Lỡ Chuyến đò

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Thu Nga

Tin Thúy bị thương nặng đưa tới khi Văn đang sửa soạn đi ăn cơm trưa với mấy người bạn trong sở. Tiếng bà Marie lào xào, lùng bùng trong lỗ tai Văn:

— Your wifés got a big accident. She is in hospital now.
Giọng Văn lắp bắp:
— What? what?...hospital?
Văn run rẩy viết những giòng chữ nguệch ngoạc xuống tờ giấy nháp trước mặt. James vỗ nhẹ vào vai Văn sau khi Văn nhợt nhạt nhờ James nói lại với xếp mình cần về sớm:
— Calm down. I hope shéll be O.K.
Văn lí nhí nói gì không rõ và đi nhanh ra cửa.
Và như vậy là Thúy đã mê man suốt 2 tuần lễ rồi và vị bác sĩ đã buồn bã nói với Văn chỉ còn biết cầu nguyện mà thôi. Hôm nay Văn đã đi vô sở Thúy làm để nhận những vật dụng linh tinh của Thúy để lại, gồm có 2 thùng giấy. Thùng thứ nhất toàn là báo chí, hình ảnh của bạn bè, của bé Như trong lúc đi cắm trại, cùng những phấn son, thuốc đánh móng tay, lotion...Thùng thứ hai mới giở ra, Văn đã giật mình vì đó là những bức thư của gia đình Thúy, trong đó còn có những bức thư mà Văn và Thúy đã gởi cho nhau trong thời gian đầu tiên gặp gỡ. Cuối cùng dưới đáy thùng là một tập nhật ký thật dầy. Vừa mở ra, trang đầu tiên là một bài thơ, có lẽ do Thúy làm:
“Tôi như chim nhỏ lạc đàn Nắng mưa phải chịu, cơ hàn phải cam Buồn riêng lệ nhỏ hai hàng Tình chung còn đó đôi đàng biệt ly”
Tim Văn thắt lại. Ðây là tâm sự của Thúy, người vợ bé nhỏ, hiền lành mà chàng hết mực yêu thương đó sao?!
Lật thêm vài trang nữa, Văn thấy giấy đã ngã sang màu vàng và ngày tháng bắt đầu trong cuốn nhật ký là khoảng thời gian nào đâu xa lơ, xa lắc trước khi Văn gặp Thúy. Lật vội thêm đến trang cuối cùng là ngày...tháng... năm, 1 tuần trước khi xảy ra tai nạn.
Hôm nay đi thăm Thúy, Văn mang theo cuốn nhật ký. Nhìn vợ vẫn nằm mê man như một xác chết dưới các dụng cụ tân tiến của khoa học, Văn cảm thấy một nỗi đau thương cùng cực chiếm đầy tâm khảm. Nàng nằm đó, tuy chưa chết nhưng thật sự đâu có khác gì đã chết? Trái tim còn đập mà trí óc đã mịt mù. Chừng nào phép lạ chưa xảy ra thì người vợ yêu quý của chàng cũng chỉ nằm bất động ở đó, không hề hay biết nỗi bận tâm, lo lắng của những người thân yêu. Văn buồn bã ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh để lật từng trang, từng trang một trong tập nhật ký của nàng.
Ngày...tháng...năm
Chị Hai lại kiếm chuyện nữa rồi. Hôm qua anh Hai đem mẹ đi mua một đôi giày thấp để mang cho ấm chân trong mùa đông và mua cho mình một chiếc quần Jeans vì chiếc kia đã cũ lắm rồi, vậy mà khi chị Hai đi làm về, mặt chị đã sưng lên và không thèm nói chuyện với anh Hai. Mẹ biết nên buổi tối thấy mẹ khóc âm thầm. Mình chạy ra ngoài ôm mẹ. Hai mẹ con khóc nức nở, thỏa thê, nhưng chỉ khóc nho nhỏ, sợ chị Hai biết thì lại lôi thôi to.
Ngày...tháng...năm
Thật tình chị Hai quá đáng nên anh Hai mới đánh cho chị một bạt tai, thế là chị làm ầm lên và đòi ly dị. Anh Hai nổi nóng nói “ly dị hay ly hôn gì cũng được, làm lẹ lên, không chịu nỗi nữa”. Chị Hai tức giận chạy lại điện thoại cho cảnh sát, nói là anh đã hành hung chị. Một lát sau, 2 người cảnh sát lại. Họ hỏi chị, chị bù lu bù loa nói anh đòi giết chị, họ hỏi giết bằng gì, chị ú ớ không nói được. Họ hỏi anh vài câu. Anh Hai mặt lạnh như tiền, mình không dám lại gần nên không biết anh đã nói gì với mấy nhân viên công lực. Mẹ thì ngồi khóc lặng lẽ ở góc ghế sofa. Mình sợ hãi chỉ biết nhìn hết người nọ, đến nhìn người kia. Không biết rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra cho mẹ, cho mình? và cho cả anh chị Hai nữa...trời ơi, lo quá...
Ngày...tháng...năm
Không chịu nổi nữa...không thể chịu nỗi nữa...Tới sở làm việc mắt mình vẫn còn sưng và đỏ hoe, mấy người bạn cùng phòng tò mò nhìn mình. Mình giả bộ bị đau không muốn nói chuyện với ai hết. Làm sao họ có thể hiểu được tình cảnh của gia đình mình mà tâm sự chớ. Lại còn phong tục, tập quán quá khác biệt, có nói đến ngàn năm sau họ cũng không thể nào thông cảm được với mình. Ðối với người Mỹ thì có lẽ họ sẽ không bao giờ chấp nhận việc đôi vợ chồng trẻ sống chung với gia đình bên chồng. Nếu họ biết được chuyện này, mình nghĩ họ sẽ bênh chị Hai vì đối với họ chắc chắn tình vợ chồng phải đặt trên hết. Nhưng làm sao Việt Nam có thể đi ngược lại với lời giạy bảo của thánh hiền? vợ chồng có thể thay đổi có thể tìm kiếm được để thế nhưng cha mẹ chỉ có một mà thôi và “anh em như thủ túc, vợ chồng như y phục” mà! Hay là chị Hai nhiễm thói hư tật xấu và chạy theo phong tục nước người quá sớm, trong khi mẹ vẫn là người mẹ Việt Nam không thay đổi mà anh Hai đang bị 2 phong tục tập quán làm cho lao đao không biết phải ngã theo bên nào? Nhức đầu quá, chắc mình phải xin về sớm thôi. Ông Thomas nhìn mình ái ngại hỏi có sao không? phải chi ông này ít để ý mình một tí thì có lẽ mình sẽ thấy dễ chịu hơn.
Ngày...tháng...năm
Nhìn anh Hai mà mình thương quá, một bên là mẹ và em, một bên là vợ, biết bênh bên nào? Mẹ đã nhất quyết dọn ra riêng để gia đình anh chị khỏi xào xáo vì chị Hai đã quyết liệt nói với anh Hai:“giữa tôi và mẹ anh, anh chọn bên nào, anh chỉ chọn được một bên thôi” chị đã đứng dậy hất cái bình hoa cắm đầy hoa hồng mà mẹ đã tự cắt ngoài vườn mang vào chưng cho chị vui lòng. Chị còn hất đổ cả mâm cơm mà mẹ và mình đã làm cả buổi nào chả giò cuốn bánh tráng, món canh cải bẹ xanh nấu với cá mà anh Hai rất thích...Bé Minh thấy bà nội khóc, chạy lại hỏi:“sao bà nội hóc?”, chị Hai chạy lại giằng Minh ra khỏi tay mẹ. Bé Minh òa lên khóc...
Ngày... tháng... năm...
Lâu quá, mình buồn nên cũng chẳng cầm đến viết nữa, nhưng hôm nay sao thấy lòng hồi hộp quá...Ngữ là người như thế nào nhỉ? Ðúng là trời xui đất khiến làm sao mà hôm ấy trong shopping mình lại làm rớt gói đồ, Ngữ đi đàng sau lượm được, chàng đi nhanh tới để trao lại cho mình. Trời ơi! mới nhìn vô mắt của Ngữ là mình đã thấy lòng rung động rồi. Không biết điềm gì đây? Ðang lúng túng thì Ngữ hỏi thêm nhiều câu nữa, không biết là Ngữ hỏi câu gì, và mình đã trả lời như thế nào, mà khi giật mình thì thấy Ngữ đã kéo ghế cho mình ngồi ở tiệm nước gần đó...Ngữ nói chuyện thật có duyên và có vẽ thật tình nữa. Ðang lơ mơ nghĩ tới Ngữ quên ăn miếng sandwich đang ăn nửa chừng thì ông Thomas xuất hiện hỏi mình còn buồn hay không? mình trả lời nhát gừng:“tôi buồn hồi nào mà hết?” ông ta xin lỗi rồi nói chỉ đoán vậy thôi. Ông lại ngập ngừng hỏi mình chiều mai có rãnh đi ăn cơm chiều với ông. Chán quá, tôi chỉ muốn yên thôi ông ạ. Nhưng ổng là xếp trực tiếp của mình mà, chọc ỗng giận quá không được đâu, thành ra đành phải làm bộ nhoẻn một nụ cười thật tươi và nói rằng, ngày mai tôi có khách mà ngày mốt tôi cũng có khách luôn. Ông hỏi thế thì tuần sau. Mình lại làm bộ ngẫm nghĩ rồi nói tuần tới cũng bận luôn. Ông ta có vẻ mắc cỡ, xin lỗi rồi đi chỗ khác.
Ngày...tháng...năm...
Tại sao trong đầu mình dạo này chỉ toàn đầy ắp hình bóng Ngữ? Trưa nay nhận lời đi ra ngoài ăn trưa với Ngữ, hình như từ sở của chàng qua mình chỉ cách có 15 phút thôi. Lúc ăn, Ngữ làm bộ đụng vô tay mình là toàn thân mình run rẫy. Không biết Ngữ có để ý không? tóc Ngữ thật dầy và thật đẹp, còn con mắt nữa...mắt ướt át cứ như mắt đàn bà ấy thôi...mỗi lần Ngữ nhìn mình, mình như muốn chết ngộp trong đôi mắt bí ẩn của chàng. Lại còn có một má núng đồng tiền nữa chớ...thôi...thôi không muốn nghĩ tới Ngữ nữa, mẹ đang cần mình rửa dùm rau sống để ăn thịt nướng mẹ mới làm...ngồi suy nghĩ vẩn vơ sợ mẹ lại la cho coi, mẹ hay nói mình sống không thực tế, sẽ có ngày khổ cho mà coi.
Tim Văn cảm thấy nhói đau khi đọc tới trang nầy, chàng nhìn Thúy đang nằm im lìm trên giường bệnh và cảm thấy lòng buồn vô hạn. Chàng nhìn chăm chăm vào vầng trán trong sáng của vợ và tự hỏi, không biết bên trong cái đầu xinh đẹp kia, có còn chứa chất hình ảnh của người tình trong nhật ký này hay không? có thật sự trí óc của nàng đã chết và không còn sự suy nghĩ nào nữa. Và nếu nàng còn biết suy nghĩ, nàng có một tí nào nghĩ đến chàng không? Trầm ngâm một hồi, Văn lật trang kế.
Ngày...tháng...năm...
Tội nghiệp Ngữ ghê. Vợ chồng chàng không hợp nhau tí nào hết...câu chuyện của vợ Ngữ làm mình nhớ đến chị Hai. Ðàn bà nhiều người dễ sợ thiệt. Tội nghiệp cho Ngữ và anh Hai ghê vậy đó. Tội nghiệp nhất là mẹ, mấy hôm nay mẹ nhớ chị Tư và các cháu ở Việt Nam. Mẹ nói đáng lẽ mẹ không nên đi qua đây như vầy. Nhưng chị Tư đã quả quyết với mẹ thế nào chị và các cháu cũng chạy chọt qua được mà. Mẹ khóc nói:“biết như thế mẹ ở bên đó, đỡ tủi thân” nói xong thì mẹ lại tủi thân khóc nức nở. Mẹ nói mẹ nhớ cháu Minh nữa, không biết bé Minh có nhớ bà nội không?Thấy mẹ buồn, lòng mình đau như cắt.
Ngữ đã tâm sự hết những chuyện trong gia đình của chàng, chàng nói bà vợ của chàng lúc nào cũng lắm mồm, hỗn hào và coi chồng không ra gì cả. Mặc dù sự nghiệp của hai vợ chồng có được bây giờ là do Ngữ cần cù làm việc để giữ gìn và vun đắp thêm, nhưng bà ta nói, nếu không có gia đình của bà thì bây giờ Ngữ chỉ đi quét đường mà thôi. Bà vợ chàng còn dạy con nói hỗn với chàng nữa, mặc dù nó chỉ mới 10 tuổi. Tội nghiệp cho Ngữ thật, mình không dám hỏi tại sao anh có thể chịu đựng lâu như vậy nhưng mình không dám hỏi. Tuy Ngữ đã thổ lộ rất nhiều về hoàn cảnh của chàng nhưng mình còn e ngại chưa dám kể hết về gia cảnh của mình sợ chàng buồn, chàng đã có quá nhiều nỗi bận tâm rồi, mình không muốn chàng phải lo thêm... Hôm qua, thấy anh chị Hai ở chợ, mình và mẹ phải lánh mặt đi...
Ngày... tháng... năm...
Ngữ nói chắc chàng phải ly dị vợ vì chàng không chịu nỗi nữa. Mình lặng im không biết nói sao cho phải. Không biết lòng mình buồn hay vui? Có lẽ buồn vui lẫn lộn vì nếu chàng ly dị thì mình có cơ hội sẽ được gần chàng mãi mãi, nhưng buồn vì thấy chàng còn đau khổ quá, chắc không quên được vợ đâu. Nhìn mắt Ngữ mình thấy cả một bầy trời đau thương. Tại sao? Mình nhớ có lúc Ngữ đã nói chàng cũng thương vợ lắm, muốn hoán cãi tính tình của bà ta, nhưng không làm được. Chàng chỉ thương cho đứa con nên phải nhẫn nhịn đủ thứ và cũng vì thế mà vợ chàng càng ngày càng quá quắt hơn.
Ngày...tháng...năm...
Con Lan la mình quá trời. Nó nói mày ngu quá là ngu, sao mầy lại tin được lời của mấy thằng đàn ông chớ? tao rành mấy thằng cha đó lắm. Nó nói đàn ông xạo lắm. Ai muốn bỏ vợ cũng đổ tội cho vợ hết. Nó còn chẩu miệng ra hò:“ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra”. Không biết có phải Ngữ cũng ở trong trường hợp này không? Con Lan còn nói thêm”coi chừng hắn là kép cải lương chuyên nghiệp hay tài tử xi nê hồi hưu nên đóng tuồng này hết xẩy đó mầy” Lạy trời...lạy trời, Ngữ không phải như vậy.
Ngày...tháng...năm
Không biết ai nói cho mẹ nghe chuyện mình và Ngữ? Nhưng mà may quá, mẹ không biết gì nhiều cả. Hú hồn! mình đang ấp a, ấp úng thì mẹ nói:“con phải cẩn thận dò xét cho kỹ nghe con, ở đây đàn ông độc thân có tới mấy trường hợp lận đó con”. Sợ mẹ biết Ngữ có vợ thì chắc không khỏi bị rầy te tua. Ở sở cũng đã bị rầy rồi, về nhà mà bị rầy nữa làm sao sống nổi.
Chiều nay vì đầu óc mình lộn xộn quá, nên làm bản tường trình công việc trong tháng này sai, ông Thomas có vẻ khó chịu ra mặt. Chết, đầu óc mình chắc hỏng hết rồi, nếu tình trạng này kéo dài chắc bị đuổi sở như chơi. Thằng cha Thomas này ăn không được thì không những phá cho hôi mà chắc sẽ đạp mình ra đường quá. Phải chi con Lan chịu thằng chả thì mình gả nó thế cũng được. Hôm trước mới thấy thằng chả chàng ràng bên mình khi nó vô sở thăm mình,nó đã la bải hải:“trời ơi! thằng xếp của mày xí trai quá mà đòi trèo cao há?”. Vậy là coi bộ thằng chả không hạp nhãn với nó rồi.
Ngày...tháng...năm...
Gặp anh Hai dẫn bé Minh đi chợ, bé Minh chạy lại ôm chân mình hỏi:“cô Năm, cô Năm sao cô đi đâu lâu vậy?”. Mình ôm cháu vô lòng, khóc lặng lẽ. Bé Minh nhìn mình ngạc nhiên:“sao cô Năm hóc?” Anh Hai có vẻ bối rối và lo âu. Có lẽ anh sợ bé Minh về kể lại cho chị Hai nghe chăng? Mình hỏi anh có khỏe không? Anh lắp bắp không trả lời thẳng câu hỏi và hỏi ngược lại mình:“Mẹ và em ra sao? Mẹ không...không việc gì chớ hả?”. Khi nghe mình nói mẹ đau mấy hôm nay, mắt anh bỗng đỏ hoe, anh cố nén khóc và nói”anh sẽ đến thăm mẹ, em cho anh điện thoại” mình lắc đầu nói “không cần thiết đâu, em lo cho mẹ được mà”. Anh Hai nhìn mình như có ý trách móc. Mình vội nói thêm “em không muốn vì mẹ và em mà anh chị lục đục với nhau, mẹ cũng không muốn thế đâu”. Nói xong mình hôn vội bé Minh và quay lưng đi. Nghe bé Minh kêu “cô Năm, cô Năm” nhưng mình không quay lại, sợ lại khóc trước mặt cháu...
Ngày...tháng...năm
Mẹ đau nặng quá...mẹ rên cả đêm...Sợ quá. Lạy trời cho mẹ tai qua nạn khỏi. Mẹ ơi! mẹ đừng bỏ con nghe mẹ. Ba mất khi tụi con còn nhỏ xíu, mẹ đã không bước thêm bước nữa khi tuổi mẹ vẫn còn thanh xuân để nuôi tụi con đến ngày khôn lớn. Công ơn của mẹ con chưa đền đáp được phần nào thì có lẽ nào mẹ lại tính bỏ con ra đi?. Tối hôm qua, có một phút bất chợt con nghe mẹ kêu tên chị Tư và mấy cháu ở Việt Nam. Tội nghiệp mẹ quá, mẹ nhớ con cháu nên mẹ đi không đành lòng thì phải, mẹ đã trãi qua những phút nuối tiếc cuối cùng. Con chợt giận anh Hai vô kể. Vậy mà người ta nói có phước mới đẻ con trai, hay là con trai mới nối dõi tông đường, đẻ con gái thì vô phước, là tuyệt dòng giống. Con chợt nghĩ một cách dữ tợn là giá mẹ không có anh Hai chắc mẹ đỡ buồn phiền, uất ức hơn nhiều...Không... không...con không có ý như vậy đâu, con biết nếu mẹ biết con hung dữ như vậy mẹ không bằng lòng đâu. Mẹ thì lúc nào cũng chịu đựng và tha thứ, mẹ chỉ để phần thiệt về mẹ thôi. Mẹ đã kể cho con nghe khi mẹ mới lấy ba, mẹ đã làm dâu khổ sở như thế nào mà mẹ vẫn cắn răng cho đến một ngày bà nội hối hận và thương mẹ như con ruột. Và cũng vì chuyện này mà ba mới tu tâm dưỡng tánh và trở lại với mẹ. Mẹ ơi! con thương mẹ lắm, lòng mẹ như trời như biển mà lòng tụi con thì nhỏ hẹp như lạch nước sau nhà.
Ngày...tháng...năm...
Mẹ mất rồi! mẹ mất rồi! mẹ đã bỏ con vĩnh viễn ra đi. Mẹ ơi! mẹ ơi! ...(Ðoạn này Văn thấy chữ nhòe nhoẹt có lẽ Thúy đã khóc rất nhiều).
Mình thấy cô đơn quá. Bây giờ trên đời này mình biết nương cậy vào ai? Mẹ như gốc cây cổ thụ che nắng che mưa cho mình...chỉ muốn chết theo mẹ mà thôi. Mẹ ơi! sao mẹ bỏ con hả mẹ. Con biết mẹ mất đi với một tâm sự buồn u uất. Ðám táng mẹ sơ sài chỉ có vài người bạn thân. Ai cũng tỏ ý chê trách anh chị Hai nhất là chị Hai và nói mẹ vô phước. Anh chị Hai cũng có đến lạy trước linh cửu mẹ. Thấy chị Hai khóc mà mình hơi ngờ ngợ, tại sao chị khóc? chị hối hận hay chị khóc che mắt thế gian? Còn anh Hai có lẽ đau lòng thiệt, có lúc mình tưởng anh sắp ngất đến nơi. Nhưng trễ rồi anh Hai ơi! mẹ đâu có thể sống lại được nữa? Bé Minh cầm tay mình lắc mạnh:“cô Năm, cô Năm, nội chết rồi hả? sao nội không nói gì hết vậy cô Năm?”.
Ngữ cũng đến chia buồn. Anh Hai nhìn mình như có ý hỏi”ai đó?” nhưng mình làm bộ lờ đi như không thấy.
Ngày...tháng...năm...
Ngữ đã đem mình đi chơi nhiều nơi để mình đỡ buồn, đỡ nhớ mẹ. Nhưng đi đến đâu, ngồi đâu, một lát mình lại khóc. Ngữ thông cảm nên cứ ôm mình vào lòng một cách thương mến và để mình khóc tự nhiên. Chàng nói:“cứ khóc cho thỏa thích đi em, có như thế thì em mới vơi được sự đau khổ, chớ đừng có ráng chống cự lại nổi đau, vì như thế thì nổi đau không bao giờ cạn được”. Khóc no nê xong, mình thấy đói bụng và Ngữ đem mình đi ăn ở một quán thật thơ mộng gần bên một giòng sông. Ngữ dịu dàng gắp thức ăn bỏ vô chén cho mình. Chàng âu yếm ngồi nhìn mình ăn, mình hỏi sao anh không ăn, Ngữ cười thật hiền:“săn sóc cho em, ngồi nhìn em ăn là anh thấy no và hạnh phúc rồi”. Mình hỏi thế anh có làm như thế với “chị” không? Mắt Ngữ chợt tối sầm lại. Mình vội vàng cầm tay Ngữ xin lỗi. Anh vuốt tóc mình và nói em không có lỗi gì hết. Hai đứa đi lang thang hết chỗ này đến chỗ khác và tâm sự với nhau tưởng như không bao giờ dứt. Anh Ngữ ơi! đời em may mà còn có anh...tuy nhiên, em sẽ có anh bao lâu hả anh? Em sợ sẽ có người dành lại mất.
 Ngày...tháng...năm...
Lo quá, vậy là mình đã buông xuôi rồi sao? Ngữ đã tỏ ý hối hận vì việc đã xảy ra...nhưng sau đó thì chàng ôm mình vào lòng và nói:“trước sau gì thì em cũng là vợ anh thôi mà” có thật vậy không? còn vợ Ngữ thì sao? chàng nói thủ tục ly dị vẫn tiến hành, chỉ là vấn đề thời gian thôi. Nếu lỡ việc ly dị không thành thì mình làm sao? trời ơi! lo quá. Con Lan mà biết mình ngu như vầy thì nó sẽ nhiếc mình không tiếc lời đây. Không dám nói thật với nó đâu.
Tới đây thì ngày tháng trong nhật ký bị gián đoạn đến mấy tháng sau. Có nhiều đoạn viết xong lại xóa xóa, viết viết, hình như Thúy đang trãi qua một thời kỳ khủng hoảng trầm trọng. Nhìn đồng hồ, biết giờ thăm nom đã hết, Văn gập cuốn nhật ký lại, đút vào túi áo lạnh, đội mũ lên, đến bên cạnh Thúy cúi xuống hôn lên trán vợ và nói:“anh về nghe mình, mai anh lại vào thăm em”. Văn tưởng tượng là Thúy đang nở một nụ cười với mình, chàng thấy mắt mình cay cay.
Buổi tối ăn qua loa vài đồ ăn còn lại trong tủ lạnh xong, Văn bước lại ghế sa lông gần bên ngọn đèn ở góc phòng, mở cuốn nhật ký của vợ đọc tiếp:
Ngày...tháng...năm...
Thấy mình khóc quá, Ngữ thề thốt đủ điều, nhưng mình biết, chàng chỉ muốn làm cho mình an tâm mà thôi. Mình đoán biết vụ ly dị chưa đi tới đâu cả. Vợ chàng không phải tay vừa. Còn mình, đã gần 3 tháng rồi mà chưa thấy có kinh trở lại. Mỗi buổi sáng mình ngủ dậy, thấy người ngầy ngật khó chịu, lại bắt đầu ói mửa. Ngày hôm qua, đang ngồi nói chuyện với con Lan, thấy nhờn nhợn ở cổ, phải vội chạy vô buồng tắm để ói, khi đi ra, con Lan hỏi:“có phải mầy “bị” rồi phải không? mình giả bộ hỏi:“bị gì” nó cau mặt nghiêm nghị nói đừng có dấu nó, mình túng quá phải nhận. Nó xỉ vả một thôi một hồi rồi có lẽ thấy tội nghiệp mình nên nó nói:“bây giờ ông Ngữ tính sao?ông đã ly dị xong chưa?tới thế kỷ nào mới ly dị xong chớ?” mình nói không biết rõ. Nó nói nó sẽ đi hỏi tội Ngữ. Trời ơi! mình lo quá,không biết tương lai mình sẽ đi đến đâu?
Ngày...tháng...năm...
Vợ Ngữ không hung dữ như mình tưởng tượng. Bà ta đẹp như tên của bà vậy. Kiều Trang. Kiều Trang buồn rầu nói cho mình biết chị ấy rất yêu Ngữ, chị đã tha thứ cho anh nhiều lần rồi mà tính nào tật ấy, anh không chừa, vẫn cứ lăng nhăng. Lần nầy chị đã làm dữ với anh, anh hứa sẽ bỏ mình nhưng rồi không bỏ được. Vì thế chị đến để xin mình hãy rời xa anh ấy. Nghe chị nói, mình đã khóc nức nở. Mình khóc vì thương chị, dầu sao chị cũng là vợ chính thức của Ngữ mà chị lại không hề trách móc hờn giận gì mình mà chị chỉ xin mình hãy rời xa Ngữ để Ngữ quay về với gia đình mà thôi. Mình khóc vì thương thân mình phải sao vào cảnh trái ngang này. Chị Kiều Trang còn lấy tấm hình mà chị nói là mới chụp, trong đó có hình Ngữ đang đứng một tay ôm ngang lưng vợ, một tay quàng qua vai đứa con. Ðứa bé trong hình thật dễ thương, mặt Ngữ như tràn đầy hạnh phúc. Mình cảm thấy giận Ngữ một cách ghê gớm. Mình thành thật nói với chị Kiều Trang, mình không có ý cướp chồng của ai hết, chỉ vì tin lời anh ấy là hai vợ chồng không hạp nhau, đang ly dị mà thôi. Chị nhìn mình thông cảm và nói:“đàn ông mà cô”. Chị về xong mình đã khóc rồi ngủ thiếp đi không biết đến bao lâu.
Khi tỉnh giậy thì mình đã có một quyết định. Mình không thể ở đây được nữa, bằng bất cứ giá nào mình cũng phải rời đây, rời đây gấp trước khi Ngữ tìm gặp mình. Mình sợ lúc đó yếu lòng thì sao? Mình không thể nào để cho vợ Ngữ phải tìm gặp mình một lần nữa, cũng là đàn bà với nhau mình rất thương chị ấy. Ðã vậy mình cũng không thể nào có thể làm việc với ông Thomas nữa. Hắn thật sự đã tìm đủ cách để làm khó dễ với mình sau khi hắn tỏ tình và mình đã từ chối. Tưởng hắn tế nhị thông cảm phận côi cút của mình nên mới an ủi vỗ về này nọ, té ra hắn chỉ muốn đạt đến sự mong muốn của hắn thôi. Ðã buồn rầu vì chuyện Ngữ mà vào sở thì không yên với hắn. Trời ơi! phải chi mình chết theo mẹ có lẽ còn đỡ khổ hơn.
Ðến đây thì ngày...tháng...năm... cũng bị gián đoạn một thời gian khá lâu, lật đến trang kế, một tấm hình gắn chặt vào trang giấy, Văn nhìn kỹ thì đó là hình của bé Oanh, lúc mới sanh, lật đàng sau tấm ảnh, Thúy có ghi mấy chữ:“Bé Oanh, linh hồn của mẹ”. Văn lại lật thêm trang kế:
Ngày...tháng...năm...
Cũng cả năm rồi mình không muốn viết nhật ký nữa, kể từ khi mình dọn nhà từ California sang Houston này để xa Ngữ. Ðôi lúc mình tự hỏi Ngữ có nhớ mình không nhỉ? hay anh đang hạnh phúc bên vợ con anh?Tim mình thấy nhói đau, một cơn hờn ghen bỗng dưng ụp đến khi mình nhớ lại bức hình của gia đình Ngữ âu yếm bên nhau. Tại sao anh nỡ nào dối gạt em? anh có vợ đẹp, con ngoan tại sao anh lại nói dối với em là anh không có hạnh phúc? anh nói vợ anh hung dữ không hiểu anh, coi anh không ra gì trong khi em thấy chị ấy rất hiền thục, đáng kính và một tấm lòng quảng đại bao dung? Em đã yêu anh hết lòng, hết dạ thế mà anh nỡ lòng nào đối xử với em như vậy hả Ngữ? Khi biết em đã ra đi xứ khác, lòng anh như thế nào? anh vui vì thoát nợ? hay anh buồn vì không còn ai để mà thở than những câu chuyện tưởng tượng nữa hả anh?
Chiều nay bầu trời buồn chi lạ. Một con chim hình như là lạc bạn đang bay qua khung cửa nơi mình đang nhìn ra. Con Lan mới gọi mình hôm qua, nó nói nó đang ráng thu xếp để đi qua thăm mình vài hôm, tự nhiên mình buột miệng hỏi nó có khi nào gặp Ngữ không? nó nói không, nhưng tao thù cái ông đó quá, nếu tao gặp mặt hắn, tao sẽ “sạc” cho một trận và không chừng tao còn dám bạt tai dùm mầy lắm, mà may quá, sao lâu rồi, từ lúc tao đi Việt Nam về tới giờ, không thấy mặt mũi hắn đâu hết. Hay là từ khi mày đi thì hắn cũng cuốn gói đi xứ khác làm ăn rồi, xứ này ai mà không biết tên sở khanh đó chớ. Nghe Lan nói mà lòng mình thấy cay đắng làm sao? Ngữ, anh có phải thuộc loại hạng người như vậy không anh? Không lẽ bé Oanh lại có một người cha đểu giả như vậy sao chớ? Nhiều lúc em ngồi ôn lại chuyện 2 đứa mình, em ráng tìm xem những giây phút nào anh đã dối hờn em, mà em không nhớ được, không thấy được...em chỉ nhớ những yêu đương, mặn nồng, tha thiết mà anh dành cho em thôi. Không lẽ anh đóng kịch tài tình đến như vậy sao Ngữ?
Anh có biết là anh đã có một đứa con gái thật đẹp, thật xinh trên cõi đời này không Ngữ? Nếu không có bé Oanh an ủi có lẽ em sẽ không sống được đâu. Hàng đêm em vẫn khóc thầm, em nhớ mẹ, em nhớ anh, em giận anh, em oán anh...nhưng khi nhìn bé Oanh cười đùa thì em nhớ là em phải sống, em phải có nghị lực để mà dìu dắt con em...
Mắt Văn chợt cay xè, chàng cảm thấy thương vợ vô hạn, vợ chàng đã trãi qua những ngày tháng thật là tội nghiệp và bơ vơ, tuy bụng đang đói, nhưng Văn không muốn ngừng lại ở đây, chàng muốn biết tâm tình của nàng khi gặp chàng ra sao? nàng có yêu chàng như yêu người tình cũ hay không?
Ngày...tháng...năm
Ðang bối rối vì bé Oanh đang bệnh và mình mới bị layoff thì lại gặp được quới nhơn. Anh Văn đúng là quới nhơn của mình!
(Văn chợt nhoẻn một nụ cười và tự hỏi: té ra mình là quới nhơn của Thúy mà mình không biết chớ).
Văn là bạn của anh con Lan, con Lan nói nó mới tìm ra được ông này vì một sự tình cờ, có lẽ ổng ẩn dật chờ thời hay sao đó, mà không chừng trời đã dấu ổng, chỉ cho ổng xuất hiện đúng giờ, đúng lúc để làm bạn với mầy cho vui chớ nghe mày nói chuyện tao sợ có ngày tao lại không nhìn lại mặt mày được nữa thì nguy. Nghe nó nói mình cũng phát cười. Nó sợ mình tự tử chắc. Tội nghiệp con Lan có lẽ kiếp trước nó cũng mắc nợ mình gì đây nên kiếp này nó phải vướng làm bạn với mình. Nếu không có mình làm bạn chắc nó đỡ mệt óc hơn. Tội nó ghê, có lúc nó ngồi hàng giờ để nghe mình kể lể, khóc than rồi nó cũng khóc.
Ngày...tháng...năm
Con Lan gọi hỏi mầy thấy anh Văn như thế nào. Mình trả lời có thấy gì đâu, mới quen thôi mà, thấy gì? Nó nói tao chán mày quá, thấy là thấy đẹp trai, thấy dễ thương, thấy hào hoa, phong nhã chớ thấy gì, nó còn nói thêm thứ thiệt đó nghe mầy, chớ không phải đồ dỏm đâu. Mình nói thứ thiệt mà mày khoái quá vậy sao mày không bưng cho rồi. Nó nổi quạu nói, nếu mà tao thích thật thì tao đâu có đưa đường dẫn lối cho mày chớ? Mình phải dỗ ngọt nó mới dịu, con nhỏ này tính cứ như Trương Phi không bằng. Mà thật vậy, mình đã thấy gì đâu. Anh Văn tử tế và vui tính lắm nên bé Oanh coi bộ thích gặp bác Văn lắm. Hôm qua anh lại mang lại cho nó con gấu to gấp đôi bé Oanh, con bé khoái chí cười toe toét. Anh lại mua cho mình một cặp vợt vũ cầu nói mình cần tập thể thao cho đầu óc thoải mái. Ủa, ai nói với anh là đầu mình không thoải mái chớ.
Ngày...tháng...năm
Hôm nay đi làm việc trở lại. May mà sở gần nhà nên đi đón bé Oanh cũng tiện. Không có anh Văn tìm phụ thêm thì không biết chừng nào mới có việc làm. Tiền trong saving cũng gần cạn rồi. Con Lan hỏi nhiều lần là mình còn tiền xài không mà đâu dám nói gì với nó. Con nhỏ này tội ghê. Không có nó thì chắc mình còn cô đơn không biết tới đâu. Mỗi lần nó điện thoại, nói chuyện cả giờ, mình có gọi trước thì nó cũng bảo cúp đi để nó gọi lại.
Chiều nay anh Văn hẹn mình đi ăn tối và nói có chuyện cần nói với mình, không biết chuyện gì. Mong rằng không phải chuyện đó....mỗi lần anh nhìn mình, hình như anh muốn nói điều gì đó rồi lại thôi...hy vọng là anh đừng ngỏ ý sớm quá...mình không thể nào...không thể nào được.
Ngày...tháng...năm...
Bé Oanh nóng quá, cho uống thuốc rồi mà vẫn không đỡ... chiều nay đi pick up bé mình mới biết bé đau thành ra phải hủy buổi hẹn với anh Văn. Bé khóc lè nhè mãi, chắc mai lại không đi làm được rồi...mà nếu bé cứ nóng vầy hoài, chắc phải đưa bé đi nhà thương thôi.
Ngày...tháng...năm...
Nếu không có anh Văn thì chả biết phải xoay trở ra sao nữa. Anh nói anh tình nguyện ở lại nhà thương để coi chừng bé cho mình về nhà ngủ lấy sức. Nhưng mình đâu dám làm vậy, đâu phải con của anh mà để anh cực như vậy chớ. Còn cha ruột của nó thì bây giờ không biết đang làm gì? đang âu yếm vợ hay đang ôm con? Bé Oanh cũng là con của anh sao anh không nhớ, không thương hả anh? Bé Oanh có đôi mắt y hệt Ngữ, mỗi lần nhìn vào mắt bé là mình lại thấy cả hình bóng Ngữ trong đó. Nó cũng có chiếc má lúng đồng tiền nho nhỏ xinh xinh thừa kế của cha. Khi lớn lên, không biết mình có nên nói cho nó biết cha ruột của nó là ai hay không? rồi lúc đó nó sẽ nghĩ như thế nào về Ngữ? nó sẽ nghĩ sao về mình?...mà thôi chuyện đó còn xa vời quá, bé Oanh chỉ mới hơn một năm thôi mà, đâu đã biết gì...
Ngày...tháng...năm
Thật là khó xử khi Văn hỏi mình điều đó. Anh thật sự đã cầu hôn với mình. Mình nói, còn sớm quá, chưa trả lời được. Nhưng mình cũng không biết chừng nào mình mới có câu trả lời. Văn nói em cứ suy nghĩ, tới chừng nào trả lời cũng được, anh không muốn hối thúc em. Mình biết Văn thương mình thật tình, anh cũng thương bé Oanh hết lòng. Con Lan lại chửi mình quá xá, nó nói mình là cái đồ ngu, thả mồi, bắt bóng. Người đàn hoàng thì không chịu mà chịu cái người dối trá, lường gạt. Sau thấy mình khóc, nó hoảng hồn nói, thôi thôi tao không dám nói vô, nói ra gì nữa đâu, tùy mày, tuy nhiên bé Oanh cần một người cha, mày biết không? Biết chớ sao không biết hả Lan. Bé Oanh rất cần một người cha săn sóc, bảo vệ. Tao yếu đuối như con bún thiu sợ có ngày không chăm sóc nổi con mình. Nhưng tao không muốn lừa dối Văn. Tao không muốn tao phải làm kẻ:“tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, ái ân lạc lẽo của chồng tôi, mà từng thu chết từng thu chết, vẫn dấu trong tim một bóng người” tuy rằng ái ân của Văn sẽ mặn nồng nhưng mà trong tim tôi bóng hình xưa bao giờ mới sẽ phai lạt? bao giờ?
Ngày...tháng...năm
Tình Văn tha thiết quá, tim Văn to lớn quá, mình không thể chối từ...những tháng ngày vừa qua, khi bé Oanh đau, mình bị mất việc, nếu không có Văn thì không biết mình sẽ xoay sở ra sao?
Văn đọc tới đây, gập cuốn nhật ký lại, không biết lòng đang vui hay buồn? Tuy rằng biết Thúy nhận lời lấy mình nàng chưa có tình yêu nhưng khi đọc những giòng chữ trong nhật ký của nàng, Văn đã biết rõ ràng nàng nhận lời lấy chàng vì cái ơn mà nàng nghĩ nàng phải trả. Còn tình yêu? tình yêu chân thật mà nàng dành cho chàng có bao giờ đến với nàng chưa nhỉ? Văn muốn biết lắm, chàng lại giở vội trang nhật ký. Chàng lật bỏ bớt vài trang cho mau tới đoạn kết sau khi lướt qua sơ sơ thấy đó là những ngày giờ sau khi hai người lấy nhau, với cuộc sống hàng ngày, những đổi thay nơi bé Oanh, những lời thỏ thẻ của con khi học nói nàng đều ghi lại. Chàng chợt thương Thúy vô hạn, nàng thương con như thế này, có lẽ bao nhiêu tình thương nàng đều dồn hết vào đứa con thơ, nên khi bé Oanh mang bệnh lukimia rồi mất nàng như đã chết theo đứa con yêu. Lúc đó Thúy như một hình tượng biết cử động mà thôi. Văn đã khuyên nàng đừng đi làm nữa, ở nhà dưỡng sức, Thúy không chịu, nàng nói em thích phải hoạt động để cho khuây khỏa, Văn đành phải để cho Thúy tiếp tục đi làm. Nhưng dạo sau này không biết tại sao nàng lại có vẻ băn khoăn, khác thường...Văn chợt cảm thấy trong lòng bất an hơi nghi ngại, chàng lật vội các trang nhật ký để tìm những đoạn mà chàng muốn tìm...
Ngày...tháng...năm...
Tội nghiệp Văn quá, mình thật có lỗi với anh ấy. Lúc nào anh cũng chìu chuộng, thương yêu mình hết bực. Cả đến kiếp sau mình cũng không trả hết nợ cho anh ấy được. Anh khuyên mình nên đi thăm con Lan, không chừng chuyện trò với nó thì mình sẽ khuây khỏa và vui. Có lý lắm, phải đi thăm nó mới được. Mà hôm qua, khi nói chuyện với mình hình như nó muốn nói điều gì đó rồi lại thôi.
Ngày...tháng...năm....
Dễ sợ quá, dễ sợ quá, điều con Lan nói với mình thật là dễ sợ...không không, trên đời này không thể có người nào lại có thể dễ sợ như vợ của Ngữ cả...Làm sao một người đẹp đẽ như vậy lại có thể là người nguy hiểm, gian trá được chứ? nhưng con Lan nói nó đã đi điều tra rồi, đúng như vậy. Tới bây giờ ngồi ôn lại những chuyện nó nói mà mình còn thấy bàng hoàng. Nó nói khi bà Kiều Trang đến nói chuyện với mình là lúc bà đã chịu ký giấy ly dị với Ngữ rồi, sau khi Ngữ chịu mất tất cả tài sản của chàng và cả hai đứa con cũng phải đem về nhà ngoại chúng, nghĩa là chàng phải công nhận lỗi hoàn hoàn thì bà ta mới chịu ký giấy ly dị, nếu không, bà ta đã cười mỉa mai Ngữ, là sẽ làm cho cuộc đời của chàng như địa ngục, để chàng không thể nào lấy ai được nữa. Và vì yêu mình nên chàng phải hy sinh tất cả để được hai chữ tự do. Lan nói, Ngữ đã đã khóc khi tâm sự với nó, chàng nói trước khi ra đi, bà Kiều Trang còn nói:“ăn không được, làm cho hôi, anh đừng hòng có được cái anh mơ ước” và bây giờ chàng mới hiểu rõ ra ý của bà ta.
Còn điều này mới dễ sợ hơn là đứa con của bà, không phải là con của Ngữ, mặc dầu Ngữ biết, nhưng đã tha thứ cho bà ta. Mình có nhắc đến bức hình thì nó nói, Ngữ chưa bao giờ chụp hình chung cả, có lẽ bà ta chỉ ghép hình mà thôi...Ngữ nói nếu không tin tất cả chuyện này, thì có thể đến hỏi em ruột của bà Kiều Trang, chính bà này cũng ghê sợ cho thủ đoạn của người chị. Sau đó, bà giả bộ đi đến khóc lóc nói dối với mình. Vì mình tin bà nên đã bỏ Ngữ mà đi, không một lời từ giã. Ngữ có đi tìm con Lan, nhưng lúc đó, với một sự tình cờ có sắp đặt của thượng đế, nó phải về Việt Nam thăm bà nội nó bị đau nặng, sau đó thì nó cũng đổi nhà, đổi sở nên Ngữ không còn cách gì liên lạc với nó để tìm ra tông tích của mình nữa. Ngữ đau khổ, bỏ sở cũ, đi tìm sở mới cũng khá xa. Nó cũng nói thêm, nè tao thấy tao phải kể lại một sự thật mà thôi vì chính tao cũng đã hiểu lầm và chửi rủa ông Ngữ không tiếc lời...tuy nhiên (nó đã nghiêm giọng nói), nhưng mày hãy nhớ là anh Văn đã yêu mày hết lòng, yêu bé Oanh như con ruột, mày không thể phản bội anh ấy đó nghen. Mày mà phản bội anh Văn tao cũng không tha cho mầy đâu. Ông Ngữ rồi cũng sẽ phôi phai và lập lại cuộc đời thôi. Con nhỏ này đầu óc nó giản dị, vô tư nên nó nghĩ thật đơn giản. Còn mình từ lúc nghe nó nói, đầu óc mình lơ mơ, lộn xộn quá. Nhức đầu quá, không nghĩ tới nữa. Trời ơi! trời ơi! vậy mà mình đã giận Ngữ, đã oán trách Ngữ, hiểu lầm Ngữ. Tội nghiệp Ngữ quá, tội nghiệp mình quá...tại sao...tại sao mình không chờ đợi Ngữ để Ngữ giải thích tường tận với mình thì giờ đây hai đứa đâu có xa nhau? Thôi thôi...không muốn nghĩ tới chuyện đó nữa, trễ rồi...trễ rồi...
Ngày...tháng...năm...
Mình không thể nào phản bội Văn được, không...không...mình làm như vậy là giết chết đời của Văn. Văn đã một dạ yêu mình, Ngữ chỉ là quá khứ...nhưng còn bé Oanh? còn bé Oanh? bé phải biết cha ruột nó là ai chứ? Làm sao? làm sao?
Ngày...tháng...năm...
Bé Oanh trở bệnh nặng quá...hôm qua đỡ rồi mới đem từ nhà thương về rồi bé đau trở lại...Lạy trời cho con của con tai qua nạn khỏi.
Ngày...tháng...năm...
Sao Ngữ lại biết chỗ sở làm của mình? không lẽ con Lan cho. Chắc không phải đâu, nó cứ lập đi lập lại là mình hãy quên quá khứ đi. Nó có vẻ hối hận vì đã nói chuyện của Ngữ cho mình nghe. Nó nói đâu phải lỗi của mày chớ? lỗi của ông Ngữ thì ổng ráng mà chịu, nếu chờ cho ly dị xong xuôi hãy đi cua gái thì đâu có ra nỗi này, giờ thì xôi hỏng, bỏng không, vợ bỏ, mất cả bồ, cho đáng đời. Mình thì không nghĩ vậy, thật ra Ngữ đâu có lừa dối mình? Ngữ cũng đâu có lừa dối vợ? Không...không mình không nên bênh vực cho Ngữ như vậy. Mình đã có gia đình rồi, gia đình mình bây giờ là Văn là bé Oanh. Văn đã yêu thương bé Oanh như con ruột. Oanh cũng thương Văn như cha đẻ của nó. Mình không thể nào, không thể nào phản bội Văn được. Mình đã cho người ra nói mình không có làm ở đây, nhưng làm sao nói láo mãi được?
Tối hôm qua, mình ngồi ngắm bé Oanh khi nó đang say ngủ, nó giống Ngữ quá, giống quá, làm sao phủ nhận được một tình yêu đã được kết thành hình? Văn đến bên cạnh mà mình không hề hay biết chi đến khi anh ôm vai mình, mình giật mình quay lại, thấy mình khóc anh lau nước mắt cho mình và mắt anh cũng long lanh ngấn lệ...Mình khổ quá...
Ngày...tháng...năm...
Ngữ chỉ xin mình cho gặp một lần rồi thôi, Ngữ cũng năn nỉ cho chàng nhìn mặt bé Oanh một lần là đủ rồi. Bé Oanh đang bị bệnh nặng quá, làm sao cho nó gặp mặt Ngữ được? và nói sao với Văn nếu chàng biết được? Ngày hôm qua Văn hỏi tại sao thấy mình có vẻ bơ phờ và lo lắng như vậy? Mình nói trớ đi vì bé Oanh đang đau, anh đã ôm mình và nói để mọi chuyện anh lo, em đừng quá lo lắng mà đau bây giờ. Xong chàng lại nhìn vô mắt mình và hỏi, ngoài chuyện bé Oanh đau, em còn chuyện gì lo lắng không? Mình đã nhắm mắt lại và khóc. Văn lại tưởng mình xúc động vì nhớ mẹ nên hết sức chăm chút cho mình. Mình cảm thấy tội lỗi quá. Mình phải quên Ngữ đi mới được. Nhưng Ngữ nói cho Ngữ gặp một lần thôi mà. Một lần rồi thôi. Có đúng sẽ chỉ một lần rồi thôi hay không...
Văn thở dài gấp cuốn nhật ký lại, sau khi chăm chú nhìn ngày...tháng...năm khi Thúy viết những giòng chữ này. Chàng nhớ đó là ngày bé Oanh mất. Ngày đó, bé Oanh lên cơn sốt trở lại, chàng đưa con bé vào nhà thương cấp cứu, nhưng bé đã ra đi sau đó một tiếng. Văn gọi điện thoại vào trong sở của Thúy nhưng người bạn cùng phòng nói Thúy đã về rồi. Như vậy Thúy đã không về nhà...chàng thấy con tim thắt lại, nước mắt ứa ra, một nỗi đau đớn dâng tràn trong tim. Thúy đã phản bội chàng, Thúy đã đi gặp Ngữ, không về kịp để gặp đứa con trước khi nó chết...Hèn gì khi về đến nhà, thấy tờ giấy Văn viết dán ở tủ lạnh, Thúy chạy tới nhà thương nàng đã ngã ra bất tĩnh, có lẽ sự hối hận đã dày vò nàng đến tột đỉnh. Văn muốn biết Thúy đã nghĩ gì, chàng lau nước mắt, giở lại trang nhật ký.
Ngày...tháng...năm...
Bé Oanh ơi! linh hồn của mẹ ơi! mẹ hối hận quá, mẹ đã không về kịp để gặp con trước khi con vĩnh viễn xa rời mẹ. Ngày đó mẹ đi gặp ba ruột của con với một quyết định tối hậu là nói với ba ruột con hãy để cho mẹ con mình yên vì mẹ đã có một cuộc đời khác với ba Văn của con. Ba Văn của con đã đùm bọc, săn sóc cho mẹ con mình. Nếu không có ba Văn của con đời mẹ không biết đã đi về đâu. Mặc dầu ba ruột con không có ý lừa dối mẹ, nhưng bây giờ sự việc đã lỡ làng rồi, gặp nhau, liên lạc với nhau chỉ chuốc thêm ưu phiền cho nhau mà thôi. Ba Ngữ của con cũng đã đồng ý như thế. Ba Ngữ nói sẽ không bao giờ tìm gặp mẹ nữa...ba Ngữ sẽ ra đi thật xa, thật xa. Mẹ đã khóc rất nhiều, mẹ khóc như chưa bao giờ khóc, nhưng sau đó tâm hồn mẹ khuây khỏa trở lại. Mẹ lật đật đi về để ôm chặt con vào lòng để nói rằng từ nay mẹ yêu vô hạn và mẹ cũng sẽ ôm chặt ba Văn của con để mẹ hứa với ba từ nay đời mẹ chỉ có ba thôi. Nhưng khi về tới nhà, nhìn thấy cái note của ba Văn để lại cho mẹ, lòng mẹ nát tan, mẹ biết, linh tinh cho mẹ biết con đã xa mẹ, con xa mẹ vĩnh viễn rồi...
Nước mắt Văn lăn dài xuống má, rơi xuống trang nhật ký cuối cùng mà nơi đó nước mắt của Thúy đã rơi, và trang giấy đã nhòe nhoẹt, nước mắt của chàng làm cho hàng chữ cuối cùng trôi đi không đọc được nữa. Văn gấp cuốn nhật ký lại và lẩm bẩm:“Thúy! người vợ yêu quý của anh, em phải sống, em phải sống nghe em”.
Thu Nga