Vài dòng về chuyến đi Ðại Hội Văn Bút kỳ 8

Printer-friendly versionPrinter-friendly version
Vũ Châu Sa


Dư âm của Ðại hội Văn Bút VNHN - kỳ 8 đã theo chúng tôi trong suốt khoảng đường dài 5, 6 tiếng từ Houston trở về lại New Orleans. Nhất là kỳ này tôi hân hạnh được anh Sơn Tùng, trong ban bầu cử, tin tưởng và đã chọn cùng với vài người khác ở vai trò kiểm phiếu. Tôi giật mình khi nghe tên mình được gọi và sự việc này giúp đánh tan mặc cảm từ lâu vì câu nói đầy vẻ dọa dẫm của ông chồng: “Em hiền lành lại ngố ngẫy thế này ra đời dễ bị bắt nạt ”.

Về đến nhà, dự tính hôm sau sẽ viết ngay vài dòng cảm nghĩ mong kịp báo lên khuôn nhưng sự hăng hái đã bị cơn cảm lạnh mất mấy ngày dập tắt. Ðến hôm nay, trưa thứ Hai chỉ một tuần lễ sau, thế mà tôi đã nhận được xấp báo TGM với 3 bài viết liên quan cùng những hình ảnh đẹp nhân dịp Ðại Hội do anh Trương sĩ Lương gởi cho.

Cảm phục sự nhanh lẹ của những người làm tiền thì chậm mà làm chữ thì nhanh của người cầm bút. Trong số báo này có ba bài viết đã tường trình, tường thuật, tâm tình .v.v. quá đầy đủ về Ðại hội. Vì thế để đóng góp, bài viết này VCS xin tản mạn những chuyện bên lề của riêng chúng tôi trong chuyến đi mà thôi.

Thời gian lướt lẹ như một mũi tên được phóng đi, nhất là khi mình không thèm để ý đến nó. Mới đó mà đã hơn một năm kể từ Ðại Hội VB kỳ 7 được tổ chức tại Washington vào tháng Mười năm ngoái. Và năm nay đại hội kỳ 8 được tổ chức taị Houston, Texas vào 2 ngày 13, và 14 tháng 12 năm 20008.

Vì phải đơn phương độc mã trong kỳ 7 năm ngoái, nên lần này để kéo thêm một số nữa tôi đã phải dùng đến thuốc. Thang thuốc liều may mắn mua được với giá phải chăng tôi chia đều cho mọi người cùng uống trong một buổi họp nội bộ trước đó mấy tuần. Mọi người cùng uống, nhưng công hiệu thì còn tùy thuộc vào mỗi cơ thể. Lúc thuốc mới thấm nhiều người ghi danh sẽ nhất định đi, vậy mà tới khi lên đường chỉ còn lại con số sáu. Vậy cũng qúa đẹp, thế là đáp lời yêu cầu, sáu người chúng tôi đã đại diện khu vực LA đi Houston tham dự Ðại hội.

Mục đích của lần đi này, chúng tôi gồm 11 khu vực trực thuộc VBVNHN rải rác ở khắp mọi nơi sẽ về tụ lại và bầu ra một ban chấp hành mới để điều hành VB thay thế cho BCH đương nhiệm (tạm).

Chúng tôi khởi hành trưa ngày thứ Sáu bằng hai chiếc xe nhà, một chứa bốn và một chở hai. Năm trong số sáu người chúng tôi đều sống bằng nghề tự do, chỉ có một ông làm hãng. Buôn bán chỉ được cái không phải dưới quyền xếp, nhưng không có ngày nghỉ vì hễ có làm thì mới có ăn. Ðã vậy nhiều khi làm ngày không đủ tranh thủ làm tối, kiêm luôn cuối tuần. Còn làm hãng nếu có lý do chính đáng (như đi họp VB chẳng hạn) của anh N thì nghỉ vẫn được hưởng lương. Do đó với hai ngày nghỉ cuối tuần có sẵn anh lấy thêm một ngày thứ Sáu thật dễ dàng. Và vì thế ngay từ 5g sáng thứ Sáu anh đã thức dậy đi ra đi vào trong tư thế chỉ muốn đi ra khỏi nhà. Không biết có phải vì muốn thoát cảnh nhìn mặt vợ tuần lễ cả bảy ngày hay vì một lý do riêng nào khác lồng vào trong chuyến đi này mà anh cứ nằng nặc đòi đi càng sớm càng tốt.

Trong khi nhóm buôn bán chúng tôi chỉ muốn đi càng trễ càng hay, vì thứ Sáu là ngày cuối tuần nên thường là ngày bận rộn nhất trong tuần. Người chuẩn bị đi cũng muốn nấn ná để đỡ việc cho kẻ ở lại nhất là anh L lại là đầu bếp chính trong cửa tiệm của anh. Vả lại chúng tôi nghĩ, dù đi sớm hay muộn miễn sao có mặt đúng giờ vào sáng thứ Bảy là đủ rồi.

Nhưng cuối cùng, phải theo ý vì anh là tài xe,ã còn chúng tôi, thành phần đi ké đành phải theo giờ giấc của anh và do đó trông anh hớn hở ra mặt.

Chị Hiền (H) từ Houma phải nhờ con trông nom cửa tiệm với lý do chị cần đi xa vài ngày để xả hơi trước khi tim ngừng đập. Mất hơn giờ lái, chị chạy xe đến nhà anh N để xe ở đó rồi đi chung với anh. Ghé tiệm tôi, anh N và chị H không phải đợi vì tôi đã biết rõ đường đi nước bước của họ nên sẵn sàng trong tư thế chờ đợi. Thấy họ đến, tôi chỉ cần nói với chồng câu “ Em đi anh ở lại nhà. Hàng họ anh bán cửa nhà anh trông” ,rồi chạy.

Sau cùng, ba đứa chúng tôi chạy tiệm anh L. Vừa thấy bóng chúng tôi mở cửa là anh cởi vứt bỏ ngay cái yếm đang quấn ngang bụng và tiện tay lôi cái túi xách đựng hành trang. Ði ngang chỗ vợ đang ngồi tính tiền anh nhắn nhủ: Anh đi nhé! và có lẽ họ đã tỉ tê với nhau từ trước nên chúng tôi còn nghe câu anh nói thêm: qua bên ấy anh sẽ không quên mua bánh đúc về cho em. Chỉ có thế, mà chị mỉm cười với nét mặt tươi rói.

Ôi! Ðàn bà VN, những người làm rất nhiều mà ăn chẳng bao nhiêu. Không cao lương mỹ vị, chẳng Ngao, Sò, Ốc, Hến.v.v. mà chỉ thèm bánh đúc là một thứ bánh bình dân và rẻ tiền nhất của người dân miền Bắc. Và cũng chỉ có thế mà chị ráng gồng gánh thêm phần việc của chồng để ông an tâm lên đường đi phó hội. Câu nói “tiền bạc chưa chắc đã mang lại điều mình muốn” thật là đúng. Vì sống bằng nghề buôn bán, dĩ nhiên chuyện tiền ra tiền vào có lẽ chúng tôi tạm thoải mái, nhưng cũng vì câu nói “tiền nào của đó” nên để đánh đổi cho sự thoải mái ấy chúng tôi đã phải cặm cụi. Giờ làm thì có nhưng thì giờ để đi chơi laị rất hiếm hoi. Người ta đi đây đi đó hết tuần này sang tháng kia dễ dàng còn hơn con bò kéo xe. Thế mà với chúng tôi là niềm mơ ước tuy đơn sơ nhưng sao khó đạt.
Ngựa phi đường, xa anh N an toàn cho xe ra xa lộ. Tưởng mơ mà hóa thật, mãi cho tới lúc leo hẳn lên xe và ra tới xa lộ chúng tôi mới yên trí là không bị bất cứ lý do gì giữ chân lại.

Lâu lắm rồi, chúng tôi ít có những giờ phút thoải mái ngồi chung một xe trên tuyến đường dài, thế là tha hồ mà chuyện trò từ lúc đi cho tới khi đến. Hết chuyện nhà sang chuyện người. Chuyện người sống không còn gì để nói chúng tôi chuyển sang chuyện ma một cách thật dễ dàng nhưng không kém phần lôi cuốn. Nên không biết có phải vì thế mà khiến đường xa hóa gần hay tại nôn nao khiến bàn chân tài xế nhấn ga quá mạnh mà chẳng mấy chốc khoảng 5g chiều chúng tôi đã tới. Rồi không biết có phải lúc ra đi qúa vội vã hay vì sự quê mùa chậm tiến của bọn con buôn mà chúng tôi chẳng ai có phone tay mang theo ngoại trừ anh tài xế.

Vào phần đất Houston, tôi nói anh N gọi cho một trong những người trong ban tổ chức để biết rõ hơn về chương trình do họ quyết định. Vì trước đó mấy hôm, tôi nhận được email của các anh nhắc nhở “cố gắng đến sớm vì chương trình sẽ bắt đầu ngay từ tối thứ Sáu”...

Sau một lúc lục lạo bấm tìm, cuối cùng anh N cho biết chẳng có số của ai ngoài số“Lão gà tre” là người mà anh thường xuyên liên lạc. Ðành phải gọi cho Lão gà tre mặc dầu giờ đó chẳng biết lão đang ở đâu? Vì tuy cùng khu vực nhưng từ nhà Lão gà tre phải mất khoảng ba, bốn tiếng lái mới tới Houston. Thấy anh N cứ bấm đi bấm lại bấm tới bấm lui vẫn chưa nghe đầu dây kia trả lời tôi liền nói:
– Không lẽ mới tối thứ Sáu mà gà tre đã bận đá?..

Không nghe ai trả lời, anh N đề nghị đến Hotel trước rồi liên lạc lại sau. Chúng tôi ghé Hotel cất hành lý và điểm sơ lại dung nhan tàn tạ trong lúc anh N liên lạc để tìm cho ra người vớt đám trẻ lạc. Và rồi chúng tôi được chỉ dẫn trực chỉ nhà hàng Saì Gòn Noodle. Nghe nói nhà hàng này sắp sửa chứ chưa khai trương nhưng đã dành ưu tiên cho nhóm Thi, Văn v.v. của địa phương mượn tổ chức và họ cũng phụ trách phần ẩm thực rất đầy đủ có lẽ để quảng cáo. Và mọi người đã có một buổi tối vui vẻ.

Sáng thứ Bảy, thức sớm hơn các ông đòi đi ăn phở trước khi đến địa điểm Ðại Hội cho chắc bụng, vì sợ xứ lạ quê người vợ ở xa không ai săn sóc. Chiều lòng tôi và chị H cũng gật đầu đi theo chứ hai đứa tôi chưa thấy đói. Vả lại, từ trước tới nay tuy làm nhiều nhưng ăn rất ít nên chúng tôi không ở trong thành phần “mở mắt phải mở luôn mồm”. Ngồi chung bàn chẳng lẽ nhìn họ ăn rồi nuốt bọt; thế là hai chị em cũng nhập cuộc.

Ðến địa điểm, tuy còn mấy chục phút nữa nhưng trong phòng họp thấy cũng đã đông. BTC thông báo có cafe, bánh mì, bánh ngọt v.v. cho mọi người ăn điểm tâm, tôi tiếc rẻ vì lỡ nuốt bát phở.

Khác hẳn với những lần bầu cử trước, lần này tất cả những phiếu bầu đều được gởi tới trước trong thời hạn đã ấn định cho ban bầu cử bằng phương tiện bưu điện hoặc email. Vì thế, thành phần tham dự đến chỉ để chứng kiến ban kiểm phiếu mở và xướng tên các ứng cử viên đã được đa số tín nhiệm với sự có mặt của hai hội viên trong VBQT gởi tới gồm một người Mỹ và một Việt Nam.

Vì phiếu bầu có sẵn, nên kết qủa được rõ ràng mau chóng. Sau khi kết qủa được tuyên bố, mọi người đã nồng nhiệt vỗ tay chúc mừng Tân Ban Chấp Hành. Máy quay cũng như máy chụp lúc này được chớp nháy liên tục. Mọi người thở phào nhẹ nhõm rời ghế tạm nghỉ để dùng bữa ăn trưa nhẹ được BTC cung cấp đưa đến tận nơi. Sau giờ giải lao mọi người lại được mời trở lại bàn tiếp tục những điều dang dở.

Tan hàng với những hẹn hò rủ rê, chúng tôi trở lại nhà trọ để có ít phút nghỉ ngơi trước khi quyết định tiết mục kế tiếp. Thay đồ mát, đặt mình xuống giường với tấm nệm êm ái cả tôi và chị H sắp sửa nhắm mắt đưa hồn vào mộng sau vài phút trò chuyện thì điện thoại reng. Ðầu đằng kia tiếng anh N:
– Hai chị đã sẵn sàng chưa? Chừng mười lăm phút nữa gặp nhau tại tầng dưới vì anh L hối gọià

Ðưa mắt nhìn ra ngoài trời qua màn cửa sổ, tôi thấy bầu trời hôm ấy trong xanh thêm vào là đám mây trắng đang lững lờ đẹp không thể tả. Thời tiết ở Mỹ đang trong mùa đông, nhất là cách nay mấy hôm tại tiểu bang nơi chúng tôi ở có cơn mưa tuyết. Tuyết làm trắng xóa và biến mọi cảnh vật trông giống y hệt như những bức tranh trong những tấm thiệp Giáng Sinh mà mọi người đang gởi tới nhau với những lời chúc tốt đẹp vào mùa này.

Ðấy cũng là điều thật hiếm có xảy ra ở đây, vì thế hôm đi cứ sợ lạnh tôi mang toàn quần dầy áo ấm, vậy mà qua đến đây hotel phải mở máy lạnh. Thời tiết tuyệt vời thế này, nhất là phải mất năm sáu tiếng lái xe mới qua được đến đây chẳng lẽ chỉ để ngủ? Biết thế nhưng vì mệt nên chúng tôi chỉ tính ngủ ít chục phút để lấy sức nhưng chưa kịp ngủ đã bị giục đi tiếp hơi tiếc. Tôi nói với chị H:

– Giờ này mà được nằm đắp chăn đánh một giấc thì chẳng có gì đã bằng chị H nhỉ?
Nghe tôi nói thế chị bảo:
– Hay là cứ để các ông ấy đi còn hai đứa mình ở nhà nằm ngủ..
Nghe đến đây tôi tỉnh hẳn và ngồi lên vừa bước xuống giường vừa nói:
– Nói thì nói thế thôi, chứ bỏ công bỏ việc chẳng lẽ mình đến đây để tìm giấc ngủ, đàng nào cũng đã đi tham dự mà ngày mai mình lại về sớm thôi thì dành trọn đêm nay với các anh chị cho đủ tình vẹn nghĩaà

Buổi tối thứ Bảy, mặc dầu con số tham dự không dồn về một chỗ đầy đủ nhưng chúng tôi đã có một đêm thi, ca, nhạc, kịch thật vui và để lại nhiều ấn tượng bởi sự tham gia thật nhiệt tình với lối xoay vòng và tài khéo léo đầy kinh nghiệm của MC Phan đình Minh tại tư gia anh Ðào Vĩnh Tuấn (T). Nhà anh T đủ lớn để chứa khoảng trên 50 người và đồ ăn thức uống thì ê hề như bữa tiệc cưới.

Nhưng vui và hào hứng nhất phải nói đến vở ca kịck “Bao giờ anh mới đưa em vào Hạ?” với sự diễn xuất bộc phát rất tự nhiên của cặp diễn viên tài tử. Gọi là bộc phát vì họ không được tập dượt trước đó và tài tử vì họ chưa từng một lần trình diễn trước đám đông. Thế mà đêm đó họ đã thành công ngoài sức tưởng tượng dưới tài đạo diễn của chị Thu Nga, một vai trò mà chị cũng chưa bao giờ làm. Những ca khúc được chọn hát trong vở là “Sáu mươi năm cuộc đời, Bằng lòng đi anh, Ðưa em tìm động hoa vàng, please.. v.v.” Vở ca kịch đã lôi cuốn mọi người và làm ai cũng phải cười lăn cười bò vui ơi là vui.

Chúa nhật, ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng chúng tôi có mặt tại Houston, Texas. Và dù ở đâu thì “những con nhà có đạo” như chúng tôi cũng không thể quên hôm nay là ngày của Chúa. Vì thế! ngay từ đêm hôm trước, chúng tôi đã phải tính đi tính lại sắp xếp thì giờ để làm sao có giờ đi lễ bất kể sáng hay chiều cho thuận tiện. Ði lễ sáng và ở lại dự bữa tiệc lúc 1g trưa nay thì về đến nhà qúa muộn là một điều mà chẳng ai trong chúng tôi muốn cả. Ðã vậy đi lễ sáng ở vào hoàn cảnh xứ người thành phố lạ phải nhờ người hướng dẫn cũng hơi phiền phức vì thế chúng tôi quyết định phải về sớm hơn để kịp tham dự thánh lễ cuối cùng lúc 6g chiều tại quê nhà là hay nhất. Vì lý do đó, nên chúng tôi đã phải từ chối bữa tiệc chính với nhiều ý nghĩa của Ðại Hội.

Quyết định dứt khóat chúng tôi hẹn nhau có mặt tại tầng dưới hotel lúc 9g sáng để trả phòng rồi sau đó sẽ đi ăn sáng. Trong lúc chờ đợi tới 10g30 để nhận những món ăn đã đặt từ hôm qua chúng tôi ghé chợ và vài nơi nữa để mua sắm lặt vặt. Thế nhưng bao giờ cũng vậy, những gì mình tính ít khi xảy ra bằng trời tính.

Cứ theo chúng tôi nhẩm tính mọi thứ xong xuôi thì về đến nhà chỉ cỡ 5g chiều là hết đất vừa vặn để còn đi lễ. Thế nhưng vì không trừ hao cho những trục trặc xảy ra như vụ đường hư phải sửa chữa đóng bớt lane thế là dự tính của chúng tôi hỏng.

Về tới tiệm, nhìn xuống đồng hồ chỉ còn mười lăm phút nữa anh L nói “không kịp”. Mở cửa xe bước ra anh chép miệng “thôi thì Chúa cũng hiểu và đọc kinh bù” Mất lễ nhưng mặt anh vẫn còn nét vui vì hai tay anh có hai bọc bánh đúc. Tôi đọc ngay được ý nghĩ trong đầu của anh “Chúa ở quá cao anh không trông thấy nét mặt vui buồn của Chúa, nhưng vợ anh ngay trước mắt và anh đã từng giật bắn người khi chạm phải cái nhíu mày bực tức của chị”..

Xong xuôi, anh N và chị H thả tôi xuống tiệm lúc chỉ còn vài phút nữa đầy 6g. Ðã liên lạc trước nên ông xã trong tư thế sẵn sàng chờ đợi, chúng tôi đóng cửa tiệm và chạy thẳng đến nhà thờ cách khoảng 5 phút.

Trong buổi lễ đến muộn, tôi đã nguyện cầu cùng Chúa cho tất cả mọi sóng gió, mọi hiểu lầm, mọi tị hiềm.v.v. từ nay sẽ không còn. Ðể mọi người đoàn kết lại, thương yêu và cùng nhau vá víu cho những vết rách đã có. Cuộc đời thật ngắn ngủi nên chuyện nay còn mai mất là lẽ bình thường. Còn nhớ, đại hội kỳ 7 năm ngoái, những kẻ ở xa đến như anh TSL, tôi và vài ba người nữa đã có cơ may được anh Hoàng Trùng Dương thuộc trung tâm đông bắc đưa đón tiếp đãi trong suốt mấy ngày, thế mà chỉ mấy tháng sau chúng tôi đã nhận được hung tin về sự ra đi của anh. Chị Ái Khanh, tôi chưa bao giờ có cơ hội gặp và quen biết, nhưng vì mẩu nhắn tin tặng sách mới của chị cho tất cả những văn, thi hưũ trong VB làm tôi để ý. Và nay thì chị cũng không còn nữa. Nay người, mai ta vì đa số trong chúng ta không còn trẻ. Rồi một ngày cũng sẽ “trả hết, trả hết cho đời”.

Vũ Châu Sa
 

 

Copyright © 2008 - All rights reserved.