Những Bài Toán Không Đáp Số

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 

Truyện ngắn
 
Thu Nga
 
Nắng đã bắt đầu leo lên chót vót những ngọn cây, gió mùa xuân thổi từng cơn mát rượi. Cây bên đường mới đó mà đã thay áo mới. Những búp non như được một sức mạnh nhiệm mầu đã nở rộ những bông hoa rực rỡ trên những cành mới hôm nào đã trở nên khẳng khiu trong mùa đông giá lạnh.
 
Tôi đến sở sớm hơn thường lệ. Mary, thư ký của xếp đã đến tự bao giờ. Cà phê đã được Mary pha sẵn 3 bình, 1 bình nước trà nóng. Tôi lấy một cái ly bằng ‘’foam’’ gần bình cà phê, pha cho mình một ly cà phê bốc khói thơm. Thật tình tôi thích ngửi mùi cà phê chớ hơn là thích uống. Tuy nhiên, một ly vào buổi sáng ở nhà thì lại là điều bắt buộc, không có thì hình như thiếu ‘’xái’’. Hôm nào hết cà phê hay vì lý do gì nào đó, không uống được một ly vào buổi sáng là thấy như thiêu thiếu một cái gì. Khi tới sở, thấy bạn bè Mỹ uống, ngửi mùi cà phê, lại muốn uống một ly, nhưng thường thường tôi chỉ hớp một miếng, chớ không uống hết nhưng không uống thì lại cũng thấy khó chịu. Ðang khuấy 2 muỗng đường mới bỏ vào, tôi giật mình quay lại khi nghe tiếng bà Carolyn:
 
-Hi Tu! bộ cô không đù ngọt ngào hay sao mà bỏ đường lắm thế?
 
Tôi cười:
 
--Chị biết mà. Tôi uống đường có cà phê chớ không phải uống cà phê có đường!
 
--I know.
 
Carolyn cười lắc đầu tiếp:
- I don’t know how can you put sugar in your coffee.Mất hết mùi vị đặc biệt của cà phê
 
Tôi le lưỡi:
 
--Well! I don’t know how can you drink coffee without sugar! Mất hết cả mùi vị của đường!
 
Chúng tôi cười lớn hơn khi Tim, một manager trong department tôi bước vào góp chuyện:
 
--Carolyn, Hôm bữa chị có thấy Tina bỏ nguyên cả hủ đường vào ly trà của cô ta không?
 
Tôi cãi chính:
 
--Ðâu có, hôm đó tôi chỉ dùng có nữa hủ đường thôi mà
 
Chúng tôi vẫn cười đùa cho đến khi tôi nhận ra trên góc mắt của Carolyn một dấu bầm. Khi thấy tôi nhận ra điều đó, Carolyn quay mình bước vội ra khỏi nhà bếp, mắt long lanh. Tôi cũng vội bước theo. Tôi bắt kịp Carolyn, tôi hỏi nhỏ:
 
--’’Lại có problem với Roger phải không? he hit you? again?’’
 
Carolyn lắc đầu:
 
--Ðâu có...đâu có... Tôi bị đụng phải góc bàn mấy ngày rồi.
 
Thấy Carolyn chưa muốn tâm sự tôi chỉ nói:’’vậy à’’ rồi bước về văn phòng của mình. Buổi trưa Carolyn email kêu tôi vô văn phòng của chị để chị cho tôi coi bức tranh chị mới thêu xong. Chị hãnh diện đưa cao tấm hình vẽ những cái hoa đã được thêu bằng mũi chữ thập. Bức tranh khá xinh với những màu sắc nhã nhặn. Tôi cầm xem trầm trồ khen. Carolyn nói:
 
-Chị có thích không? tôi rất hãnh diện đã hoàn thành bức tranh. Tưởng đâu không bao giờ xong chớ.
 
Tôi hỏi:
 
--Chị tính làm thành áo gối hay là lộng kiếng để treo tường?
 
Carolyn mím môi:
 
--Tôi tính là để treo tường cho căn nhà mới của tôi.
 
--Nhà mới? bộ chị muốn mua nhà mới hả?
 
Carolyn nhìn ra ngoài cửa sổ như mơ màng:
 
--Phải. Nếu chuyện ly dị xong, chắc tôi sẽ dọn đi nhà khác. Có thể căn nhà sẽ nhỏ hơn cái nhà tôi đang ở rất nhiều, nhưng tôi muốn làm gì cũng được, không ai kiểm soát, không ai xen vào những việc tôi làm nữa...
 
Chị cố mỉm cười:
 
--Hắn (chị ám chỉ ông Roger là chồng chị) sẽ không còn là mối bận tâm của tôi nữa.
 
Tôi hỏi:
 
--Bộ chị quyết định rồi sao? ông ta có biết ý định của chị lần nầy là quyết liệt không?
 
Carolyn gật đầu:
 
--Tôi nghĩ ông ấy biết chứ. Ông ấy chỉ muốn giả mù sa mưa thôi chớ đâu phải ngu mà không biết.
 
Tôi im lặng không muốn nói thêm vì không biết nói sao cho phải. Theo những câu chuyện Carolyn kể thì Roger đã mất việc 6 năm nay. Ông ta không muốn đi tìm việc, cả ngày chỉ ngồi ăn vặt và xem TV mà thôi. Ông này lại còn ghiền rượu rất nặng. Mỗi lần uống say thì ông lại hành hung hay chửi mắng Carolyn. Carolyn nói sẽ ly dị cầu cả chục lần. Mỗi lần muốn ly dị thì chị ta khóc lóc, buồn rầu, chán nản. Sau vài ngày, chị lại vui vẻ như cũ, nói cười huyên thuyên, nói ông Roger nói như thế này, ông Roger muốn như thế nọ v...v... Lúc đầu trong sở ai cũng tội nghiệp và ái ngại cho chị nhưng năm này qua tháng nọ, Carolyn vẫn không ly dị mà cứ năm ba tuần lại nói đi luật sư, vài tháng lại nói chuyện ly dị. Riết rồi khi thấy chị buồn rầu, khóc nỉ non trong văn phòng không ai buồn hỏi nữa, chị chỉ còn biết tâm sự với tôi thường hơn mà thôi.
 
Nhiều lần nghe chị kể lể tôi cũng tội nghiệp, chị cũng nói không ai hiểu chị, chị nói chị cũng không hiểu lý do nào chị vẫn không rứt áo ra đi được. Tôi nói cho chị nghe về thuyết luân hồi, những cái quả của nghiệp mà mình đã gieo. Chị trố mắt ngạc nhiên lúc mới nghe nhưng sau đó chị gật gù:
 
--A, có lý thật há?! Như vậy chị nghĩ tôi có mắc nợ Roger nên kiếp này phải trả nợ hả?
 
--Ðúng vậy. Chị cứ nghĩ đi. Theo sự tin tưởng của tụi tôi, khi chị mắc nợ của ai, chị phải trả có đúng không? Tôi muốn hỏi chị điều này nữa, có phải chị trồng cây cam thì chị sẽ có được trái cam mà ăn đúng không?
 
Carolyn mở to mắt chăm chú gật đầu:
 
--Ðúng vậy!
 
Tôi nói tiếp:
 
--Vậy chị trồng cây chanh thì chị có hái được trái cam để ăn không?
 
Carolyn lắc đầu quầy quậy:
 
--No way! trồng chanh làm sao ra trái cam được?!
 
Tôi gật gù nhìn thẳng vào mắt chị:
 
--Chị nói không sai! trồng cây nào mình chỉ được hưởng cây đó mà thôi. Cũng như chị để dành tiền, chị sẽ có tiền mà chị để dành sỏi đá, thì chị sẽ chỉ có sỏi đá mà thôi. Ðó là điều tôi muốn nhấn mạnh với chị để chị đừng chán nản, buồn rầu vì những cái gì chị trồng ở kiếp trước, thì kiếp này chị gặt hái được?
 
Carolyn nhướng mắt:
 
--A`, tôi hiểu rồi, tôi đã trồng cây xấu ở kiếp trước, nên kiếp này tôi được hái Roger phải không?
 
--Chẳng sai! Vì vậy nếu không ai hiểu chị thì chị cũng đừng nên buồn. Chị cứ lấy điều mà tôi đã nói với chị để an ủi và vượt qua mọi trở ngại nhé.
 
Chị tỏ dấu cảm ơn:
 
--Tôi thích cái thuyết luân hồi của chị lắm.
 
Bởi vậy tôi trở thành ông thầy chùa ‘’dỏm’’ để giảng thuyết luân hồi nửa mùa của tôi để an ủi Carolyn. Mỗi lần chị ta buồn chị ta nói với tôi:
 
--I know I have to pay my debt há Tu?
 
Tôi gật đầu:
 
--Yes! chị phải trả cả vốn lẫn lời. Vui vẻ mà trả, đừng hà tiện vì trả không hết kiếp này, chị sẽ gặp ông Roger kiếp sau nữa.
 
Carolyn lắc đầu:
 
--Oh no! Tôi hy vọng không gặp cái thằng mắc dịch đó ở kiếp sau nữa đâu.Tôi sẽ trả hết nợ cho nó ở kiếp này cho rồi.
 
--Vì vậy, nếu ai không hiểu chị và nói chị ‘’khờ’’ thì chị cũng đừng buồn vì chị đã hiểu nguyên do nào chị làm như vậy đúng không?
 
Cứ như vậy Carolyn cứ nay khóc mai cười làm cho người ta hết còn tội nghiệp hay lo lắng gì cho chị nữa. Ngay cả Xuân, cô bạn làm ở một department khác hỏi tôi:
 
--Dạo này bà Carolyn còn đòi ly dị ông chồng nữa không?
 
--Thì cũng vậy, nay li dị mai lại thôi ấy mà.
 
Ðôi khi tụi tôi thắc mắc không biết ông Roger có thật sự xấu và dữ như lời bà Carolyn hay không. Bà Ann hay bĩu môi:
 
--Tôi không tin. Tôi phải nghe được chính miệng ông Roger nói như thế nào tôi mới tin. Chúng ta chỉ nghe có một chiều từ miệng Carolyn mà thôi.
 
Bà làm ra vẻ hiểu biết:
 
--Làm sao mà một người vợ có thể chịu đựng một ông chồng lười biếng, hung dữ, nghiện ngập mà lại không có một income nào? vô lý! vô lý!
 
Bà Carolyn có vẻ ớn bà Ann nhất trong bọn vì bà Ann nổi tiếng dữ dằn. Bà Ann bị mù một con mắt. Bà nói lúc bé bà bị một đứa bạn trai hàng xóm bắn trúng mắt bằng một cái ná. Không biết vô tình hay cố ý. Cuộc đời của bà Ann thì cũng không kém phần đau khổ. Sau khi bà lấy chồng một thời gian, chồng bỏ đi theo một cô gái trẻ đẹp khác. Bà nuôi mấy đứa con khôn lớn sau đó cũng có bồ một hai người nhưng theo lời bà kể họ cũng không chung tình. Bà hay chua chát nói:
 
--Ðàn ông chỉ biết có ‘’một thứ’’ mà thôi.
 
Bà Linda, một người bạn cùng phòng cũng bị chồng phụ bạc, ly dị thêm vào:
 
--Theo thống kê, phải làm cả 100 thứ mới vừa lòng người đàn bà, còn đàn ông, chỉ cần ‘’làm một thứ’’ là OK ngay.
 
Ai cũng hiểu ngầm ‘’một thứ này’’ là gì nên cười ầm lên. Lúc ấy Carolyn đi vào, mọi người im bặt. Trên nét mặt bà có vẻ u buồn. Bà Ann bấm tay tôi:
 
--Hôm nay chắc chắn lại nghe chuyện li dị rồi đây.
 
Nhưng lần này thì Carolyn có vẻ sẽ ly dị thật. Sau vài tiếng im lặng u ẩn chị Carolyn bắt đầu xổ máy về vụ ly dị. Chị đem cả giấy tờ sắp sửa đi luật sư. Chị chứng minh hết chuyện này đến chuyện kia để back up cho chuyện ly dị kỳ này. Chị nói có bữa bà bệnh về nhà sớm, nhìn qua cửa sổ chỉ thấy ông Roger ngồi ăn vặt, xem TV, chén dĩa trong ‘’sink’’ để đầy tới lỗ mũi. Buổi chiều chị phải nấu ăn, ông vẫn tiếp tục ngồi xem TV không hề giúp chị. Ăn xong, không chịu nổi chị cải vả với ông, ông đập chị một bạt tai, rồi đạp chị một cái chúi mũi vô tường, chị gọi cảnh sát thế là câu chuyện um sùm. Chị đuổi ông ra khỏi nhà, ông đuổi chị ra khỏi nhà, cuốì cùng không ai chịu ra khỏi nhà cả. Ông bà vẫn ngủ chung nhưng ‘’không làm gì cả’’. Chị nói thêm, tôi ngủ một bên, ông ngủ một bên, tôi nhất định không chịu nhường cái giường của tôi cho thằng cha lười biếng đó. Bà Linda tò mò:
 
--Ủa! vẫn ngủ chung sao? Nếu mà là tôi, tôi cho luôn cái nhà, đừng nói chi chỉ có cái giường.
 
Bà Carolyn xua tay:
 
--Tội gì mà nhường cái giường của tôi? nhà của tôi, giường cũng của tôi, hắn đâu có đi làm cả 5, 6 năm trời rồi chớ ít sao?
 
Bà Ann cười khẩy:
 
--Ðã ly dị mà còn nằm chung?! Ðàn ông ‘’chỉ có thứ ấy’’ thôi làm sao bỏ được.
 
Bà Carolyn đỏ mặt:
 
--Tôi để một cái gối ở giữa, đâu có sao? đụng tới tôi là tôi đạp một cái lăn xuống giường liền.
 
Linda cười nhạo:
 
--Thiệt sao? chỉ một cái gối mà có thể cản trở được một con đười ươi sao? không biết ai đá ai nghe?!
 
Nhiều ngày sau đó Carolyn có vẻ nôn nóng, đi trễ về sớm với lý do đi làm những công việc ly dị. Bà đem bán cả chiếc nhẫn cưới khá đẹp-nhẫn này bà nói của bà già chồng trước tặng cho bà chớ không phải của ông Roger- để trả chi phí cho luật sư và thanh toán những nợ nần khác.
 
Một buổi sáng Carolyn lại có vẻ trầm ngâm hơn thường lệ. Nhưng cũng như những lần trước chị trầm ngâm không bao lâu thì ai cũng biết Roger mới đi khám bệnh về và bác sĩ nói có thể ông ta bị ung thư. Bà Linda ré lên:
 
--Tôi biết mà, tôi đã nói cái thằng cha đó có nhiều ngón lắm. Cách đây 2 năm, khi Carolyn làm đơn ly dị, đúng lúc hắn bị một cái bướu trong bụng, rồi Carolyn lại tội nghiệp cho hắn không ly dị tiếp. Mới năm ngoái đây, khi Carolyn rục rịch đi tìm luật sư, hắn lại lòi ra chứng đau dạ dày.
 
Ann cũng mỉa mai:
 
--Tôi thì nghĩ chắc cái gối bị đạp văng xuống giường nên đâu lại hoàn đó!
 
Carolyn thấy thái độ khó chịu của những người bạn chung sở nên chỉ rủ tôi đi ăn trưa. Tôi tìm cách nói những chuyện vui để Carolyn cười nhưng chị không cười nói nhiều. Chị trầm ngâm:
 
--Chị biết sao không? tôi không thể nào bỏ Roger trong lúc này được.
 
Tôi vỗ vai chị:
 
--Ðúng vậy! ngay người dưng mình cũng còn lo lắng dùm, huống chi ông ta là chồng của chị. Ông đang cần chị, chị không bỏ là đúng rồi.
 
--Nhưng tại sao mỗi lần tôi muốn li dị thì lại có những chuyện như vậy xảy ra?
 
Carolyn nhìn tôi với đôi mắt mở tròn thật lớn như một dấu chấm hỏi thật lớn. Mắt chị màu xanh lơ, một nét buồn man mác thoáng trong ánh nhìn như van lơn.
 
Tôi nghiêng đầu nhìn chị:
 
--Chị quên tôi nói những gì với chị rồi phải không?
 
Carolyn vội nói:
 
--Không, tôi không quên. Có nghĩa là nợ tôi trả cho ông ta chưa dứt?!
 
--Ðúng vậy! tới khi nào chị trả cả vốn lẫn lời, chị sẽ được đi Free! tin tôi đi!...Hơn nữa...
 
Tôi cố nói thêm chọ chị vui:
 
--...Hơn nữa...khi chị làm điều tốt thì chị sẽ được lên thiên đường...Như vậy sự tin tưởng nào cũng tốt cả, chị đồng ý không?
 
Mắt chị thật dịu khi nghe tôi nhắc đến thiên đường. Có lẽ chị thích thiên đường hơn là chuyện luân hồi thì phải. Sau đó chị ngồi ăn trong không nói chuyện nhiều.
 
Buổi trưa tôi lái xe đi ra ngoài ăn trưa. Khi về lại parking tôi thấy một chiếc xe đang cố de vào chỗ đậu của tôi -parking lot này trả tiền hàng tháng, chỗ đậu của tôi là số 33. Tôi bực mình vì thấy có người đang cố đậu vào chỗ đậu của mình. Lại càng bực hơn khi hắn thấy mình mà vẫn cứ ngang nhiên đậu. Tôi mất kiên nhẫn khi thấy hắn de tới, de lui mà không đậu được. Tôi quay cửa sổ xuống, thò đầu ra ngoài nói:
 
--Nè, ông đang đậu vào chỗ của tôi đó
 
Hắn trố mắt ngạc nhiên:
 
--Ủa! vậy sao? Sorry.
 
Hắn ngoan ngoãn de xe ra và chạy quành tìm chỗ đậu. Tôi nghĩ bụng có lẽ hắn mới trả tiền đậu nơi này nên chưa nhớ chỗ. Nhưng trời ơi! mới tính đậu vào thì tôi thấy số viết trên đất không phải là 33!Thật là mắc cở. Tôi nhủ thầm may mà mình chưa nói điều gì nặng nề với hắn. Tôi nhìn quanh thì thấy người đàn ông vẫn đang loay hoay trong khu parking lot. Tôi vội leo xuống xe, lấy tay làm loa gọi hắn lại:
 
--Hey! come back. It’s not my space. Sorry!!
 
Người đàn ông nghe tiếng gọi quành xe trở lại. Trong khi tôi lại phải chạy thêm một tí nữa mới thấy chỗ đậu của mình. Tôi nghĩ bụng chuyến này kể chuyện lại cho mấy người trong sở, chắc họ lại bò lăn, bò càng mà cười như vụ mở cửa xe lộn kỳ rồi. Số là khi đi California chơi, Thọ con một người bạn chở tôi đi chợ, Thọ cho tôi xuống xe, nói sẽ đón tôi khi xong công chuyện riêng. Ði chợ xong, tôi ngồi xuống một băng ghế chờ Thọ. Ðang cuối xuống đọc lại hóa đơn, nghe tiếng xe, tôi ngẩng đầu lên thấy một chiếc xe màu đỏ đang chuẩn bị đậu lại trước mặt. Tôi vội vã đứng lên tới bên cạnh cửa để mở, tôi chắc mẫm đó là Thọ. Cửa xe khóa, tôi gõ lên cửa xe, người lái xe vẫn không mở. Tôi hết kiên nhẫn gõ mạnh hơn ý nói:’’mở cửa cho bác, sao lại ngồi im vậy’’. Cửa xe bỗng nhiên được quay xuống chớ không mở. Một giọng nói lạ hoắc hỏi:
 
--Chị cần gì?
 
Tôi gần muốn độn thổ. Tôi lắp bắp:
 
--Không, không. Xin lỗi, tôi tưởng thằng cháu đến đón. Xe của nó cũng màu đỏ!
 
Người lái xe cười to:
 
--Không sao! không sao! nhiều người lộn như vậy lắm mà.
 
Tôi xin lỗi một lần nữa rồi quay lại ghế ngồi. Tôi ráng nhớ lại màu sắc của chiếc xe thằng Thọ. Tôi giật mình nhớ chiếc xe màu trắng chớ không phải màu đỏ. Hú hồn! người lái xe đã lái đi mất chớ không khi Thọ đến đón tôi hắn sẽ thấy chiếc xe không phải màu đỏ thì lại càng mắc cở chết.
 
Nghĩ đến những chuyện đó tôi đi vô phòng định bụng sẽ làm cho các bạn cười thoải mái. Nhưng sao trong phòng có một không khí là lạ. Bill, ông xếp của tôi đang đứng gần phòng của Carolyn. Linda, Ann, Jennifer thấy tôi thì tính nói gì đó. Bill nhìn tôi hỏi:
 
--Tôi đoán chị chưa biết chuyện gì phải không?
 
Tôi lắc đầu ngạc nhiên:
 
--Không? có chuyện gì vậy? Carolyn đâu?
 
--Carolyn đi về rồi. Chị nói Roger không được khỏe lắm nên đã đi về rồi.
 
Tôi hỏi:
 
--Bộ Roger đau lắm sao mà phải về gấp vậy?
 
Ann gật đầu:
 
--Chắc vậy! nghe nói ông ta bị đau gan nặng lắm, không biết có qua khỏi không.
 
Linda phụ họa:
 
--Uống rượu như hũ chìm thì cũng phải đến ngày hôm nay thôi.
 
Tôi chép miệng:
 
--Ðúng là của nợ!
 
Nghe tôi nói, Ann tính nói gì đó nhưng lại im lặng. Ai trở về phòng nấy làm việc.
Carolyn vẫn tiếp tục nghĩ, ngày nào cũng có email của người này gởi cho người kia để theo dõi tin tức từ Carolyn về Roger.
 
Sáng nay tôi đến sở hơi muộn vì phải đi nha sĩ vào lúc sáng sớm. Bước vô phòng, lại một không khí khó chịu bao trùm với những gương mặt quen thuộc hàng ngày. Ann thấy tôi vào chạy lại:
 
--Tu! chắc chị chưa biết tin gì phải không?
 
Tôi lắc đầu:
 
--Không! bộ Roger bị...bị....rồi hả?
 
Bill buồn rầu nhìn tôi:
 
--Ai cũng tưởng Roger sẽ không qua khỏi. Nhưng...không phải hắn ta mà Carolyn!
 
Tôi giật mình:
 
--Carolyn? what happened? Carolyn bị bệnh hả?
 
Linda nói hớt lời Bill:
 
--Carolyn bị stroke!
 
--Trời! thiệt sao? why?
 
Bill chắc lưỡi:
 
--Làm sao biết được tại sao? nhưng mà tính mệnh của Carolyn nguy kịch lắm.
 
Tôi hỏi dồn:
 
--Còn Roger thì sao?
 
Ann chua chát:
 
--Roger thì không sao hết, hắn lại bình phục rồi
 
Ann lắc đầu:
 
--...again...nhưng Carolyn thì...
 
Tôi hỏi Bill:
 
--Chừng nào mình đi thăm Carolyn?
 
--Chiều nay.
 
Chúng tôi vào thăm Carolyn buổi chiều thì buổi tối Carolyn chết. Tôi đi thăm Carolyn lần cuối tại nhà quàng sau đó một ngày. Tôi thì thầm với chị- khi đứng nhìn chị trong chiếc quan tài lót satin, mặt chị thanh thản, dịu dàng như người đang nằm ngủ, hai tay chị để trên ngực như đang cầm một đóa hoa hồng màu cam nhạt, màu mà chị yêu thích.
 
--Chị đã trả nợ hết cho Roger rồi. Chị không gặp hắn ta nữa đâu. Chị đi cho được thanh thản nghe Carolyn!
 
Tôi bước ra trước những đôi mắt u buồn của những người đang đến viếng thăm, tôi liếc thấy Roger đang đưa tay chậm khóe mắt. Bắt gặp cái nhìn của tôi, hắn hơi nhếch mép như tỏ lời cảm ơn.
 
Ra khỏi nhà quàng, bóng tối đã phủ đầy. Chân tôi dẫm lên những cánh hoa đang rơi rụng trên cái sân rộng, gió đầu mùa xuân thổi mạnh tung cả vạt áo lên cao. Tôi nhìn lên bầu trời đã lấp lánh sao thưa. Không biết đêm hôm qua khi Carolyn chết có cánh sao nào lìa khỏi bầu trời hay không?Tội nghiệp cánh sao khi phải băng mình trong bóng đêm để rồi rơi rụng xuống một nơi hư vô nào đó. Ngôi sao có được tái sinh như linh hồn của loài người hay không? Còn Carolyn? Chị đang ở nơi đâu? Chị đang ở thiên đàng? chị đang ở địa ngục chờ đầu thai kiếp khác? Tôì nghĩ rằng linh hồn chị sẽ được ở chốn thiên đàng vì chị rất hiền lành, nhẩn nhục, dễ thương và đó có lẽ là nơi mà chị cũng đã ao uớc muốn đến sau khi chết... Nhưng nếu chị đang ở thiên đàng thì chị đâu cần đầu thai làm gì nữa?Vì đầu thai cũng làm kiếp người nữa thì cái vòng lẩn quẩn vay trả, trả vay sẽ tiếp nối đến bao giờ mới dứt? trừ trường hợp chúng ta đi tu, cố không tạo nghiệp thì mới không bị quả báo về sau. Nhưng, con người chỉ là người trần mắt thịt, làm sao khoát khỏi những hệ lụy của cuộc đời mà không tạo nghiệp duyên? Tôi nhớ đến đôi mắt to tròn của Carolyn khi tôi giảng đạo ‘’dỏm’’ nửa mùa, theo sự hiểu biết của tôi. Ðôi mắt chị như một câu hỏi lớn. Tôi thầm nghĩ, có lẽ bây giờ chị đã biết câu trả lời rồi vì chị đang biết chị đang ở đâu, còn tôi thì vẫn tiếp tục với những câu hỏi chưa có giải đáp
 
Thu Nga