CHUYỆN CỦA HẮN

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Có lẽ mẹ hắn sinh cái miệng hắn ra trước cái đầu nên hắn nói dóc quá cỡ thợ mộc. Nói dóc ‘’không có cầu chứng tại tòa’’, nói không có sách, mách không có chứng’’...tóm lại, nói dóc một cách vô liêm sỉ.

Cũng bởi nói dóc nên hắn mới té nợ tùm lum và cũng vì bệnh nói dóc mà không còn một người bạn thân thích nào dám làm bạn với hắn nữa. Chưa hết, rồi cũng vì nói dóc mà hắn bị đuổi sở làm luôn...Nhưng (chữ nhưng quái ác!) ta có câu ‘’cha mẹ sinh con, trời sinh tánh’’, ‘’đánh chết cái nết không chừa’’...ông Trời đã cho cái tính nói dóc gắn liền với cuộc đời hắn nên không cách nào mà hắn có thể từ bỏ căn bệnh độc hại đó được.

Hắn vào khoảng 42, 43 tuổi, hơi lùn, trán hói, bụng bự (có lẹ vì bia mà hắn cũng vì hắn hơi mập nữa). Tuy nhiên có người bảo hắn (chả hiểu nói chơi hay nói móc) ‘’phát tướng’’, hắn vội vin vào câu đó à cho rằng người ta khen thật, đã và đang ‘’phát tướng’’ thì ‘’phát tài’’ mấy hồi?! Hắn ta ngồi rung đùi, chờ ‘’tài’’ lại. Ði thăm những người bạn có cơ sở làm ăn, gọi chung là có ‘’business’’, thấy nhà cửa, xe cộ của người ta đồ sộ, bóng láng, hắn thèm nhỏ dãi, nhưng hắn lại cong môi:

--Tui dư sức mua cái nhà như vậy hay là to hơn, nhưng ớn cái vụ cắt cỏ và hút bụi. Thôi! tui cứ ở tạm cái appartment cho đỡ mệt!

Thấy hắn nói một câu nghe ngứa lỗ nhĩ nên có người ngứa miệng, họ đáp:

--Hứ! đã có điều kiện mua được cái nhà to như thế, chắc chắn phải có tiền để thuê người cắt cỏ, cắt cây, hút bụi chứ! Tôi thấy ông Trân thuê một thằng Mễ để cắt cỏ, dọn vườn, còn anh, anh nói có thể mua nhà to hơn, không lẽ anh hà tiện hơn ông Trân mà tự mình cắt cỏ?

Hắn lại chu mỏ lái qua hướng khác dóc khác mà đi:

--Ai chớ thằng Trân thì tui rành sáu câu quá. Nó đậu kỹ sư hạng chót, làm ở hãng Con Rồng Vàng. Hãng đó năn nỉ làm mà tui đâu có thèm làm, chỉ có kỹ sư dỏm mới làm ở hãng đó thôi. Thằng Trân làm lương đâu có bao nhiêu, về bóp hầu, bóp họng vợ con mới có tiền trả tiền nhà đó.

Thấy ai có việc ngon là hắn dè bỉu, thấy người ta có bằng bác sĩ này, bằng kỹ sư nọ, hắn đâm hoảng cũng tự xưn là có bằng kỹ sư (chắc kỹ sư đào mỏ), mà sau này hắn được bà con làng xóm phong cho tước hiệu ‘’kỹ sư đào mỏ’’ thiệt. Ði đâu hắn cũng than vãn ‘’sinh bất phùng thời’’, không ai thấy rõ tài năng của hắn (chớ không phải vì ‘’chân tướng’’ của hắn xuất hiện quá lồ lộ mà ai cũng ớn) nên hắn không tìm được việc tốt, thích hợp với cái bằng ‘’kỹ sư tưởng tượng’’ của hắn nên hắn phải làm thợ sơn xe để chờ thời. Hắn sắm được 2 bộ đồ vía, một cái màu nâu, một cái màu xanh lá cây. Hắn cũng biết thay đổi cà vạt, mặc quần này, áo kia kiểu ‘’mix anh match’’ cho ra vẻ có nhiều bộ và biết ăn diện. Ðầu thoa đầy moose láng bóng, lật ngược ra sau kiểu ‘’cánh én’’, tay xách cặp táp thật to (chắc trong hãng sơn sửa xe có nhiều hồ sơ mật, nên hắn phải kè kè bên mình để bảo vệ) hàng ngày đứng đón xe buýt đi làm việc. Hắn bảo thầy bói nói hắn cần phải cẩn thận về xe cộ nên dùng phương tiện di chuyển công cộng cho an toàn! Hơn nữa đi xe buýt có cơ hội đứng nhiều để ‘’ét xơ xai’’.

Ông già hắn độ 70 tuổi, uống rượu như hũ chìm, mà khi nổi cơn say thì chửi thiên hạ tán loạn. Ai cũng thua ông hết. Ông nói trên đất nước Việt Nam chỉ có tỉnh ông là ngon nhất, trong tỉnh ông thì làng ông là số một, trong làng ông chỉ có gia đình ông là number one! Thành ra cái gì ông cũng nhất. Nhưng ông quên trong gia đình ông có thằng con nói dóc còn hơn ông một bực, trên cả ‘’nhất’’ nữa, tức là vào hạng ‘’thượng thừa’’ rồi (nhưng thôi, cũng không sao, ‘’con hơn cha là nhà có phước’’ mà!) Hàng xóm thấy ông phách lối ưa chửi bậy nên tìm cách lánh xa ông là tốt nhất.

Hai đứa em gái đã quá tuổi lập gia đình, xấu đau, xấu đớn. Thằng anh nói dóc quá nên không có ai ưng, còn hai đứa em thì vừa xấu lại vừa dở hơi nên đàn ông thiếu vợ bên này thiếu gì nhưng không ai dám xin bàn tay của hai cô ấy cả. Ngoài ra như đã nói về cha hắn ở trên, ông già thô lỗ, cộc cằn, đụng ai cũng chửi nên người ta sợ ‘’cha nào con nấy’’ vì vậy chẳng ai muốn làm sui gia với nhà hắn cả. Bà mẹ thì coi bộ đỡ hơn nhưng lại phải có tanh hơi khật khùng.

Nói cho ngay, nếu ai chỉ mới gặp hắn một vài lần đầu thôi, khi mà hắn chư bị con ma nói dóc hoành hành thì cũng có thể cho hắn thuộc loại ‘’dễ thương’’, vui tánh. Miệng hắn cười có duyên ra phết, chỉ tội có cặp mắt không được ngay thẳng. Hắn cũng hay kéo bạn bè về ‘’chén chú, chén anh’’. Ba hắn cũng nhào vô nhậu nhẹt, ‘’rươụ vào lời ra’’, ông bắt đầu chửi thề. Mạnh con, con nói dóc, mạnh cha, cha nói tục như buổi họp chợ. Nhưng sau đôi lần gặp gỡ, con ma nói dóc bắt đầu ló đuôi ra, hắn ca bài ‘’con cá nó vì nước’’, tui tài giỏi như vầy mà không gặp thời, cái bằng kỹ sư của tui để mốc để meo. Tui có thể mua một căn nhà đồ sộ để ba má và hai đứa em xinh đẹp của tui ở cho thoải mái, nhưng cái số vốn cả trăm ngàn của tui phải để sẵn sàng trong băng, hễ ‘’cờ tới tay’’ là ‘’a lê hấp’’, tui phất liền, đầu tư để sanh ra bạc triệu mấy hồi!

Tuần rồi hắn đi thăm Cận, một người Việt rất thành công trong cộng đồng người Việt ở địa phương này. Cận là chủ một hãng xe rất lớn, hắn lại sửa xe-do một người bạn giới thiệu- sau đó hắn lân la ‘’thấy người sang, bắt quàng làm họ’’ và xin được tới nhà chơi. Tới nơi, hắn thấy cái nhà Cận sang quá, to quá, sang sang và to hơn những cái nhà mà hắn được biết từ hồi nào tới giờ. Hắn vừa thán phục, vừa ganh tị, vừa cảm thấy thua xa Cận cả hàng trăm thế kỷ. Hắn bắt đầu ganh ghét, trổ tài nói dóc. Cận đưa hắn ra tới cổng, hắn nhìn lên ánh đèn pha lê trên lầu gật gù:’’Tui có đi coi 2, 3 căn nhà giống nhà anh như hệt, ba má tôi thích lắm, nhưng tui bảo thủng thẳng, để con mở cái bi-di-nét này xong, lúc đó con sẽ mua nhà to gấp đôi cái này cho ba má ở cho thoải mái’’.

Vì cứ nói chuyện ‘’mua nhà to’’ hoài nên hắn nhập tâm, tưởng mình sẽ mua thật. Tới vài tháng sau, bạn bè, người quen cứ hỏi thăm về chuyện mua nhà mua cửa hoài nên hắn mắc cỡ, về năn nỉ bà già bỏ tiền ra và năn nỉ hai cô em gái. Một cô thì cắc ca, cắt củm may vá tại nhà, còn một cô thì cực nhọc nấu ăn cho tiệm hamburger, dốc hết hồ bao bỏ tiền cho hắn mượn. Hắn ‘’ca’’ với mẹ và em ‘’nếu mình mua nhà tức là có cơ ngơi đàng hoàng thì mới mượn được tiền thiên hạ mở business. Lúc đó có đồng vô, đồng ra, cả nhà được sung sướng. Ở cái apartment chật chội như vầy hắn bị mọi người ‘’coi thường’’, không nở mày, nở mặt ra được. Hơn nữa mướn nhà, hàng tháng cũng phải trả tiền vậy mà đâu phải cái nhà của mình, lại chẳng có sân trước, sân sau, tù túng, thần tài không vô lọt, làm sao giàu? Mua nhà xong má con sân trồng cây ăn trái, trồng rau, trồng sắn tha hồ ăn đồ tươi, ăn không hết đem bán cho mấy cái chợ, nó lậy mà mua. Ba lại có vường hoa trồng hoa huệ, hoa lan, ba không thấy chợ Mỹ bán hoa đắt hơn vàng đó sao? Còn hai đứa bây có nhà thì thiếu gì thằng nhào vô đòi làm rể. Ơ ba cái apartment mất cả vẻ sang trọng của hai đứa bây đi. Hừ, để ba má coi! Mình có nhà rồi, thiếu gì đứa sẽ quỳ xuống mà đòi làm vợ tui. Tui nói thiệt, bây giờ cũng có cả tá đứa muốn nâng khăn sửa túi cho tui, nhưng tui ngu sao? Tụi nó nhắm vào cái bằng kỹ sư với tiền bạc của mình mà thôi! Mai mốt tui cho thiên hạ biết tay!

Hắn và ông già hắn giống hệt nhau, lúc nào ‘’cũng cho thiên hạ biết tay’’, chả hiểu tay của hai cha con hắn có bọc vàng bọc bạc gì mà giấu kỹ, chưa muốn cho thiên hạ biết bây giờ. Thấy bà già tỏ ý nghi ngờ, hắn vội nói thêm:’’Tui sẽ lấy một con vợ thiệt ngon, thiệt đẹp để nó đẻ cho má một tá cháu, má tha hồ mà bồng, mà ẳm, chịu chưa? Bà già bây giờ nghe mới bùi tai, có nhà thêm bà có cháu ẳm, con gái có chồng lại được giàu có nên bà cũng khoái, hối thúc ông già và hai đứa con gái dốc hết tiền đưa cho hắn mua nhà.

Cái nhà thuộc loại trung bình, ở trong một xóm cũng trung bình nhưng hắn đi khoe cùng hết là nhà hắn to lắm, đẹp lắm, hắn cứ nói hoài nên cứ tưởng nhà mình to thật. Bạn bè hỏi chừng nào ‘’ăn tân gia’’, hắn nói yên chí, tân gia sẽ lớn lắm, mời bà con bạn bè đông lắm. Gặp ai hắn cũng nói về ngày ăn tân gia, nhưng đợi tới hơn một năm sau cũng không thấy hắn mời. Ðến lúc hắn gặp một đồng chí (rận) lớn như hắn, anh này nói móc:’’chờ ăn tân gia của anh Cồ -tên hắn là Nguyễn Ðại Cồ (hắn cũng đã khuếch khoác khoe tên hắn là ‘’Ðại Cồ Việt’’ nghe rất oai phong)- cái cổ tui muốn thành cái cổ cò’’. Hắn nuốt nước miếng:’’Còn 2 tuần nữa. Tui phải kêu designer trang trí nhà cửa rồi mới mời bà con bạn bè lại, do đó mà có sự chậm trễ’’.

Hắn bị ông già chửi cho một trận tắt bếp vì chỉ còn có vài ngày nữa là đến ngày hắn phải mời bạn bè lại ăn tân gia, hắn lại xuống giọng ca bài ‘’con cá nó sống vì nước’’ để bà già và 2 cô em gái nấu ăn, mời thêm bạn bè của ông già nữa để cho xôm tụ chớ chả lẽ con ngưòi lịch thiệp, giao thiệp rộng như hắn mà lại không có đến 50 người bạn? Mà làm sao bà già và hai đứa em nấu đủ cho 50 người ăn đây? Cô Lệ phải nghỉ may mấy bữa để chuẩn bị, cô Lựu lại phải xin chủ về sớm cũng mất hai ngày để phục cho cô chị. Cả nhà cứ đè đầu hắn mà rủa. Hắn cứ cười hề hề, chịu đấm ăn xôi.

Ai cũng tưởng chuyến này sẽ tới một căn nhà đồ sộ, lộng lẫy như hắn đã tả, thành ra tới nơi mà họ lại tưởng đi lầm địa chỉ. Khi bước vô trong, khách lại càng ngơ ngác hơn khi thấy bộ xa lông cũng được khiêng từ apartment qua. Hắn đứng ở cửa, miệng toe toét cười, rước mọi người qua phòng ăn. Có 2, 3 cái bàn nối liền nhau, phủ bằng tấm khăn trải giường màu trắng, thức ăn cũng khá nhiều, nào là gỏi cuốn, cơm chiên Dương Châu, cà ri...khói bay nức mũi. Mọi người đói bụng nhập cuộc, thôi thì nhà lớn, nhà nhỏ gì mặc kệ hắn, miễn có thức ăn, nước uống free là được rồi. ‘’Rượu vào’’ như thường lệ ‘’lời lại ra’’, hắn oang oang:’’tui muốn mua một cái nhà to gấp mấy lần cái này nhưng tiền đã bỏ vào bi di net, không lấy ra được, đành phải ở tạm cái nhà này vậy. Vài tháng nữa, làm ăn khá, tôi sẽ mua một cái biệt thự, cái này cho ba thằng Mễ thuê, hay mấy người Việt Nam mới qua...Hắn nhấp một ngụm rượu, ‘’khà’’ một tiếng ‘’Không mấy chốc đâu, tiền đẻ tiền mau lắm, lúc đó quý vị mà thấy căn nhà tôi đã chọn sẽ lé con mắt luôn...Hà! hà! tôi sẽ đì dai từ trong ra tới ngoài...hà! hà! cho bỏ những ngày...’’Nói tới đây như chợt nhớ ra mình đang nói ‘’hớ’’, hắn dừng lại, mời mọi người nâng ly ‘’dô! dô! quý vị!’’

Có nhà xong, hắn đi tìm vợ một cách tích cực hơn, nhà nào có con gái chưa chồng là hắn rề rề lại. Giá hắn có thể giấu cái tánh nói dóc vô liêm sỉ đi thì hắn cũng có thể tìm được một cô vợ không đến đổi khó khăn như thế, nhưng mà cái tánh đó trời đã cho gắn liền với thân thể hắn rồi, không tách ra được.

Mấy lúc gần đây, hắn hay đi đến tiệm sách Mây Xanh của bà chủ tên Lượm, quen với gia đình hắn từ năm 75, mượn băng video. Bà Lượm thỉnh thoảng cũng đến thăm ba má hắn. Bà hay nói mẹ hắn giống hệt mẹ bà khi xưa. Bà Lượm vui vẻ, tính tình dễ dãi. Mấy tháng nay hắn nghe bà Lượm mới bảo lãnh một cô em họ từ trại tịn nạn qua, hắn mon men lại để dòm để ngắm người đẹp. Nhưng mặc dầu ‘’mót’’ vợ quá, hán vẫn còn do dự vì cô Hường không được đẹp lắm. Thật ra cô Hường chỉ hơi thấp và da hơi đen. Hắn hy vọng ở đây một thời gian da cô sẽ trắng hơn chăng? Nhưng chờ hoài, ngắm hoài cũng chỉ thấy da cô Hường một màu chì tai tái. Lui tới một thời gian, hắn thối lui vì có người chê cô xấu. Hắn ngẫm nghĩ, mình đẹp trai thế này, có bằng kỹ sư (tưởng tượng), hắn từng đã tuyên bố sắp đi học lại để lấy cái bằng master thì không lẽ lại đi lấy một cô gái đen đúa và bị chê bai như vậy? Vì thế mặc dù bà Lượm và cô Hường có vẻ đã chịu hắn, nên họ hay lui tới giả bộ thăm bà già bằng cách nay biếu cái bánh chưng, mai biếu miếng giò lụa v...v...còn về phần ông già, bà Lượm cũng mang lại biếu nào rượu, nào trà, lúc thì một két bia. Ðôi lúc hắn cũng thấy cảm động, nhưng hắn lại thấy màu da đen tai tái của cô Hường, hắn lại tiếc rẻ cho bản mặt mà hắn cho là rất ư bảnh trai của hắn. Hắn hay đứng trước gương nhìn ngắm mặt mình- Khi bà Lượm và cô Hường ra về- hắn ngoẹo đầu, nheo mắt, cười duyên đủ kiểu trong gương, hắn nhủ thầm với một ‘’nhan sắc’’ như hắn, hắn phải lấy một cô nào vừa đẹp, vừa có học thức như hắn mới ‘’xứng đôi vừa lứa’’ được. Hắn từ từ rút lui, không lui tới tiệm sách Mây Xanh nữa.

Hắn có ghi tên đi học thật để biết thêm cái nghề sửa xe chưa tới nơi, tới chốn của hắn vì dầu sao hắn cũng biết câu ‘’nhất nghệ tinh, nhất thân vinh’’, mai mốt có tiền mở một cái garage sửa xe, tha hồ hốt bạc. Ở xứ này mà ai không có xe. Mà xe thì cũng như người ta vậy, càng già càng bệnh hoạn, mà bệnh hoạn thì phải đi sửa chớ bộ ai cũng có tiền đi mua xe mới hết sao?

Chiều nay không có giờ học, hắn đi vào mall để mua vài cái áo sơ mi. Hắn chỉ có vài cái, mặc hoài đến độ cổ muốn sờn, mà cuối tuần này hắn sẽ có khách từ Louisiana sang chơi. Khách của hắn theo lời mô tả của Phượng-chủ cây xăng mà hắn mới quen đâu được vài năm gần đây- là một cô gái rất dễ thương mà lại đang cô đơn,cô gái đó có cái tên cũng khá đẹp là Cẩm Chướng. Hắn chỉ mới nghe tên và nghe cô Phượng tả sơ sơ là hắn sướng rơn rồi, nhất là khi nghe cô Phượng nói cô ta có bộn tiền, đang muốn tìm người hùn hạp, mở tiệm bên Dallas này. Cô Phượng lấy chồng Mỹ ở Việt Nam, quá tới Mỹ, ông ta đá cô để lấy vợ đồng chủng ‘’ta về ta tắm ao ta’’. Cô Phượng cũng chả buồn gì. Ðời mà! Hơn nữa bây giờ cô cũng được tự do đi chơi hết người này đến người khác, khỏi ai cấm cản. Cô quen với gia đình hắn cũng khá thân, nhưng ít lại nhà chơi như bà Lượm, tuy nhiên thỉnh thoảng cô cũng điện thoại hỏi thăm ba má hắn. Một bữa được hỏi sơ sơ về vấn đề nghề nghiệp, hắn xổ một tràng dài:’’Tui đang tính bỏ tất cả vốn ra mở một garage lớn nhất ở đây đó chị. Tui sẽ trang bị dàn máy điện tử tối tân, bệng gì của xe cũng tìm ra được. Mình là kỹ sư mà lo gì chớ?! Tui sẽ mướn cả trăm nhân công làm việc. Tui đã liên lạc được với mấy công ty ở Nhật, mua máy móc, phụ tùng rẻ rề, tha hồ mà hốt bạc’’. Cô Phượng tin thật, chúc mừng:’’Vậy là chúc mừng anh, chừng nào giàu đừng quên tui nghen’’. Hắn nói nho nhỏ:’’Nhưng...nhưng tui hơi kẹt vốn....Tiền đã lỡ hùn làm ăn với mấy người ở bên Tây (đui)...’’ Cô Phượng hỏi:’’Vậy chớ số vốn cần bao nhiêu lận?’’, hắn gãi đầu để kiếm con số cho có vẻ đúng sự thật:’’Chắc phải hơn 100 ngàn...Chị có muốn hùn với tui không?’’ cô Phượng cười hắc hắc trong máy:’’Thôi anh ơi! Chỉ có một tiệm xăng mà tôi còn muốn hụt hơi đây, ở đó mà hùn. A được rồi...’’ Lúc đó cô Phượng mới cho biết về cô Cẩm Chướng.

Ðúng là ‘’buồn ngủ’’ mà gặp ‘’chiếu manh’’! Hắn ‘’ca’’ thêm:’’Chị biết không, nghề sửa xe một vốn bốn lời. Tui làm trong hãng tui, tui biết mà chị. Những người có tài như tui làm công uổng lắm. Tôi cam đoan với chị, cô Cẩm Chướng mà hùn làm nghề này với tui, vài tháng thôi, cổ chỉ cần ngồi đếm tiền cho tôi là đủ rồi, đếm mỏi tay chớ không chơi. Còn tui, mọi việc giao dịch, liên lạc vòng ngoài tuii lo hết. Tui sẽ mướn vài tên kỹ sư giỏi cỡ bằng tui. Giỏi bằng tui đâu dễ kiếm ra, nhưng không sao, tôi sẽ huấn luyện cho họ, lo gì!

Chẳng là mấy lúc sau này hắn thấy bạn bè nổi quá, người thì có tiệm giặt, kẻ có tiệm uốn tóc, tiệm bánh, tiệm phở, tiệm bán đồ ăn...hắn tự dưn nóng mặt. Cái bằng kỹ sư tưởng tượng của hắn sao không có cơ hội để ‘’phất’’ vậy cà? Hắn đã chờ cái tài ‘’phát’’ ra ngoài mà chờ hoài chờ hủy cũng chả thấy gì cả. Hắn nghe lỏm bỏm câu ‘’phi thương bất phú’’ nên hắn đang vò đầu, bức tóc coi có thể ‘’moi’’ tiền được ngả nào để mở business. Thành ra khi nghe cô Phượng nói cô Cẩm Chướng nào đó vừa đẹp vừa nhiều tiền, và điều quan trọng là muốn mở business thì hắn đời nào bỏ lỡ cơ hội!

--Bộ chị không tin tui hả? dẹp quách cái tiệm xăng đi, qua làm manager cho tui. Bảo đảm với chị, không lâu đâu, chị sẽ mua cả 10 cây xăng một lúc đó.

--Thôi đi anh ơi! Tui đâu có giỏi như anh đâu mà anh nói chuyện ngon ơ vậy?

Rồi như sợ hắn buồn lòng, cô Phượng nói:

--Nhưng tui sẽ giới thiệu anh với con Cẩm Chướng, bạn tui, nó ở bên Louisiana. Nó sắp qua chơi, không chừng có mối làm ăn, nó ở luôn đây. Con nhỏ đó nghề gì làm cũng được ráo, bảo đảm với anh, anh thấy nó làm là anh thích liền à...Nghe nói anh vẫn còn ‘’cu ky’’ phải không?

Mắt hắn sáng rỡ như đèn pha:

--Thì vậy. Có ai thèm tui đâu! Mà nè...cô...cô Cẩm Chướng đẹp không? (hắn chợt nhớ tới làn da đen tai tái của cô Hường) Mà liệu cổ có chịu làm ăn chung với tui không chớ?

--Ðẹp ba chê! Lại còn lanh lẹn nữa, nó có bi di nét ở bển nhưng muốn mở thêm việc khác ở bên này.

Hắn cướp lời:

-Bi di nét loại nào vậy chị?

Cô Phượng ngập ngừng:

--Tui...tui..cũng không rõ...ờ...ờ, tui quên rồi, hôm nào hỏi lại nó coi...

Bữa đo hắn đi ngủ với nhiều mộng đẹp không thể tưởng tượng được.

Khi đi đón Cẩm Chướng cùng với cô Phượng ở phi trường, tim hắn đập loạn xạ xà ngầu, hắn không ngờ cô Cẩm Chướng này đẹp như vậy. Cô hơi nhỏ con nhưng rất đều đặn từ đầu tới chân. Tóc cắt cao kiểu ‘’đờ mi gạc xông’’, ôm ấp gương mặt nhỏ như con búp bê Nhật. Mũi nàng hơi quá cao, so với mũi người Việt Nam, mắt to, hai mí lồ lộ rõ ràng. Hắn tuy bị dung nhan nàng làm choáng v6ng nhưng hắn cũng đủ thông minh để nghĩ mũi này, mắt này mà không từ lò của một thẩm mỹ viện nào đó thì hắn cứ đi đầu xuống đất. Tuy nhiên, như thế là sung sướng lắm rồi. Hắn lại đâm ra lúng túng một cách rất ư tội nghiệp pha lẫn chút dễ thương của một con nai tơ.

Hắn được Cẩm Chướng mừng như bắt được vàng. Cẩm Chướng xinh quá, lại ‘’khá’’ tiền nữa. Nàng có tới 4, 5 tiệm tắm hơi ở Louisiana. Mặc dù sau này biết Cẩm Chướng là chủ chứa, hắn cũng không lấy gì làm phiền. Nghề gì cũng nghề, có tiền cho thiên hạ lé mắt là được rồi. Cẩm Chướng đã xấp xỉ gần 40 nhưng vì đã điều chỉnh đủ thứ nên coi còn trẻ lắm. Cô ta bắt đầu bụi đời từ lúc còn nhỏ xíu ở Việt Nam, lấy một ông Mỹ già, qua đây ông bị heart attack, để lại gia tài cùng tiền bảo hiểm khá bộn, cô ta dùng tiền đó đầu tư vào những nhà tắm hơi, nghề nàng làm hồi xưa. Lăn lóc đã bao nhiêu năm rồi, giờ Cẩm Chướng thấy đã mệt mỏi, hơn nữa ở Louisiana ai cũng đã nhẵn mặt nàng rồi, muốn lấy chồng thì phải đi xa là tốt nhất. Có lẽ số mệnh an bài, gạp hắn, ả như bị cú sét ái tình đánh trúng vì hắn ‘’ga lăng’’ hết cỡ thợ mộc, hơn nữa phải công nhận là hắn cũng điển trai. Hắn lại làm ra vẻ bị ái tình quật nên nàng thấy yêu hắn quá ể. Hắn lại cũng có đầu óc làm ăn đàng hoàng. Thôi thì nàng nhất định giúp hắn vốn để mở một garage lớn nhất vùng vậy. Ðã tính đường lâu dài với nhau thì tiền vợ cũng như tiền chồng mà! Ðây không là lúc làm lại cuộc đời thì chờ đến lúc nào nữa?

Ông bà già hắn phản đối tối đa vì đã biết Cẩm Chướng thuộc loại nào trong xã hội. Dầu sao con trai ông cũng bảnh chọe lại trai tơ, gia đình ông tuy không phải hạng quan liêu nhưng cũng chưa làm điều gì không trong sạch, ai lại có một nàng dâu như thế bao giờ!? Nhưng thằng con mù quáng của ông hình nó đã bị thần tình yêu làm cho lú lẫn, nó có có đếm xỉa gì tới lời cha hay mẹ đâu chớ! La nó thì nó đi mướn nhà ở riêng. Khi nào biết nó sắp về, ông uống vô vài ba ly rượu và bắt đầu lên lớp hắn. Hắn gân cổ lên lớp lại ông già:’’Ba má không nghe câu ‘’lấy đĩ làm vợ chớ không ai lấy vợ làm đĩ’’ hay sao? Ba má không thấy tui già hơn 40 tuổi rồi chớ phải nhỏ nhoi gì? bộ ba má muốn tôi ở giá hay sao mà còn kén cá chọn canh chớ?’’

Nhưng lần lần ông già lẫn 2 cô em đều im họng súng vì Cẩm Chướng khéo lắm, mua hết món này tới món kia cho gia đình hắn, từ thức ăn, áo quần cho tới bàn ghế, tủ giường, cái gì cũng nói đem về biếu ba má, biếu cho hai cô thành ra dầu ấm ách trong bụng cũng ‘’há miệng mắc quai’’.

Hắn cũng o bế Cẩm Chướng để cô nàng bán mấy cơ sở bên Louisiana đưa tiền cho hắn, nên hắn cũng đi tậu lia chia áo quần, giầy dép nữ trang để Cẩm Chướng vừa lòng. ‘’Thả con tép, bắt con tôm hùm’’ là kế hoạch của hắn. Hắn còn nói mình sẽ làm một đám cưới to nhất Dallas cho thiên hạ biết tay (lại biết tay) để bỏ những tháng ngày thiên hạ đàm tiếu, nói hắn là thằng điếm đi lường gạt tiền của gái nhà thổ, là chuột sa chỉnh gạo v...v...Thời kỳ này hắn không còn một bạn bè nào nữa cả vì họ không muốn vợ con họ chơi với cô Cẩm Chướng. Ngoài lý do đó ra, còn có một lý do nữa mà họ không muốn lại gần hắn vì hắn càng ngày càng nói dóc tợn. Dạo này áo quần hắn láng cóng, đủ loại mà toàn loại đắt tiền, Cẩm Chướng còn sắm cho hắn tới 5 đôi giày đủ màu mang cho hợp với quần áo. Cô nàng lại mới order một cái xe Lexus đời mới nhất để hắn đi làm áp phe. Hắn vênh mặt nói:’’Một ngày nào đó tao cho tụi bây biết tay! Tao mở một garage lớn nhất ở Texas này, lúc đó tụi bây thất nghiệp, coi có phải mà tới lạy lụcxin việc không cho biết!’’.

Hắn vơ vét hết tiền bạc trong băng, năn nỉ mượn hết tiền già của ông bà già; hai cô em gái nghe Cẩm Chướng khen dễ thương, có duyên ngầm, lại nay tặng một chiếc vòng ngọc cho cô Lệ, mai lại tặng đôi bông tai hột bẹt cho cô Lựu, nên 2 cô gái tội nghiệp khoái tai cũng dốc hết hầu bao cho thằng anh trời đánh mượn tiền hùn với Cẩm Chướng, hắn đã ngoạc mồm tuyên bố hắn có cả 100 ngàn. Nay hắn lại thì thầm cùng nàng là hắn cho bạn bè mượn nhiều tiền lắm mà toàn là bạn xấu, không trả lại hắn thành hắn mới chưa mở tiệm được. Cẩm Chướng thật ra không phải là người ngu dại gì mà không biết tánh nói dóc của hắn, nhưng có lẽ cô nàng yêu hắn thật tình nên mới giả bộ làm lơ. Hắn cũng biết Cẩm Chướng biết hắn nói dóc, nhưng hắn cứ lờ đi, ăn tiền. Hắn chạy đôn, chạy đáo tìm mối này, giật mối nọ để thực hiện cho bằng được giấc mộng làm giàu. Không bao lâu hắn bị chủ đuổi vì bỏ công việc làm hoài. Hắn nói với Cẩm Chướng, hắn phải nghĩ hãng để lo công việc. Cuối cùng hắn lấy được của nàng hơn cả 100 ngàn, hắn bỏ đâu vô hơn 20 ngàn chi đó, vị chi hắn có tạm đủ để mở một cái garage sửa xe nho nhỏ. Bây giờ hắn làm bộ bệ vệ như chủ nhân ông thực thụ, đi mua thêm máy móc, mướn người làm và nói dóc mạnh miệng hơn.

Nhưng ở đời, việc gì mình tính là một chuyện mà trời có cho nên hay không la một chuyện khác. Công việc không trôi chảy dễ dàng như đầu óc ma lanh của hắn tính toán. Lại thêm căn bệnh nói dóc không có thuốc chữa nên công việc càng ngày càng đi xuống dốc và chuyện tình của hắn với Cẩm Chướng cũng lần lần trở thành bế tắc. Hắn và cô nàng lục đục nhau hoài. Ðuôi chuột của hắn rõ mồn một, nghĩa là ngoài tài nói khoác ra, hắn hoàn toàn không có một tài nào khác nữa. Nàng cũng chẳng cần phải làm bộ để giấu dĩ vãng vàng khè của mình làm gì nữa, chẳng cần phải thỏ thẻ những lời tình tứ với nhau nữa mà mạnh hắn, hắn nói, mạnh cô ả, cô ả chửi, riết tồi thành ‘’anh thượng cánh tay, em hạ cẳng chân’’. Khi nào làm lành, Cẩm Chướng nhắc chuyện đám cưới, hắn gạt đi. Cẩm Chướng tức giận vì tiền bạc đã mất hết mà mộng lấy chồng lương thiện cũng không thành, chửi hắn là đồ sở khanh, lường gạt tiền bạc. Hắn chửi lại Cẩm Chướng là dã dùng thật giang hồ dụ dỗ trai tơ làm cho hắn phải ‘’thân bại danh liệt’’.

Một ngày cuối năm, Cẩm Chướng chờ hắn ra khỏi nhà, bỏ tất cả quần áo vào một cái thùng thiếc cùng những hình ảnh tình tứ âu yếm bên nhau đốt hết rồi lái chiếc xe Lexus ra đi không trở lại. Hắn hoàn hồn, tỉnh giấc mộng làm giàu bằng tiền của kẻ khác.

Hắn thu xếp đồ đạc quay trở về nhà ông bà già. Ngày hắn về cũng là ngày bà Lượm và cô Hường lại thăm ông bà già. Thấy Hường, hắn lại vừa tiếc lại vừa ngượng, nhưng bản tính ma lanh của hắn nổi lên khi thấy dạo này cô Hường có vẻ xinh ra phết. Da cô hình như bớt đen và bớt tái, tóc tai cô cắt gọn gàng tươi tỉnh mà thân hình lại có vẻ thon gọn hơn xưa. Hắn bèn nghĩ thật nhanh làm cách nào bắt cô Hường lại cho mình. Hắn đon đả chào Hường và lễ phép mời bà Lượm cuối tuần đi ăn, nhưng bà Lượm cười mỉm chi và cho hắn biết cuối tuần bà còn phảk làm nhiều chuyện lắm để kịp chuẩn bị đám cưới. Hắn hơi giật mình nhìn cô Hường và hỏi nho nhỏ:’’Ðám cưới của ai?’’. Bà Lượm cười mỉm chi:’’Ðám cưới của em Hường’’. ‘’Em Hường’’ đang cúi đầu e thẹn, còn hắn thì cảm thấy lạnh lưng như có ai mới tạt một thau nước lạnh vô mình. Hắn bẽn lẽn chào bà Lươm và cô Hường rồi ra đứng ở sân sau nhờ con gío mùa thu làm dịu đi tấm lòng u uẩn.

Hắn ngồi xuống cái ghế ở hàng hiên. Trời một màu xám ngắt. Sân cỏ nhà ông bà già hắn không ai chăm sóc, toàn cỏ dại. Lẻ loi ở góc vườn, mấy đám rau thơm của bà già trồng dưới hàng mướp, chỉ còn vài giây đã khô queo dính tòng teng mấy trái mướp già để làm giống và lấy xơ. Hắn cảm thấy có một cái gì vương vướng nơi mắt, hắn lấy tay áo quẹt vô mắt và cố ngăn một tiếng nấc từ cổ họng, nhưng tiếng nấc vẫn thoát ra không kềm chế nổi. Hắn vội ngửa mặt lên nhìn mái hiên. Có một con nhện đang giăng tơ, từng sợi to mỏng dính, đan vào nhau như hình cái bát quái. Hắn nhớ câu:’’Buồn trông con nhện giăng tơ, nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?’’ Lòng hắn đang rối vò còn hơn cái màng nhện trên hiên gấp vạn lần.

Thu Nga