Thi Ca Trong Chiến Tranh

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Phiếm luận

Thu Nga

 


Ðã 28 năm rồi mà dân Việt tha hương đầu đã bạc mà vẫn chưa  tìm thấy hai chữ thanh bình.
Kể từ tháng 4 đen tối, chiến tranh đã trải rộng khắp nơi, biết bao nhiêu oan hồn, tử sĩ trong những ngày biến loạn:

‘’Hồn tử sĩ về trong hơi gió
Sóng oan khiên còn trắng biển Ðông
Ai mài kiếm trong hồn ta đó?
Ai quay lưng lòng có thẹn lòng?...’’ (Hà Huyền Chi)

Những ngày sóng lưu vong, đôi khi có người thảng thốt:

‘’ Bao năm chinh chiến ta còn gặp
Nay thuở thanh bình lại biệt ly’’

‘’Thanh bình’’? thanh bình’’ có khi nào nước Việt dân Việt  đã được nhìn thấy ‘’thanh bình’’?Thanh bình ở đâu khi mà chiến tranh không bao giờ kết liễu?

Là dân Việt, ai cũng biết rằng 2 chữ ‘’chiến tranh’’ dã đeo đẳng chúng ta qua bao nhiêu thế kỷ. ‘’Một ngàn năm đo hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, 20 năm nội chiến từng ngày...’’ và sau 28 năm, chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn.
Nói đến chiến tranh là nói đến đau thương, chia lìa, chết chóc...nói đến chiến tranh là có tiếng súng, có đạn nổ, có bom rơi...nhưng nói đến chiến tranh là có sách, có vở, có thơ, văn để ta thán, để khóc than, để nhớ nhung và cũng vì cuộc sống kéo dài triền miên trong chiến tranh, nên ta đã có hàng vạn lời thơ đầy hùng khí, và đó cũng là những chứng tích lịch sử, văn học.

Chiến tranh đã đi vào thơ văn rất nhiều từ ‘’thuở trời đất nổi con gió bụi’’, gió bụu đã nổi lên đến độ:

‘’Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất quân’’ (Chinh Phụ Ngâm)

Làm dân trong một nước chiến tranh, nợ nước ơn nhà làm trọng, các anh hùng hào kiệt theo tiếng gọi non sông, từ giã bút nghiên, từ giã một thời niên thiếu đầy hoa, đầy mộng:

‘’Chàng tuổi trẻ vón giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc gươm đao...’’

Ra đi có thể vài ba năm:

‘’ Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm tối dồn việc quan
Chém tra đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng?’’

Cũng có thể ra đi là mãi mãi như Kinh Kha tráng sĩ:

‘’Chiến sĩ nhất khứ thề bất phục hoàn’’

Hay là:

‘’Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu’’

Từ ngàn xưa, trải qua bao nhiêu dâu bể, dân tộc Việt Nam tuy nhỏ bé và thường xuyên bị đe dọa, bức hiếp bở các nước láng giềng, nhất là bị đè nén dưới một áp lực nặng nề của khối Trung Hoa từ phương Bắc dồn xuống. Vì vậy, dân tộc Việt phải ở trong tình trạnh đối kháng thường trực và tinh thần dân tộc cũng vì đó mà phát sinh một cách mạnh mẽ. Trên đường Nam tiến, trong ý chí sinh tồn, chúng ta đã tiêu diệt dân tộc Chiêm Thành. Và cũng trong bối cảnh chiến tranh Chiêm Việt, vì 2 châu Ô Lý, Huyền Trân công chúa đã đem thân vàng ngọc, giúp ích giang sơn để phải ‘’nước non ngàn dặm ra đi’’:

‘’Tiếc thay cây quế giữa rừng
Ðể cho thằng Mán thằng Mường nó leo’’

Ðể ca ngợi tấm lòng vàng của Huyền Trân Công chúa vì tổ quốc dẹp tình riêng, Hoàng Cao Khải đã làm một bài thơ:

‘’Ðổi chác khôn ngoan cũng nực cười
Vốn đà không mất lại thêm lời
Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm
Một gái thuyền quyên của mấy mươi
Châu đi rồi lại châu về đó
Ngơ ngác trông nhau mấy đứa Hời
Lòng đỏ khen ai lo việc nước
Môi son phải giống mãi trên đời?’’

Và đánh bật được Thủy Chân Lạp ra khỏi khu vực sông Cửu Long và tiến dần đến khu đồng bằng phì nhiêu của miền Nam.

Ý chí đó đã được mẹ dậy từ thuở nằm nôi:

‘’Ru hời ru hỡi ru hời
Làm trai đứng ở trên trời
Sao cho xứng đán giống nòi nhà ta
Ghé vai gánh đỡ sơn hà
Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu’’

Khi quốc gia lâm nguy, không ai còn nghĩ đến việc riêng tư nữa:

‘’Giặc Tây đánh xuống Cần Giờ
Bậu đừng thương nhớ đợi chờ uổng công’’

Lúc ấy sinh mạng chàng xem nhẹ tựa lông hồng:

‘’Thà chết ở chiến trường
Còn hơn chết ở trên giường thê nhi’’

Không phải chỉ đàn ông mới coi quốc gia là trọng, đàn bà cũng không quên bổn phận của liễu yếu đào thơ:

‘’Anh ơi phải lính thì đi
Cửa nhà đơn chiếc đã thì có em’’

Chàng, mặc dù là nói năng bặm trợn, oai hùng trong bộ quân phục, tuân hành thượng cấp vào sanh ra tử:

‘’Ngang lưng thì thắt bao vàng
Ðầu đội nón dấu tay mang súng dài
Một tay thì cắp hỏa mai
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền
Thùng thùng trống đánh ngũ liên....’’

Nhưng thương mẹ già, vợ dại, con thơ, lòng đau như cắt như chú ‘’lính thú đời xưa’’, trong buổi chia tay:

‘’Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa’’

Miền trung đã được mệnh danh là đất ‘’Ðịa linh nhân kiệt’’, nơi đã cho ra đời những anh hùng, dân tộc. Sau lưng những anh hùng dân tộc là những bậc hiền thê, đã đóng góp những công sức không nhỏ cho đất nước. Vì không có có họ làm sao các đấgn anh hùng mới yên tâm lo việc nước?:

‘’Kìa ai tiếng khóc nỉ non
Ấy vợ lính mới trèo hòn đèo Ngang
Chém cha cái giặc chết hoang
Làm cho thiếp phải gánh lương theo chồng
Gánh từ xứ Bắc xứ Ðông
Ðã gánh theo chồng lại gánh theo con’’ (Ca dao)

Người con gái miền Bắc cũng sẵn sàng gánh việc gia đình để chồng an tâm đi đánh giặc:

‘’Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Ðể anh đi trấn nước non Cao Bằng (ca dao)

Chiến tranh phân ly tất cả mọi giới, không phân biệt già trẻ, lớn bé, cha xa con, vợ xa chồng, anh xa em... Ðã biết bao  nhiêu mối tình mới chớm nở đã vội ly tan. Loạn lạc xảy ra từ làng trên, đến thôn dưới:

‘’Em ở Thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì’’ (Quang Dũng, Ðôi mắt người Sơn Tây)

Chiến tranh lan tràn đến độ người con không biết mẹ già, em dại bây giờ đã trôi giạt đến đâu, hay là đã chết ở một miền không định hướng:

‘’Mẹ tôi em có gặp đâu không?
Bao xác già nua ngập cánh đồng
Tôi có đứa em còn nhỏ dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông
Từ đó thu về loang bóng giặc
Ðiêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Ðất đã ong khô bao ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan...’’ (Quang Dũng, Ðôi mắt người Sơn Tây)

Những cảnh đoạn trường oái ăm cũng đã xảy ra trong hoàn cảnh chiến tranh:

‘’...Không chết người trai khói lửa
Mà chết người em nhỏ hậu phương...’’

Người em gái chết đi khi lửa hương còn mặn, ngày gần nhau không nhiều mà sự chia ly thì dài như chiều hôm biền biệt. Những người trai không còn thấy được người em gái thân yêu nữa:

‘’Ba người anh từ chiến trường Ðông Bắc
Ðược tin em gái  mất
Trưóc tin em lấy chồng
Một sớm thu về rờn rợn nước sông...’’

Rồi:

‘’...Ðứa em nhỏ lớn lên
Ngở ngàng trông ảnh chị...’’

Những phân ly, tan tác theo bom đạn gieo rắc từ thành thị đến thôn quê, những người Bắc di cư vào Nam, tạo lập lại cuộc đời mới trong những khu xóm đạo, rồi cũng bị chiến tranh theo đuổi không ngừng để những mảnh tình vừa mới chớm, lại sớm bị chia phôi. Hoa trắng một thời cài trên áo nàng màu tím, bây giờ hoa trắng cài trên nắp áo quan:

‘’Lâu quá không về thăm xóm Ðạo
Từ ngày binh lửa ngập quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường...
Từ lúc giặc ruồng vô xóm Ðạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ mầu áo tím cành hoa trắng
Giữ cả trưởng xưa nóc giáo đường...
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp áo quan tài
Ðiểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò nở thắm tươi...’’ (Kiên Giang, Hoa trắng thôi cài trên áo tím)

Thời ấy, Tha La chỉ còn lại những cụ già tóc bạc phơ vì lớp thanh niên đã lên đường chống Pháp. Vũ Anh Khan, một nhà thơ đã đến Tha La xóm đạo, chàng gặp một vị bô lão và hỏi thăm, thì được cụ già vừa đau thương, vừa hãnh diện cho biết:

‘’Cụ ngạo nghễ cười rung rung râu trắng
Nhẹ bảo chàng ‘’em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mờ
Người nước Việt ra đi vì nước Việt
Tha La vắng vì Tha La đã biết
Thương giống nòi, đau đất nước lầm than...’’

Tha La còn đâu nữa vì:

‘’...Thôi hết rồi còn chi nữa Tha La
Bao người đi thề chẳng trở lại nhà
Nay đã chết giữa chiến trường ly loạn...’’

Chiến tranh, tang tóc làm cho cuộc đời của những cặp vợ chồng trẻ, vì đất nước trong thời buổi nhiễu nhương, chàng gác cầy, cầm súng, nàng dệt lụa quay tờ chờ ngà đoàn viên:

‘’Thôn xa xanh ngát mầu tre
Có gian nhà nhỏ
Âm thầm bên nếp vườn chè
Buổi chiều trong cửa sổ
Có hoàng hôn đi về...
Nhà em ở duới mái hè
Chồng em đi lính em về quay tơ
Guồng em quay suốt mấy mùa
Ðêm đêm vẫn thức thi đua với làng...’’

Nhưng có ngờ đâu:

‘’Nhưng một sớm mù sương
Tin đưa về xóm nhỏ
Một người lính hy sinh ngoài trận địa
Làng xanh rơi nước mắt rưng rưng
Một sớm mù sương
Ba gian nhà lạnh lẽo tóc tang
Bên guồng xe sợi vàng
Người vợ tay run
Lên vành vải trắng...’’

Rồi tiêu điều hoang vắng bao trùm lên cuộc đời góa bụa:

‘’Nhà em có giàn hoa mướp
Không ai về, không còn ai về nữa!
Buổi chiều khóc trong cửa sổ
Nghe đôi tiếng gió lùa
Trời ơi! buồn thê thiết
Có giàn hoa mướp
Sáng trăng trắng bụi chè
Ai run trong cỏ ướt?
Có phải hồn người xưa
Gác cầy đi giết giặc
Có phải hồn xưa về
Lau em nước mắt?
Nhà em ở dưới mái hè
Chồng em chết trận em về quay tơ
Guồng em quay suốt mấy mùa
Ðêm đêm vẫn thức đếm mưa đoạn trường’’ (Hữu Loan, Cho khô nước mắt)

Chiến tranh cũng tạo ra nhiều mối tình bất chợt trong cảnh loạn ly, người trai theo đoàn quân về miền quê loạn lạc, gặp em, người con gái nghèo nàn mà chiến tranh đã làm cho cuộc sống thêm buồn thảm:

‘’Tôi khách lạ đường trưa nắng gắt
Nghĩ chờ đây quán lệch tường xiêu
Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu
Mùa gạo đắt đường xa thưa vắng khách...
Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư tôi là lính tiền phương
Xa Hà Nội cùng nhau từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau qua dọc đường...’’

Và mối tình đã nở hoa trong lòng người trai trẻ trong thời tao loạn rất lãng mạn và nên thơ:

‘’...Hồn lính vương qua vài sợ tóc
Tôi thương mà em đâu có hay!...’’ (Quang Dũng, Quán bên đường)

Sau khi độc lập nước nhà, tuy Pháp không còn nữa, Phát Xít Nhật cũng không còn nữa, nhưng vì cuộc chiến déo dài dai dẳng đã làm cho mức sống của người dân quê đi đến tận cùng của đói khát:

‘’Ðêm ba mươi gió thổi
Tôi lại nhớ con tôi
Mẹ đói con cũng đói
Khóc thét lặng từng hơi
Mẹ thì nước mắt nhiều hơn sữa
Ngực lép con nhai vú rã rời’’ (Hoàng Cầm)

Bom đạn lúc nào cũng chờ chực cày nát những mái nhà tranh, người dân sống trong phập phồng lo sợ dưới những hầm trú ẩn, người lớn lo âu, con nít muộn phiền:

‘’Bao giờ ngớt bon đạn
Cho con lên mặt đất?
(Ðể con làm gì con)...’’

Tuổi thơ sớm đã bị đoạ đày dưới hầm sâu không thấy ánh mặt trời:

‘’Con muốn nhìn ông trời
Mây có xanh không mẹ?
Con muốn nhìn mặt trời
Nắng có vàng không mẹ?...’’

Em cố van nài:

‘’...Bao giờ ngớt bom đạn
Cho con lên mặt đất
(Ðể con làm gì con?)
Con muốn nhìn cái cây
Lá tươi không hở mẹ?
Con muốn nhìn cái hoa
Hương thơm không hả mẹ?
...Con muốn nhìn chú cò
Ðánh giặc sao hả mẹ?’’ (Tế Hanh, Những câu hỏi dưới đất)

Những người trai thời loạn, vì nợ nước tình nhà, hy sinh đời sống riêng tư, bỏ lại vợ yếu, con thơ nơi quê cũ. Nhưng trong một phút tạm nghĩ chân một nơi nào đó, những người lính trẻ bổng nhiên nhớ nhà quay quắt:

‘’Khuya khoắc bờ sông vắng
Lúa hồng quán tản cư
Lính mấy chàng vất vả
Tìm sống một đêm thơ
Một anh gọi cà phê
Một anh kêu thuốc lá
Một anh nhìn trước sau...’’

Anh lính tính mượng rượu giải sầu:

‘’Chị ơi, ly rượu nhỏ
Rượu nhỏ một ly thôi
Ðời lính đã kham rồi
Một ly cho đỡ mặt
Cho lên hương cuộc đời...’’

Khi men nồng chuếnh choáng, thấy vợ con người, lại nhớ đến vợ con mình:

‘’Chị ơi cháu ngủ đâu?
Rồi anh ôm con chị
Anh lim dim cuối đầu
...Bàn tay như rễ cây
Bộ râu hơn bàn chải
Anh ôm con người ta
Anh ôm ghì nó mãi
Cô bé năm tháng trời
Anh vừa ba mươi tuổi
Vợ anh giờ ở đâu?
Anh mỉm cười rười rượi...’’

còn chị  hàng quán, sau khi anh đã đi, chắc lòng chị lại âm thầm thổn thức nhớ đến bóng hình của tình quân mà chị cũng không biết bây giờ ra sao?

‘’Khi anh về đã xa
Chị dọn hàng đi ngủ
Chép miệng trong hơi chăn
Chị buồn chi không rõ
Khuy khoắc sông bờ vắng
Tiếng súng rền xa xa
Lính thấy chàng phang giặc
Hát nhẹ lên bài ca (Quang Dũng)

Một anh Vệ Quốc Quân đứng gác trong đêm giao thừ lạnh lẽo, bỗng thổn thức nhớ đến người vợ hiền héo hắt ở miền quê:

‘’...Tôi có người vợ nghèo
Ðời vất vả gieo neo
Từ ngày chồng ra lính
Nhà tranh bóng hắt hiu...
Lần hồi ra cháo dăm phiên chợ
Ngực lép thân gầy quán vắng teo...’’

rồi 30 tháng 4, một khúc quanh đen tối nhất của lịch sử nước nhà. Một cuộc đổi đời thê thảm. Kẻ lên rừng đường bộ, người xuống biển đi tàu, vượt qua bao nhiêu hành trình gian khổ để tìm đến bến bờ tự do. Người chiến sĩ ngậm ngùi từng đêm vắng:

‘’Thức ngủ một mình trong tủi nhục
Dặm dài chân mỏi, bước bơ vơ
Giống như người lính vừa thua trận
Nằm giữa sa trường nát gió mưa
Khép mặt cố quên đời chiến sĩ
Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
vang tiếng kèn truy điệu mộng xưa...’’ (Thanh Nam)

Thao thức như Nguyễn Mạnh Trinh:

‘’Ba năm bạc mái tóc xanh
Mông lung tiềm thức quân hành tiếng reo
Ngỡ ta gươm súng cuối đèo
Một thiên thu dãi bay vào nhớ mong
Phải ta gươm quải thu phong
Mênh mông trời đất bụi hồng xông pha’’ (Gọi mãi hồn ta)

Còn những người kém may mắn ở lại, phần bị giết, lớp bị tù đày rồi bỏ thây trong những lao tù dã man của Cộng Sản. Những người sống sót, lê lết cuộc đời còn lại trên quê hương đau thương. Từ khi bọn giặc Ðỏ chiếm miền Nam, trong nhân gian đã nảy sinh ra rất nhiều câu ‘’ca dao’’ như:

‘’Ðôi dép râu dẫm nát đời son trẻ
Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai’’

Hay chua chát cho thân phận những anh hùng sa cơ:

‘’Ðầu đường thiếu tá bơm xe
Giữa đường trung tá bán chè đậu đen
Cuối đường đại tá bán kem
con đường binh nghiệp hỏi còn gì đâu?’’

Ðã 28 năm lưu lạc, chúng ta đã làm được gi cho quê hương hay chỉ ngày đêm than dài thở vắn cho cuộc đời nổi trôi nơi đất khách và ngậm ngùi thương xót những người thân còn ở lại quê xưa?:

‘’Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia’’ (Bà Huyện Thanh Quan)

Hay chúng ta lại bùi ngùi nhớ đến một bến bờ xa lắc:

‘’Xa quá rồi em người mỗi ngã
Ðôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào!?...’’

Bây giờ xa nhau không phải chỉ đôi bờ nữa, mà là cả một nửa địa cầu để đêm đêm:

‘’...Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ...’’ (Quang Dũng)

Lại mơ! Chúng ta còn lại gì sau chiến tranh, ngoài những giấc mơ triền miên?! Một giấc mơ thật đẹp mà đã là người ly hương như chúng ta, ai mà không có?!

‘’Có bà tiên hỏi chàng lưu lạc
Con ước mơ chi cuối cuộc đời này
Ta ước mơ khi không bừng tỉnh giấc
Thấy bình minh muộn nắng đầy hiên
Một khung cửa sổ trời xanh ngắt
Ðầu sân xao xác tiếng chim quen ...’’ (Cao Tần)

Ðã 28 năm dâu bể. 28 năm trôi nổi ở xứ người. 28 năm đã qua rồi nhưng hình như chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt trên quê hương thân yêu. 28 năm đủ để cho quê hương hòa bình, dân tộc được hưởng ấm no nhưng 2 chữa hòa bình dưới chế độ Cộng Sản thật sự không bao giờ có vì đã qua 28 năm nhưng cảm giác ngỡ ngàng của của người dân vẫn còn tồn tại và chỉ sẽ chấm dứt khi đất nước không còn bóng dáng của Cộng Sản:

‘’Tôi đi không thấy phố thấy phường
Chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ’’ (Trần Dần)

Màu chiến tranh vẫn còn lấp ló trên những chiếc nón cối, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn với bắt bớ, tù đầy, chiến tranh vẫn còn lan rộng nên nỗi đau khổ, thiếu thốn của người Việt thương yêu. Ôi chiến tranh! chiến tranh! Chiến tranh do bọn Việt Cộng gian ác đã là những rào cản gai góc làm sây sứt những giấc mơ bình dị của một dân tộc nổi tiếng hiền hòa, bình dị.

Thu Nga