Quê Hương Nỗi Nhớ

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

 Thu Nga

 
Ai sinh ra lớn lên mà không yêu mến quê hương. Quê hương là tình tụ dân tộc, quê hương là người mẹ dịu hiền, quê hương là cây đa, là cây phượng đầu làng, quê hương là con đường quê ngoằn ngoèo trên những cánh đồng ruộng dài ngút mắt, quê hương là tiếng kẻng trường khua rộn rã trước mà sau một ngày ê a trước bảng đen, phấn trắng,quê hương là giải đất hình cong chữ S, ta đã học thuộc lòng từ lúc cắp sách tới trường, chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau....  làm sao định nghĩa được trọn vẹn hai chữ quê hương, mà mỗi người trong chúng ta đều ôm ấp thương nhớ trong tâm.
Đi đến đâu, thấy danh lam thắng cảnh của nước người lại ngậm ngùi thương nhớ Việt Nam. Mỗi lần nghe những bài hát ca ngợi quê hương là lòng người Việt tha hương lại bùi ngùi, thổn thức “tôi đi xem để thấy những gì yêu dấu Việt Nam, trên quê hương ta đó, cố tìm đâu đây chút tình...(Thanh Sơn)” hay chỉ cần nghe tiếng chim, bất cứ tiếng chim nào, kêu,hót ở đâu, lại nhớ tiếng chim Việt Nam “.Thắp lên tim, thắp lên tim, thắp cho mặt trời hồng quê ta, hót lên chim, hót lên chim..ôi thương quá tiếng chim Việt Nam...”(Phạm Thế Mỹ). Giòng máu Việt Nam đã luân lưu trong huyết quản của  chúng ta, giải đất chữ S là chiếc nôi, là bình sữa nuôi ta lớn khôn, đất đai Việt Nam là thân thể người mẹ hiền yêu dấu,thế mà CSVN đành phá tan chiếc nôi em ấm, giật mất bình sữa của tuổi thơ với chế độ cai trị ngu dân, thân thể mẹ bị đau đớn cắt rời đem dâng cho quan thầy phương Bắc. Hoàng Sa, Trường Sa mất trong nổi căm hờn của người dân đất Việt.
Không biết tự bao giờ, tục ngữ ca dao truyền tụng từ đời này sang đời khác để ca tụng quê hương, một quê hương với một nền văn hóa đặc thù bao la bát ngát trên bờ biển Thái Bình Dương, dầu trải qua bao nhiêu sóng gió dập vùi với giặc thù từ phương Bắc nhưng từ thuở tạo thiên, lập địa, có bà Âu Cơ, ông Lạc Long Quân đến các vị vua Hùng cùng các bậc tiền nhân, anh hùng đã dựng nước, vượt qua bao nhiêu gian khổ, mưa nắng dãi dầu, từ bắc vào trung, vô nam, những câu hò, câu hót, ca dao truyền khẩu đã bàn bạc trong nhân gian. Chân của các bậc tiền nhân đã ghi lại dấu vết:
“Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thuyền thì khiếp sóng Thần hang Giơi”
Đèo Hải Vân cao chót vót là một trong những thắng cảnh hùng vĩ của nước Việt Nam. Nói về đèo, núi thì ở Quảng Nam có cửa Đại cũng bao la bát ngát, ở Tuy Hòa Phú Yên có núi Chóp Chài, Đèo Cả, Lạng Sơn có Chi Lăng: “Đường lên xứ Lạng bao xa...”, ở miền bắc có núi Tản Viên: “nhất cao là núi Tản Viên...” ở Quảng Nam có đèo Cây Cốc:
“Đèo mô cao bằng đèo cây Cốc...”.
Nói về núi, lại nhớ đến sự tích người xưa, nàng Tô Thị ôm con chờ chồng trong khói lửa chiến chinh:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh....”
Nước non nào cũng có cảnh đẹp, nhưng làm sao có thể so sánh vơi non nước Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời đầu tiên. Làm sao nguôi ngoai với non nước hữu tình
“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ”
Hiệp định Geneve đã chia đôi đất nước, người dân Bắc phải lìa quê cha đất tổ vô Nam lánh nạn Cộng Sản, vẫn dõi mắt nhớ thương về chốn kinh đô, ngàn năm văn vật có hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, hồ Gươm, Thăng Long, Hà Nội chỉ còn trong ký ức:
“Thăng Long, Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ...”
“Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn”
Hồ Hoàn Kiếm nơi di tích lịch sử, vua Lê Lợi trả lại thanh bảo kiếm sau khi thắng đưọc quân Minh, dựng lại nền độc lập cho dân tộc.
Đi dần vào hướng Nam, qua đèo Ngang hùng vĩ bao la, vào vùng đất thần kinh thơ mộng, ngắm nhìn đất trời để thấy quê hương đẹp biết bao trong lòng:
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”
Nói đến Huế là nói đến sông nước hữu tình, những cây cầu bắc qua sông để người dân gánh gồng ra chợ bán, để học sinh áo dài, tóc xỏa chân sáo, xe đạp đến trường:
“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Thương nhau rồi xin kịp về mau....”
Hay là:
“Đông Ba, Gia Hội hai cầu
Có Chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông”
Từ Phú Yên Nha Trang đi ngược lên Đà Lạt, với những đồi thông với hồ Than Thở Pleku, Kontum, Đắc Lắc bụi đỏ, sương mù ... Mỗi nơi, mỗi vẻ, mỗi bờ ao, mỗi ngọn đồi, mỗi tất đất, mỗi con suối, con sông đều được chúng ta mang theo với cuộc đời lưu lạc. Lòng tri ân của chúng ta càng lớn lao hơn đối với các bậc tiền nhân, qua bao nhiêu thử thách, chống gai, đánh giặc ngoài, dẹp giặc trong,  vẫn không lùi bước, vẫn tiếp tục hiên ngang mở mang bờ cõi về phương Nam để giang sơn gấm vóc càng ngày càng phồn thịnh để có Cân Giờ, Gia Định, Đồng Nai:
“Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”
Xuôi về miền Tây Nam nơi đây ruộng đồng thênh thang, sông hồ mênh mông, ruộng vườn ngút mắt, hồ lạch bao la... hứa hẹn một miền đất trù phú, màu mỡ:
“Ruộng đồng mặc sức chim bay
Biển hồ lai láng, cá bầy đua bơi”
Công lao của vị vua đ ầu ti ên c ủa n ư ớc Vi ệt- vua Hùng Vương được con cháu nhớ ơn:
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ Mồng Mười Tháng Ba
Ai về Phú Thọ cùng ta
Vui ngày giỗ tổ tháng Ba mồng Mười”
Di tích lịch sử ghi ơn các bậc tiền nhân có mặt khắp nơi từ Bắc vô Nam
“Ai về đến huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ loa hình ốc khác thường
Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây”
Qua sông Bạch Đằng, nhớ: Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo tiêu diệt quân Nguyên. Vua Lê Lợi cũng đã được người đời ghi công đức:
“Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan
Cao nhất là núi Lam Sơn
Có ông Lê Lợi trong ngàn tiến ra”
hay:
“Ai lên Biện Thượng, Lam Sơn
Nhớ Lê Thái Tổ chặn đường quân Minh”
Về phương Nam có Nguyễn Huệ, phá tan quân Xiêm trong trận Rạch Gầm vào cuối thế kỷ thứ 18:
“Bần Gie đốm đậu sáng ngời
Rạch Gầm soi dấu muôn đời oai danh”
Miền Nam có ông Trương Công Định, đánh thực dân Pháp, dành độc lập cho dân tộc Việt được truyền tụng:
“Gò Công anh dũng tuyệt vời
Ông Trương “đám lá tối trời đánh Tây”.

Các tất cả triều đại Đinh, Nguyễn, Lê, Lý, Trần, các vị tướng anh hùng dân tộc đã đổ máu xương mới có được một đất nước phồn thịnh ấm no. Từ miền Tây trù phú, qua miền trung sông nước hữu tình, miền Bắc cổ kính, những bán đảo Trường Sa, Hoàng Sa tất cả đã tạo dựng do công lao tiền nhân. Nay nhìn lại mảnh dư đồ càng ngày càng co thắt, càng ngày càng thê thảm tang thương dưới bàn tay cai trị độc tài tham ô của Cộng Sản khiến con dân Việt phải rơi lệ đớn đau, nhục nhả tủi hờn cho tiền nhân tổ quốc. Quê hương đã bị cắt, xén bởi lòng tham từ kẻ thù truyền kiếp phương bắc và bọn cai trị ngu xuẩn Cộng Sản. Mất ải Nam Quan, mất thác Bản Giốc và nay đến Hoàng Sa, Trường Sa, nơi những chiến sĩ Hải Quân trong QLVNCH đã đổ máu xương trong những trận đánh oai hùng để bảo toàn  đất nước.
Quê hương ơi! Việt Nam ơi! ngày nào đất nước mới được hồi sinh để những câu hò, câu hát, những lời thơ ca ngợi quê hương được sống lại trong cảnh đoàn viên:
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai
Nát Chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền
Hay:
Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ Truông nhà Hồ, sợ Phá Tam Giang
Hồ Chí Minh đã chết, truông nhà Hồ không còn nhưng hình ảnh của Hồ Chí Minh đã được đảng CS tô hồng, chuốc lục trưng bày ở Ba Đình đã cản bước tiến dân tộc, nước Việt Nam dưới ách cai trị của chế độ Cộng Sản đã phản bội dân tộc, phản bội tổ tiên, thay vì làm dân giàu nước mạnh, đảng CS đã lần lần cắt một phần thân thể mẹ, thân thể quê hương để dâng cho quan thầy Trung Cộng hầu kiếm miếng đỉnh chung. Chế độ CS còn tồn tại thì da thịt của quê hương vẫn tiếp tục bị cắt, xé để chúng ta:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều
Quê mẹ là quê hương, quê mẹ là mỗi đau không rời, quê mẹ là sông, là núi, là Ải Nam Quan, là Mũi Cà Mau, là Trường Sa, là Hoàng Sa. Quê hương ơi, quê mẹ ơi! chúng con vẫn còn đây vẫn nuôi ý chí quật cường của tiền nhân để lại, hẹn một ngày mai sẽ về dựng lại quê hương với lá cờ Vàng ba sọc đỏ, vá lại mãnh dư đồ rách nát, đòi lại Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Trường Sa, Hoàng Sa để mẹ Việt Nam ngậm cười nơi chín suối!
Thu Nga