Mạ Là Rứa

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Diễm Nghi



“Allo, Ba hỉ ?”

“Làm Chi đó ?”

“Ui chau, tau “dức”(nhức) cái đầu”

“Răng?”

“Ăn rồi cứ xoay chuyển đồ cho Mạ mi”

“hihihi”

“Răng chuyển miết rứa?”

“Bà là rứa, mi ơi!”

“Con biết!”

“Mạ mô ?”

“Bà đó tề! Bà ơi, hắn kêu tề .”

“Đứa mô rứa ?” Tiếng Mạ loáng thoáng

“Thì con Tẹo chớ ai!”

“Nì ..Mạ mi đây!”

“Mạ ! làm chi đó ?”

“Rứa mi đang ở mô? Có đang lái xe không ?”

“Con chuẩn bị đi …Chớ chưa đi”.

“Ừ …lái xe là không được nói chuyện điện thoại, nghe không ?”

“Biết mà!”

“Ừ, biết mà ..biết mà mà mi cứ làm miết!”

“ Có mô nà!” Tôi nũng nịu.

“Mạ! Mạ cứ kêu con là con Tẹo miết rứa. Con lớn rồi mà. Ai nghe dị chết”

“Dị chi mà dị …thì hồi đẻ mi ra ..mi nhỏ xíu ..thì Mạ kêu mi là Tẹo”.

“Nhưng chừ con lớn rồi!”

“Lớn chi mà lớn!”

“Mạ thiệt tình!”

“Rứa răng...chừ mi muốn kêu bằng chi”

“Thì kêu bằng tên cúng cơm con đó!”

“Mạ nội mi!” Mạ mắng yêu.

“hihihi”. Tôi cười ngặt nghẻo

Mạ là rứa! nói năng không hoa mỹ nhưng cả một bụng văn chương. Những câu nói ví von như nốt nhạc, lời thơ, mớm vào hồn tôi niềm đam mê ngôn ngữ. Từ thủa còn nằm nôi, tôi đã được tắm trong những câu hò thật bùi tai.

“Ơ…ơ…ơ..ơ..chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi ai cầu ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm ai nhớ ai mong
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non
Ơ..ơ..ơ..ờ

Ôi! Giọng hò nhẹ nhàng trầm bỗng làm tôi sa đà mỗi khi nghĩ đến. Ngôn ngữ của Mạ, thứ ngôn ngữ không chuẩn, không chải chuốt chứa đầy phương ngữ, thành ngữ theo tình tự thời gian đi vào tiềm thức tôi, thứ ngôn ngữ không cầu kỳ mà đôi khi pha chút dài dòng văn tự . Mỗi câu la rầy của Mạ là một điều làm tôi suy tư. Cái tiếng ““răng tê mô rứa” nghe lạ tai đối ai chưa quen. Có lần sau một màn trình diễn, có người hỏi tôi: “Em mới từ Việt Nam qua sao nghe nói giọng Huế rặc vậy? Tôi mĩm cười và nghĩ tới Mạ. Phải, Mạ cho tôi thứ ngôn ngữ phong phú và tôi luôn nâng niu.

Mạ là rứa, nghiêm trang nhưng mềm mỏng. Mạ thường nói thương con nên bỏ sau lưng, đừng tỏ ra trước mặt . Có lần, Mạ răn đe điều chi tôi không vừa lòng, giận quá tôi đâm ra ngất xỉu. Mạ quýnh quáng ôm tôi vào lòng, tay giựt hai bờ tóc mai kêu tôi tỉnh dậy:

“Tẹo ơi, dậy đi con!”

“Mạ sợ rồi!”

Từ đó, tôi được mệnh danh là “con trán vồ”.
Mạ là rứa, không lòe loẹt mà vẫn thướt tha. Mạ dặn đi đâu phớt lên một chút phấn hồng nhạt, thoa lên môi một chút son, chải lại mái tóc dài cho thẳng thốt là được rồi. Mạ không muốn tôi chạy theo mode này mode nọ. Mạ giản dị mà lại phức tạp khó hiểu. Nhiều câu nói chứa ẩn ý mà nếu không ở bên Mạ thì chắc sẽ không bao giờ hiểu. Ví dụ có lần tôi gửi loại bánh tét lá dứa về để gia đình đón năm mới. Đòn bánh tét bị quên, nằm trong tủ lạnh cả mấy tháng trời mới được khám phá. Mạ hỏi:

“Rứa, mi còn nhớ loại bánh tét màu xanh mi gửi không?”

“Bánh lá dứa con gửi qua phải không?”

“Ừ!”

“Nhớ chớ Mạ!”

“Loại nớ ngon hỉ “

“Mạ thích hắn hả ? “

“Cái nớ ngon đó!”

“Mạ thích thì con mua gửi qua cho Mạ!”

“Thôi, gửi chi xa xôi cho cực”

“Có chi mô, Mạ thích thì con gửi”

Mạ nói “gửi chi xa xôi” mà tôi thừa hiểu Mạ thích loại bánh đó nhưng lại không nói thẳng là mình thích và muốn tôi gửi.

Mạ là rứa, khi mô cũng chân ngắn chân dài lo cho tôi. Những trò chơi nào có chút mạo hiểm là Mạ không cho tôi tham gia, cái chi Mạ cũng sợ. Nắng, mưa, gió, bão, Mạ cho là trở trời, ho hen một chút là bị xức dầu gió đầy người. Đi đâu Mạ cũng nhét ve cù là bên người làm đồ “hộ thân”, làm tôi ám ảnh bởi mùi dầu cù là cay nồng mũi. Thời gian vùn vụt như thoi đưa, mới đó mà đã gần mười năm tôi xa nhà. Mới ngày nào tôi là đứa út ốm yếu lẽo đẽo đeo chân Mạ, bây giờ đã vào tuổi trưởng thành. Tôi nghĩ là mình đã trưởng thành nhưng trong suy nghĩ của Mạ, tôi vẫn là đứa con út bé bỏng. Mỗi lần gọi về thăm nhà, Mạ vẫn căn dặn đủ điều, nghe giọng nói khác khác là Mạ kêu đi bác sĩ, uống thuốc này thuốc nọ làm tôi không thể phì cười, nhưng hiểu tính Mạ hay lo nên tôi ậm ừ cho qua. Thỉnh thoảng, tôi đáp: “Mạ làm như con là con nít!”


Mạ là rứa, lúc mô cũng long đong, ba chìm bảy nổi theo vận nước .Nghe Mạ kể một ngày kia Mạ nhận được hung tin là ba cảm tử. Mạ liền dắt đàn con dại vào trại lính. Lúc đó, anh đầu tôi mới tám tuổi và chị Thuận còn đang bồng trên tay. Cả năm mạ con nheo nhóc dìu dắt nhau đi trong đêm tối mặc cho tiếng gào thét của bom đạn vây quanh. Tiếng oanh tạc xen lẫn tiếng khóc ré lên từng hồi của đàn con thơ in sâu vô tâm trí Mạ. Chị Thuận khát sữa khóc rống lên. Anh Trung cõng em thất thểu theo sau. Nghĩ đến cảnh con sẽ không được thấy xác cha. Mạ nghẹn ngào và cố giấu lệ. Năm Mạ con bị Việt cộng chận lại tra hỏi. Tính mạng mấy Mạ con lúc đó như cân treo trên đầu cọng chỉ. Nếu Mạ lỡ lời làm họ nghi ngờ là có thể bị bắt hay bị giết ngay. Mạ lanh trí giấu xấp giấy tờ tử trong lớp tả của chị Thuận và nói láo là Mạ có chồng lính, muốn vô xin tiền về nuôi con. May thay, họ tin lời và miễn cưỡng cho năm Mạ con đi.

Sau mấy ngày lặn lội năm mẹ con đến khu trại lính. Nhưng oái ăm thay! khi đến nơi th́ì người ta đã xong việc chon cất. Vợ không nhìn được xác chồng! Con không thấy mặt cha! Năm Mạ con xót xa thâu lượm kỷ vật người quá cố ra về.

Mạ ảnh hưởng tôi từ ngôn ngữ cho tới quan niệm sống. Bên cạnh những câu la rầy, Mạ còn dạy tôi nhiều điều hay lẽ phải. Câu nói tâm đắc nhất là: “Thôi con, người ta rứa thì mình khác!” Tôi đọc trong ý Mạ cách nhìn bao dung, độ lượng với tha nhân, và tôi lấy đó làm phương châm trong cuộc sống. Mạ là rứa, phải như ri như rứa. Tuy nhiên, có những điều tôi lại không thể làm theo ý Mạ. Đó là khi tôi nghĩ tới những kẻ bạo cường đang dày xéo người dân vô tội trên quê hương.

Những buổi chiều đang lái xe trên xa lộ về nhà, qua mặt kiếng xe, tôi ngóng nhìn đàn chim ríu rít rủ nhau bay về một phía trời xa, hồn tôi dâng lên một nỗi buồn lây lất, nỗi buồn vong quốc. Như những cánh chim kia, những người con dân Việt mãi nhớn nhác gọi đàn. Tôi tìm thấy quê hương trong Mạ. Bây chừ, Mạ già yếu và phải chống chọi với những căn bịnh triền miên, như những người dân vô tội đang ngày đêm đối phó với những tai ương rập rình chực sẵn trong một chế độ thối nát.

Tôi thầm nghĩ một ngày nào Mạ cũng sẽ về với đất nhưng quê hương tôi có hồi sinh hay mãi quặt què trong tăm tối.

Diễm Nghi