi bị đối xử bất công, cố gắng nuốt uất hận khi bị phản bội từ những người bạn đồng minh, từ những người cùng chung chiến tuyến, từ những bài báo của những phóng viên trường trình bằng tài liệu.. nói chung cố gắng trong bất cứ hoàn cảnh nào, và ông đã hằng cầu nguyện‘’Xin các đấng Linh Thiêng của dân tộc Việt, xin hồn thiêng song núi, xin linh hồn của các chiến sĩ Vô Danh, xin vong hồn của bạn bè, xin Trời Phật, xin Ơn Trên hãy phù hộ cho đàn con yêu đất nước được vũng mạnh tinh thần..’’ tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ non  sông.

Ðã 32 năm trôi qua, từ lúc Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, khắp bốn miền, theo nhà thơ Trần Dần

‘’Tôi đi không thấy phố  thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ...’’

Toàn dân đang mong đợi một màu đỏ khác, màu đỏ thân thương, màu đỏ oai hùng đã làm nên lịch sử. Màu đỏ của đoàn thiên thần đã bao phen làm cộng quân khiếp đảm, trở lại giữ vững quê hương như lời nguyện cầu của chiến sĩ Mũ Ðỏ Bùi Ðức Lạc ‘’cho ngày rất gần Hoa Dù lại nở trên quê hương ta’’

Các anh chiến sĩ Mũ Ðỏ! Các anh đã buông súng theo lệnh của một ván bài chính trị, nhưng các anh không bao giờ thua! Các anh đã hy sinh cả quảng đời son trẻ, các anh đã bị trả thù bầm dập trong lao tù cộng sản, các anh sống vất vưởng trong đời thương phế binh, các anh vẫn nuôi chí phục hận cho quê hương tại hải  ngoại, các anh không đơn độc vì đã có chúng tôi, toàn dân, toàn quân trong và ngoài nước, những ngườiI cũng yêu quê hương, yêu dân tộc và yêu những cánh Hoa Dù  vong quốc và cùng tâm nguyện một ngày về giải phóng quê hương!

Cảm ơn quý vị đã lắng nghe và xin hân hạnh giới thiệu tác pham Cơn Uất Hạ Lào của Mũ Ðỏ Bùi Ðức Lạc

Thu Nga