Năm Dần nói chuyện ông Ba Mươi

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
 
 
Thu Nga
Trong 12 con giáp, nếu rồng tượng trưng cho sự sang cả vua chúa, con trâu chỉ sự cần cù, nhẫn nại, thì con cọp, đứng thứ ba, nói lên sự oai phong lẫm liệt; vì vậy nên lúc còn ở Việt Nam, ta hay nghe các cụ gọi con cọp với một danh từ nghe là thấy một sự tôn sùng, kính sơ. : ông Ba Mươi!
Ông Ba Mươi rất nghiêm nghị, ít nói và ít cả cười, vì vậy khi thấy ai lâu lâu mới nhếch mép người ta nói :”cười như cọp cười”! cọp mà cười chắc khủng khiếp lắm, không biết khi nó rống là nó cười hay nó khóc chỉ biết lúc ấy cọp nhe răng nhọn hoắt trắng nhỡn, răng này nếu người ta may mắn có được, đem bịt vàng làm mặt giây chuyền đeo cho con nít khỏi ….khóc đêm! Có người còn tin đeo nanh cọp còn tránh được đạn nữa!
Cọp còn được gọi là con “Kễnh”
“Mèo tha miếng thịt xôn xao
Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi”
Hay là:
“Mèo tha miếng thịt thì đòi
Kễnh tha con lợn mắt coi chừng chừng”
(Tức là ở đời chỉ dám bắt nạt với kẻ yếu kém, đối với người mạnh chả dám làm gì cả”
Hay còn được gọi ông Kẹ, ông Hổ, ông Hùm
Răng cọp quý mà râu cọp cũng quý, huyền thọai mấy cụ kể râu cọp trộn với nước bọt của cọp cũng có thể chế ra độc dược trong toa bùa chú thư ếm . Chúng ta hay nghe người ta gọi những người can đảm, dám chọc giận những kẻ quyền thế, hay những kẻ có “máu mặt là dám “vuốt râu hùm” vậy mà không biết làm sao cắt râu cọp tươi (cọp còn sống) được mà làm thuốc độc cho được ?!
Những kẻ chỉ nói cho sướng miệng nhưng không dám làm một việc gì cho nên hồn cả thì bị chê cười “miếng hùm, gan sứa” . Các nước á đông, nhất là Tàu và Việt Nam coi trọng con rồng và con cọp, nên hai con này hay đặt đi đôi với nhau, những nơi linh thiêng, khó xâm nhập người ta đặt tên là “hổ huyệt, long đầm” . Gọi những trận so tài mà 2 đối thủ “bên chín lạng người nửa cân”  là “long tranh, hổ đấu”, hay “long hổ tranh hùng “ hai con vật này mà đánh nhau thì thật là ngọan mục, cát bay đá chạy mịt mù trời đất!
Vì rồng và cọp hay đi đôi với nhau, nên các đền thờ, lăng miếu, người ta hay để thanh long (con rồng xanh) bên trái và bạch hổ bên tay phải, cho đúng với vị thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Các ông thầy địa lý khi đi xem nhà cho thân chủ cũng hay nhìn thế đất cũng hay phán ra câu này và nói tốt cho chủ căn nhà có địa thế như vậy .
Theo thuyết Trung Hoa, người ta tin con cọp trắng , bạch hổ” là do hóa thân của chòm sao Đại Hùng Tinh và cũng theo truyền thuyết thì những con cọp này phải tu đến cả 500 năm mới trở thành con bạch hổ được . Bạch hổ có một chữ “Vương” (vua) ngay trên trán
Cọp mạnh bạo hung hãn, ăn to nói lớn như người đàn ông nên ta nghe ví von sự ăn uống của người đàn ông khác với người phụ nữ “nam thực như hổ, nữ thực như miêu”, điều này chúng ta cũng thấy là con hổ và con mèo rất giống nhau và cũng vì vậy mà ta hay nghe các bậc mày râu than rằng “mới gặp em, thấy em dễ thương như con mèo tam thể, tới khi cưới em về, em lột xác thành con cọp cái “!
Những gia đinh nề nếp nào có con học giỏi đỗ đạt nên người, ta hay chắc lưỡi, gật gù khen “hổ phụ sinh hổ tử “
Những kẻ xấu xa, che dấu tâm địa của mình, lâu ngày chầy tháng thế nào cũng lộ ra, những người quen biết lúc ấy mới bật ngữa “gieo duyên lầm tướng cướp” mới thú nhận   rằng: khi vẽ con cọp ta cũng chỉ có thể vẽ hình thù, da dẻ bên ngòai, chứ làm sao vẽ được bộ xương bên trong, quen biết người cũng vậy, chỉ biết bộ mặt bên ngòai chứ làm sao biết được tâm địa của người ấy ?!: “họa hổ, họa bì, nan họa cốt, tri nhân, tri diện bất tri tâm”
Mắt của cọp rất sáng, đi rừng ban đêm nếu thấy trong bong tối có hai đốm sáng như ngọn đèn pha thì các người thợ săn khẳng định: đó là mắt cọp. Lại có câu chuyện kể nếu nhìn trân trân vào mắt cọp sẽ bị cọp thôi mien, khi bị thôi mien, đứng bất động, cọp sẽ nhảy tới vồ và ăn thịt . Tai của cọp lại rất thính, có thể để có thể tìm mồi trong những đám cây cối dầy hoặc trong đêm tối .
Cọp cũng giống như con người, hay chia ranh giới ra để cai trị như một ông vua, mỗi vua một cõi, bởi vậy cho nên cọp được mệnh danh là chúa sơn lâm, nhưng có “giang sơn” đàng hòang “giang sơn nào, anh hùng nấy . Mỗi con cọp đực thường chiếm đóng một vùng riêng biệt rộng   để dễ dàng kiếm mồi và làm chủ những con cọp cái trong vùng. Một điều lạ kỳ là những con vua cọp thường đánh dấu nơi mình hùng cứ bằng cách tiểu tiện vào những bụi cây trong chu vi riêng của mình, những con khác ngửi thấy mùi, tránh xa . Một rừng không thể có hai cọp (chỉ sự ganh ghét nhau giữa hai người có một chút quyền uy)

Thân thể của cọp dài, đi uyển chuyển, di chuyển nhanh nhẹn . Khi tức giận đuôi của nó đập qua đập lại . Râu của cọp rất nhạy, cọp nhờ bộ râu để đánh hơi . Vì cọp nhanh nhẹn và phóng rất cao nên khi đi trong rừng, muốn tránh hổ phải leo lên chót vót trên chót cây nếu không, cọp có thể lấy thế phóng lên vồ trúng
Da cọp là một món chưng bày sang trọng trong nhà, họăc làm áo lạnh cho mấy bà mấy cô, nên mới có câu “cọp chết để da, người ta chết để tiếng” . Dạo sau này phái nữ có mode mặc áo quần, dày dép, bóp xách tay ngay cả đồ lót bằng những lọai vải dệt, in hình lông con cọp, con beo….mền gối cũng vậy, vào tới nhà nhìn chủ nhà và những vật trang hòang như lạc vào chốn sơn lâm …giả!
Ngòai ra một trong những lý do chính khiến người ta tìm cách giết hết cọp vì ngay từ ngàn xưa, loài người rất sợ cọp vì cọp hay rình mò bắt gia súc và bắt người. Lòai người giết cọp bằng đủ cách khác nhau . Một trong những cách là là dùng hố bẫy. Thợ săn đào một hố sâu trên phủ một lớp cỏ tại nơi cọp thường qua lại, họ để những con mồi một con vật nhỏ hơn như heo chẳng hạn. Cọp tham mồi sẽ bị sa xuống hố. Ngòai ra người ta còn dùng các thứ vũ khí như cung tên, giáo mác và nhất là súng  để săn cọp. Bắt được cọp, người ta nhốt vào cũi . Nhìn con hổ bị nhốt trong cũi không khác gì kẻ anh hùng bị sa cơ thất thế . Chắc chắn trong chúng ta nhiều người đều thuộc và thích bài thơ “Hổ nhớ rừng” của Thế Lữ
Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm ………….
Tội nghiệp chúa sơn lâm, nằm trong cũi sắt mà nhớ thời vàng son:
Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị…..
Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!”
Đây cũng là hình ảnh, tâm sự của quân dân cán chính miền Nam trong các trại tù Cộng Sản được chúng gọi là “Trại cải tạo” sau ngày 30 tháng Tư, 1975
Cọp tuy hung dữ nhưng hình ảnh con cọp lại rất gần gũi với người dân Việt Nam .Ai trong chúng ta lúc nhỏ hay thiếu thời mà không nghe cha mẹ, ông bà kể những câu chuyện lý thú về cọp . Nghe nói thời bấy giờ những người ở thôn quê, gần núi rừng hay thấy cọp xuất hiện, cọp về bắt trâu, bò, heo và bắt cả người để xơi tái nữa . Một tỉnh ở Việt Nam được đi vào ca dao, tục ngữ vì có quá nhiều ông Ba Mươi “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”. Tuy nhiên, các nước có nhiều cọp trên thế giới như Trung Hoa, Nam Dương, Mã Lai, Ấn Độ, Việt Nam ….rừng núi bị phá hủy để cất nhà, trồng trọt, hay khai thác hầm mỏ . Rừng núi bị khai hoang lấy cây xây nhà, xây cầu, môi trường bị hủy họai, muông thú phải di chuyển hết nên ngòai cọp ra, những giống thú khác cũng lần lần bị biến mất khỏi mặt đất
Một lý do chính nữa để người ta tìm giết cọp vì trong mình con cọp còn có một thứ cũng được ưa chuộng đó là bộ xương của nó . Xương cọp nấu lên cho đặc quánh lại trở thành “cao hổ cốt” trị được bá bệnh . Cũng vì tin vào món thuốc nấu bằng xương cọp nên lòai cọp tại Á Châu lần lần hiếm dần và có nguy cơ bị diệt chủng
Hình ảnh con cọp có rât nhiều trong những truyện xưa và nay . Có một thời nhiều người đã rất thích câu chuyện “Thần Hổ” của nhà văn TCHYA Đái Đức Tuấn, đó là câu chuyện của một con hổ tu luyện thành tinh chuyên bắt người ăn thịt . Con cọp ăn thịt một người trong gia đình và nó tiếp tục theo dõi, rình mò để bắt người kế tiếp cho bằng được, dầu người này cố tình né tránh nhưng không thóat khỏi số bị hổ ăn . Hồn của những người này trở thành nô lệ cho con hổ thành tinh đó, câu chuyện khá hấp dẫn dưới ngòi bút của nhà văn có tên Tôi Chẳng Hề Yêu Ai (TCHYA)
Hay câu chuyện cổ tích “Túi khôn” cho thấy dầu cọp có hung dữ, có mạnh cách mấy cũng thua trí khôn của lòai người, chuyện kể có con cọp nhìn thấy con người nhỏ bé nhưng có thể khống chế con trâu, nó ngạc nhiên và có vẻ bực bội, một ngày nó chờ người đi vắng, mon men lại hỏi và chế nhạo con trâu “sao ngu thế, thân thể to lớn hơn con người sao để con người xỏ mũi lại bắt cày bừa cực khổ như thế! ? Trâu đáp sỡ dĩ chịu thua vì con người có trí khôn . Cọp suy nghì chả hiểu “trí khôn” là gì mà ghê gớm thế, nó chờ dịp hỏi con người, con người nói “ muốn xem, ta sẽ cho xem, nhưng ta để túi khôn ở nhà, ta sẽ về nhà lấy cho mi xem, nhưng ta phải trói mi lại đã, nếu không khi ta về nhà, mi ăn thịt con trâu của ta thì sao ? cọp đồng ý cho người trói lại vì tò mò muốn biết trí khôn ra làm sao . Người trói xong cọp, lấy gậy đánh cọp túi bụi, vừa đánh vừa nói “ túi khôn của ta đây nè!” Cọp biết khôn ra thì đã muộn!  
Truyện Thủy Hử có ông Võ Tòng giết con hổ dữ và câu chuyện cũng được sọan giả cải lương sọan tuồng “Võ Tòng đả hổ” . Trong sử sách Việt Nam cũng có một người giết cọp bằng tay không là ông Lê Văn Khôi con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt
Vì cọp có tướng uy nghi nên các vị tướng xưa và nay đều được ví với những con cọp oai hùng , như thời Tam Quốc, nhà Hán, Lưu Bị đã thu phục được ngũ tướng, trong đó có 3 người nổi bật với sức mạnh cũng như sự trung thành và lòng qủa cảm đáng được nể phục là: Quan Vân Trường, Trương Phi, Triệu Tử Long 2 người kia cũng rất tài giỏi là Hòang Trung và Nghiêm Nhan
Đời nhà Trần có năm vị tướng tài, đó là các tướng Trần Bình Trọng, Trần Quốc Tỏan, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, cả năm vị này được chỉ huy bởi Đức Trần Hưng Đạo
Biến cô 1975 đã cho đất nước Việt Nam them một lần nữa có Ngũ Hổ tướng, thà chết theo thành không hàng giặc, 5 vị anh hùng QLVNCH “Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần”, đó là các vị tướng: Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ và Trần Văn Hai đã tuẩn tiết trong ngày quốc biến để giữ vững tinh thần bất khuất không để sa vào tay giặc Cộng . 
Năm con cọp, Canh Dần, con hổ lại phóng mình nhảy về tính vồ con trâu, nhưng vồ hụt, con trâu tuy chậm chạp hơn, nhưng cũng đã cao bay xa chạy . Ông Ba Mươi (thật), hỗn danh con cọp làm ta cũng nhớ những tên Ba Mươi (giả) trở cờ lừa lọc, theo đóm ăn tàn khi CS cưỡng chiếm tòan cõi miền Nam, cho tới nay đã 35 năm trôi qua, những tên 30 đó nay ở đâu ? Chúng đã sang mắt ra chưa? và có khi nào chúng ăn năn hối cải là đã tiếp tay với CS, đưa đất nước Việt Nam đến chỗ cùng cực đọa đày . Chúng có bao giờ thấy tủi thẹn với vong linh của 5 anh linh của ngũ hổ tướng Việt Nam Cộng Hòa thà chết vinh hơn sống nhục, và khi nào con mắt chúng mới sáng ra để thấy cũng nhờ chúng tiếp tay mà nay đất nước Việt Nam đang từ từ mất dần vào tay “đàn anh” Trung Cộng ?
Trước thềm năm mới con Cọp, mong ông Ba Mươi   vồ hết những con ngáo ộp Cộng Sản, chuyên hiếp bóc đàn áp người dân, bắt cóc, trả thù những người lên tiếng tranh đấu cho nhân quyền, nhưng chúng lại khiếp sợ trước kẻ thù truyền kiếp từ phương Bắc không bao giờ ngừng giấc mộng xâm lấn Việt Nam để quê hương chúng ta sớm được hồi sinh trong ánh sang Tự Do, Dân Chủ!
Thu Nga
 

n/a