THỜI SỰ TRONG TUẦN - Oct 17

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
 
GIẢI NOBEL HOÀ BÌNH ĐẦY TRANH CÃI
 
Đã đúng một tuần lễ rồi kể từ khi Ủy Ban Giải Nobel công bố trao giải thưởng Nobel Hoà Bình năm nay cho tổng thống Barack Obama, dư luận vẫn còn nhiều tranh cãi và chỉ trích, đến đỗi các thành viên trong ủy ban người Nauy hôm thứ Ba 13/10 đã phải lên tiếng mạnh mẽ bênh vực cho quyết định của họ. Nhiều người cho rằng việc trao giải cho tổng thống Hoa Kỳ là quá sớm vì ông Obama chưa có được thành tích hòa bình nào đáng kể. Được hỏi về ý kiến của họ trước những dư luận đang dâng trào, 4 trong 5 thành viên trong hội đồng đã trả lời với báo chí rằng họ đã tiên liệu là quyết định này sẽ tạo ra sự ngạc nhiên và lẫn chỉ trích. Ba thành viên trong nhóm đã bác bỏ việc cho rằng tổng thống Obama chưa hoàn thành được cái gì cả để xứng đáng lãnh được giải này. Chủ tịch của Ủy Ban Giải Nobel là ông Thorbjoern Jagland nói rằng tổng thống Obama đã nhận được giải thưởng cho những gì ông ấy đã làm. Jagland đưa ra ví dụ về các cố gắng của tổng thống Obama trong việc hàn gắn những chia rẽ giữa Tây Phương và thế giới Hồi Giáo và thu hẹp chương trình lá chắn phòng không tại Âu Châu của thời cựu tổng thống George Bush. Ông Thorbjoern Jagland hiện đang là tổng thư ký của Hội Đồng Âu Châu. Ông nói rằng đa số các vị lãnh đạo trên thế giới đều đồng ý về giải thưởng năm nay và cho rằng những làn sóng chỉ trích đã bị giới báo chí và phe đối lập chính trị của tổng thống Obama thêm dầu vào lửa. Ông Jagland cho rằng ủy ban của ông đã làm đúng theo tôn chỉ của ông Alfred Nobel lúc thành lập ra các giải Nobel trong năm 1895. Ông Nobel cũng là nhà bác học đầu tiên sáng chế ra chất nổ. Ông Jagland cho hay ông không nghĩ là giải Nobel Hòa Bình sẽ gây khó khăn cho tổng thống Obama tại Hoa Kỳ và ông cho rằng ủy ban đã không xem tình hình chính trị tại Mỹ trong việc quyết định trao giải thưởng.
Nhiều người theo dõi giải Nobel Hòa Bình năm nay cho rằng họ không mong đợi là tổng thống Obama sẽ được chọn trao cho giải này vì ông mới vừa nhậm chức tổng thống được hai tuần lễ trước ngày hết hạn nộp đơn vào danh sách những người có thể được chọn ngày 1 tháng 2 năm 2009. Một số các thành viên trong đảng Cộng Hòa và ngay cả trong đảng Dân Chủ cũng ngạc nhiên là tổng thống Obama đã làm được gì để xứng đáng nhận một số tiền lớn là $1.4 triệu đô la. Số tiền này, nghe nói tổng thống sẽ hiến tặng cho các tổ chức từ thiện.
Ngay tại Âu Châu, nơi ông Obama được dân chúng ngưỡng mộ, rất nhiều bình luận gia không khỏi đưa ra những câu hỏi về các thành quả của tổng thống Obama. Phản ứng về việc này, thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangarai, cũng là một trong những ứng viên sáng giá của giải Nobel Hoà bình cùng với hòa thượng Thích Quảng Độ, nói rằng ông gửi lời chúc mừng đến tổng thống Obama và tổng thống rất đáng nhận lãnh giải thưởng này. Còn phụ tá bộ trưởng Ngoại Giao của Hamas cũng lên tiếng chúc mừng tổng thống Obama nhưng nói thêm rằng giải thưởng này đến quá sớm. Ngay từ những ngày đầu bước chân vào tòa Bạch Ốc, tổng thống Obama hứa là sẽ mang lại hòa bình cho vùng Trung Đông, giải quyết vụ phát triển nguyên tử của Bắc Triều Tiên và Iran, chương trình lá chắn phòng không tại Âu Châu, chiến tranh Afghanistan, cải tổ bảo hiểm y tế và đóng cửa nhà tù vịnh Guantanamo. Cho tới nay, tình hình Trung Đông vẫn còn sôi động; Bắc Triều Tiên vẫn chưa chịu ngồi vào bàn hội nghị và còn cho phóng thử 5 quả hỏa tiễn vào ngày 13/10/2009 vừa qua; việc chế tài Iran đang còn bị phản đối của Nga sô; chương trình lá chắn tại Ba Lan mới chỉ là lời hứa; chiến tranh tại Afghanistan càng ngày có thêm nhiều quân nhân Hoa Kỳ bị thiệt mạng và tướng tư lệnh McChrytal yêu cầu tăng thêm quân; vấn đề cải tổ bảo hiểm dù đã có khai thông tại Ủy Ban Tài Chánh Thượng Viện nhưng còn nhiều khó khăn và việc đóng cửa nhà tù vịnh Guantanamo không thể hoàn tất vào đầu năm tới được.
Trong số những nhân vật được trao giải Nobel Hòa Bình được nhiều người tán tụng nhất thời gian gần đây phải kể đến mục sư Martin Luther King, mẹ Teresa và ông Nelson Mandela. Những khuôn mặt được trúng giải gây nhiều tranh cãi phải kể nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat hoặc cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger. Lê Đức Thọ của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng được chọn chia đôi giải Nobel Hòa Bình với ông Kissinger, nhưng vì áp lực của đảng CSVN nên Lê Đức Thọ buộc phải từ chối không đến nhận giải thưởng này.
Hiện nay tổng thống Barack Obama đang gặp khó khăn trên 2 cuộc chiến. Ông đang phải cân nhắc việc có tăng thêm quân vào Afghanistan để đánh gục quân Taliban hay không và việc rút quân khỏi Iraq. Ông vẫn còn đang gặp trở ngại trên hồ sơ cải tổ bảo hiểm y tế, các chương trình phục hồi kinh tế và mưu tìm một đường lối để thúc đẩy việc trở lại bàn hội nghị hòa bình giữa Do Thái và Palestine. Việc chọn tổng thống Obama trong số 205 ứng viên, cho thấy ủy ban giải Nobel tiếp tục thái độ không hài lòng về chính sách tự ý hành động mà không tham khảo với các đồng minh của chính quyền cựu tổng thống Bush, trong đó bao gồm quyết định đánh Iraq mà không cần sự chấp thuận của LHQ. Một thí dụ khác là trong năm 2007, cựu phó tổng thống Al Gore đã được chọn trúng giải Nobel vì ông đã có công đánh động ý thức về tình trạng hâm nóng toàn cầu sau khi nội các cựu tổng thống Bush loại bỏ nghị định Kyoto giảm thiểu sa thải khí carbon. Tổng thống Obama đã không đi theo chính sách của cựu TT Bush ngay từ những ngày đầu lên cầm quyền. Ông đã huỷ bỏ việc tra tấn tàn nhẫn đối với các phần tử tình nghi khủng bố và hứa sẽ đóng cửa nhà tù vịnh Guantanamo tại Cuba vào ngày 22 tháng  Giêng năm 2010. Tuy nhiên, việc đóng cửa nhà tù này đang gặp khó khăn. Chính bộ trưởng Quốc Phòng Robert Gate đã than rằng nói thì rất dễ nhưng khi đem ra thực hành thì rất khó vì các tiểu bang không ai dám chấp chứa những nghi phạm khủng bố nguy hiểm ngay trong nhà của mình.
Tổng thống Barack Obama là tổng thống Hoa Kỳ đang tại vị thứ ba và là tổng thống đầu tiên trong vòng 90 năm qua nhận được giải thưởng cao quý Nobel Hòa Bình. Vị tổng thống tiền nhiệm lãnh được giải Nobel trong thời kỳ của nhiệm kỳ thứ nhì tại tòa Bạch Ốc và sau khi đã có những thành tích ngoại giao lớn. Tổng thống Woodrow Wilson được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1919 sau khi ông giúp thành lập ra Liên Hiệp Quốc và ký hiệp ước Versailles. Trong khi đó tổng thống Theodore Roosevelt nhận được giải thưởng năm 1906 cho thành quả thương lượng chấm dứt chiến tranh Nga - Nhật. Cựu tổng thống Jimmy Carter cũng được trao giải Nobel Hòa Bình nhưng sau hơn 2 thập niên ông đã rời tòa Bạch Ốc rồi.
Tổng thống Barack Obama, 48 tuổi, hôm thứ Sáu 09/10 đã phát biểu tại Vườn Hồng rằng ông chấp nhận giải Nobel Hòa bình và cho rằng đây là bước khởi đầu cho những hành động. Ông Obama sẽ sang thành phố Oslo, Na Uy vào ngày 10 tháng 12 để nhận giải thưởng. Tổng thống Obama ý thức được rằng ông đang là tổng tư lệnh của một quốc gia đang có liên quan đến 2 cuộc chiến ở IraqAfghanistan. Nhiều người cho rằng vì tinh thần của giải Nobel Hòa Bình, ông Obama có thể sẽ cho rút hết quân ra khỏi Afghanistan dầu cho tình hình tại đây có ra sao. Nhưng hôm 14/10 vừa qua, tổng thống Obama đã cho phép đưa thêm 13,000 quân hậu cần sang chiến trường Afghanistan để giúp dẹp tan quân Taliban.
Một số những quyết định gần đây của nội các tổng thống Obama đã gây sự lo ngại đối với những nhà tranh đấu cho nhân quyền. Chẳng hạn Tòa Bạch Ốc cho biết tổng thống Obama không tiếp đức Đạt Lai Lạt Ma trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần thứ 11 của ngài, viện lý do không muốn phật lòng Trung Quốc trong chuyến viếng thăm vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng lên tiếng thông cảm nổi khó khăn của tổng thống. Trong mỗi lần đến thăm Hoa Kỳ, đức Đạt Lai Lạt Ma đều được các tổng thống đương nhiệm mời đến thăm tòa Bạch Ốc. Lần này, vị lãnh đạo tinh thần của chính phủ lưu vong Tây Tạng đã được Quốc Hội Hoa Kỳ tiếp đãi long trọng và trao tặng ngài giải Lantos cao quý.
Lời giải thích duy nhất đối với quyết định của Ủy Ban Giải Nobel năm nay khi họ chọn trao giải cho tổng thống Barack Obama là một cuộc đánh cược vào những thành tựu trong tương lai của ông Obama. Chúng ta hãy chờ xem.[] Quan Hưng