Mùa Xuân - Thi Nhân Xưa & Nay

Mùa xuân ngắm hoa nở, nhìn bướm lượn, nghe chim hót. Mùa xuân họp mặt bạn bè bên mâm cỗ ê hề rượu thịt. Mùa xuân quay quắt nhớ nhà, nhớ nước...tất cả đều là những đề tài để các văn thi sĩ làm thơ.
Từ thuở xa xưa, các nhà thơ nổi tiếng của Trung Hoa đã có những bài thơ viết về xuân, hay nhìn xuân tức cảnh, sinh tình mà lại cho đời những vần thơ tuyệt tác. Chẳng hạn như bài Xuân Nhật Túy Khởi Ngôn Chí (Ngày xuân say rượu tỉnh giậy nói chí mình) của Lý Bạch
Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh
Sở dĩ chung nhật túy
Ðồi nhiên ngọa tiền doanh
Giác lai miện đình tiền
Nhất điểu hoa gian minh
Tá vấn thử hà nhật?
Xuân phong ngữ lưu oanh
Cảm chi dục thám tức
Ðối chi hoàn tự khuynh
Hạo ca đãi minh nguyệt
Khúc tận dĩ vong tình
Ông Trần Trọng San đã dịch:
Ðời như giấc mộng lớn
Nhọc lòng mà; làm chi
Suốt ngày say lúy túy
Trước hiên nằm ly bì
Tỉnh giậy trông sân trước
Trong hoa chim hát vang
Hôm nay ngày nào nhỉ?
Gió đưa tiếng oanh vàng
Cảm xúc ta than thở
Ðối cảnh ta nghiêng bình
Hát vang đợi trăng sáng
Hết khúc đã quên tình
Xuân cũng có nghĩa là Tết vì mùa xuân về thì có nghĩa Tết đã đến. Tết tự bao giờ là tiếng gọi cho một mùa lễ hội lớn của dân tộc Việt Nam. Dù giàu hay nghèo, trong ba ngày Tết nhà nhà đều hớn hở chuẩn bị đón xuân:
Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai của mọi nhà
Ðì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt lòe trên vách bức tranh gà
Chí cha chí choét khua giày dép
Ðen thủi đen thui cũng lượt là
Dám hỏi những ai nơi cố quận
Rằng xuân, xuân mãi thế ru mà?
(Tú Xương)
Hội hè, đình đám trong các ngày Xuân cũng là nơi để trai thanh, gái lịch gặp gỡ, liếc mắt, đưa tình, chọc ghẹo, hò hát đối đáp ướm thử lòng nhau. Chùa chiềng, nhà thờ, đình làng tấp nập ‘’ngựa xe như nước, áo quần như nêm’’. Nàng thiếu nữ trong bài ‘’Chùa Hương’’ của Nguyễn Nhược Pháp là hình ảnh biểu hiệu cho lứa tuổi ô mai của thời xa xưa ở miền Bắc:
Khăn nhỏ đuôi gà cao
Em đeo giải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay cầm nón quai thao
Thuở thanh bình, hình ảnh ông đồ già của Vũ Ðình Liên chắc vẫn còn khắc ghi trong lòng những bậc cao niên xa xứ:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua...
Ngoài hình ảnh thân quen của ông Ðồ, các ông thầy bói cũng bày hàng ngoài chợ để gieo quẻ cho các bà, các cô đang ở tuổi kén chồng. Không khí tươi mát của mùa xuân như gội lên mái tóc mượt mà, như nhuộm thắm đôi má hây hây của người thục nữ. Tiếng hát vang dội như vắt vẻo lưng chừng núi, như thỏ thẻ với làn mây xanh, như lâng lâng trên mái nhà tranh nơi xóm nhỏ. Nhìn đâu cũng thấy sức sống bừng bừng:
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan
Ðôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý: bóng xuân sang...
(Hàn Mặc Tử)
Các em nhỏ, lòng rộn ràng không thua gì người lớn vì đã được mẹ sắm sửa cho những chiếc áo mới còn thơm mùi hồ. Giày guốc cũng tươm tất hơn ngày thường. Lại còn được đeo vòng vàng chưng diện ba ngày Tết:
Thuở nhỏ tôi đeo chiếc khánh vàng
Quần đào xẻ đủng áo hàng lam
Chân đi hài đỏ tay thu pháo
Nhộn cả nhà lên tiếng hát van
(Lan Sơn)
Ðời quả như giấc mộng lớn. Mới ngày nào khi còn bỡ ngỡ đặt chân lên xứ tự do, tóc ta còn xanh, mắt ta còn sáng. Nay nhìn lại gương thấy trên khóe mắt, làn môi những dấu vết thời gian để lại. Nhìn về quê hương khắc khoải tâm hồn. Giao thừa lại đi qua trên vạn vật. Thi nhân trong khoảnh khắc giao mùa, vội thảo bài thơ nhớ mẹ, nhớ quê, lòng bỗng nhiên chùng lại:
...Ngồi đây đếm vạn đắng cay
Giao thừa quê mẹ, phương này tuyết rơi
Giăng giăng lệ trắng khắp trời
Lạc loài đất khách, chao ôi! là buồn...
(Vũ Hối)
Người đời xưa và người đời nay chắc cùng gặp nhau tại một điểm: Xuân Vọng (Ðỗ Phủ)
Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm
Cảm thời hoa tiễn lệ
Hận biệt điểu kinh tâm
Phong hỏa liên tam nguyệt
Gia thư để vạn kim
Bạch đầu tao cánh đoản
Hồn dục bất thăng trâm
Bản dịch của Trần Trọng Kim
Nước phá tan, núi sông còn đó
Ðây thành xuân cây cỏ rậm sâu
Cảm thời hoa rỏ dòng châu
Biệt ly tủi giận, chim đau nổi lòng
Ba tháng khói lửa ròng không ngớt
Bức thư nhà, giá đắt bạc muôn
Gãi đầu tóc bạc ngắn ngun
Dường như hết thảy e không búi tròn
Người xưa chỉ có 3 tháng khói lửa, xa quê hương lòng đã ray rứt nhớ thương, hồn quê lai láng. Huống gì người Việt tha hương đã hơn 30 năm xa quê cha đất tổ. 30 mùa xuân đã đi qua mái tóc.
Trăng tròn rồi trăng khuyết:
...Ngẩng đầu trông ngắm vầng trăng
Cúi đầu lại nhớ xóm làng ngày xưa... (Bản dịch của Trần Trọng San)
Nguyên tác của Lý Bạch:
...Cử đề vọng minh nguyệt
Ðê đầu tư cố hương...
 Xuân đến rồi sẽ đi. Hoa rụng theo mùa xuân tàn. Nhưng đừng thấy hoa rơi mà lòng héo hắt. Vì đời còn có những bất ngờ thú vị.
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khôi
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai...
(Mãn Giác thiền sư)
Dịch
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Việc đời qua trước mắt
Trên đầu già đến rồi...
Còn đất trời là còn xuân, còn xuân là còn mầm hy vọng, còn ước ao. Ta ước ao một ngày không xa, ta sẽ tìm được mùa xuân đã mất trên quê hương Việt Nam.
...Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai
....Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua sân trước một cành mai

Thu Nga