THƯ VIẾT TỪ ÐƯỜNG HEATHERGLEN - 11

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Phạm Ngũ Yên



1.

Những ngày hôm nay, gió miên man thổi về từ vùng biển Galveston. Mang trong lòng nó một chút rét mướt của cơn bão nhiệt đới. Hình ảnh mà tôi chợt nhớ khi xe ngang qua cầu 183 là hình ảnh về một trang trại vùng Bastrop. Nơi đó, có một khúc sông chảy lặng lẽ từ một nhánh của dòng Colorado để qua một cánh đồng trồng bắp. Một đêm mưa, tôi trở về từ Houston, ngang qua một quận lỵ thiếu ánh đèn đường. Ngọn đèn pha không làm rõ hướng đi khi mưa rơi không ngớt trên kính xe. Chiếc gạt nước như hai cánh tay mệt mỏi vươn ra không đủ xua đi những băn khoăn về một tình yêu vừa muốn tan vỡ.

Còn một thời gian ngắn nữa tôi sẽ ngang qua La Grange Ville. Quận lỵ bên đường nghe nói ngày xưa chưa trù phú chỉ có một con đường lộ chính và một dãy quán xá, phòng ngủ nằm kèn cựa bên nhau. Nơi đây, những thập niên 80, nguồn thu nhập chính của người dân địa phương là khai thác mãi dâm và những dịch vụ liên quan đến sex. Một lần có một nhà báo ghé ngang qua đó, chàng được các “kiều nữ” tiếp đón như thế nào không biết, về nhà viết lại một thiên phóng sự đăng báo. Nội dung bôi bác nhiều hơn là xây dựng. Một vài dư luận xảy ra sau những trang báo đó và đến tai vị Thống Ðốc của tiểu bang đương thời là một phụ nữ. Bà đã dứt khoát ra lệnh đóng cửa những ngôi nhà có những ánh đèn màu hồng kia.

Quận lỵ bây giờ đang heo hút khi tôi lái xe ngang qua. Tôi không có thì giờ để biết thêm cư dân nơi đó đang sống bằng nguồn thu nhập nào khác, ngoài nguồn thu nhập chính đầy sóng gió và mang biểu tượng của mời gọi thân xác. Bây giờ đêm đêm nơi đó chắc không còn những hương thể cùng những son phấn ào ạt xuống đường, để chiêu dụ những cánh bướm giang hồ tứ xứ tìm về. Bây giờ đêm đêm nơi đó chắc chỉ còn lại một vài trạm xăng bán lẻ bên đường đang hồi tưởng lại thời vàng son của mình cùng những quá khứ đậm đặc những bia bọt thổn thức. Thảng hoặc, vài con đom đóm bay dật dờ trên khóm cỏ, như nuối tiếc một hạnh phúc lầm lỡ bên ngoài cửa thiên đường.

Năm 1991, khi tôi qua Mỹ và định cư tại Austin, tôi chỉ nghe kể lại về La Grange như vậy, từ một người bạn. Tôi thường đi qua nơi này khi có dịp về Houston. Mùa thu có mưa bay êm đềm bên cửa kính xe và những cây sồi lầm lũi trong màu buồn. Tôi không biết còn có con đường nào sẽ trăn trở từng đêm khi những vòng bánh xe không còn chạy miết trên da thịt nó. Và mọi dấu vết cũ xưa sẽ ào ạt tìm về theo những dòng mưa như những dòng lệ bất chợt trên môi đời?

Tàn rồi, phía hai nhánh sông có bờ cỏ hiu quạnh. Những niềm vui chạy theo chân nỗi buồn, như buổi chiều nay tôi vừa nhận ra tiếng chân mưa vuột ngã trên tấm lòng già nua. Mười lăm năm qua nhanh hơn một giấc mộng. Những tấm lòng già nua không còn thao thức khi sương mù trôi về ngoài khung cửa. Cũng không còn chia sẻ được những tiếng gió thổi miên man trên gờ mái che, như những lời trách móc.
Lâu rồi tôi không nghe lại tin tức về Khiết. Người đàn bà qua một thời son sắc của thành phố biển của tôi. Tôi không biết nàng có già nua hơn hay lộng lẫy hơn vì đôi khi thời gian cũng chịu thua trên nhan sắc của một người đàn bà. Ngày tôi đi, Khiết không có dịp uống với tôi một ly cà phê và cũng không có cơ hội chia tay với tôi nơi phi trường. Lý do chính đáng và rõ ràng là vợ tôi ngày đó không cho phép mọi liên hệ nào khác ngoài những liên hệ tôi đang có.
Khiết không thể nói lời từ biệt dù nàng rất mong muốn, ngay cả một nụ cười cũng không. Thành phố rất ít khi có mùa đông. Cũng không có heo may thổi về rõ ràng trên từng cuống lá trên con đường ra biển. Nhưng có biết bao điều quen lạ bám chặt vào trong ký ức của tôi và nàng. Giống như ngọn lửa lúc nào cũng cháy âm ỉ trong lòng.

Nơi tôi ở, mùa thu ngơ ngác những nụ cúc vàng mọc hoang dại. Không có nắng để nghe niềm vui thắm đượm trên những cành xanh. Thùng thơ trước sân nhà đôi khi có vài con chim bay về. Chúng làm xấu thêm hay trang điểm thêm cho cuộc đời đơn điệu này một chút lãng mạn buồn rầu?

Khiết là một cô gái có một chút dòng máu lai Ấn Ðộ. Một chút thôi vì nếu nhìn không kỹ sẽ không thấy. Ðôi mắt màu đen như hai hột nhãn dưới hai quầng mắt màu sậm và nụ cười luôn hấp dẫn vì có lúm đồng tiền hai bên má.

Sau khi miền Nam sụp đổ, tôi về sống cùng gia đình tại Vũng Tàu. Gần 30 tuổi tôi không thấy mình khôn lớn bao nhiêu vì tình yêu lúc nào cũng thơ dại như ngày chưa vào lính. Khiết đang là một cô giáo “mất dạy” vì ban Giám Hiệu nhà trường không cho nàng tiếp tục chức năng “trồng người”. Bù lại, nàng phải bươn chải ngoài Chọ Trời Vũng Tàu để trồng lại một niềm tin đã héo rũ. Khi tôi biết nàng, thì nàng đã thành thuộc những món hàng cùng những xuất xứ trôi nổi, những giá cả lên xuống còn hơn thầy bói biết rõ những chỉ đạo trong lòng bàn tay.

Ðôi lần nàng đưa tôi đi qua ngôi trường của nàng. Ðó là một trường Tàu ngày xưa có tên là Dục Dân. Bây giờ đổi lại là Ðoàn Kết, để biện minh cho sự chia rẽ giai cấp không bao giờ có. Trường có một sân chơi huy hoàng vì tráng xi măng và ở đó mọc lên một sân bóng rổ. Những tay bóng làm nên vinh quang cho thành phố Vũng Tàu đều xuất thân từ sân bóng trường Dục Dân. Và nàng, vừa là cô giáo dạy tiểu học, vừa là một cổ động viên nồng nhiệt của mọi thời.

2.

Tôi vừa rời bỏ quân ngũ và thành phố núi Ðà Lạt để về sống tại Vũng Tàu, một năm trước khi miền Nam bị mất. Tôi tưởng biển và rừng khó lòng dung nạp được nhau. Huống chi trái tim tôi đang đau vì vết thương tình yêu chưa kịp kéo da non. Nhưng hình như định mệnh đã xô đẩy chúng tôi gặp nhau, như hai khóm lục bình va vấp vào nhau trên nhánh sông đời. Nàng không phải là cửa bể mênh mông để lôi kéo con dã tràng mệt mỏi là tôi chạy về xuôi ngược trong trái tim đang thiếu vắng những hồng huyết cầu của nàng.

Nhiều buổi tối tôi đạp xe bên cạnh nàng, trên con đường dọc Bãi Trước. Gió từ dưới biển thổi lên lồng lộng, làm khô ráo những giọt mồ hôi ban đầu. Những vì sao thấp thoáng trên đầu vì bị nhánh bàng che lấp, nhưng chúng có khả năng chiếu sáng mọi thân phận đang ngổn ngang dưới trần thế. Chúng có khả năng nối kết những niềm tin để làm nên biển đời bao la. Chúng tôi đi qua những con phố đèn khuya. Những khoảng trời say đắm như vậy từng đêm. Lòng khao khát về một hạnh phúc tưởng chừng không thể với tới được vì xa vút ngoài tầm tay.

Giữa tôi và nàng ai sẽ là người lìa nhau trước? Vì không ai có thể trụ mãi trong lòng một chế độ luôn thiếu vắng sự chân thật và tình người. Nhưng tôi biết có một lúc nào đó tôi và Khiết sẽ không còn có dịp để sánh vai đi chung. Những vòng bánh xe trôi lăn chóng mặt và sên xích khô cạn nhựa đời. Sự hoài nghi và sự buông thả là hai mặt khác của đời sống, nhưng kỳ lạ thay lại có mặt để bổ sung cho nhau.

Trong khi nàng lo lắng với sinh kế từng ngày, để tìm kiếm thu nhập cho một gia đình bốn người - một bà mẹ già và hai đứa em trai - thì tôi vẫn chưa biết phải làm sao để ngoi lên một vũng lầy. Chung quanh tôi lần lượt những bạn bè tìm cách vượt biên. Một số khác đang nằm trong tù. Hình như tình yêu cũng giống như mưa bóng mây. Tôi càng mong nó càng không đến. Và màu mắt của nàng, mỗi ngày càng thêm thắm xa. Vài lần tôi thoáng nghe nàng có dự định vượt biên, nhưng sau đó lại thấy nàng còn đứng ngoài chợ trời, bên những thùng cạc tông đựng thuốc tây được ngụy trang mỗi ngày. Một lần tôi lại nghe tin nàng sẽ đi theo diện bán chính thức (chương trình người Hoa). Một thầy giáo Tàu lai sẽ kết hôn với nàng và đóng tiền để cả hai xuống tàu.

Mọi điều hư thực như vậy đều đang xảy ra khắp mọi nơi, trong mọi thành phố. Ðến nỗi người ta không còn muốn nhớ đến hay mường tượng đến mọi hương vị ngọt ngào. Những vầng trăng không tròn trịa hết một mùa trăng thì giông bão đã đem về bóng tối.
Giống như nụ hôn tình đầu luôn đậm màu bỡ ngỡ.

Mỗi một tình yêu luôn có nhịp đập làm nên máu đỏ để nuôi dưỡng trái tim. Cũng như chiếc lá luôn rụng xuống để gối đầu vào một trang giấy bị thời gian làm vàng ố mùa thu. Tình yêu của tôi và nàng giống như vậy.

3.

Nhưng tôi lại là người không giữ được lời hứa. Khiết vẫn đi một mình cùng với chiếc bóng trong khi tôi lập gia đình. Tháng mười năm 1979 thành phố Vũng Tàu có thêm một tờ hôn thú vừa ráo mực.

Ðám cưới tôi không linh đình và giản đơn, nhưng tôi can đảm mời nàng tham dự. Nàng cũng can đảm đến dự. Tôi ngượng nghịu đi đến chào bàn có Khiết đang ngồi lặng lẽ. Ly nước ngọt trước mặt nàng đang tươm đá ngoài thành ly. Trái tim nàng hay trái tim tôi đang sũng nước? Những bước chân bối rối tìm kiếm một vùng đất khao khát một mùa xuân bị bỏ quên từ bao giờ?

Sau mùa thu, mùa đông nứt nẻ cựa mình che giấu chồi non. Tôi che giấu trong lòng tôi một tình yêu lặng lẽ không một kết cuộc có hậu.

Một năm sau, đúng mùa Giáng Sinh mẹ Khiết qua đời. Nàng theo đạo Tin Lành nên khi bà cụ mất Khiết có tổ chức đọc kinh cầu nguyện tại nhà. Có Mục sư nhà thờ đến làm lễ. Căn nhà nàng sẽ đơn chiếc thêm mỗi mùa vì gió sẽ tự do thổi vào những góc phòng trống trải. Tôi có mặt nhà nàng trong những đêm cuối cùng tiễn đưa người quá cố.

Dưới những ngọn nến leo lét cháy trên nắp quan tài, tôi nghe lòng thổi về tiếng gió của mùa đông. Khiết nhóm bếp để pha cà phê cho chúng tôi. Ánh lửa làm hồng lên màu mắt. Có một chút mưa đông trên mi mắt nàng hay những dòng lệ lấp lánh? Và tiếng kinh cầu vang xa như một lời tạ lỗi thầm thì.
Ðó là ly cà phê đầu tiên tôi uống trong nhà một người đàn bà tôi yêu thầm chớ không phải ngoài quán. Nhưng hương vị ngây ngất một hoài mong.
Cuộc đời không phải chỉ màu xanh. Ai đó từng nói lên như vậy? Ðó là một chân ly cũ càng nhưng luôn mới mẻ trong lòng một người đàn ông vừa với đụng đến tàn phai.

Giữa phi trường đông đúc người qua lại, cười nói, nhưng lòng tôi ngổn ngang một góc chợ chiều. Không có nàng tiễn đưa (vì lý do rõ ràng tôi đã nói ở trên). Nhưng tôi vẫn không thể nào quên tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của nàng. Cùng hai lõm đồng tiền hai bên má. Nhiều năm trôi qua, tôi không biết màu xanh của biển có còn đằm thắm như ngày nào, nhưng tôi biết chắc sự thẳm sâu luôn nằm trong đôi mắt nàng. Dưới một vòng mi cong vút.

Sau nhiều năm trôi giạt trên xứ người, tôi có những niềm vui cùng những nỗi buồn. Nhưng buồn dĩ nhiên nhiều hơn vui. Hạnh phúc cũng không khác hơn. Người bạn đời trên tờ giấy hôn thú mà tôi ký năm 1979 đã nằm xuống trên một ngã ba đường. Nàng đem theo nhiều thứ dành cho nàng xuống lòng huyệt lạnh lẽo. Những thành công của tôi và những thất bại của tôi. Những chua xót cùng những ngọt bùi.

Một lần, bỗng dưng tôi nhận được thiệp chúc mừng Giáng Sinh do Khiết từ Việt Nam gởi qua. Ðịa chỉ nơi gởi là một con đường nào đó lạ lẫm tại Vũng Tàu. Vài dòng chữ đơn sơ viết ra cùng với chữ ký của nàng. (một chữ ký quen thuộc có nét cuối đưa lên như muốn ruồng rẫy một số phận). Tấm thiệp cũng quê mùa, không cầu kỳ vì được in ấn trong nước. Nhưng tôi thấy chan chứa một hoài mong. Tuần lễ đó, tôi mua thẻ điện thoại viễn liên và gọi về cho nàng. Lần thứ nhứt nàng không có mặt tại nơi làm việc. (Nàng đang trông coi một tiệm bào chế thuốc Dân Tộc Ðông Y). Người chủ tiệm yêu cầu tôi gọi lại vào ngày hôm sau.

Hôm sau có Khiết ở đầu giây bên kia. Cảm giác đầu tiên tôi ghi nhận là tiếng cười của nàng vẫn không thay đổi. Vẫn còn trong vút, như một dòng suối - như cái tên Thanh Khiết của nàng. Thời gian quả có làm thay đổi nhiều thứ. Nhưng thời gian cũng giúp cho chúng ta phân biệt được thế nào là sự êm dịu làm ướt sũng trái tim. Những điều tôi nói với Khiết không ngoài những thăm hỏi sức khỏe. Những việc làm và cuối cùng là lời chúc một hạnh phúc tròn trịa, đừng như tôi.

Cho tới bây giờ tôi vẫn gìn giữ tấm thiệp đó trong hồ sơ riêng. Như giữ một bản thảo được viết ra từ một trái tim buồn. Bản thảo mà chỉ có một độc giả duy nhất được đọc và sẽ không cần có nhà in nào để làm công việc phổ biến ra bên ngoài.

Cho tới bây giờ tôi vẫn không hình dung ra cuộc sống của nàng tại Vũng Tàu có bình an hơn hay bất trắc hơn. Nhưng tôi biết chắc rằng nàng vẫn chưa có gia đình. Nàng đang cưu mang một đứa em trai út không chịu lập gia đình như nàng đang sống chung nhà. Nghe nói hắn là đồ đệ có hạng của Lưu Linh. Sáng say chiều xỉn. Ðứa em kế của nàng có gia đình, đang định cư tại Hoa Kỳ chỉ sau tôi vài năm. Cái hạnh phúc tôi muốn biết từ nàng sẽ không bao giờ rõ nét. Vì nó không giống như một mùa hay một cơn mưa. Nhưng tôi biết nó muốn thoát ra và bay lên những trì kéo của định mệnh...

Có một điều cần phải được nói ra. Nói ra để lòng được nhẹ bớt. Ðiều đó rất đơn giản. Là ở trong lòng một người đàn ông lỡ làng một hạnh phúc đang có một nỗi hoài mong một tình yêu tròn trịa. Cái hạnh phúc dù không còn thanh xuân hay nồng nàn như hương vị một ly cà phê ngon, nhưng đó là hạnh phúc có thật. Ðược pha chế bằng những năm tháng cơ hàn và những ngậm ngùi dâu bể. Và còn nguyên vẹn như cách đây nhiều chục năm. Ðiều tôi nói ra chắc không cần phải được hồi đáp vì thời gian không còn rời rộng cho cả hai người. Cũng không phải nói ra để được vui lòng hay bị phán xét. Tôi nói ra chỉ để nhẹ bớt trong lòng...

PNY