Những Mùa Hè Đi Qua

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Tùy Bút

THu Nga
 
 
Tôi nhận được thư anh vào buổi trưa trời hâm hấp nóng. Có tiếng ve sầu kêu rải rác trên những cành cây đang đứng bóng. Gió đi vắng nên lá cành không lay động. Thư anh nhắc những mùa hè đầy kỷ niệm ở quê nhà. Vậy mà cuối thư anh còn hỏi tôi có còn nhớ chút nào những mùa hè đó không! Trời ơi! câu hỏi thật quái ác; có lẽ anh dành để phạt tôi về tội đã 25 năm không trở về quê hương thăm gia đình, bạn bè thân thiết và thăm anh. Anh gởi kèm cho tôi một tấm hình anh bận chiếc quần tây màu sậm, chân mang giày săng đan, chiếc áo dài tay có lẽ để che một khúc tay đã mất trong một trận hành quân tại miền trung nước Việt.
 
Anh đề mấy chữ đàng sau:’’Gởi Thu, người bạn cũ’’. Anh còn chú thích thêm ở dưới:’’Một buổi chiều mùa hè, tại Tuy Hòa’’. Nhìn kỹ bức hình coi có dấu vết gì của mùa hè không, nhưng tôi đành chịu vì chung quanh anh, chỉ thấy có một mái nhà lụp xụp, nghèo nàn. Gương mặt anh khắc khổ, chịu đựng. Tôi lật tới, lật lui để đọc lại những giòng chữ quen thuộc của anh như để tìm những mùa hè đã mất. Tôi tưởng tượng ra một cơn gió nồm bất ngờ xoa dịu cho cái nóng chói chang miền nhiệt đới đang thổi qua mái tóc anh, mái tóc ngày nào thật dày, dợn sóng, nay đã bạc và thưa thớt trông đến tội nghiệp.
 
Té ra mù hè nữa rồi đó hả anh? Ở đây mùa hè được nhận diện rất dễ dàng, nhất là xứ Texas này, hầu như mùa hè ngự trị lâu hơn những mùa khác, bằng những chiếc quần đùi ngắn củn cỡn, những chiếc áo thiếu vải cả chiều dài lẫn chiều rộng, những mái tóc cột vén lên bết bát mồ hôi. Cái nóng khủng khiếp làm cho mình không muốn làm một việc gì ngoài trời hết. Bãi sở, leo lên xe mở máy lạnh hết tốc độ nhưng phải về gần tới nhà thì xe mới mát.
 
Tuy nhiên, trong cái khí hậu nóng bức nơi đất khách mỗi khi hè về, thấy đám con nít nô đùa ngoài đường vào những ngày giờ mà đáng lẽ chúng phải ở trường thì ta biết một niên học đã hết. Lúc ấy lòng mình cũng nao nao nhớ lại bao nhiêu mùa hè đã đi qua trong ký ức, nhất là những mùa hè của thời niên thiếu, mà thời gian, không gian không bao giờ có thể gột rửa những kỷ niệm ngọc ngà xưa. Và bây giờ trong tay tôi lại có thêm một mùa hè cô đơn của anh.
 
Mùa hè của những tờ lưu bút vàng, xanh, hồng, trắng, kỷ niệm của những tấm hình ngây ngô, điệu bộ rất ‘’nhà quê’’ bên những bức tranh giả tạo với cây dù, cái quạt, với cái miệng cười gượng gạo, méo xệch đến tội nghiệp-không biết anh còn giữ cái tấm hình tôi đứng bên một tòa nhà thủy tạ giả có nước, có mây (dĩ nhiên cũng giả) với mái tóc ngang vai (thật) với một tâm hồn trong trắng ngây thơ (cũng thật) và đã một thời được tiệm chụp hình bày trong tủ kiếng để anh khó chịu vì có nhiều bạn trai ngang qua đó, chỉ trỏ liếc nhìn-hay không?
 
Con đường trước nhà tôi có hàng cây phượng vĩ, đến mùa hè, hoa rực đỏ một khoảng trời. Màu phượng là màu thân thương nhất của tuổi học trò. Không có một loài hoa nào được nhắc nhở nhiều như màu hoa phượng trong tập lưu bút ngày xanh. Trong tập lưu bút năm lên lớp đệ tam của tôi cũng có một cánh hoa phượng ép thật mỏng mà anh đã nhặt trước sân nhà và đã vu vơ bỏ vào tay tôi trong lúc hai đứa chia tay. Màu phượng đỏ có mặt rất nhiều trong các tập thơ của những nàng thi sĩ tập sự, tuy rất ngu ngơ, nhưng rất dễ thương.
 
Hôm trước tôi có đi xem cuốn phim ‘’Ba mùa’’, cảnh tượng làm cho tôi thích cuốn phim đó là hình những bông phượng màu đỏ ối rơi rụng đầy đường ở gần cuối cuốn phim vì nó đã mang lại cho tôi những ký ức thật đẹp của mùa hè với trường cũ, đường xưa. Những bông phượng nhìn xa thì chỉ thấy một màu đỏ thắm nhưng thật ra hoa phượng một cánh có 2 màu: trắng và đỏ trộn lẫn với nhau được gọi là cánh hoa cái. Ðó là cánh hoa mà đôi lúc buồn buồn, ta cắn trong miệng thấy ngọt ngọt. Ðôi lúc chúng tôi bứt lấy nắm nhụy, ăn ở phần chót cũng thấy thích thích, hay hay. Và khi hoa tàn, thì những trái xanh cũng trở thành già hơn. Chúng tôi trèo lên cây, bẻ xuống, lấy đá đập dọc theo thành trái điệp (hoa phượng còn gọi là hoa điệp, còn trái, người ta không gọi là trái phượng, mà gọi là trái điệp), lấy hột cạy vỏ xanh, ăn cái vỏ trắng ở trong sựt sựt và cái lõi maù xanh non ở trong ngọt ngọt. Ðó là những cái món ăn kỳ cục và ngớ ngẩn như thế, như rất quen thuộc với lớp tuổi trẻ, vô tư lự của chúng tôi. Có đứa nghịch ngợm hơn, còn leo tuốt trên ngọn cây chót vót chơi trốn tìm.
 
Ở đây còn có một loại hoa mùa hè, lá thì giống lá cây phượng vĩ, nhưng bông thì khác, màu hồng pha trắng được gọi là mimosa. Nó cũng không phải cây mimosa có hoa vàng như mimosa ở Ðà Lạt. Và khi hoa rụng, nó cũng có những trái như trái điệp. Không biết lũ trẻ nhỏ của Mỹ có ăn trái mimosa như tụi mình ăn trái điệp hay không hả anh?
 
Mùa hè cũng làm tôi nhớ đến cây trứng cá có cành lá xum xuê ở trước nhà con nhỏ bạn tên Nga. Những cây trứng cá, cành lá che kín mặt trời và đầy đặc những trái màu đỏ mọng. Bỏ vào miệng thơm ngát và ngọt lịm, có những hột nhỏ li ti như trứng con cá. Ở sân nhà tôi cũng có một cây, ba mới trồng vài năm, không lớn lắm, trái mới hườm hườm là tụi nhỏ hàng xóm lén hái không còn một trái. Nhà con Nga gần trường học, khi ra chơi, rủ nhau về nhà nó hái trứng cá. Chúng tôi mới lên trung học, mặc áo dài trắng, quần trắng, mà chẳng biết mắc cở là gì, cột túm áo dài lại cho khỏi vướng, xắn quần, bỏ guốc dưới gốc cây và làm như một bầy vượn trắng, leo lên ngồi ở những cháng ba, quất một bụng trứng cá thật ngon lành.
 
Nhà con Nga còn có một vườn ổi xá lị hấp dẫn nữa. Những trái ổi ngọt ngào và thơm một cách kỳ lạ. Ruột ổi không trắng, không đỏ mà có muà hồng thật dễ thương. Mỗi đứa hái vài trái bỏ trong cặp đem về lóp ăn dần. Những trái còn xanh, chúng tôi ăn với muối ớt. Muối ớt lại làm tôi nhớ đến những chùm me dốp (hoặc me dốt) mà nghĩ đến, nước miếng lại ứa đầy trong miệng. Me dốt ăn với muối ớt, chùm ruột ăn với muối ớt, trái cóc ăn với muối ớt...là những món không thể thiếu trong cặp sách học trò. Một thứ trái cây khác, hấp dẫn lũ nhỏ chúng tôi không kém là trái keo. Cây keo lớn có tàng rất sum suê. Trái keo có màu xanh, gần giống như trái me. Khi trái chín, trong ruột có màu trắng lẫn một vài sợi gân màu hồng, ăn có vị ngọt ngọt, chát chát.
 
Thời gian này gia đình anh mới dọn nhà lại xóm tôi và đã nhập bọn với những đứa con trai trong xóm, trong đó có anh Ngọc của tôi, anh và anh Ngọc đã làm những cái cần dài có cái móc ở đầu để đi hái những trái keo cho tôi và tụi con gái trong xóm ăn chơi. Anh hay giấu mấy trái thật chín đưa riêng cho tôi để mấy đứa kia không phân bì. Hoặc những buổi trưa, nắng gắt, chúng tôi lang thang đi hái những trái táo nhơn (không phải táo tàu), tước vỏ, ăn cái hột ngọt ngọt, và để lại trong miệng một mùi hăng hắc, nồng nồng.
 
Cây duối chín vàng nghe đồn có ma ở trên tàng, ngồi đong đưa hát ru con, cây thầu đâu (có người gọi là cây sầu đông), có mùi đăng đắng, những buổi tối đi qua, cành lá sột soạt, chạy vắt giò lên cổ vì sợ, vậy mà ban ngày cũng ráng lấy cây sào khèo trái để ăn...cây nào có trái mà ăn được, chúng tôi cũng thử, cũng nếm, may mà không có trái nào độc, có thể giết người cả.
 
Ngoài việc đi lùng kiếm trái ăn bậy, chúng tôi còn đi theo lũ con trai thả diều ngoài đồng hay đi bắt cào cào, châu chấu cho chim sáo ăn. Cũng có lúc đi đánh bi, đánh đáo như con trai, hoặc đá kiện, đá dế. Kiện làm bằng một nắm lông gà cột lại với nhau và ở dưới chót, được cột vào đồng xu. Ðá kiện bằng đầu bàn chân. Còn dế thì được nhốt vào trong những hộp quẹt, ngồi nhìn dế đá nhau, cá ăn thua bằng những cọng thun xanh đỏ.
 
Những ngày của mùa hè, nắng chang chang, cả bọn đầu không mũ, không nón đi chơi đủ mọi nơi mà không hề thấy mệt. Có khát nước, thì đã có mấy quán cóc đầu đường mua xi rô, nước đường, hay một một ly hột é màu trắng đục, giữa hột điểm màu đen, trong đó có vài hột ư nở to màu nâu. Vừa uống, răng vừa lừa lừa để cắn vài cái hột é trơn tuột như cố bắt lấy một sự thích thú kỳ lạ. Tụi con gái còn thích bày trò nấu ăn dưới hiên nhà. Những cái nồi, cái soong tí hon đặt trên một cái bếp than cũng tí hon, được đốt bằng than thật đập vụn. Chúng tôi chia cơm trong những cái chén nhỏ xíu bằng ngón tay, ăn ngon lành. dọn dẹp xong là trời tối, dế đã bắt đầu gáy re re, tụi tôi tản mác về nhà, nếu không sẽ có nhiều tiếng gọi về ăn cơm tối lanh lảnh của cha mẹ. Ðứa nào phải đi học hè thì có ít thì giờ hơn vì phải lo ôn bài vở.
 
Những lớp hè tiểu học được các thầy giáo, phần đông dạy tại nhà. Tôi nhớ năm học hè cho lớp nhì, nhà của thầy Ðịnh ở cheo leo sát chân núi Nhạn Tháp. Nhà thầy lợp bằng tranh, vách đất. Phòng học là một mái nhà che sơ sài bằng lá dừa, kê những bàn ghế dài, loang lổ những vết mực xanh có, đỏ có, tím có. Thầy Ðịnh giảng xong, đọc từng câu ngắn, sau mỗi câu, thầy lấy cây thước gạch đập lên trên cái bảng đen mốc một cái ‘’cạch’’, phấn bụi tỏa tứ tung, lũ nhóc ê a đọc theo. Vợ thầy được chúng tôi gọi bằng ‘’cô’’, đang lui cui sau bếp, thổi lửa bằng cái ống tre, khói lên um, che kín cả đầu tóc, cô cất tiếng ho sặc sụa. Sau hè nhà thầy là vườn đu đủ, ổi, mận, lựu. Có nhiều bữa, khỉ đỏ đít mò xuống tận nơi, ôm đu đủ chín, leo lên ngọn cây to bên trên nhe răng cãi lộn với tụi học trò bên dưới. Ðôi lúc thầy cũng cho học trò nghĩ giải lao ra sau hè tìm ổi chín để ăn. Không có ổi chín, thì hái ổi sống, xin cô cho một tí muối ớt, ăn cũng ngon. Tôi được thầy cưng vì thầy có quen biết với một người bà con nên đôi lúc được thầy kêu ở lại ăn cơm với mắm cái, mắm cà, rau dền luộc, cá ngừ kho. Những bữa cơm thanh đạm sao mà ngon quá thể. Ăn xong còn được thầy hái cho mấy trái cây sau vườn đưa về cho mạ cúng Phật.
 
Ít khi tôi được đi chơi xa cho đến mùa hè, trước khi vào lớp nhất, tôi được cô giáo tên Thu Hồ, dẫn đi Qui Nhơn chơi, thăm cậu Thiên của cô. Nghe phong phanh cậu Thiên và cô Thu Hồ phải lòng nhau, mặc dù có họ thật. Lúc đó, tôi còn nhỏ nên không quan tâm tới chuyện đó, chỉ biết được ba mạ cho phép thì thích chí đi chơi xa với cô liền. Chúng tôi được cậu Thiên đón ở ga xe lửa. Cậu Thiên có dáng hào hoa, phong nhã. Cậu chìu cô Thu Hồ hết mực, và tôi là học trò cưng của cô, cô lại ở trọ nhà tôi nên cậu Thiên cũng tôi ra phết. Cậu đưa chúng tôi đi chơi ở Gò Bồi (sau này khi lớn lên một chút, tôi mới biết đó là nơi mất an ninh thời bấy giờ, may là VC nằm vùng không làm gì cậu Thiên và cô Thu Hồ) Lũ nhỏ thôn quê cỡ bằng tuổi tôi hay nhỏ hơn, ra đứng chỉ trỏ, nhìn ngó cái áo dài sặc sỡ của cô Thu Hồ và cái quần tây rằn ri, bó ống của tôi cũng như bộ quần áo có thắt cà vạt bảnh chọe của cậu Thiên.
 
Chúng tôi đi chơi quanh làng có nhiều cánh đồng bao bọc. Ði một đoạn đường dài, chúng tôi hầu như lạc lối và thấm mệt mà tìm mãi cũng không ra một hàng quán nào. Cô Thu Hồ và tôi bắt đầu thở dốc và muốn đi về. Cậu Thiên lấy khăn mùi xoa trắng của cậu, âu yếm lau trán cô Hồ, cậu cũng quay sang vuốt tóc tôi hỏi có mệt lắm không. Thấy ở gần đó có cái lạch, nước cũng khá trong, chúng tôi vốc nước rửa mặt và nhấm nháp một tí cho đỡ khát rồi tiếp tục đi tìm đường về. Ði một quãng, tới đầu con lạch, chúng tôi thấy một con rắn chết, bụng phình to, cô Hồ và tôi ghê sợ, nôn đến mật xanh, mật vàng ra cỏ.
 
Cậu Thiên đưa chúng tôi đi chợ Qui Nhơn. Cậu mua mấy búp xà lách Ðà Lạt có những ngọn lá tươi úp lại với nhau như một nụ hoa xanh, cậu lựa thêm những trái cà chín mọng đỏ, rồi mua thịt bò, tôm, cá, trái cây để đãi chúng tôi. Cậu làm một đĩa thịt bò trộn dầu dấm ngon không thể tả; có những lát cà chua thái mỏng tròn để trên mặt thịt bò còn bốc khói, được đổ lên trên những lá rau sống tươi mát, và trên cùng là những khoanh hành tây được trộn trong một chén dấm có đường trước đó, cậu kết thúc bằng cách chế vào đĩa một ít dầu có khử tỏi thơm lừng. Ăn xà lách trộn dầu dấm với một chén nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt. Bữa cơm còn có canh chua, tôm rim mặn, ăn cùng với cơm gạo nàng hương. Cô Hồ tấm tắc khen cậu tài, không biết cậu nói thầm gì vào tai cô, thấy cô thẹn đỏ mặt, còn cậu sung sướng khúc khích cười. Tôi không để ý chỉ lo thưởng thức một bữa cơm toàn hảo.
 
Buổi chiều, nắng hơi dìu dịu, cậu đem chúng tôi ra cánh đồng vắng gần nhà có lũ nhỏ thả diều đủ màu trên không.
 
Ðó là chuyến đi chơi hè xa nhất của tôi vì gia đìh tôi ở trong thành phố, bà con thân thích ở xa tận Huế, nội ngoại thì mất khi tôi chưa ra đời nên tôi không được hưởng cái thú ‘’90 ngày vui thú ở đồng quê’’ như những đứa bạn cùng lớp. Những đứa bạn đó, trai có, gái có, đến kỳ nghỉ hè có đứa gia đình khá giả một chút thì được ở lại đi học hè, nhiều đứa phải trở về quê, phụ giúp cha mẹ những công việc nặng nhọc, kẻ cả công việc đồng áng. Vì ở nhà quê nên tụi bạn học trễ, có đứa lớn tồng ngồng mới được đi học. Vì vậy sau kỳ hè, khá lắm là hết bậc tiểu học, có đứa chỉ học đến lớp nhì, nghỉ hè là được cha mẹ gọi về quê cưới vợ, gã chồng.
 
Trong lớp tôi, có chị Vàng lớn nhất, chị to cao hơn tôi cả cái đầu. Tóc chị dài kẹp đuôi gà bằng cây kẹp ba lá (còn được gọi là cây kẹp Mỹ). Chị được thầy Cự đặc biệt chú ý mặc dù thầy đã có vợ. Thầy hay nhìn chị Vàng một cách lộ liễu, còn chị Vàng thì hơi nhút nhát nên chỉ dám nhìn trộm thầy thôi. Nghe nói đôi lần thầy đón đường chị đưa thư, tỏ tình. Tôi nghe tụi bạn ranh mãnh nói lén:’’Chị Vàng kẹp tóc đuôi gà, thầy Cự nắm lấy hỏi nhà chị đâu?’’. Nhưng thất vọng cho thầy Cự là hết năm lớp nhì, chị bị bà nội gọi về quê gã chồng. Thầy Cự thất tình đổi đi xứ khác dạy học.
 
Trong lớp cũng có chị Xuân, tuổi gần bằng chị Vàng, mặt chị đầy tàn nhang, tóc chị lưa thưa nên chị được mẹ cho đi ‘’phi dê’’. Học gần hết niên học chị nghỉ để đi bán hàng rau ngoài chợ. Thấy tụi tôi, chị mắc cỡ hay lấy nón che kín mặt. Bên con trai có thằng Bưng, có vẻ nhà giàu, nhưng học rất dốt. Áo quần lúc nào cũng mới nhưng không làm sao che giấu được điệu bộ quê mùa, cù lần. Nó hay liếc trộm tôi, lũ bạn cặp đôi, nói tôi ưng nó sẽ được giàu, có ruộng, có vườn ‘’cò bay thẳng cánh’’. Tôi giận khóc rấm rức mà không biết làm sao để trả thù. Thấy nó là tôi nguýt, háy, bĩu môi để nó chán. Rồi cũng vào một mùa hè lớp nhất, nó bỏ học ngang xương về quê cưới vợ để buôn bán làm ăn thành ra trò nguýt háy của tôi không còn có dịp dụng võ nữa.
 
Mùa hè ở trung học những trò chơi, những ước muốn cũng có vẻ khác hơn với những mùa hè ở tiểu học. Lúc này tụi tôi ở vào cái tuổi mộng mơ, mới lớn. Gần hè, các thầy cô cho ít bài vở hơn, thay vào đó là những bữa tiệc, những giờ văn nghệ, những trang bích báo, những lưu bút được ríu rít chuyền tay nhau, những tấm hình với những giòng chữ nắn nót, trìu mến:’’trao về...’’. Cũng có những giọt nước mắt rơi ướt trang nhật ký, khi người yêu phải theo gia đình đổi đi tận miền xa, cuối năm học. Những buổi trưa chân sáo xôn xao, cặp ôm ngang ngực, hẹn hò nhau ở cuối cổng trường, dưới tàn phượng vĩ, e ấp trao nhau những cánh hoa đầu mùa nở vội, những lá thư ngại ngùng được ngụy trang nằm bí mật trong trang sách mượn, trả vội vàng. Những giờ chót, thầy Ðịnh mang cây đờn ghi ta vào vai, đánh những bài slow rock thật hay. Nhỏ Luận, nhỏ Thủy hát những bài nhạc mới ra thật da diết, những giờ liên hoan vui buồn lẫn lộn.
 
Lúc này anh và tôi cùng học chung một trường trung học. Tôi phụ anh làm bích báo, văn nghệ cho trường. Những mùa hè bây giờ không còn thấy oi bức nữa. Chúng minh hay đi lang thang suốt con đường số 6 dẫn đến trường Nguyễn Huệ, dưới những tàng cây thông cao lả ngọn vi vút dưới ánh nắng chói chang của mùa hè. Gíó thổi tung tà áo trắng của tôi để vương vấn vào chân anh chậm bước. Con gái mới lớn lúc này hay chép thơ, làm thơ. Tôi bảo anh tôi mới chép một bài thơ dễ thương lắm. Anh bảo tôi đọc cho anh nghe. Chúng tôi ngồi xuống bên vệ đường. Tôi cố nhớ để đọc:’’Sáng hôm nay không mưa mà chẳng nắng, người đi đường không nón với dù che, tháng 7 mùa xuân, hay tháng 7 mùa hè? Tôi chỉ đoán ấy mùa đông nên rét...’’Anh cười to nói:’’Người làm bài thơ này có óc tưởng tượng kinh khủng, kinh khủng, trời tháng 7 nóng như đổ lửa thế này mà bảo ‘’tôi chỉ biết ấy mùa đông nên rét’’. Tôi phụng phịu dỗi hờn nói tâm hồn của nhà thơ phong phú, lãng mạn nên mới có thể tưỡng tượng ra một câu dễ thương như vậy chớ. Anh vẫn cười và chế nhạo cho đến khi thấy nước mắt tôi chảy xuống má, anh hốt hoảng cầm tay tôi hôn và xin lỗi. Anh dỗ cả buổi tôi mới hết giận.
 
Tôi rất thích những buổi cắm trại mùa hè của trường vì đó là dịp hai đứa được nói chuyện với nhau nhiều hơn. Nhưng mỗi lần đi cắm trại là tôi phải năn nỉ thầy cô đến xin phép mạ thì mạ mới cho đi. Mạ nói con gái đi ngủ đêm ngoài đường dù là ngủ với trường học cũng không nên.
 
Cũng có năm chúng tôi được đi cắm trại trước khi niên học thật sự chấm dứt. Trại hè thường được tổ chức xa phố, có khi đi Mỹ Á, có khi đi Rừng Dương, đó là những nơi thông thường cho các trại hè của các quận lỵ ở Phú Yên. Mỹ Á có những hàng dừa xanh lả ngọn trên mặt nước trong veo. Có cây cong như cây cầu, chúng tôi nghịch ngợm đi lắc leo trên đó như bầy khỉ. Ði tắm, chuyền banh dưới nước, đi hái khóm rừng. Những sinh hoạt bên đống lửa trại. Những bữa cơm chỉ có cơm nắm, muối mè, hay cơm trắng ăn với xì dầu nhưng ngon hơn cao lương, mỹ vị. Trong đó cũng có những hẹn hò thầm lén, xa con mắt dòm ngó của lũ bạn ranh mãnh hay những cái nhìn ngắm vụng về, những nụ cười trao nhau một cách bí mật.
 
Rừng Dương thì chỉ toàn cây dương (còn được gọi là cây thông), những cây cao vút thẳng đứng, xanh thẳm một màu. Gíó thổi xào xác. Những cái lều cắm chung quanh, san sát. Ðám đông, cả thầy cô, lẫn học trò ngồi thành một vòng tròn lớn, chơi bỏ khăn, người nào bị được khăn sau lưng sẽ có quyền đánh người bên cạnh chạy một vòng rồi lại chạy chung quan bỏ cho người khác...
 
Mùa hè cũng là mùa học thi đến sói trán, luyện thi đến phờ người, và cũng có nhiều giọt nước mắt ‘’học tài thi phận’’. Và cũng là mùa định đoạt cho nhiều chàng ‘’xếp bút nghiên theo việc cung đao’’ và nàng gạt nước mắt tiễn chàng đi ‘’vào nơi gió cát’’. Mùa hè năm đệ Tam, chúng tôi được trải qua một cuộc chiến đến thời kỳ khốc liệt. Nhà tôi ở gần Tiểu khu, những quan tài được phủ bằng lá cờ vàng, ba sọc đỏ được liên tục mang về từ chiến trận. Chúng tôi hầu như hàng ngày được nghe những tiếng khóc thê lương của người vợ trẻ khóc bên xác chồng vừa mới ra trường, những tiếng gào thảm thiết của người mẹ già cho xác đứa con trai tuổi đời chưa được là bao. Những cái quan tài sắp hàng dài, những ánh nến lung linh, rùng rợn. Những đau đớn tột cùng của chiến tranh làm những buổi học cũng nhuộm màu tang tóc.
 
Vào mùa hè của năm đệ nhị, anh từ giã tôi, theo gia đình vào Sài Gòn học. Mùa hè bây giờ trở thành hoang tàn, vắng vẻ từ lúc anh đi. Tôi hay lang thang trên con đường cũ để tìm những dấu vết chân anh. Tôi hát nho nhỏ bài:’’con đường mang tên em’’ của Trúc Phương với con tim buồn héo hắt:’’Trở lại chuyện hai đứa mình, khi em với anh vừa biết đam mê, tình yêu tràn trề...Ðường chẳng riêng hai đứa mình, nên khi vắng anh, đường đã thay tên, còn chăng kỷ niệm...’’Không bao lâu, tôi nghe tin anh cũng theo tiếng gọi của non sông, lên đường tòng quân, giết giặc, anh đã vào binh chủng Không Quân. Anh Ngọc cũng đã bị gọi nhập ngũ ở Thủ Ðức, anh Ngọc ra lính bộ binh.
 
Rồi vào một mùa hè, tôi cũng làm một kẻ ‘’theo chồng bỏ cuộc chơi’’ và theo chồng một mùa hè đi lên miền cao nguyên đất đỏ. Mùa hè ở đây cũng có những tàn phượng vĩ đỏ rực trời cộng thêm bụi mù che kín mắt. Ðêm mùa hè ở đây còn có tiếng đại bác vọng lại đến giật minh, trẻ con khóc ré. Những đoàn ‘’công voa’’ nối đuôi nhau chạy không ngừng từ quân đoàn II ra để đổ quân vào những trận đánh ác liệt.
 
Sinh con đầu lòng vào tháng 7, mùa hè! Tôi được mạ đốt từng lò than để hơ mặt cho da được đẹp và cho khỏi đau lưng, nhưng cái mùa hè nóng như thiêu đốt nên tôi không làm mạ vui lòng được. Nồi lửa ở dưới lưng như có hàng ngàn con kiến đốt. Mồ hôi chảy xuống từ mặt làm tôi từ chối trách lửa hừng hực, viễn tượng có làn da như trứng gà bóc, như mạ bảo, không hấp dẫn tôi tí nào. Tôi mơ màng với tiếng ru buồn dìu dặt của bà ngoại ru cháu thơ bên cái nôi đầu giường đầy thương mến ‘’Chiều chiều trước bến Vân Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm, ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai mong thuyền ai đậu bến song song, nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non’’. Tiếng chị Hữu hàng xóm nghe não nuột như nỗi lòng của chị:’’Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé ờ...ầu ơ...anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ’’. Những bụi chuối mùa hè, tiếng lá lao xao, cành lá tơi tả trong gió, nhưng màu xanh dịu dàng như làm cho nước của chiếc lu bên cạnh ngọt hơn, mát hơn.
 
Những mùa hè nối tiếp, tôi từ giã Pleiku gió núi mây ngàn đi về chốn thủ đô. Mùa hè Sài Gòn có những cơn mưa bất chợt không làm giảm đi cái nóng ung người. Những đứa bé con trong trại gia inh bên cạnh đánh bi, đánh đáo, cười nói om sòm.Những tiếng nước tắm được xối xối xả để xoa dịu cái tấm thân dơm dớp mồ hôi. Tiếng quát tháo, la khóc làm không khí hè thêm ngột ngạt. Buổi tối có những cơn gió mát thật bất ngờ. Bến Bạch Ðằng tối mùa hè được thiên hạ chiếu cố tận tình bên những hàng khô mực có phết tương ớt cay xè, cóc ổi ngâm nước cơm thảo, những ly bia mát cổ. Chiều hè trong các đường phố nhộn nhịp. Người ăn, người uống, người dạo phố. Những miếng phá lấu pha chế thật ngon miệng, những đĩa bánh, những chén chè, những ly nước mía, những hàng quà bánh bán khuya, ra lanh lảnh, mùa hè nhốn nháo đời sống. Tôi mới được một người bạn thân cho biết, anh bị thương trong trận Mùa Hè Ðỏ Lửa, một khúc tay đã tặng cho non sông. Anh được giải ngũ. Tôi lặng người vì đau đớn. Bàn tay tài hoa đã vẽ bao nhiêu tranh ảnh, đã làm biết bao nhiêu bài thơ, đã đàn biết bao nhiêu bản nhạc, đã vuốt tóc tôi không biết bao nhiêu lần...vậy mà...
 
Rồi mùa hè năm 75, tang tóc, chia lìa. Tôi theo đoàn người chạy loạn, leo lên tàu mà không biết mình sẽ đi về đâu? Mạ tôi mới vào thăm tôi cho biết gia đình anh đã dọn về lại Tuy Hòa, mạ nói má anh bảo hai đứa mình có duyên nhưng không nợ, nên hai đứa không đi cùng một con đường. Tôi nghĩ số phận cả phải không anh? Mạ nói tội nghiệp nó, bây giờ chỉ còn một cánh tay, giải ngũ làm việc cho các hãng tư nhân. Mạ về thì miền trung cũng mất.
 
Mùa hè như cái càng nóng bức thêm trong các trại tị nạn Fort Chaffee, nối đuôi nhau chờ cơm. Những vá cơm nhảo nhoẹt trộn cá hộp, bà con đi tìm mua, xin những chai tương ớt, xịt vào cho đỡ tanh, ăn qua ngày chờ sponsor. Những buổi trưa rỗi rảnh, lượn lên, lượn xuống con đường chính đi tới những hàng tiệm, có tiền thì mua sắm, không tiền nhìn thiên hạ xài cũng đỡ thèm. Ở đây cũng có những mối tình kết thúc trong vội vàng và những mối tình mới chớm. Những buổi chiều nhạt nắng, đi nghe các cô ca sĩ hát ‘’chùa’’, đi xem xi nê ‘’thí’’. Hấp dẫn hơn hết là chờ mấy cái xe ‘’con voi’’ của cơ quan thiện nguyện ‘’Salvation Army’’ đem quần áo cũ lại viện trợ, không mặc được cũng đem về kẻo hoài của. Những buổi sớm mai, khi ánh nắng chưa thiêu đốt cảnh vật, sắp hàng, lại sắp hàng, chờ cà phê và bánh ngọt cũng ‘’thí’’. Rảnh rổi nhìn chung quanh coi có bà con, bạn bè nào cũng lạc loài đến đây không.
 
Sắp hàng lãnh cơm chờ thời mãi rồi cũng có người đoái thương bảo lãnh. Ra ngoài tháng 7, mùa hè vẫn còn tiếp diễn với cái nóng như đổ lửa trên vùng đất Texas.
 
Trước khi bỏ xứ ra đi, tôi nhớ có lúc chúng tôi nghe chuyện về khí hậu ở cái xứ Cao Bồi này. Nhiều người đồn, đây là xứ sa mạc, ngày nóng, đêm lạnh. Chúng tôi nghĩ chắc chắn không bao giờ mình muốn sinh sống ở đây. Thế nhưng có câu ‘’ghét của nào, trời trao của ấy’’ cho nên chúng tôi lại có ‘’pông sô lủng’’ ở đây lãnh ra. May mà chỉ đúng có một nửa, ngày nóng tóe lửa nhưng đêm thì cũng ‘’sêm sêm’’, chứ không có lạnh thấu xương như lời đồn. Ông chồng tôi giúp ông xì pông sô cắt cỏ, xén cây, làm vườn, tưới nước. Vì mùa hè nên mấy đứa con của họ có dịp ở nhà để bắt nạt con mình nhiều hơn. May sao ở 2 tuần, họ đi nghĩ hè, chúng tôi có 2 tuần ở nhà làm vua. Thỉnh thoảng người nhà thờ của họ lại hỏi có cần gì không, có muốn đi đâu không và nhất là hỏi có đi nhà thờ không họ chở. Những buổi chiều, mặc dù trong nhà có máy lạnh mát hơn, nhưng cảm thấy tù túng, tụi tôi dẫn con cái ra sau vườn nhìn trời mây cho đỡ buồn. Tôi thơ thẩn dạo vườn, nhìn ngắm những bông hồng rung rinh trong cơn sốt sừng sực. Tôi giơ tay tính ngắt một bông hồng thì giật thót mình vì thấy một con sâu thật to đang đo mình trườn tới. Con sâu tội nghiệp đâu biết tôi lúc nhỏ đã sợ nó đến xanh cả mặt mày khi phải làm vườn cho lớp học. Những con sâu trên các cây cà chua làm tụi con gái sợ hải la oai oái và lũ con trai thì lại cười ròn rã. con sâu trên cành hồng vẫn vô tình bò tới, tôi nói biết vậy mình ở lại thêm trong trại Fort Chaffee vui hơn.
 
Bây giờ lại là mùa hè. Trong siêu thị, nơi công viên, ngay trên đường phố, những cái quần ngắn đến độ không thể nào có thể ngắn hơn nữa được đàn bà, con gái mặc trình diễn. Những khúc thịt ngổn nghện, những cái đùi trắng có, đen có, thon có, nung núc mỡ có làm cho nhiều cái đầu ngoái lại. Máy lạnh lại bắt đầu chạy 24/24.
 
Nắng chói chang, nắng hắt những tia nóng hừng hực, nắng ngầy ngật trên da thịt, nắng làm choáng váng cả trí óc...Tôi nhìn lại bức hình của anh để tìm một mùa hè quá khứ, trong ký ức tôi hiện ra và tôi như nghe rõ tiếng ru êm đềm của mẹ đưa con ngủ, nhớ cả tiếng đánh nhau của lũ trẻ cùng làng. Nhớ tiếng ê a đánh vần của lớp mẫu giáo đầu ngõ, nhớ tiếng kẽng báo giờ ra chơi của ngôi trường tiểu học đầu đường của những mùa hè nơi xóm cũ. Nhớ tiếng dội vội vã của những gáo nước lúc mới bắt đầu tắm thì lạnh ngắt, càng dội càng thấy sảng khoái, nhưng sự sảng khoái không kéo dài lâu vì những tiếng động kỳ cục trên cây hột gà, nơi nhánh thầu đâu, trong tàng trứng cá như có ma quỷ rình rập, tôi hối hả lôi cái khăn lông trên sợi dây kẽm gai, quấn ngang mình, chạy vội vào nhà thở không ra hơi. Nhớ những bông phượng ép vội vào trang vở.
 
Nắng nhuộm đầy cây mimosa ngoài sân đã phủ đầy những bông màu hồng nhạt, tôi chợt thương làm sao cây phượng vĩ của mùa hè năm xưa nơi sân trường lớp học và ...nhớ...anh tôi nhớ đến bàn tay dài như bàn tay con gái của anh, bàn tay nào đã để lại những nét tài hoa trên những trang bích báo, trên những nối nhạc bổng trầm của sân khấu văn nghệ nhà trường và bàn tay nào đã vĩnh viễn dâng hiến cho quê hương?
 
Thu Nga