THƯ GỞI MẠ

Printer-friendly versionPrinter-friendly version

Thơ Gởi Mạ  

 
Mạ ơi!
 
Người ta áo gấm về làng
Còn con khăn trắng lên đàng rời quê
 
Mạ,
 
Ðêm hôm qua con lại nằm mơ thấy mạ. Con mơ thấy con về thăm nhà, con gặp được cả ba cả mạ và anh Quang. Gia đình mình thật là vui. Mạ xới cơm cho con, ba gắp miếng cá đã lừa xương ra bỏ vô chén cơm cho con, còn anh Quang thì chạy ra đầu ngõ mua nước đá cho con uống vì con ăn cơm mà không uống nước đá thì ăn không ngon. Con chờ nước đá hoài mà không thấy anh mang về, ba sốt ruột nói:"cái thằng ni đi mua có một lon nước đá thôi mà răng hắn lâu về rứa hè?" Mạ cũng lóng ngóng nhìn ra ngõ, con thì mặt đã bí xị không chịu ăn nữa. Chờ lâu quá, con bỏ đũa xuống bắt đầu tấm tức khóc. Mạ dỗ:"ráng một chút nữa thôi con, anh Quang sắp về tới nơi rồi, có chi mà khóc? ăn đi mạ thương". Con phụng phịu khóc to hơn nói anh Quang không thương con, chắc không phải anh đi mua nước đá mô, anh đi chơi đó. Ba nói:"nói bá láp, hắn mà đi chơi thì ba giết đầu". Con giận càng ngày càng khóc to hơn và tiếng khóc đã làm con tự thức giấc.
 
Nhưng thức giấc rồi con lại càng khóc to hơn, càng tủi thân hơn vì mạ ơi! con biết anh Quang sẽ không bao giờ về nữa! Nỗi ân hận dày vò tâm trí con không bao giờ nguôi ngoai. Mạ mất đi con đã không về được mà nay anh Quang mất đi con cũng không về để thấy mặt anh con lần cuối.
 
Con nhớ câu ca dao ngày nào mạ hát ru con:"à ơi...đêm đêm thắp ngọn đèn trời, cầu cho cha mạ sống đời với con..."Vì tưởng rằng cha mạ sống đời với con nên con lần lữa, năm ngày, tháng nọ, lý do ni không ổn, lý do nọ không cho phép vì vậy mà khi mạ nhắm mắt, mạ gọi tên con khản tiếng cũng không có con bên cạnh! cho đến bây chừ khi anh con mất, anh nuối con khóc ngất trước giây phút cuối cùng, con cũng đã không gặp anh một lần sau chót, vì mạ ơi! con cứ tưởng rằng anh sẽ sống đời, anh sẽ chờ con năm qua, tháng lại chớ con đâu có biết rằng tuổi anh già, sức anh cạn nên anh cũng theo mạ, theo ba mà bỏ con lại một mình!
 
Khi con nhận được thơ anh, nét chữ anh vẫn còn rắn rỏi như tính tình cương nghị của anh. Anh viết như trăn trối trong thơ là nhờ con giúp đỡ chị Quyên để chị nuôi con, nuôi cháu. Nhìn nét chữ anh, con cố hình dung nét mặt anh khi anh viết những giòng chữ đau buồn đó. Anh nói anh có ba nguyện vọng trong đời mà nay anh đã không làm được cả ba: thứ nhất, ra Huế tìm và bốc mộ ba về chôn gần mộ mạ (anh chờ con nhiều năm để hai anh em cùng về Huế), nguyện vọng thứ hai được nhìn thấy mặt con lần cuối cùng và nguyện vọng thứ ba là nuôi đứa con út cho thành tài - Cả 5 đứa kia vì nghèo khổ, vì thời cuộc mà anh biết nếu các cháu có ăn học đi nữa cũng không thể vươn lên được trong một xã hội chỉ có thù hận, căm hờn ngay cả với thế hệ con cháu của những người sa cơ thất thế. Vì vậy cháu út Hiển là hy vọng, là tất cả niềm tin, yêu thương của anh. Vậy mà con vẫn không tin là anh bệnh nặng đến độ phải trối trăn. Con lật đật đi gởi một ít tiền để anh chữa bệnh và còn nhắn vào thơ rằng"em sẽ về thăm anh một ngày gần đây". "Một ngày gần đây!" ngày ấy là ngày nào con cũng chưa nghĩ đến, vì con đã nói ở trên là con ngỡ anh con sẽ "sống đời", anh sẽ chờ em về thăm anh, anh sẽ không bao giờ mất. Cháu Lan, đứa con gái đầu của anh đã gởi điện thư lại cho con và nhắn rằng:"Cô ơi! ba nói ba chỉ cần thấy mặt cô một lần chót mà thôi. Ba không cần tiền cô gởi về vì ba nói ba sắp chết rồi, ba đâu có xài tiền được nữa!". Lúc đó con mới hoảng hồn vội vàng đi mua vé máy bay để về cho kịp. Nhưng sự "vội vã" cuối cùng của con đã không đáp ứng được cơn đau hoành hành cơ thể vốn đã yếu đuối của anh, nên sau đó chỉ có vài ngày, anh đã không chờ con được nữa và anh đã vĩnh viễn ra đi.
 
Nghe cháu Lan kể trên điện thoại, con thấy trời đất tối mù và lòng thì đau như dao cắt. Cơn hấp hối của anh kéo dài vài ngày để chờ con, cũng như khi xưa mạ đã nằm chờ con không biết bao lâu mà bóng con vẫn còn biền biệt. Khi nhận được điện thư của con và biết ngày về của con còn hai tuần, anh đã nằm vắt chân chữ ngũ, chuyện này chưa hề xảy ra từ khi ra từ khi anh nằm liệt giường, miệng tủm tỉm cười-ngoài những lúc cơn bệnh vật vả hoành hành-Anh nói với tụi cháu của con:"Mấy tụi mi lo mà xây cái nhà tắm cho đàng hoàng cho cô mi về tắm, cô mi khó lắm, khôn có nhà tắm cô khôn chịu mô" (vì hầu như những nhà ở miền quê VN bây giờ không có nhà tắm, buổi tối im vắng ai tắm ra ngồi gần lu nước để dội vài gáo). Các cháu vội vã kêu thợ rồi phụ để dựng lên một căn nhà tắm xinh xắn, có vòi nước chảy ra từ cái hồ, mà cái hồ thì được bơm nước từ cái giếng gần đó và đồng thời máy bơm nước từ giếng lên cũng được anh hối thúc tụi con đi mua về gắn vào. Lan khóc và tiếp:"khi cánh cửa sắp được dựng lên thì ba con ra dấu là muốn được thấy mọi người,nên công việc bỏ dở". Khi thấy sắc mặt của anh, chị Quyên vội vã kêu con, kêu cháu đứng chung quanh giường của anh, chiếc giường mong manh có một tấm nệm rất mỏng, mỏng như tấm thân ốm yếu của anh. Anh mở mắt nhìn chung quanh vợ con và các cháu, anh nhoẻn một nục cười mệt nhọc. Anh nhắm mắt lại sau đó một giây anh lại mở mắt ra nhìn chung quanh như tìm kiếm, anh tìm đứa em gái duy nhất, đứa em gái tha hương 25 năm mà anh ao ước một lần gặp được mặt mà giây phút cuối cùng cũng còn biền biệt nơi đâu, anh nấc lên một tiếng, lệ anh ứa ra hai hàng, một giòng nước từ miệng anh trào ra ướt đẫm cổ áo, cả nhà kêu gào tên anh thảm thiết trong khi anh trút hơi thở cuối cùng!
 
Và như vậy đó, anh con cũng đã bỏ con ra đi như mạ, như ba đã ra đi. Tụi cháu sợ con biết được tin anh đã mất nên lúc đầu tính dấu con, sau đó nó không nở nên phải nói, thế mà câu nói đầu tiên con thốt ra khi được tin là con đã khóc oà và nói:"Tại sao ba con lại không chờ cô!? chỉ còn có mấy ngày nữa cô về tới nơi mà ba lại bỏ cô?! ba bỏ cô rồi, cô về làm gì nữa?" Các cháu sợ quá khóc to:"cũng vì vậy mà tụi con tính không nói với cô vì khi xưa khi nghe tin bà nội mất nên cô cũng không về". Mạ ơi! con thật bất hiếu, "nghĩa tử là nghĩa tận" vậy mà ba mất, mạ mất nay anh con mất con cũng không về. Thương các cháu đứt ruột nên con vội nói:"cô sẽ về! cô sẽ về! dầu muộn nhưng cô sẽ về!".
 
Cuộc hành trình dài 24 tiếng đồng hồ không làm con ê ẩm và đau buồn cho bằng thấy được dung nhan tàn tạ của chị Quyên cùng với những tiếng khóc não lòng của những đứa con vừa mới mất cha. Ôi thời gian sao quá tàn nhẫn với những người đàn bà yếu đuối như chị dâu con? Ðâu một thời tài sắc mà biết bao nhiêu người theo đuổi kể cả những người có danh phận tiền bạc lúc chị còn đi học nhưng chị đã từ chối tất cả để ưng anh con. Chị chỉ hơn con có 3 tuổi mà mái tóc chị bạc phơ, hình dáng tiều tụy đến độ có người tưởng chị là má của con. Cuộc đời chị gian truân từ lúc anh còn là chiến sĩ trong QLVNCH, năm này, tháng nọ phải đi hành quân, chị ở nhà làm dâu, nuôi con, rất mực hiếu thảo với mạ. Chân của chị cong và biến dạng vì đi bộ hàng ngày để gánh gánh chè đi hết xóm này tới xóm khác để bán. Anh Quang thì sức khỏe quá mỏi mòn vì bệnh tật nên ở nhà phụ chị nấu chè, nấu cơm, coi sóc vườn tược còn một mình chị phải buôn thúng bán bưng. Một người bạn của anh khi lại thắp hương cho anh đã nhắc lại lời anh Quang nói với anh "tôi ao ước làm sao tôi có thể quay thời gian ngược lại lúc tôi còn cầm súng đánh giặc nhưng tôi có đủ tiền để nuôi vợ con tôi để vợ tôi không phải vất vả như bây giờ". Một ước ao tuy nhỏ bé, nhưng anh đã không làm được, anh không còn năng lực, sức khỏe để đùm bọc vợ con nên chị Quyên hàng ngày vẫn xuôi ngược từ xóm này, sang xóm khác bán cho xong nồi chè để kiếm tiền chợ hàng ngày.
 
Khi con về con mới biết những món tiền con gởi về chỉ như muối bỏ biển. Anh chị đã dùng món tiền đó trang trải cả trăm thứ, nào nhà dột, mái xiêu, tiền cho con, cho cháu, tiền khám bệnh, thuốc men, tiền hối lộ cho từng việc nhỏ khi cần đến cửa công. Thư con viết thì thật ít ỏi mà thư anh con trả lời còn ít ỏi hơn. Bản tính anh Quang mạ cũng đã biết, có khi nào anh mở miệng để thở than hay xin xỏ ai bao giờ. Nên con chưa bao giờ có thể tưởng tượng hay hình dung ra được cuộc sống của anh ở phía trời nam. Nếu con không về làm sao con biết được cuộc sống cơ cực lầm than không phải chỉ một gia đình anh Quang đang sống mà hầu như tất cả những người dân ở ven quê đang gánh chịu dưới ách cai trị của CS. Gia đình các cháu ở chung quanh còn thê thảm hơn nữa. Chỉ có gia đình cháu Lan ở mặt tiền và có sự giúp đỡ của gia đình chồng nên nhà cửa còn khang trang chút đỉnh, còn 3 đứa có gia đình ở những căn nhà mà không thể gọi là cái "nhà" được. Khi con đi đến nhà của cháu Huy con đã mủi lòng rơi lệ. Cái mà cháu gọi là "nhà" đích thực là một cái chòi thì đúng hơn. Nhà mà không có cửa trước, cũng chẳng có cửa sau. Chỉ có 4 cái vách, một chái nhỏ ở sau làm nhà bếp. Ban đêm vợ chồng, con cái nằm trên một cái giường tre, chiếc xe honda là cả một gia tài để kiếm ăn - chạy xe "honda ôm"- được đem vào dùng dây xích cột vào chân giường.
 
Nói về xe honda thì con lại nghẹn ngào vì chị Quyên nói anh Quang đã ao ước có một chiếc xe honda cũ để đi tới đi lui, anh có nói sự mong muốn của anh đôi lần với chị Quyên là một ngày nào đó con về, không chừng con có thể mua cho anh một cái thay vì phải đạp chiếc xe đạp lọc cọc, cũ rích. Con khóc lặng lẽ "anh Quang ơi! bây giờ em có thể mua cho anh một chiếc xe làm chân thì anh đâu còn để mà dùng nữa!"
 
Ðứng trước bàn thờ ba mạ, bàn thờ anh, con khóc như chưa bao giờ được khóc. Những chiếc khăn tang treo cạnh bàn thờ mang một sự đau buồn cùng cực. Ba mạ chỉ có hai anh em con, ba mạ đã ra người thiên cổ, mà nay anh em cũng đã âm dương đôi ngã. Con cột chiếc khăn tang trên đầu để đi ra thăm mộ mạ và anh. Con đường khúc khuỷu, len lỏi các ngỏ ngách trong rừng hoang. Hai ngôi mộ trắng nằm cạnh nhau. Con nhìn trân trối tấm hình của mạ, của anh. Mạ ơi! anh ơ! con đã về! em đã về! ...nhưng...đã quá muộn màng, không được gặp mạ và anh. Con nhìn quanh, những ngôi mộ chung quanh u buồn lặng lẽ không người nhang khói. Có lẽ những người thân của các ngôi mộ đó cũng có những trường hợp bất khả kháng nào đó mà đã không về thăm viếng chăng? Con khấn với mạ, với anh con sẽ đi ra Huế đem hài cốt ba về chôn gần mạ và anh để gia đình mình được gần nhau. Con nói thầm "anh Quang em sẽ đi về Huế để tìm mộ ba, anh yên chí nghe anh".
 
Những đồng ruộng dài ngút mắt, những con đường đất nhỏ xíu ngoằn ngoèo, trơn trợt làm trí óc con sống lại thuở còn thơ khi được mạ giắt đi về đây tìm ba. Ðây đúng là làng Bù Ðôn, Hương Trà mà con đã hai lần đặt chân đến nhưng không ở lâu. Ðây đúng là hình ảnh mà con lúc nào cũng thấy lờ mờ nơi tiềm thức. Những ruộng lúa dưới sức nóng chói chang của mặt trời mùa hạ, mỗi lần có vài ngọn gió hiếm hoi thổi qua, chao đi như ngọn sóng. Con đi vào Từ Ðường của giòng họ Võ Quang. Ngôi Từ Ðường là một căn nhà gạch, phía trước là sân xi măng có lẽ để phơi lúa. Có một ụ rơm để làm "củi" nấu ăn. Người giữ Từ Ðường là chú Thể. Chú đã 75 tuổi, mắt chú có lẽ hơi mờ và tai cũng đã lãng. Chú lôi từ trên vách xuống một cái gia phả, đưa cho con một cái copy. Ðời giòng họ Võ Quang của ba ghi rất rành rẽ và đã qua 13 đời. Ba là cháu đích tôn. Con lật qua một trang kế có ghi những luật lệ của giòng họ. Con lầm thầm đọc một câu "cháu đích tôn có quyền ở tại căn nhà Từ Ðường để lo việc hương khói cho giòng họ". Một ánh sáng chợt lóe lên trong óc con. Thì ra câu giải đáp của mấy chục năm trường con tìm kiếm là đây. Ba là cháu đích tôn, đây là Từ Ðường mà ba có bổn phận phải ở lại. Ðó là lý do vì sao 2 lần không biết vì giận mạ chuyện gì mà ba lại bỏ về đây rồi sau năm 75, ba lại cũng rời bỏ vợ con để tìm về nơi chôn nhau cắt rún. Ba nhất quyết về và chết tại Từ Ðường! Con chợt thấy ý định bốc mộ ba về có một cái gì không ổn. Con nhìn lên, bắt gặp cái nhìn e ngại của cháu Hùng, nó cũng là cháu đích tôn của ba. Có lẻ nó và con cùng một ý nghĩ chăng? Con lật tới, lật lui tấm gia phả và con thấy có tên Võ Quang Ố. Ông Ố là chú của ba. Ông Ố đã một thời sửa sang và giữ Từ Ðường thay vì ông nội con phải làm việc đó. Như vậy có lẽ ông nội chết trước mà ba không có ở đó nên ông chú Ố làm thế, còn ba vì kẹt gia đình trong nam nên không chu toàn được việc thờ phượng và đây là động lực ba bỏ mạ về Huế nhiều lần. Con nhớ đến mụ Ố, người đàn bà đi trên con đường làng khi mạ hỏi thăm về ba...người đàn bà mà theo trí nhớ lờ mờ của con, có vẻ không thân thiện với mạ lắm...Tiếng bà cô con nghe như thoảng từ một nơi xa xôi về:"...giòng họ Võ Quang lúc đầu có ruộng cò bay thẳng cánh nhưng sau đó cũng chỉ vì mê tài bàn, tứ sắc mà lần lần không còn đất đai nhiều như xưa nữa...". Tiếng của chú Thể làm con giật mình khi chú lấy một tay chỉ lên tấm huy chương của nhà nước và bằng khen thưởng của chú treo cao trên vách, một tay vỗ vào ngực tự hào:"con coi, chú có bằng khen thưởng của nhà nước, chú có 32 năm cách mạng". Con chua chát nghĩ thầm:"cũng vì những người như chú, nhiều năm có công với cách mạng cho nên đã đưa cả nước nhà vào lầm than khổ cực như thế này!", chú vẫn oang oang nói thêm, có thể sợ con không hiểu hay tại chú lãng tai:"em của chú nè, nó cũng có công với cách mạng nên được phong làm "liệt sĩ" đó con". Con nhếch mép cười nhìn cái bằng khen có ghi tên:"Võ Thị Gà". Con chợt nhớ tới các chị nuôi, các mẹ nuôi cũng có những tên tương tự. Thấy con không nói gì chú lập lại:"32 năm cách mạng". Con tính hỏi chú đã bắn được bao nhiêu máy bay, hạ được bao nhiêu xe tăng "Mỹ Ngụy"...mấy đứa cháu thấy gương mặt con lúc đó chắc khó coi lắm nên nó giả bộ giục con đi thăm mộ ba. Con đứng lên cảm ơn chú đã săn sóc ba trong những ngày ba đau ốm cho đến lúc ba mất. Con tặng cho chú một ít tiền để mua nhang đèn cho Từ Ðường rồi con cùng lũ cháu vội vã đi thăm mộ của ba.
 
Cô Ðượm và Tuấn- con của bà- đem tụi con đi trên những con đường đất ướt trơn trợt bùn, con đường nhỏ bé bề ngang bằng một bàn chân đàn ông nên con không dám mang giày. Tuấn nói con tháo giầy để cậu ấy cầm hộ cho. Loay hoay thế nào mà cậu lại làm rớt một chiếc xuống nước. Thằng Huy vội vàng vói mình vớt chiếc giày lên. Con xắn quần lên tới đầu gối. Lan cũng vậy. Ði ngang đi dọc một hồi trong ruộng lúa dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè xứ Huế, phía sau cổ con rát rạt. Mấy đứa cháu cũng mồ hôi, mồ kê nhễ nhại. Bỗng tụi con đứng khựng lại khi thấy phải băng qua một ao nước mà khúc sắt tròn bắt ngang được Tuấn và cô Ðượm gọi là "cây cầu" Con lắc đầu nói với Tuấn:"chị không qua được mô!" răng mà đi cho được!". Cô nói nhìn cô đi nè. Cô nói xong thoăn thoắt bước gọn bơ. Mấy đứa cháu cũng ráng bặm môi đi qua được vài đứa. Lan và con chỉ nhìn một cách e ngại. Tuấn vội đi tìm cây sào để con chống. Con vịn tay vào cây sào đi ngang từng bước một vậy mà một chút xíu nữa con đã lọt xuống nước rồi.
 
Ði thật sâu, qua đồi, xuống dốc cheo leo mới gặp được mộ ba. Mạ ơi! mộ của ba không có một tấm bia! Con nhìn mộ mà ruột con như bị ai rứt đi từng đoạn. Cỏ mọc thật dầy trên mộ. Con hỏi cô bộ không ai dãy cỏ hay sao? cô nói nếu mộ chưa xây xi măng chung quanh thì không nên nhổ cỏ vì nếu nhổ cỏ đất sẽ chài đi hết. Con quỳ trước mộ ba với một niềm hối hận vô biên. Mạ ơi! vì chiến cuộc bất công đã làm cho thân con phải viễn xứ nên không được ở gần ba mạ, săn sóc an ủi ba những ngày cuối của cuộc đời. Ba đã chết đi trong cô đơn, tủi nhục. Con nghe chú Thể nói ba đau cũng vài ngày rồi, nhưng một bữa nọ, ba thấy trong mình khỏe một chút nên đi ra chợ chơi thì bỗng nhiên bệnh trở lại, ba không đi về được nữa, nhắn người nhà ra gánh ba về, từ đó ba nằm liệt giường vì bệnh dịch tả cho đến ngày ba mất. Ðó là những năm khi Việt Cộng mới vào nên nhà nào cũng đói, nhà nào cũng khổ. Của cải trong nhà Từ Ðường cũng lần lượt đem bán cho nên con hình dung được cái cảnh tủi cực của ba trong những ngày nằm chờ chết. Tánh ba cứng rắn, tự ái cao nên sau khi bỏ mạ và anh đi về sống ở đây, ba đã thề không bao giờ nhắc đến tên con cháu vì vậy không một người nào biết mạ và anh ở đâu để mà liên lạc. Cháu Hùng thương ông nội quá nên nằm vực xuống đất mà khóc. Một người đàn ông chăn vịt đang ngồi gần chiếc mộ bên cạnh nhìn đám cô cháu con khóc, ông cũng rơm rớm nước mắt nói:"ôn ni khí khái lắm, tui biết ôn rõ lắm, ai mà nói ngứa tai là ôn nạt liền". Huy cũng kể với con là mỗi lần ba bực mình điều gì là ba chửi bọn CS tán loạn lên bằng tiếng Tây, chả ai dám làm gì ba hết.
 
Nắng bây chừ như nung lửa, con không đành lòng rời mộ ba, nhưng cô Ðượm và Tuấn nói đi qua bên kia thăm mộ ông nội và ông cố của con. Trên mộ ông cố có ghi tên người cháu đích tôn là tên của ba. Nhìn thấy tên ba trên bia ông cố thì con chắc chắn rằng con không thể nào dời mộ ba đi được. Ba đã nhất quyết sống chết gì cũng về ở Từ Ðường, chết ở Từ Ðường giữa những người thân yêu ruột thịt của ba, ông cố, bà cố, ông nội, bà nội ...nếu con đêm ba vô nam chắc chắn ba sẽ không bằng lòng. Anh Quang! em không làm được điều này. Các cháu cũng đồng ý với con để ba an giấc yên ổn trong cái làng nhỏ bé nhưng thân thương của ba. Khi về lại nhà Tuấn, con đưa thêm một ít tiền nữa để Tuấn có thể lo liệu một tấm bia, nhang khói đầy đủ cho đến khi con gởi tiền cho các cháu ra đây một ngày rất gần để xây mộ ba lại đàng hoàng.
 
Mạ ơi! từ bữa về thăm mộ ba và anh Quang cho đến nay lòng con lúc nào cũng đau như muối xát. Con cứ ân hận một điều tại sao con lại không về sớm hơn, chỉ cần vài tháng trước khi anh mất thôi để con có thể tạo cho anh một vài niềm vui nhỏ bé trước khi anh từ giã cõi đời. Ðám vườn cây có đủ thứ hoa anh chăm bón vẫn còn trông cậy bàn tay của anh mà. Con cứ cố gắng tưởng tượng để thấy anh hàng ngày lúi cúi trên những khóm hoa, bàn tay khéo léo của anh cắt cắt, tỉa tỉa như ba làm khi xưa. Ba con chim sáo treo dưới hàng hiên cũng buồn rầu từ khi anh mất. Cháu Hiển cúi mặt xuống nói:"mấy con chim hết hót từ ngày ba con mất cô à". Con chim cũng hết hót cũng như cháu Hiển hết cười đùa. Con kéo nó ngồi lại gần mà hình dung ra nét mặt của anh từ nét mặt của cháu. Hiển lấy tay vuốt tóc con chó đang nằm u buồn dưới chân nói tiếp:"con chó nó cũng nhớ ba đó cô, nó không chịu ăn nữa, chắc con cũng sợ nó chết thôi. Hôm bữa ba chết, nó nằm dưới giường ba không nhúc nhích". Con lấy tay vuốt vuốt tấm lưng của con vật trung thành, nước mắt con rơi xuống đầu làm nó phải lắc đầu lia lịa để vẩy nước. Con hay ra đứng đàng sau nhà nhìn cái buồng tắm mà thương anh Quang vô hạn. Anh lúc nào cũng thương yêu và săn sóc cho con như khi con còn nhỏ bé. Chị Quyên nói từ lúc nghe tin con sắp về, cái gì anh cũng biểu để dành cho con. Hái được đâu mấy ký tiêu, anh cũng bảo đừng ăn, đừng bán để đó cho cô nó. Mấy lon nước ngọt bằng yến anh không chịu uống nói để con uống cho bổ, giường nệm anh bảo phải dọn thật sạch sẽ để con nằm...nhất nhất cái gì cũng nói phải làm như thế nào để "cô mấy con vui". Anh thật là người anh tốt và là một người con chí hiếu. Việc ba bỏ về Huế đã làm cho anh buồn phiền không lúc nào khuây. Con không dám nói là lỗi của ai, nhưng con biết điều đó xảy ra ngoài ý muốn của anh. Có lẽ việc này đã làm cho anh thêm lao tâm mà mất sớm hơn chăng?! Các cháu đã kể lại mạ té và bệnh nằm liệt giường gần cả năm, anh một tay hầu hạ, tắm rửa, cơm nước không cho ai làm thế cả. Thỉnh thoảng chị Quyên thấy anh bận hay không có ở nhà mới lo cho mạ được mà thôi. Mạ lúc đó mới cảm thấy thương con dâu nhiều hơn vì đứa con gái bất hiếu xa nhà không một ngày hầu cơm nước mạ. Mạ hay kêu chị Quyên và hỏi:"Quyên ơi! mạ thương con dứt, con có thương mạ không?". Chị khóc và nói:"có, con thương mạ lắm". Mạ lại hỏì:"rứa thì con chỉ cho mạ coi cái chân mạ ở mô?" chị Quyên cầm tay mạ để mạ rờ vô nơi chân, rồi mạ lại hỏi:"rứa cái đầu của mạ ở mô?" chị lại cầm tay mạ để mạ rờ vô đầu mạ mới yên tâm. Sau một thời gian, sức mạ mòn, lực mạ cạn mạ hỏi anh chị con:"chừng mô con Thu hắn mới về? mạ sắp đi xa rồi mà hắn không biết hay răng?" Ngày mô mạ cũng hỏi những câu như vậy cho đến khi mạ nhắm mắt!
 
Trên đường ra Huế, con và tụi cháu đã dừng lại ở Tuy Hòa. Con muốn tìm lại những hình ảnh thân thương của thời thơ ấu. Nhưng tất cả chỉ là ảo vọng vì mạ ơi! thời thế đổi thay nên cảnh vật và người cũng thay đổi. Con đi đến khu xóm cũ của mình mà con không hề nhận ra đó là nơi mà con đã được ba mạ nuôi nấng từ lúc con còn thơ cho đến lúc nên người! Xóm cũ thay đổi mà người cũ cũng không còn ai ở đó nữa. Mấy đứa cháu vì sống ở đó một thời gian sau khi CS cưỡng chiếm miền nam nên tụi nó còn nhận ra được một vài nét. Tụi con đi vô sâu trong xóm, Lan nói:"nhà mình hồi trước ở đây nè cô!" con vội hỏi:"mô? mô?", nó chỉ vô một căn nhà không giống nhà mình một chút nào cả vì người ta đã phá nhà cũ của mình đi và xây lại hoàn toàn khác, các cháu nhận diện được là nhờ cây dừa đã sống mấy chục năm và cây mận bên cạnh hông nhà mình. Con ngậm ngùi rơi lệ, các cháu cũng bùi ngùi. Con lại vội vã giục tài xế chạy đi xuống những con đường dưới phố, đường Trần Hưng Ðạo với ngã năm mà khi xưa sao con nhớ nó đồ sộ và rộng lắm, khi đó con đập xe mỏi cẳng mới tới mà bây chừ nhìn thấy đường nhỏ xíu và chạy chỉ một chút là tới nơi!? Xe quành xuống khu chợ mới ngày xưa để con coi lại ngôi trường "Nguyễn Huệ mới". Không thấy gì gọi là giống ngôi trường đệ nhị cấp mình học khi xưa cả. Xe lại chạy ra đường số sáu , con đường tình sử của tuổi mộng mơ hồi đó có hai hàng thông cao vút không thấy ngọn bây giờ không còn một cây! Ngôi trường đệ nhất cấp cũng không có vẻ gì gọi là giống ngôi trường đã in sâu trong trí nhớ của con. Con thất vọng não nề! ôi! trường cũ còn đây mà bóng hình đã hoàn toàn thay đổi. Làng cũ, xóm xưa cũng tản mác đi những người thân. Về lại đây chỉ thấy não lòng khác nào "biển cả hóa nương dâu". Con vẫn còn luyến tiếc, bảo xe chạy xuống biển Tuy Hòa, may ra biển vẫn còn đó. Ðúng vậy! biển vẫn còn đó mà sao không giống một chút gì biển của những ngày tháng học trò. Biển hôm nay sao có vẻ vô duyên như một cô gái lỡ thì với gương mặt nhợt nhạt phấn son. Những cây thông mới trồng nhưng cũng không ngăn nổi sức nóng hừng hực của ánh nắng mặt trời tháng sáu. Con buồn bã quay lên xe. Không còn gì nữa! mất quê hương là mất tất cả. Mặc dù quê hương vẫn còn đó, nhưng quê hương đã bị giặc nhuộm đỏ khắp nơi nên những gì thân yêu cũng đã chết, không chết thì cũng bị què quặt, câm điếc.
 
Què quặt câm điếc cũng như đền đài lăng tẩm ở Huế. Nơi đây người ta đang cố tạo dựng, sơn son thếp vàng để câu ngoại tệ, để lòe du khách nhưng làm sao họ có thể che dấu, vá víu được những tàn phai, những thiếu hụt vật chất mà trong những năm đầu bọn CS vừa mới cưỡng chiếm chúng đã bòn rút, chia chác, cướp bóc những đồ vật quý giá của chốn đế đô.
 
Mạ ơi! con buồn bã tức giận khi thấy thành phố nào cũng đầy dẫy những nghĩa trang cho "liệt sĩ". Những "liệt sĩ" đã đóng góp sức lực để biến cả nước thành một nhà tù vĩ đại, biến cả quốc gia thân yêu của chúng ta trở lại vài thế kỷ trước! Những nhà ở ven thành phố Huế phải nấu nướng bằng rơm! Những cụ già, những em bé phải sống lang thang nơi đầu đường xó chợ để kiếm miếng cơm thừa, canh cặn. Con nhớ đến chú Thể -"32 năm cách mạng"- đã đi tập kết ra Bắc nay trở về dành được cái Từ Ðường lấy làm hãnh diện lắm. Nếu không có những kẻ đầy công "cách mạng" như chú thì có lẽ Từ Ðường được sạch sẽ hơn, to lớn hơn chớ có đâu bên ngoài chỉ là 4 bức tường, còn bên trong thì lèo tèo còn lại ba bát hương và mấy cái lục bình cũ kỹ?
 
Nếu không có những "liệt sĩ" và những người góp công cho "cách mạng" thì biết bao nhiêu người đã không phải bỏ xứ ra đi và có những kẻ như con đã không nhìn được mặt mạ, mặt ba và mặt của người anh độc nhất thân yêu.
 
Mạ ơi! biết rằng người chết sẽ không sống lại được, nhưng sao con vẫn quắt quay ước muốn xoay ngược thời gian cho con về gặp anh Quang để anh thực hiện được một trong những ước mơ sau cuối của đời anh là nhìn mặt đứa em gái bé bỏng của anh trước khi anh nhắm mắt lìa trần.
 
Thu Nga