Lời Giới Thiệu Tác Phẩm Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

GS Nhà Văn Vũ Ký
 
Vừa đọc xong 2 tập truyện "Ngậm Ngùi Hương Xưa" và "Bên Bờ Hạnh Phúc" của nữ sĩ Thu Nga thì cô Thu Nga gởi tiếp cho tôi bản thảo dày, nặng "Mây Theo Gió Về" (MTGV), vở kịch dài, cũng đồng một tác giả.
Cảm nhận đầu tiên của người đọc MTGV là một thú vị đặc biệt được sống với tác giả những mẫu đời sôi động, đầy biến đổi, nổi trôi trên một miền đất lạ, với những hành trang tinh thần, tâm lý ngổn ngang của bao nhiêu người chưa kịp sẵn sàng để thích ứng cho một cuộc sống hoàn toàn khác lạ.
Tác phẩm quả là một minh chứng xác thực cho điều nhận xét của một văn hào Tây Phương nào đó: "Ký ức và thực tại của nhà văn nghệ sĩ cũng giống như một bình pha rượu mạnh (shaker). Cứ rung rung nó lên là trộn lộn tất cả để mời ta một bồ đào hợp tửu tân kỳ (coctail)". Nhờ nghệ thuật cấu trúc nội dung tài tình và sự tưởng tượng phong phú của một cây bút đa diện và đa dạng, mới nhìn vào tưởng rằng cái nền của vở truyện kịch dài nầy, chính là sự hoạt động sôi nổi trăm nghìn vẻ do cá tính, do động cơ khác nhau của nhiều nhân vật, hoặc vì quyền lợi, sở thích cá nhân hoặc vì mối tình mù quáng không khai thông trong vùng nội tâm bối rối, hưng không.
Ông Tâm, một đại úy trong QLVNCH, ít nhiều bị khủng hoảng tinh thần, sau những năm đi "cải tạo" của Việt Cộng, lại mang trong tiềm thức cái hội chứng các con mình dần dần rồi sẽ vong bản vì môi trường, cảnh ngộ mới và gia đình mình rồi sẽ sa sút, mà mình bất lực, đành chịu suy giảm uy quyền, từ hồi quê hương chấm dứt cuộc sống tự do, an lành và cả gia đình phải chịu cảnh lưu vong, tẩu quốc bất đắc dĩ. Tuy thế, ở nơi ông, vẫn còn phảng phất chút nghị lực và trí tuệ sót lại, góp phần hoạt động chống bọn phi nhân bạo tàn và kỳ vọng vào hào quang của một ngày về khi quân thù ngã quị.
Phân tích căn bản, đầu mối tâm lý và cơ sở triết lý dựng nên tác phẩm chính là từ đại úy Tâm nầy vậy. Ðộng tác chủ yếu từ đây phát xuất và từ nhân vật chính nầy ghép vào lớn nhỏ những biến cố nội tâm, những hoạt động cụ thể của nhiều nhân vật khác nhau trong một gia đình. Nào là một cô Tình và một cậu Thuần cùng cha, khác mẹ mà cuối cùng cả hai mới biết được cái bí mật máu huyết nầy. Cô và cậu đều rất hiền lành, hiếu thảo, nào cô em út Thảo, lém lỉnh, đua đòi, nông nổi. Nào cậu Thương nhẹ dạ, không lo học hành, đi theo du đãng, đến bị chết. Rồi mối tình tay ba giữa ông Tâm, bà Tâm và bà Mai, giữa Tình với Minh và Thảo. Rồi Thảo với Xuân và Tân, mối tình trắc trở của Thuần và Lan....
Tôi nghĩ rằng, tác giả không phải mất công để điểm xuyết từng các nhân vật, cấu tạo từng cá tính, bố trí hành động của từng người, dựng lên diễn tiến của sự việc mà chính thực tại phong phú xung quanh nhà văn, cảnh xô bồ trên đất định cư thấm đượm phần tâm cảm tánh trực giác cảm thông - Nói theo danh từ triết học của nhà văn hòa nhập mật thiết - đồng nhất với cuộc sống hỗn độn xung quanh mình để bây giờ có dịp trải rộng ra trên mặt giấy... Ðược sự trợ lực thêm bởi cảm hứng sáng tạo và tưởng tượng phong phú của người viết, tác phẩm thừa sức làm say mê và hấp dẫn độc giả.
Nếu không đạt đến một độ cao nào của nghệ thuật và kỹ thuật thì không dễ gì tác giả giữ vững được sự tập trung, chú ý của người đọc để theo dõi diễn tiến vở kịch dài cả 600 trang và gợi hứng thú cho họ đến như thế.
Tôi xin không mất công tường thuật từng giòng đời phức tạp của cuộc sống riêng từng nhân vật, cũng như không dẫn chứng vô số tình tiết, cảnh ngộ éo le khúc mắc gây nên bởi nhiều trường hợp của lương tâm, những bế tắc, khó xử của con tim rối nhùi trong những hoang tưởng tình ái và dục vọng mà nữ sĩ dựng lên rất khéo léo và tài tình trong tác phẩm. Tôi nhường cái thú vị bất ngờ, ngạc nhiên sảng khoái ấy, dẫn độc giả lạc đến những kịch biến của động tác hầu theo dõi say sưa đến hồi chung kết của cuốn truyện.
Quả đúng, "Ðời sống trên đất Mỹ" là một vở kịch dài xã hội, tâm lý mà môi trường diễn ra trên đất lưu vong, lạc loài ở một miền xa lạ, trong ấy hiện đang ngụp lặn nhiều con người thuộc nhiều thế hệ đầy tâm thức chấn thương của kẻ từ chối cuộc sống khốn khổ, tủi hờn nơi quê mẹ, phiêu lưu vào lộ trình hiểm nguy, dẫn đến miền đất hứa đầy cạm bẫy. Bây giờ chỉ mới bắt đầu cái bóng mờ của ảo vọng mà thôi.
Một vở kịch dài, tổng hợp của bao nhiêu đoạn kịch ngắn, kết lại bởi nhiều dòng đời, nhiều cá tính, nhiều tâm lý, nằm trong nhiều định mệnh khắc nghiệt, éo le, có khi xung khắc nhau của nhiều mẫu người mà hấp lực tình cảm tròng tréo đến lộn xộn, khắng khít vượt thoát khỏi hoàn cảnh cá nhân và gia đình, gây nên sự mất quân bình về lý trí hay bày ra bao nhiêu thảm trạng nặng nề do chính bản thân nhân vật.
Minh và Tình yêu nhau nhưng Thảo, em Tình cũng đem lòng yêu Minh, buổi tối sau đám cưới giữa chị mình với Minh, Thảo bỗng thấy nổi dậy những cơn sóng lòng của một sự ghen tuông sâu đậm và nàng không dập nổi. Hãy nghe nữ sĩ phân tích tâm trạng của Thảo, thực khéo léo, tế nhị, mà truyền cảm. Cái "mối tình em, duyên chị" đắng cay bẽ bàng này:
"... Buổi tối nằm trên giường, nhìn ánh trăng lọt vào khe cửa sổ, nước mắt Thảo từ từ lăn trên gối. Một nỗi buồn thật lớn, bao ủ cả tâm hồn nàng. Nàng cảm thấy như mất mát một cái gì rất thân thương, rất trân quý. Căn nhà sau một ngày huyên náo, đã chìm vào trong yên lặng. Nàng chống tay ngồi dậy, nhìn kim đồng hồ. Bốn giờ sáng! đã qua một ngày bận rộn và một buổi tối không hề chợp mắt.
Mọi người chắc cũng mới đi nằm. Tình và Minh cuối cùng đã được rảnh rang. Tình không còn ở trong căn nhà này nữa. Nàng đã theo chồng, thật sự theo chồng. ... Tim Thảo chợt nhói đau! Mình đã mất Minh thật rồi! vắng cả người chị. Mặc dù trước đây, nàng không có hy vọng được lấy Minh, nhưng ít ra, lúc đó Minh cũng chưa thuộc hẳn về Tình, nàng có thể nói cười, thỉnh thoảng vẫn còn cho Minh vài câu cay đắng để đo lường tình cảm của Minh....
Thật tình Thảo cũng muốn lòng nàng ngưng sóng gió. Nàng muốn quên mối tình si thơ dại mà nàng đã dành cho Minh. Nhưng không thể được, hình ảnh của chàng vẫn hằng đêm trở về quấy rầy trong những giấc mơ chập chờn của Thảo. Bây giờ hai người đang ở bên nhau. Họ mới cưới nhau. Họ đang có những phút mê ly, say đắm. Tim Thảo dâng đầy hờn ghen. Nàng quay người, úp mặt xuống gối chiếc gối lạnh vì nước mắt tuôn. Vai Thảo rung lên. Nàng cắn môi để tiếng nấc không lọt ra khỏi cánh cửa..."
Bà Mai, bồ cũ của ông Tâm có với ông một đứa con, đó là cô Tình, nhưng bà giấu nhẹm tung tích của con, nên bắt con gọi mình bằng dì. Gia cảnh bà nghèo, không nuôi nổi con, nên trả lại cho ông Tâm và người vợ chính thức nuôi, từ lúc Tình mới lên 4 tuổi. Rồi bà Hồng, bạn của ông bà Tâm, bảo lãnh cho bà Mai từ đảo sang. Ông Tâm nhìn con giống như người tình cũ mà nhớ đến người thương thuở nào. Bà Mai cũng âm thầm đau khổ vì mẹ không được nhìn con, máu huyết của mình một cách công khai. Thảo, con gái út của ông Tâm, không biết đầu đuôi sự việc, tìm người giới thiệu bà Mai để cho bà khỏi cô đơn, đó là ông Ngô.
Tác giả chỉ viết khéo một câu mà một hoạt cảnh nào đó sống động được vẽ ra rõ nét do trí tưởng tượng sung mãn của độc giả là chúng ta: "... không lẽ chỉ nói chuyện và uống nước suông? và chính những điều không biết đã làm ông như đứng ngồi không yên..."
"... Nhưng cái tin ông Ngô theo đuổi bà Mai đã ám ảnh không nguôi. Ông đã nghe tin bà Mai ở riêng, không còn ở chung với bà Hồng nữa. Cái tin này đã làm cho ông xao xuyến rất nhiều. Trên nguyên tắc, bà Mai độc thân, bà có quyền mời ai lại nhà cũng được. Còn ông thì dĩ nhiên không bao giờ được bà Mai mời riêng, mà có mời, thì ông cũng phải đi lén. Nhưng đâu có bao giờ bà Mai mời ông như vậy. Nhưng còn cái người đàn ông tên Ngô thì chắc chắn được bà Mai mời đến nhà chơi thường xuyên rồi. Ông dùng trí tưởng tượng của ông về việc bà Mai tiếp ông Ngô một mình trong căn nhà vắng. Không lẽ chỉ nói chuyện và uống nước suông? và chính những điều không biết đã làm ông như đứng ngồi không yên....
Ông Tâm thấy trán lấm tấm mồ hôi. Mặt ông bừng bừng, hơi thở ông gấp rút. Tay chân ông lạnh toát. Nỗi ghen tương làm ông khó thở. Giọng ông lạc đi..."
Rải rác vài mẫu người thánh thiện biểu lộ đôi hoạt động nhân ái, vị tha đáng ca ngợi như trường hợp bà Vui, vợ một sĩ quan cao cấp thuộc cảnh sát Mỹ đã chết, được hưởng một gia tài đồ sộ, giữa cơn khủng hoảng tinh thần lẫn vật chất của Thảo, bà thấy Thảo, giống đứa con gái của mình đã chết, đem lòng thương và hết lòng giúp đỡ, cứu vớt nàng khỏi một cuộc đời gian khổ vô vọng, còn hết lòng lo tìm lại bé Thủy, con của Thảo bị người bắt cóc, đem về cho Thảo. Như Tân, người hàng xóm tốt bụng đã giúp đỡ ông Tâm và mẹ con Thảo trong những cơn hoạn nạn, tối lửa, tắt đèn...
Nếp sống kim tiền xô bồ, buông thả, chạy đua theo thế lực vật chất của một xã hội tự do quá trớn, biến một số đông nhân vật của vở kịch dài này thành những kẻ vong thân và trớ trêu thay, từ những tội nhân hóa thành nạn nhân khốc liệt cuả gian manh xảo trá, lăn lóc bụi đời, không tìm ra phương hướng và sinh lộ cho lý tưởng mình, để trên chiến trường giữa tội ác và đạo nghĩa, họ chỉ còn là một thân xác không hồn... Và nhờ thế, khơi động sự hấp dẫn cao độ của vở kịch này đối với người đọc. Nhờ kỹ thuật cấu trúc và xây dựng đầy nghệ thuật, từng tình tiết trong tác phẩm khi ta bất chợt đọc phần đầu của câu truyện, cảnh mở màn động tác, ta khó kềm chế được muốn xem gấp đến trang cuối để biết cách mở gút của động tác tức là cái chốt của kịch biến ra sao hầu khám phá thái độ xử sự, ứng phó của từng nhân vật liên hệ. Phải chăng đó là sự thành công của tác phẩm biểu lộ chân tài của tác giả? Và nhất là sự sáng tạo hồn nhiên kịch biến, đẩy mạnh tính hiếu kỳ của người đọc đến độ cao của say mê, thích thú bất ngờ.
Bé Thủy, 4 tuổi, con của Thảo và Mike, người chồng khác màu da, bị Mike bắt hầu mong đòi Thảo đưa tiền cho mình xài. Thảo trúng kế, cầu cứu Xuân và tống tiền Xuân. Xuân là kẻ thừa tiền lắm bạc nên chàng ta là mục tiêu Thảo đang ngắm nghía để nàng thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn:
"...
-- Em nghĩ nó sẽ trả lại con cho em, nếu em đưa nó tiền.
-- Bao nhiêu?
Thảo nghĩ thật nhanh trong đầu, đây có thể là cơ hội duy nhất để lấy của hắn thật nhiều tiền. Hắn đang sung sướng vì Thảo đã hết giận, có thể hắn sẽ rất rộng lượng bây giờ, chớ để sau này mới hỏi, chắc hơi khó. Bao nhiêu câu hỏi cứ xoắn lấy đầu óc nàng, trong khi Xuân có vẻ sốt ruột chờ câu trả lời của Thảo. Thảo nói đại:
-- Em cần ít nhất 20 ngàn!
-- 20 ngàn! Bộ em tưởng 20 ngàn dễ chạy lắm sao? Nhưng kỳ thiệt! Em muốn anh giúp, mà anh không hiểu tại sao em không nói thật với anh? Vậy là thế nào?
Câu nói cuối cùng Xuân nói với một giọng không được êm ái, pha lẫn một chút trịch thượng. Thảo đâm tức giận lẫn mắc cỡ, đứng lên, nàng cười gằn:
-- Anh không giúp thì thôi! Ðừng có nói với em giọng đó! Mạng sống của con em, anh nghĩ không đáng 20 ngàn hay sao? Em có bán thân em để chuộc mạng sống con em, em cũng không màng, nhưng em không bán cho anh đâu! Em về đây!
Xuân hốt hoảng níu tay Thảo, nhưng Thảo đã giật phắt tay ra, quay mình đi như chạy. Xuân chạy theo kêu to, mặc cho vài người quay lại nhìn chàng:
-- Thảo! khoan đã Thảo! Thảo! Thảo!..."
Trước đây, tôi cũng được đọc 2 tập truyện "Bên Bờ Hạnh Phúc" và "Ngậm Ngùi Hương Xưa" của nữ sĩ với lời tựa "Ðôi Giòng Tâm Sự", viết rất hay và rất triết lý. Các tác phẩm đó là "chuyện quê nhà", còn trong vở kịch này, khác biệt hẳn, đúng là "chuyện xứ người" đó vậy, tuy cả hai chủ động đều là những đồng hương, đa diện và đa dạng, sinh hoạt trong những môi trường biến cách, mà tác giả đã phô diễn linh hoạt và sống động.
Ðọc MTGV, tôi liên tưởng đến bộ sách "Tấn Trò Ðời" (La Comédie Humaine) của văn hào Pháp Honoré de Balzac gồm nhiều tác phẩm rời miêu tả cuộc hoạt náo, xô bồ của nhiều con người đủ cá tính, đủ tâm thuật, đủ giai cấp trong xã hội loạn ly thời cách mạng Pháp, vào thế kỷ 18, giống lắm, giống nhiều điểm. Nhưng ở Thu Nga, những nét điển hình với tâm thuật Việt Nam có nhiều đánh động chúng ta hơn. Còn một đặc điểm nữa trong truyện kịch nầy là tác giả cố ý kết cấu công trình sáng tạo của mình theo lối thủy chung, trung hậu. Các nhân vật như Thuần, Thảo, Tình, Minh và nhất là ông Tâm, rồi ra sum họp, hội ngộ bất ngờ do một mầu nhiệm nào của hoàn cảnh và số mệnh nên tìm lại vòm ánh sáng hạnh phúc cứu sinh, tưởng như đã mất hẳn từ bao giờ.
Một "Happy Ending" xoa dịu bao sóng gió của dòng đời đầy khổ lụy thương tâm. Thảo trở về con đường chính, bắt đầu đi học trở lại; Minh hết bệnh, trở về và trở thành giám đốc một cơ sở thương mại lớn.
"... Tình bật khóc trong sung sướng. Ông Tâm bặm môi cố ngăn những giọt lệ hạnh phúc, mắt mọi người mờ đi... Ông đưa tay lau nước mắt, lòng ông xao động. Bà Mai như một mùi hương trong dĩ vãng. Nhớ mùi hương nhưng không giữ mùi hương được. Làm sao người ta bắt được mùi hương! Biết nó thơm, nhưng không giữ được mùi thơm. Kỷ niệm đẹp, ông cất riêng vào ngăn tủ lòng, thỉnh thoảng ông mở ngăn tủ ra để tưởng tượng đến mùi hương của dĩ vãng...
Ông trả lời bé Thủy: "... Mây bay đi chơi rồi nó sẽ theo gió bay về nhà"...
Dưới gốc cây sồi, những chiếc lá nho nhỏ, mong manh ùn đầy quanh gốc cây. Ông nói nhỏ như nói cho riêng mình nghe: "Cũng như lá rụng, cũng về cội thôi!"
Truyện Mây Theo Gió Về hay kịch bản Ðời Sống Trên Ðất Mỹ, tác phẩm đạt được thú vị cao đối với người đọc và người đọc mua cái thú vị thỏa lòng ấy bằng sự mệt trí biểu đồng tình vì phải cố gắng chú ý để nhớ lại, theo dõi bao hành động phức tạp, tròng tréo rối nhùi của các nhân vật tạo nên động tác chính và phụ của truyện kịch, mà cũng là bao tình tiết phong phú của tiểu thuyết dài nầy của nữ sĩ Thu Nga.
Ðọc truyện nầy, ta bỗng trầm ngâm suy nghĩ. Tâm thức hồi tưởng làm một cuộc so sánh có thể cùng cường điệu chăng, với kịch bản nổi tiếng Lôi Vũ của kịch tác gia thiên tài Tào Ngu của nền văn học Trung Quốc? Cũng là một vở kịch dài với rất nhiều kịch biến, gồm nhiều động tác lớn nhỏ, buộc, thắt và mở gút rất khéo, đan vào nhau chằng chịt do cái biệt tài gây say mê liên tiếp bất ngờ cho độc giả, có nhiều nét tương đồng với tác giả là nữ sĩ Thu Nga trong truyện nầy. Có khác chăng, Lôi Vũ đúng là một vở kịch, dựng theo lối cổ điển Tây Phương với luật tam nhất, nhất trí về động tác, về thời gian và không gian. Còn trong truyện kịch trường thiên MTGV của Thu Nga lại viết theo dạng tiểu thuyết: Ở đây, yếu tố thời gian trải ra rất dài môi trường không gian rất rộng, chính là cuộc sống sôi nổi với muôn nghìn sắc thái diễn ra trên đất Mỹ, tạo thành một cuốn phim Việt Nam hỗn tạp rất lôi cuốn, gây xúc động ngập tràn bởi nhiều hoạt cảnh nhảy múa trong nhiều tình huống lưu vong bối rối của bao nhiêu nhân vật không cùng một giai cấp và thế hệ. Tôi nghĩ đến một nữ sĩ Thu Nga vừa viết truyện phim vừa viết truyện dài và đạt nhiều thành công đó vậy.
 
GS Vũ Ký
Nhà Văn được Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Hoa Kỳ đề cử tranh giải Nobel