Mây Theo Gió Về

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
 Bạt
 
Nhà Văn Diệu Tần Nguyễn Tinh Vệ
Giải nhất Thọai Kịch Văn Chương Tòan Quốc 1963-1969
 
1.         “Mây theo gió về” là một truyện kịch. Một thể lọai văn xuôi khá mới ở hải ngoại. Trước 1975 ở quê nhà đã có tác giả viết thể lọai văn này. Truyện kịch. Một kết hợp giữa tiểu thuyết và thọai kịch. Thoại kịch hay kịch thơ chỉ để trình diễn trên sân khấu, sau này có kịch vô tuyến truyền thanh, rồi có truyện kịch. Người ta thấy mức độ tổng hợp, đa dạng, phức tạp xuống đến đơn giản, thuần nhất ở những thể lọai này. Thọai kịch cần diễn viên, sân khấu,có văn, nhạc, tiếng động, họa, hóa trang, trang phục. Kịch vô tuyến lọai bỏ được họa, hóa trang, trang phục…, diễn viên không cần biểu diễn động tác, nét mặt, và sân khấu chỉ còn là phòng vi âm. Truyện kịch, người thưởng ngọan chỉ đọc, không được nghe, chiêm ngưỡng, vì lời đối thọai in trên trang sách.
 
2.         “Mây theo gió về” của tác giả Thu Nga chuyển thể từ kịch vô tuyến đã phát thanh tại vùng Dallas, Texas với tên “ Ðời sống trên đất Mỹ”gồm 32 hồi và “Hậu Ðời sống trên đất Mỹ” gồm 10 hồi. Vở kịch vô tuyến này đã được thính giả địa phương tán thưởng nồng nhiệt, nay chuyển thành sách tác giả có thêm bớt sửa đổi cho thích hợp với độc giả. Do có hai phần nên vai chính phần đầu là cựu đại úy Tâm, chủ gia đình, phần cuối là cô Thảo, gái út ông Tâm. Về không gian, tác giả trình bằng ba hậu cảnh: Dallas, Texas; San Jose, California và Boston, Massachusett. Nhân vật không đông, chỉ có 15 người, xoay quanh gia đình ông bà Tâm, bốn người con, một rể và một đứa cháu. Những vai phụ khác là bạn bè, hàng xóm của gia đình. Thời gian: những năm đầu thập niên 90, kéo dài 7 năm có 3 năm khỏang cách, bỏ trống.
 
3.         Những lời đối thọai là xương sườn của “Mây theo gió về” . Tác giả viết đối thọai thật vũng vàng, dùng bút pháp nhẹ nhàng dễ hiểu với âm hưởng miền Nam đậm đà. Công thức truyện kịch là: Ðối thọai + tả cảnh + tả tình cảm đã được tác giả tận dụng. Tác giả có ngòi bút lột tả tâm lý nhẹ nhàng mà sâu sắc. Là một nữ lưu, tác giả đã đào sâu được vào những tầng sâu thẳm suy tưởng, tâm tư, phản ứng qua các nhân vật nữ”: Bà Tâm, hai cô gái Tình và Thảo, bà Mai người yêu cũ của ông Tâm, rồi Lan, Yến bạn của Thảo, rồi bà Hồng, bà Vui. Mỗi nhân vật nữ là một điển hình, có cá tính rõ rệt, đại diện cho hai thế hệ phụ nữ Việt ở hải ngoại.
 
4.         Ðây không hẳn là là một tấn thảm kịch lớn, chỉ nên coi như một bi kịch. Từ    hơn nửa thế kỷ qua chiến tranh chụp xuống, chúng ta người Việt, gia đình nào không có một bi kịch? Bi kịch này xảy ra ở bên ngòai đất nước, gia đình ông bà Tâm phải gánh chịu nhiều biến cố, nhiều tai nạn. Thương, con trai út bị du đãng hành hung, sau chết thảm vì tai nạn xe hơi. Thảo, con gái út ưa đua đòi, ngang bướng, bỏ nhà sống với bạn trai, rồi mang thai. Bà Tâm, người mẹ đau yếu thể chất, buồn rầu về tâm thần bị bệnh. Các nhân vật chính và phụ xoay tròn đan kẽ nhau tạo ra rất nhiều mâu thuẫn chằng chịt tưởng chừng như không gỡ nổi.
 
5.         Tai ương, buồn phiền chưa ngừng ở đó: con trai lớn gặp trở ngại trong tình yêu, tự ái bỏ nhà đi xa lập nghiệp không tin tức. Cô Thảo vẫn chứng nào tật nấy, chạy theo sức mạnh kim tiền, lợi dụng các bạn trai. Ông Tâm vẫn độc đóan , cố chấp, khắt khe. Suy cho cùng, những hội chứng chiến tranh tệ hại tác động đến gia đình này và hàng triệu gia đình khác, là do ảnh hưởng, do hệ quả từ một chế độ bạo tàn, không có tình người. Không phải khi không hai người con út lại hư hỏng đến mức đó. Cha đi tù cải tạo bảy năm trường, mẹ vất vả, tủi nhục tất tả kiếm gạo nuôi bốn đứa con, thăm nuôi chồng, còn thì giờ đâu giáo dục con cái. Sống trong một xã hội băng họai, đạo đức suy đồi, những thiếu niên như Thương, như Thảo kéo dài thói hư tật xấu qua tận xứ người, là chuyện tất nhiên.
 
6.         Nhất định đây không phải là bức tranh xám xịt, như một báo cáo nào đó đầy dẫy những khủng hỏang tinh thần, bệnh họan thể chất có những mưu đồ, những ác ý. Hai cây quýt ngọt, ông bà Tâm bị bứng đi tàn nhẫn, thô bạo, làm sao có thể bám rễ ngay được nơi đất mới? Với tâm thức, với quan niệm Á Ðông, gia đình ông bà Tâm, như hàng triệu gia đình tị nạn khác gần như bắt buộc phải hòa mình, phải tuân theo văn hóa, tập quán Aâu Mỹ. Những mâu thuẫn gay gắt nảy sinh và những bi kịch bắt đầu. Tác giả Thu Nga là một chứng nhân ghi khắc lại nguyên bản –tuy có bố trí lại – đời sống nổi trôi của những cụm mây phiêu bạt với ngòi bút vô tư, nhân ái và xây dựng.
 
7.         Ông Tâm sau cơn mê sảng, vật vã khổ sở với mối tình xưa cũ, đã hồi tỉnh. Ông đã hiểu cách đối xử với con cái ở thời gian và không gian này là không thích hợp. Ông tỉnh ngộ, hối hận để trở nên một người chồng, người cha có trách nhiệm và là thành phần có ích cho xã hội, cho cộng đồng. Rồi Thảo đã tìm thấy hạnh phúc chân thực, rồi Thuần đã thành công. Vở trường kịch hay truyện kịch dài này đã tạm kết thúc có màu xanh an lành, có tin yêu và hy vọng. Thời gian, phương thuốc nhiệm màu cùng với đạo lý, văn hóa Ðông phương, lòng khoan dung độ lượng đã gom gia đình sứt mẻ này này lại bằng vòng tay hàn gắn rộng lớn. Ðây không phải là cách hạ màn có hậu cổ điển, nhưng là một màn kết luận phải có, một ước vọng phải hướng về.
 
8.         Văn phong Thu Nga đôn hậu, trong sáng, dản dị mà thấm thía. Lối viết của Thu Nga như muốn dành riêng cho độc giả trung lưu, không làm dáng văn chương, không cầu kỳ, bí hiểm. Một trong mấy kỹ thuật viết truyện kịch hơi khác với nguyên tắc dựng kịch là bất ngờ, thắt nút, tạo mâu thuẫn, để cuối cùng mới gỡ nút, tác giả nhiều chỗ đã hé lộ trước để người đọc có thể đóan biết biến chuyển sẽ xảy ra. Lạ thay, với cách viết tài tình này, tác giả không khiến dộc giả nhàm chán, vẫn theo dõi từng chữ, từng giòng. Tác giả Thu Nga đã chuẩn bị sự việc và chuẩn bị tâm lý nhân vật để mời độc giả cùng phụ góp ý đi đến đột biến. Người ta cũng phải nhận là từ xưa tới nay chưa có truyện kịch nào dài hơi hơn “Mây theo gió về”.
 
9        Tác giả Thu Nga không chỉ là nhà báo, nhà văn sáng tác tiểu thuyết và truyện kịch. Thu Nga còn xông xáo trong công tác xã hội, cộng đồng, Thu Nga họat động trong ngành truyền thông, viết bản tin tường thuật, bình luận, viết và đọc diễn văn, tham luận….. Phụ trách một chương trình phát thanh Thu Nga đã thuyết phục thính giả bằng lời nói chân thành, chuyển sang lĩnh vực văn chương chữ nghĩa nhà văn Thu Nga chắc chắn sẽ thuyết phục được độc giả qua truyện kịch “Mây theo gió về”. Với tài năng đang độ chín mùi, với lòng say mê văn học nghệ thuật, với quan điểm, lập trường vững chắc, chúng ta tin rằng trong tác phẩm giá trị kế tiếp, nhà văn Thu Nga sẽ thành công hơn nữa.
 
Nhà Văn Diệu Tần Nguyễn Tinh Vệ
Giải nhất Thọai Kịch Văn Chương Tòan Quốc 1963-1969

n/a